Cơ cấu thu, chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 có nhiều chuyển biến tích cực

NDO -

“Công tác sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước đạt một số kết quả, thu từ cổ phần hóa, thoái vốn bám sát kế hoạch Quốc hội giao. Công tác huy động vốn vay, trả nợ và quản lý nợ công được thực hiện chặt chẽ, bám sát các Nghị quyết của Quốc hội. Cơ cấu thu, chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ bội chi giai đoạn 2016 - 2020 dưới 4%”. Đó là những điểm đáng chú ý trong Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội trong thời gian qua.

Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, sáng 6-11.
Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, sáng 6-11.

Sáng 6-11, trình bày báo cáo tổng hợp việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết, trong lĩnh vực tài chính, hệ thống pháp luật về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản công, vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, thị trường tài chính, thuế, quản lý nợ công được hoàn thiện.

Công tác sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước đạt một số kết quả, thu từ cổ phần hóa, thoái vốn bám sát kế hoạch Quốc hội giao. Thị trường tài chính tiếp tục có những bước phát triển tích cực, hoàn thành các mục tiêu và kế hoạch đề ra. Công tác huy động vốn vay, trả nợ và quản lý nợ công được thực hiện chặt chẽ, bám sát các nghị quyết của Quốc hội. Cơ cấu thu, chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ bội chi giai đoạn 2016-2020 dưới 4%.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn chưa đạt kế hoạch đề ra; còn tình trạng thất thu, trốn thuế, nợ đọng thuế; sử dụng vốn vay tại một số dự án chưa hiệu quả.

Đối với lĩnh vực Kế hoạch và Đầu tư, theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế đã đạt được nhiều kết quả thực chất hơn. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện rõ nét, doanh nghiệp thành lập mới tăng cả về số lượng và chất lượng. Phát triển đồng bộ các loại thị trường, kinh tế tư nhân từng bước trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đã thu hút được nhiều dự án đầu tư nước ngoài có tính lan tỏa, áp dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường.

Khung chính sách, pháp luật, kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động đầu tư công được hoàn thiện và nâng cao, giảm tình trạng đầu tư dàn trải, nợ đọng xây dựng cơ bản; giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 có nhiều điểm sáng. Ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đồng bằng sông Cửu Long. Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 đạt được những kết quả nổi bật, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng lưu ý, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa thực sự đi vào cuộc sống; tiến độ một số công trình trọng điểm quốc gia chưa đạt yêu cầu; giải ngân vốn đầu tư công giai đoạn 2016 – 2019, nhất là vốn ODA còn chậm.

Đối với lĩnh vực ngân hàng, chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá đã được điều hành chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, góp phần quan trọng vào việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu được triển khai mạnh mẽ; hoạt động thanh toán tiếp tục có bước phát triển với nhiều sản phẩm, tiện ích ngân hàng mới, hiện đại được áp dụng; dự trữ ngoại hối tăng.

Tuy nhiên, việc cơ cấu lại các ngân hàng mua bắt buộc, ngân hàng kiểm soát đặc biệt, ngân hàng yếu kém chưa đạt yêu cầu; nợ xấu chương trình cho vay theo Nghị định 67 vẫn gia tăng, các chính sách hỗ trợ chưa đồng bộ; quá trình xử lý nợ xấu có một số khó khăn, vướng mắc về khuôn khổ pháp lý.

Đặc biệt, trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Phó Thủ tướng cho biết các cơ quan liên quan đã chưa tổ chức biên soạn được một bộ sách giáo khoa lớp 1 đầy đủ các môn học theo NQ 88 của Quốc hội; một số sách giáo khoa như cuốn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều có nội dung chưa phù hợp, sai sót, cần phải chỉnh sửa bổ sung như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã phát biểu tại hội trường. Chưa có cơ chế chính sách phù hợp để thu hút giáo viên về công tác tại các địa bàn khó khăn, vùng sâu vùng xa. Công tác quản lý về dạy thêm, học thêm còn bất cập.

Trong lĩnh vực công thương, Quốc hội đặc biệt quan tâm tới, việc xử lý các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả. Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nêu rõ, ngành công thương đã từng bước phân nhóm các dự án để xác định phương án xử lý cụ thể, khả thi, dứt điểm, bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị và theo Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: xử lý trên  nguyên tắc đề cao tự chủ, tự quyết của doanh nghiệp, theo nguyên tắc, cơ chế thị trường, nhà nước không cấp thêm vốn vào dự án, hạn chế tối đa thiệt hại cho Nhà nước, quan tâm tới quyền của người lợi người lao động, an sinh - xã hội, môi trường và ổn định xã hội.

Phó Thủ tướng nêu thí dụ cụ thể: Một số dự án đã tìm được đối tác hợp tác đầu tư hoặc đang có nhà đầu tư quan tâm mua lại tiếp tục đầu tư, hiện đang thương thảo với nhà đầu tư vào các dự án như: Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ, Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 và Dự án Thép Việt Trung. Về Dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 có nhiều khó khăn, vướng mắc do có sai phạm trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng; cho đến nay đã hoàn thành xấp xỉ 86% khối lượng; Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo, giao nhiệm vụ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiếp tục triển khai, hoàn thành xây dựng nhà máy đưa vào vận hành trong năm 2021 - 2022 bảo đảm chất lượng và an toàn.

Phó Thủ tướng khẳng định, thời gian qua, Chính phủ, các Bộ, ngành đã nghiêm túc triển khai các Nghị quyết của Quốc hội và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều việc đã hoàn thành, cơ bản hoàn thành; một số việc mang tính chất thường xuyên, lâu dài, đang được triển khai tích cực và cũng có những việc triển khai còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra do có bất cập trong cơ chế, chính sách, việc triển khai chưa quyết liệt, chưa đồng bộ, thiếu nguồn lực cần thiết và cần có thời gian. Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nỗ lực hơn nữa, tiếp tục triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội trong thời gian tới, nhất là những nội dung còn hạn chế, yếu kém.

* Theo đánh giá của Chính phủ,  một số công trình giao thông trọng điểm vẫn còn chậm tiến độ; việc đầu tư, xây dựng phát triển vận tải công cộng chưa đáp ứng nhu cầu; tiến độ triển khai thu phí tự động không dừng chậm hai năm so với Nghị quyết của Quốc hội; tình hình trật tự an toàn giao thông còn diễn biến phức tạp, còn một số địa phương chưa hoàn thành mục tiêu giảm tai nạn giao thông trên cả ba tiêu chí.

* Chất lượng công tác lập, phê duyệt quy hoạch đô thị còn hạn chế; năng lực đội ngũ cán bộ thực thi còn yếu; cơ cấu hàng hóa bất động sản nhất là nhà ở tại các thành phố lớn chưa đáp ứng nhu cầu thị trường, phát triển nhà ở xã hội còn hạn chế; hệ thống pháp luật liên quan đến một số loại hình bất động sản mới (condotel, officetel,…) chưa đồng bộ.

* Tình trạng ô nhiễm môi trường tại các đô thị, các khu, cụm công nghiệp, làng nghề, nhất là tại các lưu vực sông, kênh, mương còn chậm được xử lý; ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh còn diễn biến phức tạp. Công tác quản lý khai thác tài nguyên, khoáng sản, đất đai ở một số nơi hiệu quả chưa cao; vẫn còn tình trạng khai thác trái phép cát, sỏi lòng sông.

Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV