Chuyển hướng sản xuất và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản

Diễn biến phức tạp của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút corona (Covid-19) gây ra đã ảnh hưởng đến một số ngành hàng nông sản của nước ta. Tuy nhiên, trong quá trình vượt khó cũng xuất hiện những cơ hội cho mỗi ngành hàng, nếu kịp thời thích ứng chuyển đổi phương thức sản xuất và kinh doanh.

Sản xuất và tiêu thụ thanh long tại Long An đang gặp khó khăn do Covid-19. Ảnh: THANH PHONG
Sản xuất và tiêu thụ thanh long tại Long An đang gặp khó khăn do Covid-19. Ảnh: THANH PHONG

Tăng khả năng thích ứng

Rau quả là một trong những mặt hàng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ khi dịch bệnh xảy ra, do lượng hàng chủ yếu xuất khẩu tươi và thị trường xuất khẩu lớn nhất là Trung Quốc. Trong đó, hai mặt hàng có nguy cơ ùn ứ cao là thanh long và dưa hấu. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), riêng thanh long, tại tỉnh Long An từ nay đến ngày 28-2 sẽ thu hoạch khoảng 54 nghìn tấn. Ðầu tháng 3, tỉnh Tiền Giang thu hoạch khoảng 10 nghìn tấn, Bình Thuận khoảng 100 nghìn tấn. Hầu hết các sản phẩm này đều xuất khẩu tươi chưa qua chế biến.Trước tình hình đó, hiện nay các địa phương đã hướng dẫn người dân chủ động trong điều chỉnh kế hoạch sản xuất, hạn chế hoặc ngừng hẳn sản xuất trái mùa. Cùng với đó là đẩy mạnh khâu chế biến, huy động các nhà máy chế biến trên địa bàn và các tỉnh lân cận cùng vào cuộc để hạn chế tồn ứ sản phẩm. Các tỉnh đang khẩn trương phối hợp các siêu thị, cửa hàng trong nước để đưa hàng vào bán nhằm giảm áp lực tiêu thụ. Riêng nhóm hàng dưa hấu, Bộ NN và PTNT đề nghị nông dân và các địa phương hạn chế xuống giống, chuyển qua cây trồng khác như: đậu tương, ngô, rau…

Ðối với lĩnh vực thủy sản, do dịch cúm, nhiều nhà nhập khẩu Trung Quốc đã thông báo cho doanh nghiệp Việt Nam tạm dừng giao hàng, có thể phải đến 16-2 mới bắt đầu nhận hàng hoặc đến khi có thông báo bình thường hóa các hoạt động từ Chính phủ Trung Quốc. Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam Nguyễn Hoài Nam cho biết: Khó khăn trước mắt là một số hãng tàu biển lớn ngừng nhận các công-ten-nơ hàng chở đi Trung Quốc. Tuy nhiên, trong rủi ro, ngành thủy sản cũng có một số cơ hội nếu biết nhanh chóng nắm bắt. Thứ nhất là chuẩn bị hàng đồ hộp, đông lạnh cho nhu cầu sau dịch bệnh, vì tâm lý người dân lúc đó còn e ngại đồ tươi sống. Thứ hai, mặt hàng cá ngừ của Việt Nam cũng có cơ hội vươn lên chiếm lĩnh thị trường.

Cùng với thủy sản, ngành lâm sản cũng đang nhìn thấy cơ hội của mình, như nhận định của nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Nguyễn Tôn Quyền: Do ảnh hưởng của dịch cúm, những lô hàng xuất khẩu dăm gỗ sang Trung Quốc ngay lập tức giảm mạnh, nhưng đây có thể sẽ là cơ hội cho ngành chế biến, xuất khẩu gỗ chuyển hướng, từ xuất khẩu dăm gỗ mang lại giá trị không cao, không phát triển bền vững vốn rừng sang sản xuất ván nhân tạo, MDF, tạo ra giá trị gia tăng cao. Hiện nay nhiều doanh nghiệp chuyên làm dăm xuất khẩu đã mua thiết bị sản xuất gỗ ván ép, gỗ nhiên liệu.

Chung tay tháo gỡ khó khăn

Những năm qua, mặc dù đã có nhiều nỗ lực để chuyển đổi xuất khẩu sang hình thức chính ngạch nhưng cho tới nay, xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân tại các chợ biên giới vẫn là phương thức xuất khẩu chủ yếu đối với một số chủng loại nông sản của nước ta; việc kéo dài thời gian đóng cửa các chợ biên giới và tiếp tục tạm dừng hoạt động trao đổi hàng hóa cư dân biên giới từ phía Trung Quốc đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới xuất khẩu nông sản. Theo thông tin từ Bộ Công thương, chính quyền tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) đã quyết định kéo dài thời gian tạm dừng hoạt động của các chợ biên giới và tiếp tục tạm dừng hoạt động trao đổi hàng hóa cư dân biên giới, trước mắt là tới cuối tháng 2-2020. Về phía chính quyền tỉnh Vân Nam, hiện chưa có thông tin chính thức nhưng trước diễn biến phức tạp của dịch, nhiều khả năng cũng sẽ đưa ra quyết định tương tự.

Trước những khó khăn nêu trên, không chỉ các ngành hàng riêng lẻ có sự nỗ lực chuyển hướng mà nhiều bộ, ngành liên quan đang cùng chung tay để tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực nông nghiệp. Cụ thể, để hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở áp dụng các biện pháp chuyển đổi từ đưa hàng lên biên giới sang hình thức xuất khẩu chính ngạch như thay đổi bao bì, nhãn mác hàng hóa, dán tem truy xuất nguồn gốc…, Bộ Công thương sẽ chỉ đạo các phòng giấy phép của bộ tại các địa phương ưu tiên cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) cho những lô hàng sẵn sàng chuyển sang hình thức xuất khẩu chính ngạch. Ngoài ra, bộ sẽ tiếp tục các nỗ lực để tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, trong đó có việc chỉ đạo toàn bộ hệ thống thương vụ và tham tán nông nghiệp tại nước ngoài tham gia tìm kiếm và giới thiệu khách hàng mới, góp phần thúc đẩy chuyển hướng tiêu thụ nông sản trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp logistics, nhất là những doanh nghiệp có kho lạnh cũng tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh nông sản thông qua việc ưu tiên bảo quản các mặt hàng đang gặp khó khăn trong việc xuất khẩu sang Trung Quốc và giảm chi phí lưu kho, lưu bãi, giảm phí vận chuyển, bốc xếp hàng hóa để hỗ trợ cho nông dân.