Chung tay gìn giữ chủ quyền vùng trời Tổ quốc

Đúng 0 giờ (giờ quốc tế) ngày này cách đây 25 năm (8-12-1994), Trung tâm kiểm soát đường dài (ACC) Hồ Chí Minh chính thức điều hành, cung cấp các dịch vụ không lưu toàn bộ hoạt động bay dân dụng phần phía nam Vùng thông báo bay (FIR) Hồ Chí Minh. Từ dấu ấn lịch sử này của ngành hàng không, đã mở ra cơ hội để Việt Nam làm chủ những công nghệ hiện đại, xây dựng lĩnh vực quản lý bay phát triển vượt bậc ngày nay.

Trang thiết bị điều hành bay của Trung tâm kiểm soát Tiếp cận tại sân của sân bay Nội Bài (thuộc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam - VATM) được đầu tư hiện đại, đồng bộ ở mức tiên tiến trên thế giới.
Trang thiết bị điều hành bay của Trung tâm kiểm soát Tiếp cận tại sân của sân bay Nội Bài (thuộc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam - VATM) được đầu tư hiện đại, đồng bộ ở mức tiên tiến trên thế giới.

Hành trình 18 năm

Ngày 19-4-1993, Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) mở Hội nghị không vận khu vực châu Á - Thái Bình Dương lần thứ ba (RAN-3) tại Băng-cốc (Thái-lan), họp liên tục trong 19 ngày. Ðây được coi là một trong những cuộc đấu tranh ngoại giao cam go nhất trong lịch sử ngành hàng không Việt Nam. Ðoàn Việt Nam gồm nhiều chuyên gia dày dạn kinh nghiệm chuyên môn và ngoại giao, do Cục trưởng Hàng không dân dụng Nguyễn Hồng Nhị làm trưởng đoàn. "Trước khi sang Băng-cốc, các thành viên trong đoàn đều xác định bước vào một cuộc chiến cân não thật sự, mục tiêu cao nhất là giành lại quyền điều hành FIR Hồ Chí Minh, khẳng định độc lập, chủ quyền của đất nước", Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) Phạm Việt Dũng, lúc đó là cán bộ Cục Hàng không dân dụng, giữ vai trò thư ký đoàn, một trong 18 thành viên chính thức tham dự RAN-3, nhớ lại.

Cần phải nói thêm về lịch sử của FIR (Flight Information Region) Hồ Chí Minh. Năm 1973, trong Hội nghị RAN-1 tại Hô-nô-lu-lu (Ha-oai, Hoa Kỳ), FIR Sài Gòn (tên gọi cũ) có diện tích khoảng 918 nghìn km2 duy trì đến ngày 28-4-1975. Ðứng trước sự sụp đổ của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, lo ngại giao lưu hàng không khu vực bế tắc khi miền nam giải phóng, ICAO đã phân chia FIR Sài Gòn thành ba vùng trách nhiệm tạm thời (AOR), giao cho 3ACC Băng-cốc, Xin-ga-po và Hồng Công (lúc đó thuộc sự quản lý của Anh) điều hành; phần còn lại do ACC Hồ Chí Minh đảm nhiệm. Ðấu tranh giành lại quyền điều hành FIR Hồ Chí Minh đã được chúng ta tiến hành ngay sau giải phóng miền nam, sử dụng tích cực tất cả các kênh ngoại giao, tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế. Giai đoạn này, đất nước ta đứng trước muôn vàn khó khăn khi vòng vây cấm vận của Mỹ siết chặt. Một số thiết bị kỹ thuật quản lý bay "chiến lợi phẩm" thu được sau giải phóng đã hư hỏng, không có vật tư, phụ tùng thay thế. Trong hoàn cảnh đó, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế càng cần thiết hơn bao giờ hết. Cuối năm 1977, tiến sĩ A.Cô-tai-tê (Assad Kotaite), Chủ tịch Hội đồng ICAO đã cam kết tạo điều kiện, hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam mua thiết bị chuyên ngành gần bốn triệu USD nhằm khôi phục FIR Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, do năng lực quản lý, trình độ chuyên môn kỹ thuật, ngoại ngữ, sự hiểu biết các quy tắc, tiêu chuẩn quốc tế còn hạn chế, đến năm 1982, mục tiêu giành lại FIR Hồ Chí Minh vẫn chưa thể thực hiện được. Tại hội nghị RAN 2 (năm 1983), trước áp lực của một số nước yêu cầu sáp nhập một phần lớn FIR Hồ Chí Minh vào FIR của họ, chúng ta đã thành công khi đấu tranh, bảo vệ nguyên trạng các vùng trách nhiệm lâm thời mà ICAO đã xác lập vào tháng 4-1975.

Hội nghị RAN-3 sau đó 10 năm được xác định là thời điểm chín muồi để Việt Nam giành lại quyền điều hành FIR Hồ Chí Minh. Những cán bộ lâu năm ngành hàng không đều thừa nhận Hội nghị RAN-3 diễn biến rất căng thẳng và phức tạp, chủ yếu tập trung vào vấn đề không phận trên vùng Biển Ðông. Sau nhiều ngày thảo luận, RAN-3 đã hình thành ba xu hướng: Duy trì kế hoạch tạm thời như hiện tại; hoạch định lại ranh giới FIR Hồ Chí Minh; hủy bỏ kế hoạch tạm thời, tái hoạt động FIR Hồ Chí Minh. Trong đó, xu hướng quan trọng nhất là hủy bỏ kế hoạch tạm thời, tái hoạt động FIR Hồ Chí Minh, nhưng trong số 40 đoàn, chỉ chưa đến 10 đoàn (kể cả Việt Nam) đồng ý xu hướng này. Các nước đang quản lý vùng trách nhiệm tạm thời không muốn trao trả lại Việt Nam, viện nhiều lý do trì hoãn, nguy cơ vùng trách nhiệm tạm thời có thể tiếp tục kéo dài. Nếu không giành được quyền điều hành FIR Hồ Chí Minh lần này, chúng ta phải chờ đợi thêm 10 năm. Tại hội nghị, đoàn Việt Nam vừa kiên trì, mềm dẻo thuyết phục, vừa giữ vững lập trường nguyên tắc, tôn trọng luật pháp và thông lệ quốc tế, tuyên bố: Sáu lĩnh vực ICAO yêu cầu (về quản lý không lưu, dẫn đường, thông tin, giám sát hàng không,…), Việt Nam đều đáp ứng đầy đủ và đạt chất lượng cao. RAN-3 đã đi đến nhất trí ra Nghị quyết trình Hội đồng ICAO phê chuẩn: "Việt Nam chính thức tiếp nhận và điều hành phần phía nam FIR Hồ Chí Minh sau một năm kể từ khi có phê chuẩn của Hội đồng ICAO…". Ðể giành được thắng lợi quan trọng này, chúng ta đã phải trải qua hành trình hơn 18 năm với đường đi, nước bước được vạch ra hết sức cụ thể, chi tiết.

Công phu và kiên trì

Có nhiều kỷ niệm mà các thành viên đoàn Việt Nam tham dự RAN-3 còn nhớ rõ. Ông Phạm Việt Dũng kể lại, nhiều phiên họp quá căng thẳng, trưởng đoàn Nguyễn Hồng Nhị ra ngoài "đốt" thuốc lá liên tục. Trong ba tuần ròng rã, từng phiên họp mỗi ngày được ví như từng trận đánh "căng như dây đàn". Các thành viên quốc tế tham gia RAN-3 hết sức ấn tượng với bà Tôn Nữ Thị Ninh, nhà ngoại giao kỳ cựu, giữ vai trò chuyên gia ngôn ngữ của đoàn, với tinh thần cương quyết, khôn khéo, sử dụng nhuần nhuyễn, triệt để những lợi thế của phía Việt Nam, đã góp phần đem lại thắng lợi cho đoàn trong quá trình đàm phán.

Trong căn nhà nhỏ nép mình dưới tán lá xanh um, câu chuyện đấu tranh khôi phục FIR Hồ Chí Minh 25 năm trước vẫn còn tươi nguyên trong ký ức của Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới Trần Xuân Mùi, nguyên Tổng Giám đốc Trung tâm Quản lý bay Việt Nam (nay là VATM). Ðầu những năm 90 của thế kỷ trước, nền kinh tế nước ta còn vô vàn khó khăn. Ðể giành lại FIR Hồ Chí Minh, ngành hàng không bắt buộc phải đầu tư hệ thống ra-đa hiện đại, nhưng vấp ngay vấn đề đầu tiên: Tiền đâu? Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt lập tức phê duyệt phương án cho ngành hàng không được giữ lại toàn bộ số tiền thu được từ điều hành một số đường bay trong ba năm (được hơn tám triệu USD) để đầu tư xây dựng hai trung tâm ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, chuyển điều hành bay từ phương thức cổ điển sang hiện đại (nói và nghe qua vệ tinh). Tuy nhiên, với kinh nghiệm gần 40 năm lái máy bay (trong đó có gần 10 năm lái chuyên cơ), ông Mùi hiểu rằng, phải đầu tư hệ thống ra-đa hiện đại, điều hành bay bằng phương pháp "nói - nghe - giám sát", Việt Nam mới đủ điều kiện bảo đảm bay an toàn. Không có hệ thống này, Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) không công nhận Việt Nam đạt quản lý bay an toàn, chúng ta không đủ căn cứ để đấu tranh khôi phục FIR. Ông đã cùng tập thể Trung tâm Quản lý bay mạnh dạn đề xuất đầu tư năm tổ hợp ra-đa giám sát hiện đại nhất thế giới lúc bấy giờ, giám sát cả Ðường dài (khoảng cách 450 km) và Tại sân (160 km), tổng mức gần 40 triệu USD của hãng Thomson - CSF (Pháp). Ngay tại RAN-3, Tổng cục trưởng Hàng không Pháp phát biểu đầy sức nặng: Việt Nam đã mua năm tổ hợp ra-đa giám sát hàng không hiện đại nhất thế giới, đủ năng lực quản lý, điều hành FIR Hồ Chí Minh.

Cùng với công sức, trí tuệ của tập thể đoàn đàm phán và sự đầu tư, chuẩn bị công phu, bài bản, RAN-3 đã nhất trí và ra Nghị quyết trình Hội đồng ICAO phê chuẩn, giao Việt Nam tiếp nhận và điều hành FIR Hồ Chí Minh. Ông đã chỉ đạo nghiên cứu, lắp đặt các trạm ra-đa Ðường dài lên đỉnh núi Vũng Chua (Quy Nhơn, Bình Ðịnh) và Sơn Trà (Ðà Nẵng), tăng năng lực giám sát bay lên hàng trăm km. Trong hoàn cảnh thời gian gấp rút, chuẩn bị điều hành theo phương pháp mới, bảo đảm tuyệt đối an toàn, đáp ứng các tiêu chí yêu cầu của RAN-3 và ICAO, các thiết bị ra-đa nặng hàng trăm tấn được di chuyển thần tốc hàng cây số từ cảng lên núi cao. Ðồng thời, ông quyết định đưa đội ngũ kiểm soát viên không lưu của ACC Hồ Chí Minh sang huấn luyện ở Trung tâm Ðiều hành bay Băng-cốc (Thái-lan), lúc đó đang giữ trách nhiệm điều hành FIR Hồ Chí Minh. Nhờ vậy, khi chính thức tiếp nhận FIR Hồ Chí Minh, các kiểm soát viên không lưu của ta đã khiến đồng nghiệp ở các FIR kế cận ngợi khen, nể phục về bản lĩnh và trình độ. Tiến sĩ không lưu Nguyễn Ðình Công, Phó Tổng Giám đốc VATM đánh giá, quyết định của ông Mùi lúc đó hết sức đúng đắn và phù hợp thực tế. Phải được đào tạo, huấn luyện bài bản mới đủ năng lực, kinh nghiệm điều hành vững vàng FIR Hồ Chí Minh. Tại hội nghị phối hợp về kiểm soát không lưu trong FIR Hồ Chí Minh do ICAO tổ chức từ ngày 21 đến 23-9-1994 tại TP Hồ Chí Minh, ông Mùi là trưởng đoàn Việt Nam đã đề nghị các đại biểu tham quan trực tiếp ACC Hồ Chí Minh, đánh giá hệ thống và trình độ điều hành của Việt Nam. Quá ngỡ ngàng, trưởng đoàn ICAO đã đánh giá, trang thiết bị ra-đa của FIR Hồ Chí Minh thuộc loại hiện đại số 1 của hàng không thế giới. Ngay trong đêm đó, đại diện ICAO ký văn bản, chính thức bàn giao FIR Hồ Chí Minh cho Việt Nam tiếp nhận từ 0 giờ ngày 7-12-1994 (nhân kỷ niệm 50 năm ICAO), nhưng để văn bản thông báo đến toàn thế giới phải mất thêm 1 ngày, nên ngày chính thức điều hành FIR Hồ Chí Minh của Việt Nam vào 0 giờ ngày 8-12.

Hiện, quy mô cung cấp dịch vụ quản lý bay của Việt Nam được thực hiện trên diện tích lên tới gần 1,2 triệu km2, phạm vi trải rộng tại 28 tỉnh, thành phố, trực tiếp cung cấp các dịch vụ bảo đảm hoạt động trên 31 đường bay nội địa và 36 đường bay quốc tế. Ðặc biệt, phía nam FIR Hồ Chí Minh là vùng trời rộng lớn với nhiều tiềm năng kinh tế, diện tích khoảng 918 nghìn km2, trải rộng hơn một nửa chiều dài đất nước, từ Quảng Trị cho đến mũi Cà Mau, tầm vươn ra biển hơn 500 km. Hiện, trong FIR Hồ Chí Minh, ngành hàng không có 21 đường bay quốc tế và 21 đường bay nội địa, đồng thời còn nằm trong giao điểm với 20 đường bay qua các nước trong khu vực. Ðể minh họa cho sự phát triển thần tốc của ngành hàng không, chỉ cần nêu vài số liệu thống kê: Trung bình mỗi ngày, FIR Hồ Chí Minh có hơn 2.000 chuyến bay đi/đến và quá cảnh qua vùng trời Việt Nam. Năm 1993, một năm Việt Nam điều hành 130 nghìn chuyến bay, đến năm 2019, đã tăng lên một triệu chuyến và hứa hẹn còn tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới. Ðây chính là "quả ngọt" của quá trình đấu tranh bền bỉ và việc giành lại FIR Hồ Chí Minh là mốc son chói sáng để hôm nay có những cánh bay không mỏi trên bầu trời rộng mở.

VATM điều hành an toàn 900 nghìn chuyến bay

Ngày 7-12, tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài (Hà Nội), chuyến bay mang số hiệu VN216 của Hãng hàng không Vietnam Airlines cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất đến Nội Bài lúc 9 giờ 10 phút ngày 7-12 đánh dấu sự kiện điều hành chuyến bay thứ 900 nghìn trong năm 2019 của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM). Dịp này, ngành hàng không Việt Nam kỷ niệm 25 năm sự kiện được Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) trao lại quyền điều hành phần phía nam Vùng thông báo bay (FIR) Hồ Chí Minh kể từ 0 giờ (giờ quốc tế) ngày 8-12-1994. Năm 2019, VATM điều hành bay an toàn ước đạt 963 nghìn chuyến, tăng 7% so thực hiện năm 2018; nộp ngân sách nhà nước hơn 3.000 tỷ đồng, tăng 3,13% so năm 2018. Trong 25 năm qua, VATM đã điều hành an toàn hơn 9,5 triệu chuyến bay, trong đó 5,7 triệu lần/chuyến bay hoạt động trong FIR Hồ Chí Minh.

PV