Chú trọng phát triển đô thị vừa và nhỏ

Bài 3: Cần sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành

Bản thân các đô thị lớn đều đã được định hướng trong quy hoạch vùng đô thị,  không đứng một mình mà nằm trong một hệ thống đô thị với các đô thị vừa và nhỏ, có sự liên kết chặt chẽ, chia sẻ với nhau về mặt chức năng, đồng thời hỗ trợ nhau cùng phát triển.

TP Hải Phòng ngày càng khang trang, hiện đại.
TP Hải Phòng ngày càng khang trang, hiện đại.

Ðây là mục tiêu của quy hoạch, cho nên nếu chú trọng phát triển các đô thị vừa và nhỏ sẽ thúc đẩy, tạo công ăn việc làm tại chỗ, tránh hiện tượng di dân tự do. Và để hoàn thành mục tiêu này, cần sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, cũng như những chính sách cởi mở, mạnh dạn, từ đó giúp phát triển hệ thống đô thị bền vững hơn.

Phát triển đô thị thực chất hơn

Trong bối cảnh phát triển hiện nay, hệ thống đô thị có sức cạnh tranh sẽ góp phần quan trọng củng cố vị thế quốc gia. Ðể có hệ thống đô thị cạnh tranh, các đô thị không nên phát triển theo kiểu dàn hàng ngang mà cần hợp tác và tập trung vào thực chất, gắn kết nhu cầu phát triển đô thị với nhu cầu phát triển chuỗi giá trị, chuỗi kinh tế, nâng cao giá trị, vị thế và khả năng tự vận hành và tự phục hồi.

Một trong những yếu tố quan trọng trong việc tạo dựng đô thị là nguồn lực về đất đai. Thời gian gần đây, hiệu quả sử dụng nguồn lực đất đai từng bước được cải thiện. Nhiều địa phương mạnh dạn thu hồi các dự án cấp trước đây nhưng quá hạn không triển khai để đem ra đấu giá, góp phần đem lại hiệu quả rõ rệt hơn cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, số lượng những dự án hiệu quả chưa nhiều, do đó cần rà soát để có đánh giá tổng thể các dự án đã, đang và sẽ triển khai trong việc sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai. Tăng cường công tác đấu giá quyền sử dụng đất đi đôi với việc công khai, minh bạch quá trình thực hiện. Ðã đến lúc cần nghiên cứu kinh nghiệm quản lý ở các nước trong việc thành lập một đầu mối quản lý nguồn lực đất đai thông qua các dự án, trong đó thành lập đơn vị hoặc tập đoàn chuyên quản lý nguồn lực đất đai trong phát triển đô thị.

Nhiều nước trên thế giới như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Xin-ga-po... đã hình thành một tập đoàn nhà nước để quản lý đất đai phát triển hạ tầng, xã hội, đô thị. Trong bối cảnh hiện nay của nước ta, trong điều kiện nguồn lực còn hạn hẹp, cần nghiên cứu, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của các trung tâm quỹ đất tại các địa phương. Hiện tại, để nâng cao, bảo đảm yêu cầu sử dụng hiệu quả quỹ đất, điều tiết thị trường, các đơn vị này khó có khả năng huy động vốn để thực hiện các dự án, trong khi các doanh nghiệp nhà nước có đủ công cụ, vai trò, tư duy trong việc thu hút nguồn lực phát triển quỹ đất. Ðơn cử, nếu nhà nước cần 10 ha tại một khu vực, đơn vị doanh nghiệp này có thể thu hút vốn thông qua các kênh ngân hàng, phát hành trái phiếu, lập và triển khai kế hoạch với cơ chế công khai, minh bạch khi Nhà nước trả công bằng cho doanh nghiệp một phần diện tích trong khu quy hoạch đó. Ðiều này vừa bảo đảm tính công khai, minh bạch vừa bảo đảm sự đồng bộ trong xây dựng kết cấu hạ tầng của khu vực. Nhà nước vừa có nguồn đất sạch, trong khi doanh nghiệp cũng được lợi, hạ tầng xã hội được bảo đảm, đồng bộ, Nhà nước tập trung siết quy hoạch sẽ tạo nên sự phát triển bền vững cho khu vực...

Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Ðỗ Viết Chiến, mô hình công ty nhà nước phát triển quỹ đất sạch đã làm thành công tại nhiều quốc gia. Quan trọng là chênh lệch địa tô Nhà nước sẽ được hưởng lợi nhiều hơn, từ đó có điều kiện tái đầu tư cho phát triển kinh tế, xã hội cũng như đô thị. Do đó, cần nghiên cứu kỹ kinh nghiệm của các nước, tránh kiểu học tập không đến nơi đến chốn, thành lập mô hình không hoàn chỉnh. Việc lựa chọn mô hình nào cho phù hợp với thực tế tại Việt Nam không đơn giản, nhưng phải tìm ra giải pháp và cần sự vào cuộc của các bộ, ban, ngành liên quan. Nếu xây dựng được những đơn vị này sẽ tạo ra nhiều nguồn lực, nhất là đối với các đô thị vừa và nhỏ, hạn chế tình trạng "bán lúa non" đất đai, ngân sách nhà nước không thu được thặng dư từ đất sau khi đã được đầu tư hạ tầng.

Ngoài ra, phát triển đô thị nhiều nơi vẫn chủ yếu bám dọc quốc lộ, bám vào hạ tầng khung hiện hữu... Do phát triển nóng, và không có tầm nhìn dài hạn, thiếu tính toán cho nên cũng không phát huy được nội lực và các nguồn lực có sẵn của đô thị, chưa thúc đẩy gia tăng giá trị của quỹ đất đô thị trong khi tiếp tục thâm dụng vào tài nguyên đất đai, kém hiệu quả trong đầu tư và tổ chức vận hành đô thị. Khi các đô thị vừa và nhỏ tiếp tục phát triển theo hướng này, sẽ khó thiết lập được động lực phát triển thực chất, từ đó khó phát huy vai trò san sẻ gánh nặng và cơ hội đối với các đô thị trung tâm và đô thị lớn, không thiết lập được mối quan hệ kết nối và liên kết chặt chẽ. Những đô thị lớn vốn thu hút được nhiều nguồn lực tiếp tục trở thành các cực hút và đẩy các đô thị vừa và nhỏ vào nguy cơ mất dần sức hút. Một số địa phương đã có cách làm mạnh dạn, "xé rào" như cho phép các đô thị vừa và nhỏ được giữ lại nguồn thu trên địa bàn để tái đầu tư phát triển, sau đó sẽ trả dần vào các năm tiếp theo. Ðây cũng là một cách làm mới, giúp các đô thị có thêm nguồn lực tự đứng vững và nuôi sống mình, trước khi có thể đóng góp hơn nữa trong phát triển kinh tế của địa phương.

Một lần nữa, liên kết giữa các động lực phát triển cần được nhấn mạnh với những lời giải thỏa đáng. Nhiều chuyên gia nhận định, trước hết phải có một quy hoạch tổng thể, thống nhất và dài hạn nhằm tạo sự cân bằng và bền vững trong phát triển. Tiếp đến là sự phối, kết hợp giữa các địa phương, ngành vì đây là các lĩnh vực liên quan đến tổng thể một vùng, hệ thống đô thị. Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính nhận xét, hiện nay, chúng ta đang triển khai quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng, trong đó có việc nghiên cứu, tích hợp tất cả các yếu tố, lĩnh vực như: nông nghiệp, công nghiệp, kinh tế - xã hội, đô thị - nông thôn, cấp điện, cấp thoát nước, môi trường... Do đó, việc thể hiện bản vẽ cho tất cả nội dung đó rất khó thực hiện hoặc không rõ ràng, dẫn đến chồng chéo, khó quản lý, chỉ đạo. Trước đây, Bộ Xây dựng làm quy hoạch xây dựng vùng và quy hoạch xây dựng vùng tỉnh đã thể hiện được những nội dung phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát huy hệ thống đô thị - nông thôn và hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Hệ thống quy hoạch này đã có tác dụng tốt và hiệu quả cho công tác quản lý và phát triển vùng, cũng như quản lý các địa phương thời gian qua. Nhưng với cách làm quy hoạch vùng và tỉnh hiện nay, thực tế đang gặp nhiều khó khăn, bất lợi và hiệu quả cũng như tính khả thi không cao.

Hợp tác cùng phát triển

Một trong những nhiệm vụ hàng đầu hiện nay cần tập trung là xây dựng và hoàn thiện các chính sách, quy định về quản lý phát triển đô thị, cần luật hóa công tác quản lý, phát triển đô thị. Trước mắt cần quan tâm cải cách thủ tục hành chính nhằm thu hút nguồn lực đầu tư của xã hội và có tính toán đến các xu hướng mới như phát triển tăng trưởng xanh, thông minh, ứng phó biến đổi khí hậu… Bên cạnh đó, cần hoàn thiện các chính sách nhằm phát huy nội lực và củng cố ngoại lực cho các đô thị và hệ thống đô thị. Về nội lực, cần tập trung xây dựng, củng cố giá trị của đô thị thông qua xác định vị thế, tiềm năng, cơ hội của đô thị trong chuỗi kinh tế, chuỗi giá trị liên vùng. Về ngoại lực, cần hình thành mối liên kết giữa các đô thị, nhất là giữa các đô thị vừa và nhỏ với đô thị lớn để san sẻ gánh nặng cho nhau, đồng thời chia sẻ cơ hội cùng phát triển. Ðơn cử như phát triển các đô thị vệ tinh, đây không đơn giản chỉ là một quyết định hành chính hay thực hiện một đồ án quy hoạch, mà là một chiến lược về phân phối nguồn lực và chia sẻ cơ hội giữa các khu vực đô thị. Do vậy, các đô thị vệ tinh cần phải thu hút được nguồn lực mạnh và củng cố được các giá trị gia tăng cho con người, tài chính và tài nguyên. Nói cách khác, các đô thị vệ tinh phải đủ hấp dẫn để "hút" và "giữ chân" người dân định cư, làm việc và cống hiến. Các đô thị này cần thiết lập mối kết nối tốt với các đô thị trung tâm, gắn với phát triển các khu công nghiệp, dịch vụ với hạ tầng dịch vụ đồng bộ, chất lượng. Ðặc biệt chú trọng phát triển các khu đô thị gắn với khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị đại học và các khu chức năng khác, trong đó phát triển nhà ở xã hội là một nội dung cần chú trọng để thu hút và giữ chân nguồn lao động dịch cư.

Thúc đẩy sự hợp tác cũng rất quan trọng trong quá trình xây dựng đô thị. TS Ðinh Thế Hiển cho rằng, để có thể phát triển các khu đô thị cần lưu ý hạn chế việc bồi thường, di dời, mà hãy để cho người dân tại khu vực đó tham gia vào quá trình xây dựng môi trường sống, làm việc của chính mình thông qua quá trình tự chỉnh trang, tất nhiên phải theo chuẩn của khu đô thị tương lai, còn chính quyền địa phương tập trung vào cung cấp các công trình công ích như: công viên, trường học, sân chơi... Nhà nước và người dân cùng làm, các đơn vị, nhà đầu tư lớn được khuyến khích tham gia trong một số phân khúc phù hợp và trong sự kiểm soát của Nhà nước. Phải làm sao để khoảng 50% dân số tại khu vực đó có thể ở lại và tự xây dựng, chỉnh trang đô thị theo quy hoạch. Ðồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu cũng cho rằng, Nhà nước không thể có đủ nguồn lực tài chính để đầu tư. Do vậy, trong việc điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP Hồ Chí Minh cần bảo đảm thực hiện phát triển các khu đô thị mới, khu dân cư mới kết hợp với chỉnh trang, tái phát triển đô thị đối với các khu vực đô thị hiện hữu. Tại một số đô thị vùng đồng bằng sông Hồng, sự chủ động hợp tác giữa các tỉnh như Hải Dương, Hưng Yên với các tỉnh, thành phố lớn trong vùng như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội đã tạo động lực phát triển các đô thị vừa và nhỏ của tỉnh, thông qua kết nối hạ tầng giao thông chính, các cầu vượt sông, qua đó tạo công ăn việc làm cho người dân mà không phải di cư.

Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính nhận định, chính đô thị vừa và nhỏ là trung tâm kinh tế, văn hóa của một vùng và chúng ta đang đánh giá thấp vai trò của nó. Thí dụ như TP Kon Tum (tỉnh Kon Tum) hiện là đô thị loại 3, nhưng có vị trí rất quan trọng, tập trung rất nhiều đường giao thông chiến lược, có cửa khẩu Bờ Y nằm ở ngã ba 3 nước Ðông Dương, án ngữ hành lang đường Hồ Chí Minh, có vị trí chiến lược về an ninh - quốc phòng nhưng không ai nhắc đến nó. Trong khi TP Pleiku của Gia Lai và TP Buôn Ma Thuột của Ðắk Lắk, cũng nằm trong vùng Tây Nguyên, là đô thị loại 1, do vậy phải xem xét, có chính sách nâng cấp TP Kon Tum nhằm tạo nên sự đồng đều trong phát triển cả vùng, góp phần chia sẻ gánh nặng cho các đô thị vùng, giảm bớt độ phụ thuộc, đồng thời là cơ hội bứt phá cho các đô thị nhỏ tiềm năng. Bên cạnh đó, cũng chủ động phân vai cho các đô thị nhằm hạn chế phân tán nguồn lực phát triển. Ðơn cử, có thể xây dựng một đô thị nhỏ tại khu vực huyện Sóc Sơn, Hà Nội với dân số hợp lý, chuyên phục vụ cho Sân bay quốc tế Nội Bài. Ðây sẽ là đô thị nhỏ để các cá nhân, tổ chức liên quan đến hoạt động tại sân bay có thể yên tâm làm việc, sinh sống mà không phải lo nghĩ đến việc di chuyển hằng ngày để đi làm, góp phần giảm tải cho các khu vực khác.

Ðể thực hiện thành công mục tiêu phát triển đô thị vừa và nhỏ, cần chủ động từ công tác quy hoạch, định hướng. Cục trưởng Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) Trần Quốc Thái phân tích, một hệ thống đô thị cạnh tranh là hệ thống đô thị có sự phân bổ năng lực, nguồn lực lẫn nhau một cách hợp lý, do vậy cần sự hợp tác cùng phát triển giữa các chính quyền đô thị của các tỉnh, thành phố. Ðô thị lớn cần chuyển đổi cơ cấu kinh tế để phân chức năng cho các đô thị vừa và nhỏ trong mạng lưới của mình. Chẳng hạn, các đô thị đầu tàu nên phát triển cơ cấu kinh tế dựa trên công nghệ cao, sáng tạo trong khi phân bổ cơ cấu kinh tế thu hút lao động phổ thông cho các đô thị vừa và nhỏ trong chuỗi của mình. Ðiều này có thể hạn chế luồng di cư từ các đô thị vừa và nhỏ đến đô thị lớn, trong khi củng cố giá trị và nội lực của từng đô thị trong hệ thống vững chắc hơn. Nhằm phân bổ hợp lý giữa hệ thống các đô thị, cần có quy hoạch tổng thể, định hướng chiến lược cũng như chương trình phát triển đô thị cụ thể theo giai đoạn, trong đó cần lưu ý khả năng kết nối, liên kết và xây dựng những cơ chế phối hợp hiệu quả. Cùng với đó, xây dựng kế hoạch phát triển đô thị nhằm phát huy hiệu quả cao nhất các nguồn lực, không dàn trải và phải tính toán đến những kịch bản về biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

  THỦY QUANG, VƯƠNG THỌ

(★) Xem Báo Nhân Dân số ra ngày 14, 15-4-2021.