Chọn nhà thầu tốt nhất làm cao tốc bắc - nam

NDO -

Dự án đầu tư đường cao tốc bắc - nam đang được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) ráo riết đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu để sớm khởi công trong tháng 9 tới và phấn đấu thi công bảo đảm tiến độ, chất lượng, hoàn thành theo đúng kế hoạch. Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu các đơn vị phải lựa chọn được các nhà thầu có năng lực tốt nhất về con người, thiết bị và tài chính, kinh nghiệm để thi công dự án.

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể thị sát cao tốc Cam Lộ - La Sơn.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể thị sát cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Đấu thầu khách quan, minh bạch

Hơn một tháng sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc chuyển đổi hình thức đầu tư ba trong số tám dự án PPP cao tốc bắc - nam (Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây), đến cuối tháng 7 vừa qua, Bộ GTVT đã hoàn thành công tác phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư và thiết kế kỹ thuật, dự toán các gói thầu của ba dự án.

Theo lộ trình, ngày 8-8 tới, Bộ GTVT sẽ phát hành hồ sơ mời thầu toàn bộ 13 gói thầu xây lắp của ba dự án cao tốc bắc - nam đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây. Để bảo đảm mục tiêu khởi công các dự án vào cuối tháng 9 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu các Ban Quản lý dự án và đơn vị liên quan tập trung tối đa nguồn lực, làm việc với trách nhiệm cao nhất nhằm rút ngắn thời gian đấu thầu.

“Công tác tổ chức đấu thầu phải được thực hiện khách quan, minh bạch, tuân thủ nghiêm các quy định về đấu thầu. Cần phải xác định chất lượng của công trình trọng điểm quốc gia này là ưu tiên số 1, vì thế đấu thầu phải tuyển chọn được các nhà thầu có năng lực tốt về tài chính, đội ngũ cán bộ, công nhân dày dạn kinh nghiệm thi công, với đầy đủ trang thiết bị”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo.

Ngoài nhà thầu xây lắp, công tác đấu thầu cũng phải lựa chọn được các nhà thầu tư vấn giám sát bảo đảm năng lực, trách nhiệm cao. Nhà thầu được lựa chọn phải đáp ứng được những giải pháp về công nghệ nhằm giám sát tiến độ dự án một cách chặt chẽ, đáp ứng mọi tiêu chuẩn về kỹ thuật và chất lượng.

 Đối với năm dự án đầu tư PPP (Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo), Bộ GTVT đã hoàn thành công tác sơ tuyển và phát hành hồ sơ mời thầu từ ngày 20-7, đến nay đã có 14 nhà đầu tư mua hồ sơ mời thầu của năm dự án, dự kiến đến tháng 12 tới sẽ hoàn thành việc lựa chọn nhà đầu tư để khởi công vào đầu năm 2021.

Bộ GTVT đang tập trung chỉ đạo các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án và các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn chỉnh các thủ tục để khởi công các dự án còn lại và triển khai thi công các dự án, cơ bản hoàn thành vào cuối năm 2022, riêng cầu Mỹ Thuận 2 phần cầu chính dây văng sẽ hoàn thành cuối năm 2023.

Phó Vụ trưởng Đối tác công - tư (PPP - Bộ GTVT) Bùi Quang Thái cho hay, sau khi mua hồ sơ mời thầu, các nhà đầu tư sẽ có 60 ngày để chuẩn bị hồ sơ dự thầu và nộp cho bên mời thầu. Ngày 20-9, dự kiến sẽ mở thầu, bên mời thầu sẽ đánh giá hồ sơ dự thầu theo quy định, trường hợp thuận lợi, đấu thầu thành công, Bộ GTVT sẽ đàm phán, ký hợp đồng với các nhà đầu tư vào tháng 12 để khởi công xây dựng đầu năm 2021, hoàn thành năm 2023.

Các nhà đầu tư tham dự đấu thầu đều đã được đánh giá về năng lực, kinh nghiệm trong bước sơ tuyển, nhưng Bộ GTVT vẫn tiếp tục cập nhật lại năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư trong giai đoạn đấu thầu.

Về tiêu chí đấu thầu, Bộ GTVT sử dụng phương pháp vốn góp của Nhà nước để đánh giá chọn nhà đầu tư. Nhà đầu tư trúng thầu phải đáp ứng các điều kiện về hồ sơ dự thầu hợp lệ, yêu cầu năng lực tài chính, kinh nghiệm, điểm kỹ thuật và đề xuất tài chính thấp nhất, tức là nhà đầu tư nào bỏ giá trị vốn góp của Nhà nước tham gia vào dự án ít nhất sẽ được xem xét lựa chọn.

Trong hồ sơ mời thầu năm dự án PPP, Bộ GTVT quy định rõ, kể từ khi ký hợp đồng dự án, nhà đầu tư có sáu tháng để huy động vốn tín dụng. Quá thời hạn trên, nếu không huy động được, Bộ GTVT sẽ hủy hợp đồng đã ký và tịch thu bảo lãnh hợp đồng của nhà đầu tư. Số tiền bảo lãnh được tính bằng 1-3% giá trị hợp đồng theo quy định của Luật Đấu thầu.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, quy định Bộ GTVT đưa ra trong hồ sơ mời thầu về việc hủy hợp đồng đã ký và tịch thu bảo lãnh trong thời gian sáu tháng nếu nhà đầu tư không huy động được vốn tín dụng là hoàn toàn phù hợp để ngăn chặn tình trạng “tay không bắt giặc” tại các dự án BOT giao thông trước đây. “Quy định trên nhằm quản chặt năng lực tài chính của các nhà đầu tư, khắc phục triệt để các bất cập trong thời gian qua, tránh tình trạng “ngựa quen đường cũ”. Chắc chắn các nhà đầu tư có năng lực thật sự, tiềm lực mạnh về tài chính sẽ đồng tình với quy định này”, chuyên gia Ngô Trí Long nhận định.

Điều chuyển vốn các dự án chậm giải ngân

Tại buổi làm việc với Bộ GTVT mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đánh giá cao kết quả của Bộ GTVT đạt được thời gian qua. Theo Phó Thủ tướng, giai đoạn 2016 - 2020, Bộ đã vượt qua rất nhiều khó khăn để thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ giao, hoàn thành nhiều công trình, dự án quan trọng. Đặc biệt, năm 2020, trong bối cảnh đất nước phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng Bộ GTVT đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để hoàn thành các dự án trọng điểm.

Chọn nhà thầu tốt nhất làm cao tốc bắc - nam -0
 Thi công đường cao tốc bắc-nam đoạn Cam Lộ - La Sơn.

“Trong sáu tháng đầu năm, Bộ GTVT đã giải ngân đạt 33,7% vốn kế hoạch cả năm, cao hơn mức bình quân chung cả nước. Chất lượng công trình giao thông ngày càng tốt hơn, thất thoát lãng phí trong các dự án dần được hạn chế, hiệu quả đầu tư của nhiều công trình ngày càng nâng cao”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng nêu một số hạn chế như phát triển hệ thống hạ tầng giao thông còn chậm, nhất là đường cao tốc; đường sắt còn lạc hậu, năng lực vận tải thấp; sân bay phát triển mạnh nhưng quy hoạch chưa bài bản... Hiện nay, nhu cầu vốn đầu tư cho giao thông rất lớn trong khi khả năng đáp ứng rất thấp, chỉ đạt khoảng 30% nhu cầu. Việc huy động vốn từ xã hội để đầu tư hạ tầng giao thông đang gặp khó khăn, cần phải nghiên cứu, có chính sách tháo gỡ.

Đề cập đến nhiệm vụ trung và dài hạn, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT rà soát lại quy hoạch các dự án xây dựng mới; tập trung xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, trong đó cần xác định rõ vốn đầu tư, vốn ODA, vốn xã hội hóa; tập trung làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư... Trước mắt, Bộ GTVT cần tập trung tối đa cho công tác giải ngân vốn đầu tư công.

Về giải phóng mặt bằng, đến nay các địa phương đã bàn giao cho 11 dự án thành phần cao tốc bắc - nam được 569,9/653,6 km (đạt 87,3%), dự kiến sẽ hoàn thành trong đầu quý IV tới. Do các dự án đi qua 13 địa phương nên việc xây dựng các khu tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật của một số đơn vị gặp khó khăn. Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương quan tâm chỉ đạo giải quyết công tác giải phóng mặt bằng của dự án lớn này, tạo điều kiện cho Bộ hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Ngoài việc khẩn trương triển khai các dự án cao tốc bắc - nam, Bộ GTVT cũng đang chỉ đạo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án rốt ráo đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, tổng vốn kế hoạch năm 2020 của Bộ được giao khoảng 39.762 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 6, Bộ đã giải ngân được 13.388 tỷ đồng, đạt 33,7% kế hoạch, trong khi bình quân chung của cả nước đạt khoảng 30,2%. Số liệu từ Kho bạc Nhà nước cho thấy, đến hết tháng 7, Bộ GTVT giải ngân được hơn 41%. Dự kiến hết tháng 8, Bộ GTVT sẽ giải ngân đạt khoảng 57%, hết tháng 9, sẽ giải ngân đạt khoảng 66%, trong khi kết quả bình quân chung cả nước đạt khoảng 60%.

Thực hiện Luật Đầu tư công năm 2019 (mới có hiệu lực) và Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29-5-2020 của Chính phủ nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Bộ GTVT đã chủ động cắt, chuyển vốn từ các dự án giải ngân chậm sang các dự án có tiến độ thực hiện tốt. Bộ GTVT là bộ tiên phong trong việc chủ động cắt, điều chuyển vốn từ các dự án giải ngân chậm sang các dự án có tiến độ thực hiện tốt hơn.

“Hiện tại, Bộ đã điều hòa điều chỉnh kế hoạch đợt đầu tiên cho 12 dự án, với tổng giá trị vốn điều hòa 679 tỷ đồng. Trong các tháng cuối năm, Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ tiếp tục điều chỉnh kế hoạch đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ hoặc điều chỉnh kế hoạch đối với các dự án thuộc thẩm quyền của Bộ để bảo đảm giải ngân 100% kế hoạch được giao” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể kiên quyết.

Đồng thời, Bộ GTVT sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án thực hiện các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà thầu, tư vấn; thủ tục điều chỉnh thiết kế, dự toán; thủ tục quyết toán các dự án; thúc đẩy tiến độ, chất lượng thi công công trình...

Trên cơ sở đó, Bộ GTVT sẽ rà soát, điều chỉnh kế hoạch giải ngân chi tiết hằng tháng của từng dự án, từng chủ đầu tư từ nay tới cuối năm, bảo đảm khả thi, phù hợp điều kiện, tình hình thực tế.

Theo Nghị quyết 52/2017/QH14 của Quốc hội, các dự án cao tốc bắc - nam phía đông đã được Thủ tướng giao 49.500 tỷ đồng kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Đến nay, các dự án đã được bố trí kế hoạch các năm 2018, 2019, 2020 được 16.357 tỷ đồng. Trong đó, riêng năm 2020 cần giải ngân 9.368 tỷ đồng. Đến hết tháng 7, các dự án đã giải ngân 4.806 tỷ đồng, đạt 51,3%; số vốn còn lại 4.562 tỷ đồng sẽ được giải ngân hết trong các tháng cuối năm 2020.