Cần “tiếp sức” doanh nghiệp xã hội

Chọn lối đi khác biệt để khởi nghiệp, các doanh nghiệp (DN) hoạt động theo mô hình DN xã hội (DNXH) ở Việt Nam sau giai đoạn “nở rộ” trong những năm 2015 - 2016, đến nay đang vấp phải nhiều khó khăn, cần những trợ lực mới để có thể hình thành một hệ sinh thái, hướng tới phát triển bền vững.

Tổ chức Tình nguyện vì giáo dục (V.E.O) là một mô hình doanh nghiệp xã hội tạo ra giá trị phát triển cộng đồng bền vững thông qua các chương trình giáo dục.Ảnh: Mỹ HÀ
Tổ chức Tình nguyện vì giáo dục (V.E.O) là một mô hình doanh nghiệp xã hội tạo ra giá trị phát triển cộng đồng bền vững thông qua các chương trình giáo dục.Ảnh: Mỹ HÀ

Những kiến nghị không mới

Theo số liệu khảo sát của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), hiện nay cả nước có khoảng 200 tổ chức được xem là có đầy đủ các đặc điểm của DNXH và hàng chục nghìn tổ chức khác có những đặc điểm tương đồng. Các DNXH đang hoạt động khá hiệu quả, bước đầu góp phần giải quyết những vấn đề xã hội, môi trường như: đào tạo kỹ năng nghề, tạo công ăn việc làm đem lại thu nhập cho con em gia đình nghèo, người dân tộc, người khuyết tật...

Bà Catherine Phương, Trợ lý Giám đốc quốc gia Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Việt Nam cho biết, DNXH chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh với ba mục tiêu có thể đóng góp nhiều nhất là công việc tốt và tăng trưởng kinh tế; sức khỏe tốt; không còn đói nghèo. Lĩnh vực kinh doanh chính của DNXH là nông nghiệp, ngư nghiệp, giáo dục - đào tạo. Hầu hết các DN có quy mô nhỏ dưới 20 nhân viên nhưng gồm nhiều tầng lớp xã hội, nhất là đến từ nhóm người thiệt thòi và người dân địa phương. Ngay cả ban lãnh đạo của các DN này cũng chủ yếu là phụ nữ đến từ các nhóm yếu thế trong xã hội (chiếm 41%). Về kết quả hoạt động, 70% DNXH tạo ra lợi nhuận. Những con số nêu trên cho thấy đây chính là khu vực có nhiều tiềm năng để hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển bền vững. “Bằng cách hỗ trợ các DNXH hoặc thúc đẩy khởi nghiệp xã hội trong khu vực tư nhân, chúng ta cũng có thể hỗ trợ đạt được mục tiêu phát triển bền vững số 10: Giảm bất bình đẳng và một phần của ý tưởng không ai bị bỏ lại phía sau”, bà Catherine Phương đánh giá.

Nhưng trong thực tế, hoạt động của DNXH còn rất gian nan. Gánh nặng dường như nhân đôi đối với những doanh nhân chọn lối đi khác biệt, kinh doanh không vì mục tiêu lợi nhuận mà còn vì cộng đồng, hỗ trợ giải quyết các vấn đề của xã hội về y tế, giáo dục, môi trường. Nữ doanh nhân Tẩn Thị Shu là một gương mặt rất quen thuộc của các hội thảo liên quan đến DNXH. Chị Shu năm nay 33 tuổi, người dân tộc Mông, từng lọt vào danh sách tôn vinh 30 gương mặt trẻ Việt Nam dưới 30 tuổi năm 2016 do Forbes Việt Nam bình chọn, với cương vị là Giám đốc DNXH Du lịch Sapa O’Chau. Đến nay, Sapa O’Chau đã tạo lập được mạng lưới giúp khách du lịch kết nối với hướng dẫn viên bản địa và 18 homestay ở Sa Pa, thông qua văn phòng chính đặt ở Lào Cai và văn phòng đại diện tại Hà Nội, tạo việc làm cho khoảng 50 người, chủ yếu là người địa phương. Đáng lưu tâm là trong bất cứ hội thảo nào về hoạt động của DNXH, chị Tẩn Thị Shu cũng đau đáu với khát vọng mở rộng mạng lưới hoạt động để đem lại thu nhập, giúp đỡ nhiều trẻ em trong bản được đến trường. Ấp ủ kế hoạch đầu tư vào các homestay trong bản nhưng đến nay, chị Shu vẫn loay hoay không tiếp cận được quỹ đất, vay vốn chỉ được giải quyết 50 triệu đồng dù đã đi gõ hết các cửa.

“Dù được thôi thúc thành lập DNXH về du lịch nhưng tôi thấy cô đơn, lẻ loi vì không biết ban, ngành nào của chính quyền sẽ giúp mình làm các thủ tục. Cơ chế chính sách đã có nhưng chưa được hướng dẫn để triển khai cụ thể xuống địa phương. Rất cần có một ban tư vấn cấp huyện hoặc cấp tỉnh dành cho các DNXH, DN cộng đồng để được hỗ trợ, giải đáp khi gặp khó khăn”, ở hội thảo nào, chị Shu cũng kiến nghị như vậy.

Và tiếc nuối của người làm chính sách

Hơn ai hết, Phó Viện trưởng CIEM Phan Đức Hiếu thấu hiểu và chia sẻ những khó khăn của DNXH. Ông Hiếu cho biết, khi xây dựng Luật DN năm 2014, Ban soạn thảo mà ông là thành viên, đã cố gắng thiết kế nhiều chính sách để thúc đẩy DNXH như miễn thuế thu nhập DN đối với lợi nhuận giữ lại của DN, quy định những khoản tài trợ cho DNXH được tính vào chi phí DN…

“Nhưng rất tiếc khi đó chúng tôi không thể thuyết phục được các nhà làm chính sách. Kỳ vọng của xã hội và DNXH vào chính sách là rất lớn nhưng thực tế là không phải cơ quan hoạch định chính sách nào cũng quan tâm tới vấn đề này một cách đầy đủ. Trên thế giới, mô hình DNXH đã có từ rất lâu, còn ở Việt Nam, DNXH tồn tại dưới nhiều hình thức pháp lý khác nhau như tổ chức từ thiện, câu lạc bộ, hợp tác xã... và đến Luật DN năm 2014, loại hình DNXH mới được chính danh. Thách thức lớn nhất là việc chính sách phải phát xuất từ thực tiễn và bảo đảm được triển khai, thực thi một cách thực chất…”, ông Hiếu trăn trở.

Theo khuyến nghị của CIEM, cần có chính sách chính bao gồm phát triển kinh tế tuần hoàn như là giải pháp hướng đến phát triển bền vững, trong đó, DNXH có thể tham gia tạo việc làm, đổi mới sáng tạo. Xây dựng bộ tiêu chí rõ ràng hơn về DNXH để từ đó áp dụng các cơ chế ưu đãi về thuế cho phù hợp và có cơ quan chuyên trách về DNXH. Thiết lập mạng lưới, hiệp hội đại diện các DNXH, thúc đẩy phát triển thị trường cho khu vực DNXH thông qua tăng cường mua sắm công, hỗ trợ tiếp cận khu vực tư nhân, nâng cao năng lực bằng việc đào tạo cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước, lồng ghép khởi nghiệp xã hội, tinh thần kinh doanh xã hội vào trong đào tạo đại học và dưới đại học…

Theo bà Catherine Phương, để DNXH phát triển bền vững, trước hết cần ban hành chính sách hỗ trợ tiếp cận vốn và các nguồn lực tài chính khác. Cần xây dựng năng lực thúc đẩy phát triển khu vực DN; thiết lập các mô hình vườn ươm khởi nghiệp và mô hình tăng tốc khởi nghiệp cho các DNXH; tăng cường phối hợp để thúc đẩy đào tạo về khởi nghiệp và sáng tạo xã hội thông qua các cơ sở giáo dục - đào tạo.

Theo các chuyên gia, để hỗ trợ phát triển DNXH một cách toàn diện và hiệu quả hơn, Chính phủ cần hướng tới xây dựng hệ thống chính sách ưu đãi riêng biệt và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các DN này gia nhập thị trường và hoạt động hiệu quả.

Ước tính quy mô trung bình của DNXH năm 2017 khá nhỏ, chỉ đạt 3,9 tỷ đồng doanh thu/năm, một phần do tuổi trung bình của mỗi DN là hơn bảy năm và 40% DN mới thành lập với ba năm kinh nghiệm. Các hình thức tổ chức phi lợi nhuận có đến 79% có doanh thu dưới ba tỷ đồng; khoảng 30% số DN có hoạt động kinh doanh quốc tế có doanh thu ở mức hơn ba tỷ đồng.

Mặc dù quy mô về doanh thu nhỏ, nhưng 70% số DN có lãi, 18% đạt điểm hòa vốn, chỉ có 12% đang ở trạng thái lỗ. Các DN lỗ và hòa vốn là những DN được thành lập gần đây và đang ở giai đoạn khởi sự.

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương