Cải cách thủ tục, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) lần thứ tư liên tiếp đứng thứ nhất bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2018 (PAR INDEX 2018) với kết quả là 90,57 điểm. Sự ghi nhận từ Chính phủ, cộng đồng xã hội và các bộ, ngành một lần nữa cho thấy hiệu quả của quá trình chủ động, nỗ lực CCHC không ngừng của NHNN trong những năm qua.

Khách hàng giao dịch tại Chi nhánh Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB).
Khách hàng giao dịch tại Chi nhánh Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB).

Chủ động cắt giảm thủ tục hành chính

Theo kết quả Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ công bố, các lĩnh vực cải cách thành phần trong chỉ số Par Index của NHNN xếp thứ nhất bao gồm: Chỉ số thành phần về chỉ đạo điều hành, cải cách thủ tục hành chính. Kết quả điều tra xã hội học đánh giá tác động CCHC, NHNN cũng tiếp tục xếp vị trí thứ nhất và là năm thứ 5 liên tiếp NHNN dẫn đầu chỉ số này.

Trong khi đó, cũng theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, xếp hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam đã cải thiện tăng 13 bậc (so với năm 2016); tại Báo cáo Môi trường kinh doanh 2019 (Doing Business 2019) công bố ngày 31-10-2018, Chỉ số “Tiếp cận tín dụng” của Việt Nam xếp hạng 32 trong số 190 nước (đạt 75/100 điểm), đứng thứ ba trong khu vực và ngang bằng với Xin-ga-po và Ma-lai-xi-a, các nước đứng đầu trong nhóm ASEAN 4. Đồng thời, Chỉ số Tiếp cận tín dụng của Việt Nam là một trong hai chỉ số của Việt Nam đạt trung bình của ASEAN 4 (cùng với Chỉ số Tiếp cận điện năng).

Kết quả đạt được phần nào cho thấy sự cải thiện rõ nét về môi trường kinh doanh trong các lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng và cải thiện môi trường kinh doanh nói chung. Riêng trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết: Triển khai các nghị quyết của Chính phủ, tại kế hoạch hành động hằng năm, NHNN luôn xác định nhiệm vụ CCHC phải gắn đổi mới phương thức phục vụ, lấy người dân, DN làm trung tâm và phải hỗ trợ DN, người dân tiếp cận vốn, dịch vụ ngân hàng, góp phần cải thiện tích cực môi trường kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng và để đóng góp cho việc cải thiện môi trường kinh doanh quốc gia.

Trên quan điểm đó, thời gian qua, hoạt động CCHC tại NHNN đã được tổ chức triển khai quyết liệt và đạt kết quả tích cực trên cả sáu lĩnh vực thuộc chương trình tổng thể CCHC Nhà nước. Cụ thể: Đã cắt giảm 31% điều kiện kinh doanh, 20% chế độ báo cáo định kỳ bảo đảm thực chất; toàn bộ thủ tục hành chính (TTHC) được thực hiện theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch.

Việc tiếp nhận, xử lý, quản lý văn bản của NHNN cũng được thực hiện hoàn toàn trên môi trường điện tử; việc gửi, nhận văn bản giữa NHNN với các cơ quan hành chính Nhà nước được thực hiện qua trục liên thông quốc gia bằng văn bản điện tử thay thế cho nhiều loại văn bản giấy; hệ thống truyền hình trực tuyến đã phục vụ tích cực cho hoạt động điều hành, đào tạo, tập huấn… góp phần nâng cao hiệu quả công việc, cắt giảm đáng kể giấy tờ, chi phí đi lại, hội họp.

Tăng cường liên thông giữa các bộ, ngành

Bám sát định hướng, kế hoạch của NHNN, hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) cũng đã chủ động rà soát, cắt giảm, bãi bỏ nhiều thủ tục tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp vay vốn và sử dụng các dịch vụ. Năm 2018, hệ thống các TCTD đã chủ động điều chỉnh giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tiếp cận nguồn vốn vay với chi phí hợp lý; đồng thời cung cấp gần 100 chương trình, sản phẩm tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp với nguồn vốn ưu đãi, trong đó có 15 chương trình áp dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp.

Các quy trình cung cấp dịch vụ, biểu phí, lãi suất được công bố công khai và cập nhật liên tục trên trang tin điện tử của ngân hàng; các phần mềm tiện ích sử dụng trên điện thoại được cung cấp giúp khách hàng tra cứu thông tin, trao đổi về chất lượng, giá cả dịch vụ… Các ngân hàng đã tổ chức hơn 420 cuộc gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp trên cả nước; đã cho vay mới hơn 50 nghìn doanh nghiệp; thực hiện gia hạn nợ, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, giảm lãi suất gần 60 nghìn tỷ đồng đối với các khoản vay cũ của hơn 3.300 doanh nghiệp.

Theo Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP BIDV Lê Trung Thành, những năm qua, BIDV đã tăng cường đầu tư về công nghệ thông tin, giúp tăng năng suất công việc lên 5-10%; ban hành 40 văn bản nhằm cải cách thủ tục, giảm thời gian xử lý từng khoản vay; áp dụng giao dịch giải ngân “một cửa”, giảm số lượng chữ ký và hồ sơ khách hàng,… nhưng vẫn bảo đảm an toàn theo quy định của NHNN. “Tuy nhiên, để hoạt động ngân hàng thời gian tới hiệu quả hơn, cần có cơ chế về hồ sơ linh hoạt, ban hành các quy định pháp lý đối với hoạt động cấp tín dụng trực tuyến, đồng bộ hóa cơ sở hạ tầng,…” , ông Lê Trung Thành nêu kiến nghị.

Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Vietcombank Đinh Thị Thái cũng cho biết, trong hoạt động thanh toán, Vietcombank đã kết nối với 34 Chi cục Hải quan, 63 chi cục Thuế, 53 đơn vị bảo hiểm,… cho nên đã mang lại rất nhiều lợi ích cho khách hàng khi thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, để khuyến khích doanh nghiệp và người dân “mặn mà” hơn với các hình thức hoạt động thanh toán này, vẫn cần tiếp tục phải cải thiện hệ thống pháp lý theo hướng chặt chẽ hơn nhưng đồng thời cũng giảm các thủ tục không cần thiết.

Đồng quan điểm, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Techcombank Phạm Quang Thắng cũng có thêm kiến nghị các cơ quan quản lý nên xây dựng hệ thống liên thông thông tin. “Hiện nay, việc cung cấp thông tin chỉ từ một phía ngân hàng, ở chiều ngược lại khó khai thác thông tin từ phía cơ quan chức năng nhằm nhận diện khách hàng. Vì thế, đề nghị các cơ quan chức năng làm đầu mối kết nối doanh nghiệp như thuế, hải quan có thể cung cấp thông tin, để ngân hàng đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp”, ông Phạm Quang Thắng đề xuất. Qua việc liên thông thông tin, các ngân hàng cũng biết được doanh nghiệp nào còn nợ thuế hay có vấn đề về hàng hóa; đồng thời, ngân hàng cũng có thể nhìn sâu vào đặc thù từng lĩnh vực của doanh nghiệp để đưa ra những chính sách tín dụng sát hơn, cởi mở hơn.

Như vậy có thể thấy, những nỗ lực CCHC, cải thiện môi trường kinh doanh của NHNN không chỉ là yếu tố giảm bớt các điều kiện kinh doanh mà quan trọng hơn là việc củng cố một ngành, lĩnh vực hiện đại, hội nhập và con người hành chính mang tính phục vụ. Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, đây cũng chính là yếu tố cốt lõi thực hiện mục tiêu kép, vừa thúc đẩy sự phát triển của hệ thống doanh nghiệp, phục vụ người dân, giảm chi phí thời gian và nhân lực trong việc thực hiện các TTHC, điều kiện kinh doanh, đồng thời giảm đến mức thấp nhất những rủi ro trong hoạt động ngân hàng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh bền vững.

Sự gần gũi giữa ngân hàng và doanh nghiệp không chỉ ở góc độ tín dụng tăng dư nợ, lãi suất hạ,… mà còn ở sự phối hợp với các sở, ngành, hiệp hội, cập nhật các chương trình tài trợ. Tại nhiều nơi, bộ phận kế toán, nhân sự của doanh nghiệp đều được hướng dẫn tư vấn từ lúc khởi thảo làm hồ sơ để sử dụng dịch vụ nhanh chóng. Việc này rất tốt, vì năng lực doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế.

MẠC QUỐC ANH Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội