Bình Phước đầu tư phát triển giao thông nông thôn

Bình Phước là tỉnh còn nhiều khó khăn so với mặt bằng chung của vùng Đông Nam Bộ, song bằng sự quyết tâm của hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, hàng nghìn ki-lô-mét đường giao thông nông thôn được đổ bê-tông, góp phần thay đổi diện mạo các vùng quê. Trong quá trình làm đường, nhiều cách làm sáng tạo được thực hiện đã tiết kiệm khoảng 40% kinh phí thi công, giảm gánh nặng cho ngân sách và đóng góp của người dân địa phương.

Làm đường giao thông nông thôn ở huyện Bù Gia Mập.
Làm đường giao thông nông thôn ở huyện Bù Gia Mập.

Nông thôn khoác áo mới

Ðể xây dựng nông thôn mới, trong những năm qua, Bình Phước đẩy mạnh và ưu tiên hoàn thiện điện - đường - trường - trạm và xây dựng các mô hình phát triển kinh tế phù hợp. Tỉnh đã có những cách làm hay, sáng tạo và phù hợp tình hình thực tế của địa phương. Khi tái lập tỉnh (năm 1997), Bình Phước có 103 tuyến đường với tổng chiều dài hơn 1.200 km, trong đó tỷ lệ đường cấp phối sỏi đỏ và đường đất chiếm hơn 83%. Với các chính sách kêu gọi đầu tư phát triển hạ tầng giao thông hợp lý, đến nay, toàn tỉnh có gần 3.000 tuyến đường với chiều dài gần 9.000 km và 111 xã, phường, thị trấn có đường nhựa về đến trung tâm, trong đó các tuyến đường làm theo hình thức nông thôn mới chiếm một phần không nhỏ.

Phó Chánh văn phòng điều phối nông thôn mới (NTM) tỉnh Bình Phước, Lường Ðình Hải cho biết: Trước đây, tỉnh triển khai xây dựng đường NTM theo hướng dẫn của cấp trên, mỗi ki-lô-mét đường tốn khoảng 1,6 tỷ đến 1,7 tỷ đồng. Từ khi tỉnh có chủ trương tận dụng tối đa nguồn lực tại chỗ, cắt giảm các chi phí gián tiếp, như thiết kế, giám sát, bảo hiểm… đã tiết kiệm được kinh phí. Mặt khác, tỉnh cũng chủ động phân bổ nguồn vật liệu làm đường (tỉnh hỗ trợ xi-măng; huyện hỗ trợ cát, đá) nên đã không còn tình trạng đội giá, chênh lệch giá như trước đây. Những thay đổi nêu trên đã giúp giảm được khoảng 40% kinh phí.

Xã An Khương, huyện Hớn Quản có hơn 62% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo khoảng 10%, hộ cận nghèo chiếm 15%. Ðể dồn sức cho xã An Khương hoàn thành chương trình xây dựng NTM, các lực lượng, gồm: Ban Chỉ huy quân sự huyện Hớn Quản, Binh đoàn 16 và Công an tỉnh Bình Phước cùng nhân dân trên địa bàn chung tay xây dựng nhiều tuyến đường giao thông nông thôn. Với tinh thần tích cực, khẩn trương, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị, dân quân và nhân dân tham gia làm đường giao thông, nạo vét kênh mương nội đồng, vệ sinh môi trường... Ông Ðiểu Phích ở ấp 1, xã An Khương, cho biết: "Các cán bộ, chiến sĩ đã khơi thông rãnh nước, thu gom, xử lý rác thải, vệ sinh đường làng, ngõ xóm thông thoáng sạch - đẹp. Sự góp sức của các lực lượng trong làm đường NTM đã giảm được phần đối ứng của nhân dân.

Lộc Tấn là xã biên giới của huyện Lộc Ninh, kết nối các tỉnh nước bạn Cam-pu-chia thông qua Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Hoa Lư. Ðể thay đổi vùng đất biên giới này, tỉnh đã huy động lực lượng quân sự địa phương, Binh đoàn 16, công an, bộ đội biên phòng cùng các sở, ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội chung sức xây dựng đường giao thông nông thôn. Năm 2018, Lộc Tấn có 34 tuyến đường cần được đổ bê-tông với tổng chiều dài 26,46 km, trong khi dân cư thưa thớt, đời sống kinh tế nhiều khó khăn. Do đó làm đường theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm là rất khó. Ðể giúp xã hoàn thành tiêu chí giao thông trong xây dựng NTM, UBND tỉnh Bình Phước cấp xi-măng, huyện bố trí kinh phí mua cát, đá, lực lượng vũ trang của tỉnh góp khoảng 2.000 ngày công, nhân dân hiến đất và phục vụ cơm nước, nơi ăn ở cho lực lượng làm đường. Chỉ trong thời gian ngắn, 34 tuyến đường đã được đổ bê-tông, diện mạo giao thông nông thôn khang trang.

Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh, Hoàng Nhật Tân cho biết: Là huyện biên giới có diện tích lớn nhất, có nhiều đơn vị hành chính nhất của tỉnh Bình Phước (một thị trấn và 15 xã), Lộc Ninh vận dụng mọi nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng nội vùng hoàn thiện, nhất là các tuyến đường liên xã, trục chính xuống các thôn, ấp được rải nhựa, đổ bê-tông. Các tuyến đèn đường chạy theo khu dân cư được đầu tư xây dựng, ban đêm đèn đường sáng tận cửa mỗi nhà. Ðiện - đường - trường - trạm hoàn thiện đã nâng cao một bước đời sống văn hóa, tinh thần của người dân. Ðến nay, có 10 trong số 15 xã hoàn thành xây dựng NTM, những xã còn lại đạt từ 15 tiêu chí trở lên. Kết quả đạt được là nhờ các chính sách hỗ trợ xây dựng NTM của tỉnh, nhất là sự chung sức của lực lượng vũ trang trong làm đường giao thông nông thôn.

Tạo bước đột phá

Thống kê trong sáu năm qua, Bình Phước triển khai làm đường giao thông nông thôn theo cơ chế đặc thù thì trung bình mỗi năm xây dựng khoảng vài trăm ki-lô-mét, trong đó năm 2017 làm được nhiều nhất là 493,39 km. Ðể tạo bước đột phá, trong năm 2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước đã đề ra mục tiêu làm 1.000 km đường giao thông nông thôn. Nhằm hoàn thành mục tiêu này, HÐND tỉnh Bình Phước đã ban hành nghị quyết mới về mức hỗ trợ và nguồn vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Theo đó, ngân sách địa phương hỗ trợ 100% công trình giao thông đối với xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn, các tổ, xóm có hơn 50% số hộ là đồng bào dân tộc thiểu số.

Hầu hết cán bộ làm công tác quản lý xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Bình Phước khẳng định: Chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và nghị quyết của HÐND tỉnh đã mở đường, tạo điều kiện thuận lợi để địa phương hoàn thành chỉ tiêu đề ra. Bởi cơ chế đặc thù là tỉnh hỗ trợ xi-măng, huyện hỗ trợ cát, đá, còn lại huy động nguồn lực trong dân để làm đường như trước sẽ gặp khó khi huy động vốn đối ứng ở những thôn, ấp có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Với quyết sách chi mạnh, tập trung, những con đường đất đỏ từ những vùng ven đô thị đến các thôn, ấp vùng xa, tồn tại nhiều năm qua đã được khoác "chiếc áo bê-tông" sạch sẽ - những con đường nối bờ vui.

Chủ tịch UBND xã Thiện Hưng, huyện Bù Ðốp Trần Chí Công cho biết: Thiện Hưng hiện còn 20 km đường trục thôn, ngõ xóm cần đổ bê-tông, sỏi đỏ và nhựa hóa. Năm 2019, theo kế hoạch, xã làm 2 km đường bê-tông xi-măng. Tuy nhiên, thực hiện "kế hoạch làm 1.000 km đường" theo chủ trương của Tỉnh ủy Bình Phước, xã được giao chỉ tiêu làm thêm 4 km và đến cuối năm 2019 trên địa bàn xã đã đổ bê-tông 6 km đường. Nhờ quyết sách của tỉnh mà xã đã xây dựng đường bê-tông nông thôn vượt 200% kế hoạch.

Ðể nâng cao chất lượng NTM, cách đây ba năm, tỉnh Bình Phước đã tích hợp thêm chỉ tiêu về tỷ lệ "đường quê được thắp sáng", là chỉ tiêu đặc trưng riêng, được người dân hưởng ứng tích cực. Hệ thống đèn đường nông thôn 100% là vốn xã hội hóa, tất cả các địa phương đều thực hiện, điển hình nhất là các huyện Bù Ðăng, Hớn Quản, Ðồng Xoài… Hưởng ứng phong trào quân đội chung sức xây dựng NTM, các cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn tỉnh đã chủ động, tích cực tham gia hiệu quả, góp phần quan trọng vào những bước chuyển mình của nông nghiệp, nông thôn ở địa phương.

Tính đến nay, tỉnh Bình Phước có 48 xã đạt chuẩn NTM trong tổng số 90 xã đăng ký. Trong năm 2019, Bình Phước xây dựng 13 xã hoàn thiện 19 tiêu chí NTM; hai thị xã (Phước Long, Bình Long) và TP Ðồng Xoài hoàn thành NTM. Hiện Bình Phước có khoảng 3.200 km đường nông thôn cần được đổ bê-tông. Nếu thực hiện đột phá như năm 2019 thì khoảng ba năm nữa vùng nông thôn của Bình Phước có diện mạo hoàn toàn mới, khang trang, sạch đẹp. Ðồng chí Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước khẳng định: Thường trực Tỉnh ủy sẽ chỉ đạo quyết sách làm 1.000 km trong những năm tiếp theo. Nếu mỗi năm tỉnh đổ bê-tông được 1.000 km đường thì trong ba năm tới Bình Phước sẽ không còn đường đất đỏ mưa thì lầy lội, nắng thì bụi mù. Ðể làm được điều đó đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải chuyển động, sáng tạo trong cách làm và rút kinh nghiệm qua từng năm.