Bảy ngân hàng ra mắt thẻ tín dụng nội địa, thẻ trả trước nội địa

NDO -

Chiều 25-1, tại Hà Nội, dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) và bảy ngân hàng chính thức ra mắt sản phẩm Thẻ tín dụng nội địa và Thẻ trả trước nội địa của các ngân hàng.

Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Kim Anh phát biểu tại lễ ra mắt thẻ.
Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Kim Anh phát biểu tại lễ ra mắt thẻ.

Bảy ngân hàng thương mại (NHTM), gồm NHTM cổ phần Công thương Việt Nam, NHTM cổ phần Bản Việt, NHTM cổ phần Á Châu, NHTM cổ phần Phát triển thành phố Hồ Chí Minh, NHTM cổ phần Bảo Việt, NHTM cổ phần Sài Gòn Thương tín và NHTM cổ phần Việt Nam Thương Tín).

Sự kiện ghi nhận bước chuyển mình mạnh mẽ của thị trường thẻ thanh toán nội địa với các dòng sản phẩm đa dạng và đầy đủ nhất từ trước đến nay gồm: Thẻ ghi nợ, Thẻ tín dụng và Thẻ trả trước theo một tiêu chuẩn thống nhất.

Kể từ thời điểm ra mắt sản phẩm thẻ chip ghi nợ nội địa của bảy ngân hàng đầu tiên vào tháng 5-2019, đến tháng 12-2020 đã có 38 ngân hàng thực hiện phát hành thẻ chip nội địa và nâng cấp hạ tầng chấp nhận thẻ chip trên các thiết bị ATM/POS. Sự kiện ra mắt này trong kế hoạch triển khai tiếp theo của NAPAS và các ngân hàng đối với công tác chuyển đổi và đa dạng hóa sản phẩm thẻ chip nội địa theo lộ trình tại Thông tư 41/2018/TT-NHNN và Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa do NHNN ban hành.

Thẻ chip tín dụng nội địa do các ngân hàng, công ty tài chính Việt Nam phát hành với những đặc điểm: Chi tiêu trước trả tiền sau với thời gian miễn lãi tối đa lên đến 55 ngày; Chấp nhận thanh toán và sử dụng trên mạng lưới thanh toán 235.304 POS và 14.386 ATM chấp nhận thẻ chip ghi nợ nội địa sẵn có của tất cả các ngân hàng; Chi phí hợp lý cho các đơn vị phát hành, đơn vị chấp nhận thanh toán và khách hàng.

Thẻ chip tín dụng nội địa là sự lựa chọn phù hợp để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), giúp khách hàng dễ dàng, nhanh chóng tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng hiện đại với mức phí hợp lý; góp phần triển khai chiến lược tài chính toàn diện quốc gia và từng bước đẩy lùi tín dụng đen. Tín dụng tiêu dùng ở nhiều quốc gia phát triển cũng được coi là giải pháp cấp tín dụng cho các khoản vay tiêu dùng phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu, góp phần kích cầu tiêu dùng, hạn chế tín dụng phi truyền thông. Chủ thẻ tín dụng nội địa có thể thanh toán khi mua hàng, sử dụng dịch vụ tại các đơn vị chấp nhận thẻ, thanh toán qua internet, các đơn vị chấp nhận thanh toán trực tuyến. Hạn mức tín dụng của thẻ nội địa do các ngân hàng xác định với từng nhóm khách hàng. Ngoài ra, chủ thẻ tín dụng nội địa có thể rút tiền mặt tại tất cả các ATM trong nước và mạng lưới liên kết của Napas tại Hàn Quốc, một số nước trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Malaysia… với chi phí hợp lý.

Thẻ chip trả trước nội địa với tính năng nạp tiền trước để thanh toán phù hợp với những giao dịch thanh toán yêu cầu thời gian thực hiện rất nhanh (dưới 1 giây/giao dịch) với số lượng giao dịch lớn như trong giao thông công cộng, những giao dịch mua sắm nhỏ lẻ hằng ngày hoặc dành cho những đối tượng chưa đủ điều kiện phát thành thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ nhưng vẫn có cơ hội tham gia và trải nghiệm các phương thức thanh toán hiện đại. Napas phối hợp các ngân hàng phát hành hai sản phẩm là Thẻ trả trước định danh và Thẻ trả trước không định danh.

Với thẻ trả trước định danh, khách hàng muốn mở thẻ thì phải có thông tin định danh khách hàng. Khi có thông tin định danh thì khách hàng không bị giới hạn hình thức giao dịch như có thể thanh toán tại quầy, rút tiền mặt, chuyển khoản. Thẻ trả trước không định danh là sản phẩm mà khách hàng khi cần có thể đăng ký phát hành dễ dàng, tuy nhiên có hạn chế về kênh giao dịch và giá trị giao dịch theo quy định của NHNN.

Ông Nguyễn Quang Hưng – Chủ tịch HĐQT Napas cho biết: “Vai trò của Napas là cung cấp cho Ngân hàng, đối tác những giải pháp về phát hành và thanh toán ứng dụng công nghệ hiện đại nhất trong lĩnh vực thẻ thanh toán nhằm hoàn thiện hệ sinh thái thẻ nội địa cung cấp sản phẩm thanh toán đơn giản, thuận tiện với chi phí hợp lý cho mọi khách hàng, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng tài chính đến những đối tượng yếu thế, góp phần phát triển tài chính toàn diện”.

Việc tiếp tục tháo gỡ khó khăn về tín dụng, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sau Covid-19; tiếp tục đẩy mạnh TTKDTM, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, tăng cường đổi mới sáng tạo trong cung cấp các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tài chính theo hướng đơn giản, tiện lợi, tiếp tục nghiên cứu giảm phí dịch vụ để phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của mọi người dân, doanh nghiệp tiếp tục nằm trong những mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng được NHNN chú trọng đẩy mạnh triển khai trong năm 2021 tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN.

Phát biểu tại sự kiện, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Kim Anh cho biết: Nhằm thúc đẩy chuyển đổi thẻ chip nội địa theo lộ trình tại Thông tư 41/2018/TT-NHNN của toàn thị trường; căn cứ kết quả đạt được của các ngân hàng, vào ngày 31-12-2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư 22/2020/TT-NHNN về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 19/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng. Theo đó, từ ngày 31-3-2021, các ngân hàng sẽ dừng phát hành thẻ từ để chuyển sang phát hành thẻ chip đối với các thẻ có số BIN do NHNN cấp và đến 31-12-2021, 100% các máy ATM và thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán đang hoạt động tại Việt Nam của Tổ chức thanh toán thẻ tuân thủ Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa.

“Việc các ngân hàng triển khai các loại thẻ mới ngày hôm nay là dấu mốc quan trọng trong việc đa dạng hóa sản phẩm thẻ thanh toán, đồng bộ về quy cách tiêu chuẩn kỹ thuật, tương thích và đáp ứng các yêu cầu khắt khe của các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn, bảo mật trong thanh toán góp phần xây dựng, hoàn thiện hạ tầng thanh toán bán lẻ quốc gia" - Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh khẳng định.

Trong thời gian tới, Phó Thống đốc cũng đề nghị các ngân hàng, công ty NAPAS và các đơn vị liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ, tập trung thực hiện chất lượng, hiệu quả các nội dung liên quan đến công tác chuyển đổi và triển khai Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa của NHNN, cụ thể: đẩy mạnh công tác truyền thông rộng rãi cho khách hàng các thông tin về thời gian ngừng phát hành thẻ từ; quy trình, thủ tục phát hành các dòng sản phẩm của thẻ chip nội địa. Sớm xây dựng và triển khai chính sách phí dịch vụ phù hợp để tạo điều kiện phát triển sản phẩm thẻ nội địa nói chung và thẻ tín dụng nội địa nói riêng. Tích cực triển khai các sản phẩm dịch vụ ngân hàng theo tiêu chuẩn chung do NHNN ban hành gồm TCCS về thẻ chip nội địa, TCCS cho QR Code và tuân thủ lộ trình chuyển đổi sang thẻ chip nội địa của NHNN...