Ban hành kế hoạch cải cách hệ thống thuế năm 2014

Tổng cục Thuế vừa ban hành kế hoạch cải cách hệ thống thuế năm 2014. Nội dung kế hoạch cải cách hệ thống thuế năm 2014 sẽ tập trung vào hai nhiệm vụ lớn trọng tâm là thể chế và quản lý thuế.

Đối với thể chế chính sách thuế, sẽ đẩy mạnh hoàn thiện thể chế thuế theo hướng đơn giản, đồng bộ, minh bạch, phù hợp với mục tiêu cải cách thủ tục hành chính, trong đó tập trung vào Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế giá trị gia tăng, hướng dẫn chế độ kế toán thuế nội địa.

Đối với công tác quản lý thuế, tập trung xây dựng và tổ chức bộ máy quản lý thuế hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, chú trọng đào tạo phát triển nguồn nhân lực; đổi mới và tăng cường năng lực công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; hiện đại hóa toàn diện công tác quản lý đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế và kế toán thuế; triển khai thí điểm việc nộp thuế, hoàn thuế thông qua tài khoản chuyên thu của cơ quan thuế mở tại ngân hàng thương mại.

TP Hồ Chí Minh mở thêm 850 điểm bán hàng bình ổn giá

Ngày 13-2, UBND thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tổng kết công tác tổ chức, chăm lo Tết Nguyên đán Giáp Ngọ. Theo Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, tổng giá trị hàng hóa các doanh nghiệp chuẩn bị sản xuất, dự trữ, cung ứng cho hai tháng trước và sau Tết Giáp Ngọ là 7.581,7 tỷ đồng, tăng 40,5% so với Tết Quý Tỵ 2013. Riêng tháng cao điểm phục vụ Tết, tổng giá trị hàng hóa của các doanh nghiệp chuẩn bị là 3.790,9 tỷ đồng, trong đó hàng bình ổn thị trường là 2.450,5 tỷ đồng. Thành phố cũng đã mở thêm 850 điểm bán hàng bình ổn giá, nâng tổng số điểm bán hàng bình ổn giá phục vụ nhân dân là 7.783 điểm.

Trong dịp Tết Nguyên đán, thành phố đã dành hơn 500 tỷ đồng chăm lo các đối tượng chính sách, gia đình có cán bộ, chiến sĩ công tác tại quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1...

Nhiều điểm mới trong Luật Đấu thầu năm 2013

Ngày 13-2, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội thảo giới thiệu Luật Đấu thầu năm 2013, chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7 tới đây. Cục trưởng Quản lý đấu thầu Lê Văn Tăng cho biết: Các quy định mới thể hiện trong Luật đã hoàn thiện hệ thống pháp luật về mua sắm công, sử dụng vốn nhà nước, khắc phục mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đấu thầu. Luật Đấu thầu đã đạt được 10 mục tiêu cơ bản: đơn giản hóa thủ tục hành chính; phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu theo từng lĩnh vực; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực trong nước; hình thức đấu thầu mua sắm tập trung; hình thức lựa chọn nhà đầu tư; quy định chặt chẽ hợp đồng trong đấu thầu; đấu thầu mua thuốc, vật tư y tế; phân cấp triệt để trong đấu thầu; tăng cường giám sát, xử lý vi phạm về đấu thầu,... Để loại bỏ tình trạng nhà thầu kém năng lực vẫn trúng thầu do bỏ giá thấp, dẫn tới tình trạng chậm tiến độ, kém chất lượng, Luật Đấu thầu đưa ra phương thức mới: áp dụng phương thức hai túi hồ sơ nộp cùng lúc: một túi hồ sơ kỹ thuật, một túi hồ sơ tài chính, xét năng lực đạt mới xét tài chính...

Rà soát hệ thống biển báo hiệu đường bộ

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa yêu cầu các Cục Quản lý Đường bộ, Sở Giao thông vận tải và nhà đầu tư BOT tiến hành kiểm tra, điều chỉnh hệ thống biển báo trên các tuyến quốc lộ, báo cáo kết quả trước ngày 15-3. Theo đó, sẽ rà soát, điều chỉnh biển báo về tốc độ, vị trí lắp biển báo trên các tuyến tránh, đoạn qua khu dân cư, đô thị phù hợp tiêu chuẩn thiết kế và thực tế. Các dự án đang triển khai hoặc đã thi công xong, yêu cầu chủ dự án kiểm tra, loại bỏ biển hạn chế tốc độ bất hợp lý. Đối với đoạn tuyến quốc lộ phải lắp đặt biển báo hạn chế tốc độ cần giải thích rõ lý do; đồng thời bố trí theo hướng giảm dần, tránh giảm tốc đột ngột. Cần bổ sung biển cảnh báo nguy hiểm đối với các đoạn tuyến có nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông cao.

PV