Bài học rút ra từ việc thực hiện nghị quyết ở Quảng Ngãi

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 19, bên cạnh những thành tựu đạt được trong phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi rút ra nhiều bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Bài học sâu sắc nhất là phải thực sự gần dân, trọng dân, tin dân và lắng nghe dân.

Toàn cảnh trung tâm TP Quảng Ngãi (Quảng Ngãi).
Toàn cảnh trung tâm TP Quảng Ngãi (Quảng Ngãi).

Kinh tế tiếp tục phát triển

Trao đổi với phóng viên Nhân Dân điện tử, đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, nhiệm kỳ 2015-2020 là một nhiệm kỳ có rất nhiều khó khăn, thách thức đối với tỉnh Quảng Ngãi. Đặc biệt, nhân sự chủ chốt của tỉnh có nhiều biến động, giá dầu giảm sâu trong thời gian dài…Với tinh thần đoàn kết, thống nhất, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Ngãi đã có nhiều nỗ lực, vượt qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 19 đạt một số kết quả quan trọng.  Kinh tế tiếp tục phát triển, tăng bình quân 4,46%/năm. Quy mô kinh tế tăng lên đáng kể. Năm 2020, GRDP của tỉnh ước đạt 80.846 tỷ đồng, tăng gấp 1,33 lần so với năm 2015; GRDP bình quân đầu người ước đạt 2.732 USD, gấp 1,19 lần so với năm 2015.

Bài học rút ra từ việc thực hiện nghị quyết ở Quảng Ngãi -0
 Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất, điểm nhấn thu hút đầu tư của Quảng Ngãi giai đoạn 2015-2020.

Tỉnh tập trung các nguồn lực đầu tư nâng cấp, mở rộng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đồng thời cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nên đã thu hút được một số dự án lớn trên lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhiệm vụ phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, giảm nghèo ở miền núi, phát triển kinh tế biển cũng đạt được nhiều kết quả; bộ mặt đô thị, nông thôn, miền núi có nhiều đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện, chất lượng cuộc sống được nâng lên. So với đầu nhiệm kỳ, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 13,6% xuống còn 6,07%, bình quân hàng năm giảm 1,82%; trong đó, miền núi, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 41,93% xuống còn 20,52%, bình quân giảm 5,25%/năm; đồng bằng giảm còn 3,02%, bình quân hằng năm giảm 1,1%. “Những kết quả trên không chỉ là sự kết tinh trí tuệ, nỗ lực bền bỉ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong nhiệm kỳ qua mà còn là sự kế thừa, phát huy những thành tựu và vận dụng sáng tạo những kinh nghiệm được đúc kết trong nhiều nhiệm kỳ Đại hội. Đây là thành quả của sự đoàn kết thống nhất trong Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm hạt nhân đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng bộ và sự đồng thuận trong xã hội; là thành quả của sự phát huy truyền thống anh hùng và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, của sự nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức của Đảng bộ, quân và dân Quảng Ngãi”, đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân khẳng định.

Năm bài học kinh nghiệm

“Có nhiều bài học được rút ra trong nhiệm kỳ qua. Có bài học rất sâu sắc, thấm thía và thậm chí là đau xót. Những bài học kinh nghiệm này được thể hiện khá rõ trong Báo cáo chính trị và Báo cáo kiểm điểm trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 20”, đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân thẳng thắn nhìn nhận. Đồng chí nêu lên khái quát năm bài học:

Một là, phải đặc biệt coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Thường  xuyên củng cố, xây dựng và giữ gìn đoàn kết, thống nhất thực sự trong Tỉnh ủy,  Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy làm hạt nhân đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ, trong hệ thống chính trị và sự đồng thuận trong xã hội. Phải đặc biệt coi trọng và đề cao trách nhiệm nêu gương của các đồng chí trong Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh  ủy, Thường trực Tỉnh  ủy và cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp theo phương châm chức vụ càng cao càng phải gương mẫu. Nêu cao tính chiến đấu trong tự phê bình và phê bình, khắc phục tình trạng nể nang, ngại va chạm, ngại tranh luận cho ra lẽ những vấn đề còn băn khoăn, thông tin chưa đầy đủ, dư luận còn trái chiều nhau.

Hai là, phải thật sự gần dân, trọng dân, tin dân và lắng nghe dân. Công khai, minh bạch chủ trương, kế hoạch, đề án, dự án kinh tế - xã hội để nhân dân phản biện, giám sát, tạo sự đồng thuận trong xã hội.  

Ba là, trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện phải có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt; phải có cách làm bài bản, dân chủ, chắc chắn và có bước đi phù hợp; không chủ quan, nóng vội, bao biện, làm thay hoặc buông lỏng vai trò lãnh đạo; phải thực sự cầu thị, lắng nghe ý kiến góp ý, phản biện và làm tốt công tác trao đổi thông tin, định hướng dư luận để bảo đảm thống nhất cao về tư tưởng trong Đảng, trong xã hội.

Bốn là, phải bám sát thực tiễn, giải quyết linh hoạt, đúng đắn, kịp thời, hiệu quả các vấn đề phát sinh. Tổng kết, rút kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình tốt, cách làm hay, hiệu quả.

Năm là, phải coi trọng tính cân đối, hiệu quả trong phân bổ, sử dụng nguồn lực cho các lĩnh vực, bảo đảm hài hòa giữa tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững.

Bài học rút ra từ việc thực hiện nghị quyết ở Quảng Ngãi -0
 Khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi trở thành “đất lành” cho nhà đầu tư.

Lấy xây dựng, chỉnh đốn Đảng bộ làm then chốt

Để tiếp tục xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy truyền thống anh hùng, sức mạnh đoàn kết; đổi mới sáng tạo; bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị-xã hội; phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu đến năm 2025, Quảng Ngãi trở thành tỉnh phát triển khá của vùng miền trung, Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi xác định nhiệm kỳ 2020-2025 phải đổi mới mạnh mẽ tư duy, khơi dậy mọi tiềm năng, nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển kinh tế nhanh và bền vững, xem đây là nhiệm vụ trung tâm, là tiền đề, cơ sở quan trọng để đạt được mục tiêu đề ra và để xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân.

Đối với công tác xây dựng Đảng, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi xác định:  Lấy xây dựng, chỉnh đốn Đảng bộ và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh làm then chốt, tiền đề, cơ sở quan trọng để khơi dậy niềm tự hào, ý chí, khát vọng, niềm tin phát triển trong mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trong đó, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; lựa chọn, quy hoạch, theo dõi, đào tạo, bồi dưỡng để xây dựng đội ngũ lãnh đạo tương lai của tỉnh cho 10, 20 năm tới. Đề cao trách nhiệm nêu gương, danh dự, lòng tự trọng của người cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiếu đấu của Đảng bộ, tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Giữ vững sự đoàn kết thống nhất; kỷ luật, kỷ cương, nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt. Chú trọng đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; tập trung kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt ở những lĩnh vực, địa bàn dễ xảy ra tiêu cực, nơi người dân có nhiều bức xúc, dư luận xã hội quan tâm để kịp thời phát hiện, ngăn chặn từ xa, từ đầu, giải quyết từ sớm, không để vi phạm nhỏ tích thành sai phạm lớn.

Bài học rút ra từ việc thực hiện nghị quyết ở Quảng Ngãi -0
 Công nghiệp Quảng Ngãi phát triển đã tạo công ăn việc làm cho hàng chục nghìn lao động địa phương.

Thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Xây dựng mối quan hệ mật thiết với nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng.Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, phong cách, lề lối làm việc của các cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, đặc biệt là đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo đối với chính quyền. Tập trung xây dựng chính quyền kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện mạnh mẽ thứ hạng các chỉ số về cải cách hành chính, hiệu quả và hành chính công, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đẩy mạnh xây dựng chính quyền số, ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành và cung cấp các dịch vụ công. Đây là cơ sở quan trọng để thúc đẩy minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình của chính quyền, tiết giảm tối đa thời gian, chi phí của tổ chức, cá nhân liên quan đến các hoạt động quản lý hành chính.