Ðẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ nông sản ở đồng bằng sông Cửu Long (Tiếp theo và hết) (*)

Bài 2: Hạt nhân trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ

Trong nhiều năm qua, giữa hai vế sản xuất và tiêu thụ nông sản tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) thường xuyên "vênh" nhau. Việc tiêu thụ nông sản đến nay chủ yếu vẫn thông qua hệ thống "đầu nậu", thương lái. Họ thu mua nông sản rồi bán cho các nhà máy chế biến, góp phần giải quyết đầu ra cho nông sản, nhất là vào cao điểm thu hoạch mùa vụ. Tuy nhiên, chính hệ thống thương lái lại tạo ra nhiều rủi ro về giá, làm cho nông dân không quyết định được giá bán sản phẩm của mình, dẫn đến điệp khúc "được mùa, rớt giá"...

Sơ chế dừa uống nước tại huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre.
Sơ chế dừa uống nước tại huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre.

Sản xuất càng mở rộng, đầu ra càng hẹp

Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng ngành thủy sản Bến Tre luôn ở mức cao. Ðến nay, toàn tỉnh có 3.975 tàu cá đăng ký, trong đó tàu đánh bắt xa bờ chiếm 52,2%, sản lượng khai thác hằng năm hơn 200 nghìn tấn hải sản. Nghề nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định với tổng diện tích 46.000 ha, trong đó, 35.000 ha nuôi tôm biển, 770 ha nuôi cá tra, 5.200 ha nuôi nhuyễn thể... Ðáng chú ý, tỉnh có hơn 600 ha nuôi tôm hai giai đoạn với năng suất bình quân từ 60 đến 70 tấn/ha mặt nước/vụ, mỗi năm nuôi ba vụ. Toàn tỉnh có 13 nhà máy chế biến thủy sản phục vụ xuất khẩu với công suất thiết kế 150 nghìn tấn, thị trường xuất khẩu chủ yếu là: Nhật Bản, Mỹ, EU, các nước Nam Mỹ, châu Á...

Chúng tôi đến thăm tổ hợp tác (THT) nuôi tôm Thạnh Phong, tại ấp Ðại Thôn, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú (Bến Tre) vào một ngày đầu tháng 6-2019. Cả đầm nuôi tôm thẻ chân trắng được xây dựng theo mô hình vi sinh hiện đại với quy mô hơn 4 ha đang vụ thu hoạch. Ông Ðặng Văn Bảy, chủ nhiệm THT Thạnh Phong cho biết, với mô hình nuôi tôm ba giai đoạn, mỗi năm THT sản xuất hai vụ tôm, trung bình mỗi vụ khoảng 40 tấn. Với giá tôm thương lái mua như hiện nay là 170 nghìn đồng/kg (loại 25 con/kg) thì mỗi năm, THT thu được 7 đến 8 tỷ đồng.

Tuy nhiên, có một thực tế trong nghề nuôi tôm là chất lượng con giống chưa cao, không kiểm soát được môi trường nuôi khiến dịch bệnh dễ lây lan, thiệt hại. Nhiều hộ nuôi đối mặt với bất lợi của thời tiết, khí hậu, giá cả thị trường, nhất là thiếu vốn để tái sản xuất… Ðặc biệt, việc liên kết sản xuất, tiêu thụ theo tổ, nhóm hợp tác và liên kết chuỗi còn rất hạn chế, thương lái thu mua tôm trực tiếp từ hộ nuôi thông qua thương lượng, không có hợp đồng thu mua cũng như không hỗ trợ người nuôi. Theo ông Bảy, toàn bộ các cơ sở nuôi tôm trên địa bàn xã Thạnh Phong đều phụ thuộc đầu ra hoàn toàn vào thương lái.

Không chỉ tôm, đầu ra cho sản phẩm lúa gạo cũng rất bấp bênh. Mới đây, vào vụ đông xuân 2018-2019, người trồng lúa ÐBSCL lâm vào tình trạng tiêu thụ lúa chậm, giá bán thấp, nhiều doanh nghiệp bỏ tiền cọc... Vào thời điểm chuẩn bị thu hoạch, nông dân tỉnh Hậu Giang xuống giống được 78.418 ha, trong đó chỉ có 23.191 ha được doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu, với hơn 24.120 hộ tham gia. 55.227 ha lúa còn lại phụ thuộc vào thương lái. Theo phản ánh từ nhiều HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, do giá lúa giảm cho nên không ít doanh nghiệp "bẻ kèo" chuyện thu mua lúa cho bà con, dù đã ký hợp đồng bao tiêu từ trước.

Trong vấn đề tiêu thụ nông sản ở ÐBSCL, khi nông sản dễ tiêu thụ, giá cao thì cả doanh nghiệp, nông dân đều có lợi. Thế nhưng khi giá nông sản thấp, khó tiêu thụ, tình trạng nhiều doanh nghiệp "bẻ kèo", không thu mua sản phẩm cho nông dân khá phổ biến. Ngược lại, cũng có tình trạng khi nông sản được giá, có hộ nông dân quay lại "bẻ kèo" doanh nghiệp, bán cho thương lái trả giá cao hơn. Ðây là câu chuyện luẩn quẩn, chưa bao giờ có hồi kết.

Phải gắn sản xuất với tiêu thụ

Từ thực tế nêu trên, những năm gần đây, chính quyền và ngành nông nghiệp các địa phương ÐBSCL đã có nhiều cách làm để gắn kết việc sản xuất và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị. Nông dân bắt đầu sản xuất theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, thực hiện các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ theo các Quyết định 80/2002/QÐ-TTg về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản theo hợp đồng; Quyết định số 62/2013/QÐ-TTg về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn và Nghị định 98/2018/NÐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Từ các chủ trương, chính sách này, trong những năm qua, nhiều địa phương như An Giang, Long An, Bến Tre… đã rất quan tâm, chỉ đạo và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia xây dựng vùng nguyên liệu theo nhu cầu. Công tác xúc tiến liên kết, phổ biến, hướng dẫn, tuyên truyền, vận động nông dân tham gia các mô hình liên kết, THT được triển khai rộng khắp đã làm thay đổi nhận thức của nông dân trong hợp tác sản xuất.

Về những giải pháp lâu dài nhằm bảo đảm phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung, một số địa phương đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh việc tổ chức lại sản xuất ngành hàng lúa gạo theo hướng hình thành các vùng chuyên canh lúa với việc sử dụng linh hoạt đất trồng phù hợp mục tiêu an ninh lương thực và chuyển đổi sang trồng các loại cây đáp ứng nhu cầu thị trường. Ðối với ngành thủy sản nói chung và nghề nuôi tôm nói riêng tại khu vực ÐBSCL, khuyến nghị các doanh nghiệp tăng cường liên kết với người nuôi, chủ động hơn về nguồn cung nguyên liệu phối hợp điều chỉnh cơ cấu thị trường, xây dựng kế hoạch xuất khẩu, từ đó đáp ứng nhu cầu của khách hàng một cách ổn định.

Trong việc đưa chính sách của Ðảng, Nhà nước vào thực tiễn, đội ngũ doanh nghiệp luôn phải đi tiên phong, là hạt nhân. Từ những cách làm hay và sáng tạo của họ, sợi dây liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản trở nên gắn kết, bền chặt hơn. Trở lại với câu chuyện ở Tiền Giang, để xây dựng thương hiệu gạo sạch Vinh Hiển, công ty đã đầu tư xây dựng nhãn mác, nhà kho dự trữ lúa trữ lượng 5.000 tấn, nhà kho dự trữ từ 500 đến 700 tấn gạo, hoàn thiện hệ thống quy trình sản xuất lúa: Từ lò sấy, tách hạt, xát trắng, lau bóng, tách mầu và đóng gói sản phẩm. Giám đốc Công ty TNHH Vinh Hiển Huỳnh Văn Danh cho biết: "Công ty liên kết với nông dân làm cánh đồng lớn là hướng đến sự bền vững vì hai bên cùng có lợi và luôn tin tưởng lẫn nhau. Khi thực hiện mô hình này, doanh nghiệp chủ động nguồn nguyên liệu và quản lý được chất lượng hạt gạo. Ngược lại, khi ký kết hợp đồng tiêu thụ, người nông dân đã giải quyết được nỗi lo đầu ra hạt lúa mà giá lại cao hơn giá trên thị trường. Nhiều người dân ở khu vực hai huyện Gò Công Ðông và Gò Công Tây bày tỏ nguyện vọng muốn tham gia cánh đồng lớn, ký kết hợp đồng tiêu thụ với công ty. Hiện chúng tôi đang có kế hoạch mở rộng thị trường tiêu thụ để có thể hợp tác nhiều hơn với nông dân".

Ðối với thị trường nước ngoài, để tránh phụ thuộc vào thị trường lớn nhất hiện nay là Trung Quốc, các địa phương cần hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp xúc tiến thương mại tại các thị trường tiềm năng để mở rộng, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ nông sản.

* Bài 1: Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ

-----------------------------

(★) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 4-7-2019.