Ðảng bộ Kiểm toán Nhà nước đồng hành cùng sự nghiệp đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước

Bám sát chủ trương, đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Ðảng và Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết Ðại hội Ðại biểu toàn quốc lần thứ XII của Ðảng, Ban Cán sự đảng, Ðảng ủy Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo toàn ngành KTNN thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị trong nhiệm kỳ 2015-2020. Kết quả kiểm toán của KTNN đã góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới, ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường hiệu quả sử dụng nguồn lực công, thu hút đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong suốt nhiệm kỳ.

Các kết quả nổi bật trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị

Xây dựng Ðảng bộ KTNN trong sạch, vững mạnh, hoàn thành toàn diện nhiệm vụ chính trị được giao. Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Ðảng bộ KTNN đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các đảng bộ, chi bộ trực thuộc triển khai quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả nhiều giải pháp xây dựng Ðảng bộ KTNN trong sạch, vững mạnh, chú trọng giáo dục tư tưởng, chính trị; tăng cường kỷ cương, kỷ luật, nâng cao năng lực, chất lượng và hiệu quả hoạt động kiểm toán, góp phần hoàn thành toàn diện các mặt công tác. Nổi bật là Ðảng bộ KTNN đã lãnh đạo thành công việc sửa đổi, bổ sung một số điều Luật KTNN năm 2015; xây dựng và ban hành hệ thống 39 Chuẩn mực KTNN và nhiều văn bản, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động kiểm toán của KTNN. Bên cạnh đó, Ðảng bộ KTNN thường xuyên lãnh đạo các đảng bộ, chi bộ trực thuộc không ngừng nâng cao năng lực, phẩm chất cán bộ; kiện toàn bộ máy quản lý, tăng cường cơ sở vật chất, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ cao trong hoạt động kiểm toán, từng bước đưa KTNN tiến lên chuyên nghiệp, hiện đại. Ðặc biệt, tháng 9-2018, KTNN đã tổ chức thành công Ðại hội Tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) lần thứ 14 tại Hà Nội, đồng thời đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018 - 2021, khẳng định vai trò, vị thế của KTNN Việt Nam trong khu vực và quốc tế.

Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm giải trình, đẩy mạnh tính minh bạch, hiệu quả và bền vững của nền tài chính quốc gia. Ðảng bộ KTNN đã lãnh đạo, chỉ đạo các đảng bộ, chi bộ trực thuộc thực hiện hàng nghìn cuộc kiểm toán thuộc tất cả các lĩnh vực, góp phần tăng cường kỷ cương, kỷ luật và hoàn thiện cơ chế, chính sách trong quản lý tài chính công, tài sản công. Nhiều kết quả kiểm toán thuộc lĩnh vực đất đai, dự án BOT, BT, cổ phần hóa doanh nghiệp... được dư luận xã hội đánh giá cao và Quốc hội, đại biểu Quốc hội sử dụng trong hoạt động xây dựng pháp luật và giám sát.

Hằng năm, KTNN đã kiểm toán để xác nhận báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán Ngân sách nhà nước (NSNN) của hầu hết các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có quy mô sử dụng ngân sách lớn để cung cấp thông tin cho Quốc hội, hội đồng nhân dân quyết định dự toán và phê chuẩn quyết toán NSNN; cung cấp thông tin cho Quốc hội sử dụng trong quá trình xem xét, quyết định và giám sát việc thực hiện phát triển kinh tế - xã hội dài hạn và hằng năm của đất nước, quyết định chủ trương đầu tư của các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia và các chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia... Tổng hợp kết quả kiểm toán giai đoạn 2015 - 2019, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 323.557 tỷ đồng (trong đó, kiến nghị tăng thu ngân sách 67.050 tỷ đồng, giảm chi ngân sách 82.788 tỷ đồng), tăng hơn 300% so với nhiệm kỳ trước (2010 - 2015). Ðặc biệt, qua chọn mẫu kiểm toán chi tiết tại các đơn vị hành chính, sự nghiệp, doanh nghiệp, dự án... bảo đảm công khai, minh bạch, chủ động và hạn chế tiêu cực, KTNN đã đánh giá, kết luận và kiến nghị các đơn vị được kiểm toán kịp thời chấn chỉnh nhiều vấn đề bức xúc được dư luận xã hội quan tâm, như: Công tác đầu tư, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công; công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, khoáng sản; việc triển khai thực hiện Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; việc quản lý thu tiền sử dụng đất; quản lý thu thuế, việc thực hiện các chính sách ưu đãi đầu tư tại các khu kinh tế; việc quản lý nhập khẩu phế liệu... qua đó, góp phần tăng cường kỷ cương, nền nếp quản lý tài chính, kế toán cho các đơn vị; nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng tiền, tài sản nhà nước; phát hiện và ngăn ngừa kịp thời các sai phạm trong quản lý.

Bên cạnh đó, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020, Ðảng bộ KTNN đã bám sát chủ trương tái cơ cấu đầu tư công gắn với tăng trưởng bền vững theo Nghị quyết số 05-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành T.Ư Ðảng khóa XII để chỉ đạo các đơn vị thực hiện kiểm toán hầu hết các chương trình mục tiêu, các dự án quan trọng quốc gia; tập trung kiểm toán các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư có tính chất rủi ro cao, cơ chế, chính sách chưa được hoàn thiện. Kết quả kiểm toán 86 dự án BOT và 65 dự án BT, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 16.702 tỷ đồng và giảm 300 năm thời gian thu phí các dự án BOT so với phương án tài chính ban đầu. Quan trọng hơn, qua kiểm toán, KTNN đã chỉ ra nhiều hạn chế, bất cập trong chính sách đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BT được các bộ, ngành nghiên cứu tiếp thu, sửa đổi trong các văn bản pháp luật, đặc biệt là Dự thảo Luật Ðầu tư theo phương thức đối tác công tư.

KTNN cũng đã chủ động bám sát kế hoạch thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) để thực hiện kiểm toán việc xác định giá trị doanh nghiệp, kiểm toán quyết toán giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần theo quy định nhằm đánh giá hiệu quả thực hiện Ðề án Tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, Ðề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, qua đó góp phần đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa DNNN theo chủ trương chỉ đạo của lãnh đạo Ðảng, Nhà nước và kịp thời ngăn chặn các khả năng thất thoát ngân sách, tiền, tài sản Nhà nước từ công tác định giá doanh nghiệp. Kết quả kiểm toán định giá tại 16 doanh nghiệp trong giai đoạn 2016 - 2019, KTNN đã kiến nghị tăng giá trị thực tế phần vốn nhà nước 15.942,8 tỷ đồng. Ngoài ra, trong năm 2018 - 2019, qua kiểm toán việc quản lý và sử dụng đất trong và sau khi cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011 - 2017 tại 63 tỉnh, thành phố, KTNN đã phát hiện nhiều bất cập, hạn chế về chính sách trong giao đất tạo nên những kẽ hở cho tiêu cực, gây thất thoát NSNN khi chuyển quyền sử dụng đất từ DNNN sang tư nhân thông qua cổ phần hóa, qua đó kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành sửa đổi các quy định, văn bản nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, chính sách.

Ðặc biệt, kết quả kiểm toán của KTNN trong nhiệm kỳ vừa qua đã nhận được sự đồng thuận cao của toàn xã hội, tạo niềm tin vững chắc cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước về môi trường đầu tư và kinh doanh minh bạch tại Việt Nam, duy trì tỷ lệ đầu tư tư nhân, đầu tư trực tiếp nước ngoài ở mức cao, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế trong suốt nhiệm kỳ.

Tham gia công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí do Ðảng, Nhà nước lãnh đạo. Xác định cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài, Ðảng bộ KTNN đã lãnh đạo triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt thực hiện hiệu quả việc phòng, chống tham nhũng, lãng phí thông qua hoạt động kiểm toán; tăng cường kiểm toán các vấn đề dễ nảy sinh tiêu cực, lãng phí trong quản lý, sử dụng nguồn lực công như đất đai, khoáng sản, thuế, quản lý sử dụng ngân sách, doanh nghiệp nhà nước...; ký kết và thực hiện hiệu quả các quy chế phối hợp Thanh tra Chính phủ, Ủy ban kiểm tra T.Ư và các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng. Qua đó, từ năm 2015 đến nay, KTNN đã cung cấp 376 Báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát; chuyển 16 vụ việc sang Cơ quan Cảnh sát điều tra làm rõ để xử lý về hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật; kiến nghị hủy bỏ hoặc thay thế, sửa đổi, bổ sung 764 văn bản pháp luật để bịt lỗ hổng thất thoát, lãng phí, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, sử dụng hiệu quả nguồn lực công. Ðặc biệt, năm 2019, KTNN đã chuyển sáu vụ việc sang cơ quan điều tra, trong đó kết quả kiểm toán dự án Nhà máy sản xuất phân đạm Ninh Bình và dự án Nhà máy sản xuất Ethanol Bình Phước cho thấy nhiều sai phạm trong quản lý đầu tư xây dựng, quản lý tài chính, kế toán, KTNN đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra xử lý theo quy định pháp luật.

Những công việc cần thực hiện trong thời gian tới

Nhiệm kỳ 2015 - 2020 của Ðảng bộ KTNN khép lại với nhiều thành công và kết quả đáng ghi nhận. Ðạt được các thành tích nổi bật nêu trên là nhờ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Ban cán sự đảng, Ðảng ủy KTNN và nỗ lực đoàn kết, phấn đấu không ngừng của tập thể cán bộ, đảng viên, kiểm toán viên và người lao động của KTNN. Ðể tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, khẳng định vai trò KTNN là cơ quan kiểm toán tài chính công có trách nhiệm, uy tín, chuyên nghiệp và hiện đại, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thời gian tới, Ðảng bộ KTNN sẽ tập trung lãnh đạo một số nhiệm vụ sau:

Một là, bám sát chủ trương, đường lối, chính sách của Ðảng, Nhà nước để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm toán, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, kế hoạch kiểm toán được Quốc hội, lãnh đạo Ðảng, Nhà nước giao, góp phần quan trọng vào việc sử dụng nguồn lực công có hiệu quả, tham gia phòng, chống tham nhũng, đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Hai là, xây dựng đội ngũ cán bộ, kiểm toán viên "công minh, chính trực, nghệ tinh, tâm sáng", bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, năng lực chuyên môn cao. Ðảng bộ KTNN sẽ tăng cường công tác giáo dục chính trị, đạo đức lối sống, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ðồng thời, thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cho cán bộ, công chức và kiểm toán viên trong toàn ngành, quyết tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, kiểm toán viên tinh nhuệ, chú trọng rèn luyện công chức đủ đức, đủ tài, đủ sức gánh vác các nhiệm vụ và trọng trách được Ðảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Ba là, hoàn thiện thể chế, chuẩn mực, quy trình chuyên môn, nghiệp vụ làm nền tảng cơ bản cho việc nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động kiểm toán; thực hiện đổi mới phương pháp và cách thức tổ chức thực hiện kiểm toán theo thông lệ quốc tế; tiếp tục nghiên cứu, triển khai các loại hình kiểm toán mới, nghiên cứu, phát triển các lĩnh vực kiểm toán đặc thù như kiểm toán môi trường, kiểm toán công nghệ thông tin, kiểm toán hoạt động.

Bốn là, đẩy mạnh công tác hội nhập quốc tế, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán, tạo nền tảng lâu dài và bền vững cho sự phát triển của KTNN trong giai đoạn hội nhập quốc tế.

Năm là, tăng cường quan hệ phối hợp với bộ, ngành và địa phương để lập kế hoạch kiểm toán chính xác, tập trung vào các vấn đề đòi hỏi thực tiễn lãnh đạo của Ðảng, Nhà nước, những vấn đề được xã hội quan tâm; tham mưu, báo cáo kịp thời lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, Quốc hội các phát hiện kiểm toán để lãnh đạo công tác đổi mới, phát triển.

TS Hồ Ðức Phớc

Ủy viên T.Ư Ðảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước