5 năm thực hiện kiên cố hóa kênh mương và bê-tông giao thông nội đồng ở Tuyên Quang

Với phương châm Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ, giai đoạn 2016-2020, tỉnh Tuyên Quang đã hoàn thành 944,87 km kênh mương bằng cấu kiện kênh bê-tông đúc sẵn; bê-tông hóa 470,62 km đường nội đồng và vùng sản xuất hàng hóa; xây dựng 550 nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố gắn với sân thể thao và khuôn viên. Kết quả đó đã góp phần đưa tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới đến hết năm 2019 trên địa bàn toàn tỉnh lên 37 xã, dự kiến đến hết năm 2020 sẽ có 46 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Ðường nội đồng xã Lăng Can, huyện Lâm Bình được đổ bê-tông khang trang, sạch đẹp.
Ðường nội đồng xã Lăng Can, huyện Lâm Bình được đổ bê-tông khang trang, sạch đẹp.

Ngày 22-2-2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU về kiên cố hóa kênh mương; bê-tông hóa đường giao thông nội đồng và vùng sản xuất hàng hóa; xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố gắn với sân thể thao và khuôn viên giai đoạn 2016-2020. Ðể triển khai thực hiện Nghị quyết đạt hiệu quả, bảo đảm chất lượng, đáp ứng mục tiêu, nhiệm vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thành phố tập trung tổ chức phổ biến, quán triệt nội dung Nghị quyết, nội dung nhiệm vụ của từng Chương trình đến toàn thể cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan tham mưu chính sách thực hiện. UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt ba Ðề án: Kiên cố hóa kênh mương giai đoạn 2016-2025 với nội dung thực hiện kiên cố hóa kênh mương bằng cấu kiện kênh bê-tông thành mỏng đúc sẵn lắp ghép trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; trong đó: giai đoạn 2016-2020 mục tiêu kiên cố hóa

780 km kênh mương, đạt tỷ lệ hơn 70% số kênh mương toàn tỉnh được kiên cố hóa. Ðề án bê-tông hóa đường giao thông nội đồng mục tiêu bê-tông hóa hơn 414,18 km đường nội đồng (115,06 km đường nội đồng của 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 299,12 km đường nội đồng cho các vùng sản xuất hàng hóa chủ lực cam, chè, mía của tỉnh), đạt tỷ lệ hơn 35% đường bê-tông nội đồng toàn tỉnh được bê-tông hóa. Ðề án xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố gắn với sân thể thao và khuôn viên mục tiêu xây dựng 595 nhà văn hóa (380 nhà văn hóa thuộc các xã mục tiêu xây dựng nông thôn mới, 131 nhà văn hóa thôn, bản thuộc các xã khác, 84 nhà văn hóa tổ dân phố thuộc phường, thị trấn), phấn đấu đạt tỷ lệ hơn 40% số nhà văn hóa đạt chuẩn theo quy định; đồng thời phổ biến hướng dẫn về trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng cùng thiết kế mẫu, cách lập dự toán mẫu và trình tự, thủ tục, kỹ thuật thi công ba công trình của các ngành đến các đối tượng trực tiếp thực hiện là UBND các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Hằng năm, chỉ đạo các ngành phối hợp với UBND các huyện, thành phố, căn cứ khối lượng công trình dự kiến đầu tư xây dựng theo từng giai đoạn trong các Ðề án được phê duyệt và nhu cầu thực tế của nhân dân, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Trên cơ sở đó, tổ chức lựa chọn nhà thầu cung ứng cấu kiện kênh bê-tông thành mỏng mặt cắt pa-ra-bôn cốt sợi thép phân tán mác 500, cấu kiện nhà văn hóa theo quy định, đồng thời phối hợp UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch cung ứng, tiếp nhận cấu kiện đến các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh và chỉ đạo nhà thầu thực hiện cung ứng cấu kiện theo kế hoạch đã xây dựng, bảo đảm tiến độ. Thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra phát hiện những bất cập, hạn chế để khắc phục; định kỳ tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện theo đúng quy định và kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện tại cơ sở. Các huyện, thành phố đã thành lập, kiện toàn ban chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cấp mình và cấp xã giai đoạn 2016-2020, trong đó phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên trong ban, ban hành quy chế làm việc để chỉ đạo xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện.

5 năm thực hiện kiên cố hóa kênh mương và bê-tông giao thông nội đồng ở Tuyên Quang ảnh 1

Nhà Văn hóa thôn Nặm Chá, xã Lăng Can, huyện Lâm Bình.

Trên cơ sở kế hoạch được huyện, thành phố phê duyệt, các xã tổ chức lập hồ sơ thiết kế kiên cố hóa kênh mương, bê-tông hóa đường giao thông nội đồng và xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố trình UBND huyện thẩm định, phê duyệt. Từ đó, tổ chức họp nhân dân thống nhất huy động triển khai thi công xây dựng bảo đảm tiến độ kế hoạch đã giao. Khi các công trình hoàn thành, thực hiện nghiệm thu, thanh quyết toán kinh phí đầu tư xây dựng theo quy định; công khai kết quả huy động đóng góp, kết quả đầu tư đối với từng công trình trên địa bàn để nhân dân biết, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân cùng tham gia quản lý, giám sát theo Quy chế dân chủ ở cơ sở.

Ban hành chính sách hỗ trợ để thực hiện các mục tiêu Nghị quyết phù hợp nhu cầu của người dân và điều kiện thực tế của địa phương, phù hợp với khả năng huy động nguồn lực với phương châm Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ, được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Các quy định phân cấp tổ chức thực hiện phù hợp điều kiện và năng lực thực tế của các cấp, các ngành; các hướng dẫn của ngành, liên ngành bảo đảm kịp thời, thống nhất, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở; nội dung hướng dẫn thực hiện phù hợp điều kiện và năng lực thực tế của địa phương..., đã sớm đưa Nghị quyết của Ðảng vào cuộc sống. Trong 5 năm qua, tỉnh Tuyên Quang đã kiên cố được 944,87 km kênh mương (đến hết năm 2019 hoàn thành và đưa vào sử dụng là 784,87 km và 160 km được hoàn thành năm 2020) nâng tổng số kênh mương toàn tỉnh được kiên cố hóa lên 2.699,99 km, vượt 21,14% mục tiêu mà đề án đã đề ra và vượt 7,46% theo Nghị quyết 15-NQ/TU. Bê-tông hóa đường giao thông nội đồng và vùng sản xuất hàng hóa được 470,62 km (đến hết năm 2019 hoàn thành và đưa vào sử dụng là 420,62 km và 50 km được hoàn thành năm 2020), nâng tổng số đường nội đồng được bê-tông hóa toàn tỉnh đến năm 2020 lên 652,906 km trong số 1.639,46 km toàn tỉnh, vượt mục tiêu Nghị quyết số 15-NQ/TU là 7,87%. Xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố gắn với sân thể thao và khuôn viên được 550 nhà (đến hết năm 2019 hoàn thành và đưa vào sử dụng là 506 nhà và 44 nhà hiện đang trong quá trình hoàn thiện), nâng tổng số nhà văn hóa đạt chuẩn theo quy định toàn tỉnh đến năm 2020 lên 1.139 nhà, vượt mục tiêu Nghị quyết là 28,02%. Tổng kinh phí đầu tư thực hiện ba công trình này ước khoảng hơn 1.366 tỷ đồng. Trong đó: Nhà nước hỗ trợ: 928,594 tỷ đồng, còn nhân dân đóng góp hơn 437,742 tỷ đồng.

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện cũng còn gặp nhiều khó khăn: Quá trình tổ chức triển khai thực hiện mục tiêu kiên cố hóa kênh mương và xây dựng nhà văn hóa thôn, bản ở một số địa phương thời gian đầu còn lúng túng về hồ sơ, thủ tục, kỹ thuật lắp đặt và tổ chức huy động nhân dân. Việc cung ứng, tiếp nhận vào mùa mưa còn khó khăn, việc vận chuyển cấu kiện để lắp đặt vào một số công trình còn chậm do địa hình phức tạp. Việc thi công phụ thuộc vào mùa vụ sản xuất và điều kiện thời tiết, huy động nhân lực phải chờ đến thời điểm nông nhàn. Một số xã cán bộ phụ trách trình độ, năng lực còn hạn chế cho nên lúng túng trong quá trình thực hiện dẫn đến một số công trình đã thi công, lắp đặt hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng chưa bảo đảm yêu cầu kỹ thuật. Một số công trình đã hoàn thiện thủ tục, hồ sơ quyết toán nhưng chất lượng hồ sơ chưa bảo đảm đúng quy định. Việc triển khai thực hiện mục tiêu bê-tông hóa đường giao thông nội đồng và vùng sản xuất hàng hóa còn gặp nhiều khó khăn do Tuyên Quang là tỉnh miền núi, địa hình bị chia cắt, dân cư không tập trung, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, không có nguồn vật liệu khai thác tại chỗ, khối lượng đường bê-tông hóa dài cho nên nguồn kinh phí đầu tư lớn, trong khi ngoài số kinh phí được hỗ trợ từ các Chương trình mục tiêu của Nhà nước thì số kinh phí còn lại phải huy động đóng góp của nhân dân.

Chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình triển khai xây dựng ba công trình này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang, Nguyễn Thế Giang cho biết, tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ phù hợp nhu cầu của người dân và điều kiện thực tế của địa phương, phù hợp khả năng huy động nguồn lực và theo tinh thần dân chủ, tự nguyện. Trong đó, quy định phân cấp tổ chức thực hiện phù hợp điều kiện và năng lực thực tế của các cấp, các ngành; đồng thời hướng dẫn của ngành, liên ngành phải bảo đảm kịp thời, thống nhất, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, nội dung hướng dẫn phải phù hợp điều kiện và năng lực thực tế của địa phương, nhất là trình tự, thủ tục, hồ sơ đầu tư xây dựng tại cơ sở phải đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện từ bước lập kế hoạch đến khảo sát, thiết kế, thẩm định, phê duyệt, quy trình kỹ thuật thi công, giám sát công trình, nghiệm thu, thanh toán, quyết toán... Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, thông báo rộng rãi để nhân dân nắm được mục tiêu chủ trương, mục đích, hiệu quả của chương trình và phương thức thực hiện, nhằm tạo nên sự đồng thuận và tích cực hưởng ứng tham gia. Ðồng thời, cần tuyên truyền, phổ biến kinh nghiệm triển khai thực hiện qua tham quan học tập thực tế tại các địa phương thực hiện tốt, tuyên truyền thực hiện với lồng ghép triển khai các nội dung của chương trình mục tiêu khác có liên quan để làm cơ sở nhân rộng. Quá trình triển khai thực hiện cần có sự quan tâm vào cuộc của các cấp ủy Ðảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, đồng thời phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể; sự phối hợp của các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố trong công tác tham mưu, hướng dẫn, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc và khắc phục các yếu kém, bất cập ở cơ sở. Thực hiện công khai hóa kế hoạch huy động, tổ chức thực hiện và kết quả đầu tư để nhân dân biết, dân bàn..., tạo điều kiện cho mọi người cùng tham gia quản lý, giám sát theo Quy chế dân chủ ở cơ sở. Tăng cường công tác kiểm tra tình hình, tiến độ thực hiện tại cơ sở và làm việc với các ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố để kiểm điểm, đánh giá tiến độ, kết quả thực hiện thực tế nhằm kịp thời chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Hiện nay, tỉnh Tuyên Quang còn 832,11 km kênh chưa được kiên cố hóa; 936,6 km đường giao thông nội đồng và vùng sản xuất hàng hóa chưa được bê-tông hóa; 556 nhà văn hóa chưa đạt chuẩn theo quy định. Ðể đáp ứng mục tiêu, nhiệm vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững và thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Tuyên Quang sẽ tiếp tục có các biện pháp hỗ trợ để thực hiện kiên cố hóa kênh mương, bê-tông hóa đường giao thông nội đồng và vùng sản xuất hàng hóa và xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững.