Sáu tháng, xử lý 85.892 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả

NDO -

NDĐT - Sáng 30-7, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia tổ chức họp báo thông tin về kết quả chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng đầu năm 2019, đồng thời đưa ra phương hướng, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới.

Sáu tháng, xử lý 85.892 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả

Theo báo cáo, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến, địa bàn cả nước tiếp tục diễn biến phức tạp. Các đối tượng hoạt động ngày càng tinh vi, có tổ chức và manh động. Đặc biệt, nổi lên tình trạng buôn bán ma túy; hàng giá sản xuất từ nước ngoài, hàng giả, hàng nhái, giả mạo xuất xứ, nhãn mác "made in Việt Nam" để gian lận thương mại. Việc này gây thất thu Ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp Việt Nam và thiệt hại người tiêu dùng.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 85.892 vụ việc vi phạm (giảm 16% so với cùng kỳ 2018), thu nộp Ngân sách Nhà nước đạt trên 6.165 tỷ đồng. Khởi tố 1.311 vụ (tăng trên 47% so với cùng kỳ), với 1.546 đối tượng (tăng trên 56%) so với cùng kỳ 2018.

Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nắm tình hình cả bề rộng lẫn chiều sâu, trên cơ sở đó dự báo sát tình hình, kịp thời tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nâng cao công tác điều hành chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu theo từng địa bàn, lĩnh vực phụ trách, điều chuyển, đề xuất điều chuyển thay thế người đứng đầu các cơ quan, đơn vị không đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Chỉ đạo kiểm tra các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm về buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả đã phát hiện, bắt giữ. Quá trình kiểm tra cần xác định trách nhiệm, kiến nghị xử lý các đơn vị, cá nhân quản lý địa bàn, lĩnh vực để xảy ra vụ việc vi phạm, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Ban Chỉ đạo 389 địa phương lựa chọn đơn vị trọng điểm lĩnh vực, ngành hàng trọng điểm để chỉ đạo kiểm tra, thực hiện các kế hoạch đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 chủ động tham mưu cho Ban Chỉ đạo 389 quốc gia nâng cao hiệu quả chỉ đạo điều hành, đồng thời tích cực hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc hoạt động của các Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Chủ động nắm tình hình, phối hợp với các cơ quan liên ngành thành lập các tổ công tác để thu thập thông tin về các hành vi thiếu tinh thần trách nhiệm, bao che, tiếp tay cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của cán bộ, công chức khi thi hành công vụ. Báo cáo đề xuất lãnh đạo ban chỉ đạo xử lý nghiêm.

Thường xuyên nghiên cứu, trao đổi với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, lực lượng chức năng trong và ngoài nước để đề xuất giải pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Chủ động nắm tình hình, phối hợp với các lực lượng chức năng để tổng hợp vướng mắc thực hiện các quy định về lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả để kiến nghị sửa đổi bổ sung kịp thời.