Ngăn chặn tình trạng buôn lậu xăng, dầu trên biển

Do chênh lệch lớn giữa giá xăng, dầu trong nước và nước ngoài, lợi nhuận từ buôn lậu xăng, dầu (BLXD) rất cao. Trong khi đó, vùng biển nước ta rộng, khó quản lý và kiểm soát, lực lượng chức năng chống buôn lậu trên biển mỏng, phương tiện, trang thiết bị còn hạn chế,… cho nên các đối tượng đã bất chấp mọi thủ đoạn, gia tăng hoạt động BLXD trên biển. Tuy các lực lượng chức năng, nhất là Cảnh sát biển Việt Nam liên tục tổ chức các đợt tuần tra, kiểm soát, nhưng tình trạng này vẫn chưa có dấu hiệu giảm.

Lực lượng Bộ đội Biên phòng kiểm tra và tạm giữ tàu buôn lậu xăng, dầu trên vùng biển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: ANH TUẤN
Lực lượng Bộ đội Biên phòng kiểm tra và tạm giữ tàu buôn lậu xăng, dầu trên vùng biển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: ANH TUẤN

Nhiều “điểm nóng”

Thời gian gần đây, lợi dụng tình trạng giá mặt hàng xăng, dầu trong nước đang có chiều hướng tăng, nhiều đối tượng đã tìm mọi cách hoán cải tàu nhằm vận chuyển, BLXD trên biển. Nhiều vụ việc đã bị lực lượng chức năng kịp thời ngăn chặn, xử lý, góp phần tránh thất thu ngân sách; giữ gìn an ninh, an toàn hàng hải và môi trường biển. Ngày 5-5 vừa qua, tàu tuần tra BP 13.98.01 của Hải đội 2 Biên phòng phối hợp Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm (Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) phát hiện tàu cá TG 93518 - TS do ông Trần Hữu Tân (trú tại Tiền Giang) làm thuyền trưởng, đang vận chuyển khoảng 20 nghìn lít dầu đi-ê-den. Tại thời điểm kiểm tra, ông Tân không xuất trình được hồ sơ, giấy tờ chứng minh nguồn gốc số dầu nói trên. Tổ công tác đã tiến hành lập biên bản vi phạm và tạm giữ tang vật cùng phương tiện đưa về huyện Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) để phục vụ điều tra, xác minh, làm rõ vụ việc. Trước đó, ngày 14-4, tại khu vực cách đông nam đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) khoảng 18 hải lý, lực lượng chức năng đã phát hiện và bắt quả tang tàu Pioneer Spirit (quốc tịch Hàn Quốc) và QNg 0350 TS (quốc tịch Việt Nam) có hành vi sang mạn xăng, dầu trái phép. Qua kiểm tra, tàu Pioneer Spirit còn khoảng gần hai triệu lít xăng Ron 95, đã bơm khoảng 345 lít xăng Ron 95 cho tàu QNg 0350 TS; toàn bộ số xăng Ron 95 này không có hóa đơn chứng từ hợp pháp cho nên đã bị tạm giữ để xử lý theo quy định,...

Hiện, những “điểm nóng” về hoạt động BLXD trên biển chủ yếu tại vùng đặc quyền kinh tế, vùng chồng lấn hoặc khu vực giáp ranh giữa Việt Nam và các nước như In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Thái-lan,... Trung bình mỗi ngày, trên những vùng biển này, có hàng chục nghìn lít xăng, dầu được vận chuyển từ các nước láng giềng vào vùng biển của nước ta để tiêu thụ. Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, trong năm 2018, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã bắt giữ, xử lý 29 vụ, 34 tàu, 200 đối tượng liên quan BLXD trên biển, thu giữ gần 206 nghìn lít xăng, hơn 17 triệu lít dầu đi-ê-den; hơn 25 nghìn lít dầu ma-dút, tịch thu nộp ngân sách nhà nước hơn 100 tỷ đồng. Chỉ riêng trong quý I vừa qua, Cảnh sát biển đã bắt giữ, xử lý 19 vụ, 23 tàu, 123 đối tượng, tịch thu gần 5,5 triệu lít xăng, gần 1,6 triệu lít dầu đi-ê-den, tịch thu nộp ngân sách hơn 70 tỷ đồng.

Đáng chú ý, qua hoạt động kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều tàu buôn lậu với thủ đoạn rất tinh vi. Các đối tượng thường sang cất xăng, dầu vào các can nhựa, thùng phuy, rồi sử dụng tàu cá công suất lớn, tàu siêu tốc, thậm chí cả ghe, xuồng nhỏ chở vào khu vực biển giáp ranh giữa Việt Nam và các nước trong khu vực để BLXD với các tàu trong nước. Sau đó, bán số xăng, dầu này ngay trên biển cho các tàu cá của ngư dân hoặc mang về đất liền tiêu thụ kiếm chênh lệch. Để qua mặt lực lượng chức năng khi bị kiểm tra, các đối tượng sử dụng tàu không số hiệu, hoặc số hiệu giả để giao dịch, mua bán xăng, dầu; thuê phương tiện vận chuyển xăng, dầu trái phép hoặc sử dụng hóa đơn của một số tàu dịch vụ hậu cần nghề cá đối phó các cơ quan chức năng. Nếu bị bắt giữ, các đối tượng thường “bỏ của chạy lấy người”, để hàng vô chủ. Nguy hiểm hơn, một số đối tượng manh động còn trang bị cả súng, sẵn sàng chống trả nhằm tẩu tán tang vật khi bị kiểm tra, bắt giữ.

Kiên quyết ngăn chặn

Đại tá Trần Văn Nam, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và pháp luật (Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam) nhận định, tình trạng BLXD trên biển đang diễn ra hết sức phức tạp, gia tăng cả quy mô và số lượng hàng hóa, bất kể giá xăng, dầu trong nước tăng hay giảm. Số lượng hàng hóa bị phát hiện thường rất lớn, hầu hết các vụ bắt giữ đều có lượng xăng, dầu trị giá tiền tỷ. Nguyên nhân do lượng tàu, thuyền hoạt động trên vùng biển xa bờ tăng cao, nhất là tàu cá của ngư dân cần sử dụng xăng, dầu để khai thác hải sản, hoặc tàu vận tải trên các vùng biển dài ngày. Trong khi việc cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá, nhất là xăng, dầu chưa đáp ứng được nhu cầu cả về số lượng và giá cả, tạo điều kiện lý tưởng để các đầu nậu xăng, dầu hoạt động. Thời điểm những tháng đầu năm, trùng với giá xăng, dầu trong nước tăng cao và có sự chênh lệch so với giá một số nước trong khu vực, hoạt động BLXD trên biển càng diễn ra mạnh mẽ và khó kiểm soát.

Khó khăn của việc xử lý các vụ BLXD trên biển do cách xa đất liền, thời tiết, khí hậu trên biển bất lợi cho việc tuần tra, kiểm soát cho nên khi bị phát hiện, các đối tượng nhanh chóng di chuyển ra khỏi vùng biển Việt Nam, sang các vùng biển nước ngoài để tránh sự truy bắt của lực lượng chức năng. Ngoài ra, có tình trạng các ngư dân thường chỉ mua đủ lượng dầu để ra khơi, sau đó mua dầu lậu của các tàu nước ngoài trên biển cho rẻ, dẫn đến rất khó ngăn chặn tình trạng BLXD trên biển. Chưa kể, các đối tượng buôn lậu thường vận chuyển với số lượng, trị giá lớn, vì vậy luôn cảnh giác, trang bị các khí tài quan sát, dụng cụ nghe nhìn từ xa để phát hiện sớm và sẵn sàng đối phó lực lượng chức năng khi có “biến”.

Theo đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (Vinpa), hiện nay lượng xăng, dầu nhập lậu rất khó kiểm soát, mỗi năm có hàng triệu tấn xăng, dầu không rõ nguồn gốc xuất xứ được tuồn ra thị trường tiêu thụ, không chỉ gây thất thu ngân sách, mà còn làm lũng đoạn thị trường và tạo sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Do đó, để ngăn chặn tình trạng này, các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là lực lượng quản lý thị trường, chính quyền địa phương cần tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm. Lãnh đạo một doanh nghiệp chuyên kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn Hà Nội cho biết thêm, do mức chênh lệch giữa giá bán lẻ xăng, dầu trong nước (phải chịu các khoản thuế, phí) và giá xăng nhập lậu lên tới khoảng 9.000 đồng/lít, cho nên một số đầu nậu bất chấp thủ đoạn, thậm chí đặt nguồn hàng từ nước ngoài đưa về thị trường nội địa tiêu thụ. Điều đó không chỉ gây ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp mà còn làm triệt tiêu sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường. Mặt khác, do nguồn hàng không rõ nguồn gốc dẫn đến chất lượng khó được bảo đảm và tiềm ẩn nguy cơ đối với người tiêu dùng. Chính vì vậy, Nhà nước cần có những hình phạt thích đáng nhằm ngăn chặn những đối tượng cố tình vi phạm.

Để hạn chế tình trạng BLXD, các cơ quan quản lý cần phải có các biện pháp tổng hợp, phối hợp chặt chẽ giữa các ngành và chính quyền địa phương tuyên truyền cho ngư dân nhận thức được hành vi mua xăng, dầu trôi nổi trên biển là tiếp tay cho buôn lậu. Đồng thời, cần nâng cao hiệu quả, đáp ứng dịch vụ hậu cần nghề cá, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân trong quá trình hoạt động khai thác thủy sản. Đối với lực lượng chức năng ở đất liền cũng như trên biển, cần phối hợp trong tuần tra, kiểm soát, bắt giữ và xử lý nghiêm các đường dây, ổ nhóm BLXD trên biển. Cần tập trung, bố trí lực lượng tại các “điểm nóng” như cửa khẩu cảng biển, cửa sông, khu vực các phương tiện neo đậu chuyển tải hàng hóa, nơi thường xuyên có hoạt động mua bán, sang mạn dầu trái phép trên biển, bảo đảm liên tục, liên hoàn từ biển - bờ - nội địa, không để hình thành các điểm nóng về BLXD trên biển.