Buôn lậu đường cát gia tăng dịp cuối năm

Do lợi nhuận thu lại cao từ đường cát nhập lậu dao động khoảng 20 nghìn đến 60 nghìn đồng/bao, thời gian qua các đối tượng buôn lậu tìm mọi cách vận chuyển đường cát lậu từ biên giới Cam-pu-chia đưa vào An Giang tiêu thụ. Ngành chức năng dự báo, từ nay đến Tết Nguyên đán, tình hình buôn lậu đường cát tiếp tục diễn biến phức tạp.

Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang bắt giữ phương tiện vận chuyển đường cát nhập lậu.
Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang bắt giữ phương tiện vận chuyển đường cát nhập lậu.

Tỉnh An Giang có đường biên giới chung khá dài với hai tỉnh Can-đan và Ta-kéo của Cam-pu-chia, có nhiều đường ngang lối mở, kênh, rạch... qua lại giữa hai bên cả bằng đường sông lẫn đường bộ là điều kiện rất thuận lợi cho hoạt động buôn lậu. Theo số lượng thống kê của Ban chỉ đạo 389 tỉnh An Giang, bên ngoài biên giới đang tồn tại 26 kho hàng là nơi thường xuyên tập kết hàng hóa với số lượng lớn để chờ thời cơ vận chuyển vào Việt Nam; trong khi đó, bên trong biên giới vẫn còn tồn tại sáu kho hàng sát bờ sông biên giới thuộc địa bàn huyện An Phú, được dùng để tập kết hàng hóa nhập lậu. Với những đặc điểm nêu trên, khu vực biên giới tỉnh An Giang luôn được xem là một trong các “điểm nóng” về hoạt động buôn lậu, trong đó đường cát nhập lậu là một trong những mặt hàng trọng điểm.

Tối 10-12, tổ công tác của Đồn Biên phòng Vĩnh Ngươn thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang tuần tra đến khu vực thuộc ấp Bà Bài, xã Vĩnh Tế, TP Châu Đốc thấy một thuyền gỗ có dấu hiệu bất thường nên ra hiệu dừng lại kiểm tra. Những người trên thuyền gỗ bỏ chạy theo hướng qua biên giới Cam-pu-chia. Kiểm tra trên thuyền gỗ, tổ công tác phát hiện cất giấu 35 bao đường với tổng trọng lượng hơn 1,7 tấn nên lập biên bản thu giữ. Trước đó, ngày 26-11, Đoàn kiểm tra của Đội Quản lý thị trường số 4 thuộc Chi cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang khi kiểm tra xe ô-tô khách mang BKS 51B-017.97 do lái xe Hà Trọng Nghĩa điều khiển đã thu giữ 41 bao đường có tổng trọng lượng hơn 2 tấn. Qua kiểm tra, số đường cát này do Thái-lan sản xuất, ông Nghĩa không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của 41 bao đường cát này, ngành chức năng đã lập biên bản tịch thu, đồng thời xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nghĩa số tiền 10 triệu đồng…

Đó là một số vụ mà ngành chức năng đã phát hiện xử lý. Chỉ trong hai tháng cuối năm 2019, Công an, Bộ đội Biên phòng, Cục Hải quan, Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang liên tục bắt giữ hàng chục vụ vận chuyển đường cát nhập lậu. Theo Cục Hải quan tỉnh, mặt hàng đường cát được vận chuyển qua biên giới và chuyển vào trong nước bằng xe gắn máy, một xe chở ba đến năm bao đường (một bao 50 kg) chạy với tốc độ cao gây khó khăn cho lực lượng chống buôn lậu và nguy hiểm cho người dân. Ngoài ra, các đầu nậu còn gắn trách nhiệm bồi thường cho các đối tượng vận chuyển cho nên tình trạng chống đối như đe dọa tính mạng, giành giật hàng hóa vẫn xảy ra. Còn theo Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang Huỳnh Ngọc Hồ, các đối tượng thực hiện sang chiết đường vào bao bên phía Cam-pu-chia rồi tập kết sát biên giới, hoặc trên các tàu có trọng tải lớn neo đậu cặp dòng sông chung giữa Việt Nam và Cam-pu-chia. Và khi có thời cơ thuận lợi, tổ chức vận chuyển nhỏ lẻ qua biên giới bằng phương tiện ô-tô, thuyền máy rồi tập kết, cất giấu đường vào các kho hàng, cơ sở sang chiết, đóng gói đường cát và chế biến đường phèn hoặc nhanh chóng giao nhận chuyển lên các xe ô-tô tải đang neo đậu chờ sẵn để vận chuyển vào nội địa. Khi bị phát hiện, những người vận chuyển đường cát lậu chạy thoát thân, bỏ xe, bỏ thuyền cùng hàng lậu.

Để hạn chế tình hình buôn lậu, Cục Hải quan An Giang, Cục Quản lý thị trường tỉnh đề xuất thực hiện khảo sát vị trí lắp đặt ca-mê-ra tại các địa bàn trọng điểm khu vực biên giới; đề xuất di dời các kho đường phèn khu vực biên giới vào trong nước; chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt tuyến biên giới, địa bàn trọng điểm. Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban chỉ đạo 389 Lê Văn Nưng dự báo, tình hình buôn lậu trong thời gian tới dự báo diễn biến phức tạp, trong đó dịp cuối năm, dịp lễ và Tết, buôn lậu sẽ gia tăng mạnh do lợi nhuận thu lại khá lớn, phía Cam-pu-chia vẫn tồn tại khá nhiều kho hàng, do đó trong phương hướng nhiệm vụ từ nay đến Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành kiểm soát chặt, ngăn chặn và xử lý kịp thời, hiệu quả các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới… UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành phối hợp kiên quyết đấu tranh không để phát sinh, tồn tại các điểm nóng trên địa bàn, các tổ chức, đường dây buôn lậu xuyên biên giới, xuyên tỉnh, xuyên huyện gây bức xúc trong nhân dân.

Cùng với đó, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang đã yêu cầu và kiến nghị phải thực hiện các giải pháp quản lý hiệu quả hóa đơn, chứng từ có liên quan hồ sơ bán đấu giá hàng hóa tịch thu, trong đó có mặt hàng cát; nhằm ngăn chặn tình trạng các đối tượng buôn lậu lợi dụng các loại hóa đơn chứng từ này để quay vòng, hợp thức hóa đường cát nhập lậu, giải pháp đấu tranh, ngăn chặn thủ đoạn đối phó của doanh nghiệp, hộ kinh doanh sang chiết, pha trộn các loại đường cát với nhau. Tỉnh kiến nghị Trung ương quan tâm, hỗ trợ để phát triển kinh tế địa phương, nhất là kinh tế biên giới, địa bàn kinh tế khó khăn, hỗ trợ tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân, từ đó không tham gia tiếp tay, vận chuyển hàng lậu...

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang, trong 11 tháng của năm 2019, các lực lượng chức năng của tỉnh kiểm tra, bắt giữ và xử lý 453.415 kg đường cát nhập lậu, tăng 42% so cùng kỳ. Tuy nhiên, các vụ bắt giữ nêu trên hầu hết là nhỏ lẻ so với đường dây vận chuyển đường lậu quy mô do Vi Hoàng Minh, ngụ phường Châu Phú A, TP Châu Đốc chủ mưu đã bị Bộ Công an triệt phá trong tháng 11-2019, thu giữ gần 1.000 tấn đường cát trắng.