Vĩnh biệt GS Hà Văn Tấn

NDO -

NDĐT - GS. NGND Hà Văn Tấn đã từ trần lúc 21 giờ ngày 27-11. Cùng với những người bạn nghiên cứu nổi danh khác - các GS Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, tên tuổi GS Hà Văn Tấn đã là niềm tự hào của Khoa Lịch sử, của Viện Khảo cổ học và cả ngành khoa học lịch sử Việt Nam nói chung.

Các GS Trần Quốc Vượng, Đinh Xuân Lâm, Hà Văn Tấn, Phan Huy Lê (đứng) cùng với GS Trần Văn Giàu và phu nhân - Ảnh Nguyễn Đình Toán chụp ngày 5.9.1995
Các GS Trần Quốc Vượng, Đinh Xuân Lâm, Hà Văn Tấn, Phan Huy Lê (đứng) cùng với GS Trần Văn Giàu và phu nhân - Ảnh Nguyễn Đình Toán chụp ngày 5.9.1995

Người trẻ nhất và là người cuối cùng trong “Bộ tứ huyền thoại - Lâm, Lê, Tấn, Vượng” của sử học Việt Nam hiện đại đã ra đi. Dù biết sức khỏe của ông không tốt đã lâu nhưng tin này đến với mọi người và đặc biệt là với các học trò của ông vẫn là điều đột ngột.

GS Hà Văn Tấn sinh ngày 16-8-1937 tại xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, cùng làng với đại thi hào Nguyễn Du. Quê ông là vùng đất nhiều danh nhân hiền tài. Dòng họ Hà Tiên Điền có truyền thống hiếu học và khoa bảng có các danh nhân như tiến sĩ Hà Tôn Mục, tiến sĩ Hà Tông Trình, phó bảng Hà Văn Đại. Từ năm 1957, ở tuổi hai mươi, Hà Văn Tấn đã tốt nghiệp xuát sắc đại học và ở lại trường Đại học Tổng hợp (khi đó) làm cán bộ giảng dạy Lịch sử cổ đại Việt Nam. Cũng từ đó ông bắt đầu chặng đường không mệt mỏi cống hiến cho sự nghiệp giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Tài năng và phong cách khoa học của Hà Văn Tấn bộc lộ ngay trong công trình đầu tay được xuát bản khi ông mới 23 tuổi. Đó là công trình là hiệu đính và chú thích cuốn Dư địa chí của Nguyễn Trãi. Để có số trang chú thích gấp bốn lần số trang chính văn, ông đã đọc gần 50 đầu sách từ nguyên bản chữ Hán. GS Đào Duy Anh đã “rất hài lòng và tin cậy ở tác giả” khi đánh giá về công trình này.

Hơn 50 năm làm công tác giảng dạy và nghiên cứu, GS Hà Văn Tấn đã đào tạo nhiều thế hệ sinh viên, nhiều khóa học viên cao học và hướng dẫn thành công 25 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. GS Hà Văn Tấn là một nhà khoa học lớn, rất chuyên sâu, uyên bác liên ngành và đa ngành: Khảo cổ học, lịch sử Việt Nam cổ trung đại, lý luận sử học, ngôn ngữ học, Phật học, lịch sử tư tưởng, văn hóa học, ngôn ngữ học, nhân chủng học, văn bản học. Ông là tác giả của 298 công trình được đăng trên nhiều tạp chí khoa học trong nước và quốc tế, là tác giả và đồng tác giả của 16 cuốn sach. Nhiều công trình được ông viết khá sớm đã là sách “gối đầu giường” của nhiều thế hệ sinh viên, được trích dẫn nhiều lần: Sơ yếu khảo cổ học nguyên thủy Việt Nam (1961); Dư địa chí: Giới thiệu, hiệu chính và chú thích (1960), in lại trong Nguyễn Trãi toàn tập,1969, tái bản 1976); Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông viết chung với Phạm Thị Tâm (1968) được tái bản trong các năm 1970, 1972, 1975. Đây là một cuốn sách có giá trị không chỉ bởi nhiều tư liệu quý hiếm, mà còn ở cách viết hấp dẫn với nhiều phân tích chặt chẽ, tái hiện được không khí lịch sử. Còn có thể kể thêm những cuốn sách tiêu biểu khác của GS Hà Văn Tấn như: Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, Cơ sở Khảo cổ học, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Triết học lịch sử hiện đại, Chùa Việt Nam, Văn hoá Đông Sơn ở Việt Nam, Đình Việt Nam, Khảo cổ học Việt Nam, Một số vấn đề lý luận sử học, Buổi đầu giữ nước - Thời Hùng Vương… Công trình Theo dấu các văn hoá cổ của GS Hà Văn Tấn (1997) đã được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ năm 2000. Vẫn còn nhiều ý tưởng và kế hoạch nghiên cứu dang dở thì ông lâm bệnh nặng. Cuốn sách cuối cùng của GS Hà Văn Tấn là cuốn Sự sinh thành Việt Nam, được Nxb Thế giới in nhân dịp ông tròn 80 tuổi (2017). Cuốn sách được các học trò của ông tập hợp 107 bài viết đã đăng trong chuyên mục The making of Vietnam ở tờ Vietnam weekly của Thông tấn xã Việt Nam. Cuốn sách ra đời, như lời ông tâm sự: “để đáp ứng lại yêu cầu của nhiều độc giả”, và “cũng là để ghi nhớ một công việc đã làm”.

Sinh thời, GS Phan Huy Lê đánh giá rất cao và đặc biệt ca ngợi sự thông minh, trí nhớ xuất sắc và sự uyên bác về ngôn ngữ, về ngoại ngữ của người bạn chuyên môn chí cốt của mình. GS Hà Văn Tấn coi ngôn ngữ là “cái chìa khóa” trên hành trình khoa học. Ông giỏi nhiều ngôn ngữ nhưng chỉ nhờ tự học. GS Hà Văn Tấn thông thạo, sử dụng tốt chữ Hán, tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Đức, tiếng Nhật. Hà Văn Tấn học tiếng Đức qua sách tiếng Nga, học tiếng Nhật qua sách tiếng Trung Quốc rồi còn tự tìm cách học tiếng Sanskrit (Phạn) - một thứ ngôn ngữ Ấn Độ cổ đại rất khó học thông qua tiếng Đức. Cố GS Trần Quốc Vượng thì đánh giá súc tích: “GS Hà Văn Tấn là một người hiền tài”.

GS Hà Văn Tấn được phong hàm Giáo sư năm 1980, được trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, năm 1997, được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học - công nghệ, năm 2000 và nhiều huân huy chương, giải thưởng khác. Nhiều thế hệ học trò và đồng nghiệp sẽ còn nhớ về GS Hà Văn Tấn là một người thày mẫu mực, một trong những cây đại thụ của nền sử học Việt Nam thời hiện đại.