Tìm giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi sách giả, sách lậu

NDO -

NDĐT - Ngày 20-6, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) tổ chức hội thảo Chống xuất bản phẩm lậu.

Sách in lậu được lưu hành trái phép trên thị trường diễn biến ngày càng phức tạp.
Sách in lậu được lưu hành trái phép trên thị trường diễn biến ngày càng phức tạp.

Hội thảo là cơ hội để các đơn vị, tổ chức tìm hiểu thêm thông tin về chính sách và tìm kiếm, chia sẻ các giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi xuất bản phẩm lậu và đưa ra kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời, góp phần nâng cao nhận thức về vấn đề chống vi phạm bản quyền đối với xuất bản phẩm, kêu gọi các lực lượng xã hội cùng quan tâm, chia sẻ các giải pháp góp sức ngăn chặn, đẩy lùi xuất bản phẩm lậu.

Hội thảo có sự tham gia của các đại biểu đại diện cho các cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục, lĩnh vực xuất bản; đại diện cơ quan quản lý thị trường, cơ quan công an; đại diện Cục Sở hữu trí tuệ Vương quốc Anh; các nhà xuất bản của Việt Nam và nước ngoài; các trường đại học; các đơn vị phát hành.

Tại Hội thảo, NXBGDVN đã thống kê và chỉ ra rất nhiều lỗi sai về hình thức và nội dung trong sách lậu, sách giả. Bao gồm các lỗi về khác biệt màu sắc ở trang bìa, hình ảnh nhòe, mờ, lỗi sai về mã, sai nội dung trang thông tin, lỗi chính tả, thiếu hụt nội dung, sai nội dung trong sách.

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch hội đồng thành viên NXBGDVN, Nguyễn Đức Thái cho biết: Trong những năm gần đây, vấn nạn xuất bản phẩm lậu lưu hành trái phép trên thị trường Việt Nam diễn biến ngày càng phức tạp với quy mô lớn. Hoạt động in, phát hành xuất bản phẩm lậu là hành vi vi phạm Luật Xuất bản, vi phạm Luật sở hữu trí tuệ; chiếm đoạt bất hợp pháp giá trị vật chất, giá trị tinh thần của người khác, gián tiếp hủy hoại giá trị sáng tạo của tác giả, làm ảnh hưởng tới an ninh, trật tự văn hóa xã hội. Đồng thời, vi phạm Pháp lệnh bảo vệ người tiêu dùng để thu lợi bất chính.

Qua thống kê của NXBGDVN cho thấy hoạt động in, phát hành xuất bản phẩm lậu hiện nay có quy mô lớn và diễn biến phức tạp. Trong số các xuất bản phẩm lậu đang lưu hành trên thị trường, sách giáo dục chiếm tỉ lệ lớn nhất. Đối tượng in lậu dùng nhiều thủ đoạn để đối phó, tránh sự phát hiện, xử lý của các cơ quan chức năng. Không chỉ sách của các nhà xuất bản Việt Nam mà còn có sách của các đơn vị xuất bản nước ngoài (cả trong và ngoài Việt Nam) cũng bị in lậu, phát hành lậu trên thị trường Việt Nam với số lượng không nhỏ.

Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam, Gareth Ward cho biết: Các nhà xuất bản quốc tế, Việt Nam và Vương quốc Anh đang phải đối mặt với vấn đề xuất bản phẩm in lậu khi hoạt động tại thị trường Việt Nam. Vì vậy, cần tiếp tục nâng cao nhận thức về vấn đề phòng chống in lậu xuất bản phẩm và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực xuất bản cho tất cả người dân Việt Nam nhằm cải thiện môi trường kinh doanh khi Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu. Việc loại trừ các hành vi in, phát hành xuất bản phẩm lậu, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là nhiệm vụ không chỉ của các cơ quan quản lý Nhà nước, của chính quyền các địa phương mà cần có sự góp sức của các chủ sở hữu xuất bản phẩm và của toàn xã hội.

Để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, các đại biểu mong muốn cần sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng, các lực lượng liên ngành, các nhà xuất bản, các tổ chức liên quan và đông đảo bạn đọc coi đây là nhiệm vụ quan trọng, nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình đối với công tác này, kiên trì, kiên quyết từng bước đẩy lùi xuất bản phẩm lậu.