Tiếp bước học sinh nghèo tới trường

NDO -

Đà Nẵng bắt đầu trở lại với trạng thái bình thường mới, học sinh cũng đã bắt đầu những buổi học đầu tiên ở trường. Trước đó, các cấp hội phụ nữ thành phố Đà Nẵng đã nhanh chóng có những mô hình hay nhằm hỗ trợ học sinh hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, gia đình ảnh hưởng vì dịch Covid-19 có thêm sách vở, kinh phí để bước vào năm học mới.

Chị Anh Hà (trái) lựa sách cho em Hoàng Long.
Chị Anh Hà (trái) lựa sách cho em Hoàng Long.

Điểm cho và nhận sách giáo khoa

Những ngày đầu tháng 9, trước cổng UBND phường Thanh Khê Đông (quận Thanh Khê), hai bàn học chứa đầy sách giáo khoa các lớp luôn có người đến lựa chọn mang về. Đây là điểm cho và nhận sách giáo khoa cũ do chị Văn Nguyễn Thị Anh Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Thanh Khê Đông thành lập.

Trước đó, chị thấy trên mạng xã hội có một học sinh cấp 2 trong phường đăng tin muốn được nhận một bộ sách giáo khoa cũ để chuẩn bị cho năm học mới. Chị đã trả lời và hứa sẽ hỗ trợ cho em một bộ. Sau đó chị liên hệ những người bạn, hội viên trong phường để có được bộ sách giáo khoa cũ nhưng còn sạch sẽ, mới để tặng cho cháu bé.

Lúc liên hệ, chị nhận thấy nhiều người có đủ bộ sách giáo khoa ở các lớp khác nhau. Nhiều nhà thấy chị tặng sách nên cũng đã ngỏ lời muốn xin một bộ cho con của mình. Cứ như vậy, nhu cầu cần sách cho năm học mới của mọi người rất nhiều, đa số là những hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật… nên chị quyết định lập một điểm cho nhận sách giáo khoa.

Ngay khi được chị Hà gọi báo có người vừa cho bộ sách giáo khoa lớp 11, em Đặng Hoàng Long (phường Hòa An, quận Cẩm Lệ) đã chạy đến lấy ngay. Ba của em làm nghề phụ xe ô-tô, mẹ là giúp việc theo giờ nên em hiểu rất rõ nỗi lo lắng của ba mẹ trước những khoản tiền phải chuẩn bị cho năm học mới.

Lựa những cuốn sách còn thiếu, em chia sẻ: Năm nào em cũng đi xin lại sách cũ từ các anh chị lớp trên để học. Chỉ cần có sách là em vui rồi, mới cũ không quan trọng. Mỗi lần chuẩn bị các khoản đầu năm, em lại thấy ba mẹ vất vả hơn.

Không chỉ người đến nhận, nhiều người cũng mang sách giáo khoa, cặp sách hoặc ít quần áo đồng phục còn mới để tặng. Sách, vở khi mang đến sẽ được chị em hội viên phụ sắp xếp lại, lựa những sách còn dùng được, chia theo từng bộ, từng lớp học, xếp gọn gàng lên bàn. Ai muốn lấy sách chỉ cần ghé tới và lựa chọn bộ sách mình cần, bất kể giờ nào. Đến nay, đã có gần 1.000 bộ sách học, truyện tranh, đồ dùng, quần áo, cặp sách đã được trao cho các em và gia đình.

“Lúc đầu cũng chỉ định xin vài bộ cho các cháu, nhưng không ngờ lại có quá nhiều hoàn cảnh khó khăn đến để nhận sách nên mô hình này cũng đã kéo dài cả tháng. Tôi chỉ mong ít sách vở này có thể giúp cho các cháu và các gia đình sẵn sàng cho năm học mới. Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì hoạt động này đến khi nào các em không cần nữa thì mới thôi”, chị Anh Hà cho biết.

Nhiều phường trên địa bàn quận Thanh Khê cũng đã triển khai những mô hình tương tự để giúp trẻ em nghèo của phường chuẩn bị vào năm học mới. Tất cả chủ yếu hỗ trợ: vở, truyện tranh, sữa, đồ dùng học tập, quần áo đồng phục…

Trung bình, các phường đã hỗ trợ gần 400 suất với tổng giá trị khoảng 300 triệu đồng được trao cho các em có hoàn cảnh khó khăn. Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Thanh Khê cũng phát động mô hình “Sẻ chia yêu thương - Tiếp bước em đến trường”, qua đó, hơn 78 triệu đồng số tiền được ủng hộ, hỗ trợ. Quận cũng trao 200 suất quà và học bổng cho các em đang theo học từ cấp tiểu học trở lên.

Phân loại rác thải làm học bổng

Tiếp bước học sinh nghèo tới trường -0
Thu gom rác tái chế tại Chi hội phụ nữ 33. 

Chiều cuối tuần, các chị em tại Chi hội phụ nữ 33, phường Hòa Thuận Tây (quận Hải Châu) lại mang những rác thải có thể tái chế được như bìa các-ton, đồ nhựa, nhôm, chai lon các loại… về một chỗ để tập trung lại.

Số rác trên đã được các chị, các mẹ phân loại ngay tại nguồn, hai tuần một lần sẽ được mang đến để bán cho đại lý phế liệu. Với số tiền có được, chi hội 33 sử dụng làm quỹ an sinh xã hội, trong đó có hỗ trợ cho trẻ em nghèo trong chi hội đi học đầu năm.

Đây là phong trào thường xuyên được tổ chức của tất cả 45 chi hội phụ nữ trên địa bàn phường Hòa Thuận Tây. Mỗi đợt thu gom, cả phường có thể thu về từ sáu đến mười triệu đồng. Trước thềm năm học mới học kỳ này, phường đã trao 67 suất học bổng “Ước mơ xanh”, mỗi suất từ 500 đến 800 nghìn đồng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, có học lực khá trở lên.

Em Đinh Trần Hải Anh (lớp 11, trường THPT Nguyễn Hiền) sống tại tổ 33 cùng mẹ và em trai trong căn nhà thuê. Mẹ em là công nhân nấu ăn, một mình là trụ cột gia đình nuôi hai em ăn học. Đầu tháng 9, em được hỗ trợ một suất học bổng trị giá 500 nghìn đồng và vở mới, đồ dùng học tập để giúp gia đình có thêm kinh phí chuẩn bị cho năm học.

Hải Anh chia sẻ: “Năm nào em cũng được các cô trong phường hỗ trợ học bổng và luôn động viên để hai chị em chăm chỉ học tập hơn, em cũng cố gắng giữ tốt thành tích học giỏi của mình để có thể đỡ đần mẹ sau này”.

Tiếp bước học sinh nghèo tới trường -0
 Trao quà cho học sinh khó khăn phường Hòa Thuận Tây.

Mô hình học bổng “Ước mơ xanh” và hành trình “Chắp cánh ước mơ” cho các con em hội viên phụ nữ nghèo, khó khăn được Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Hải Châu phát động thực hiện từ năm 2011 cho đến nay, thông qua hoạt động phân loại rác tại nguồn. Tất cả 13/13 Chi hội Phụ nữ của quận đều hưởng ứng thực hiện.

Trong chín năm qua, các cấp hội đã trao gần 3.600 suất học bổng, mỗi suất ít nhất 500 nghìn đồng, với tổng số tiền hơn hai tỷ đồng. Một số trường hợp học sinh có hoàn cảnh quá khó khăn, các phường cũng đã nhận đỡ đầu, mỗi tháng hỗ trợ em một triệu đồng để lo học phí cho đến khi tốt nghiệp Đại học.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Hải Châu Hồ Thị Huệ cho biết: Các cấp hội phụ nữ quận sẽ tiếp tục duy trì mô hình và phát động mạnh mẽ hơn, tạo điều kiện cho các em đến trường. Chúng tôi đang cố gắng phấn đấu mỗi phường hỗ trợ một em đặc biệt khó khăn mỗi năm 10 triệu đồng để giúp gia đình và học sinh an tâm hơn, không bỏ lỡ việc học giữa chừng.

Phong trào hỗ trợ cho học sinh nghèo đến trường đầu năm học mới được các hội phụ nữ toàn thành phố Đà Nẵng đồng loạt khởi động và thực hiện mạnh mẽ từ cuối tháng 8 cho đến nay với nhiều hình thức. Nhất là khi thành phố ảnh hưởng dịch Covid-19 hai lần đã làm cho nhiều gia đình rơi vào khó khăn hơn, với những suất hỗ trợ, các cấp hội phụ nữ mong muốn sẻ chia và phần nào giúp các hộ nghèo, hộ khó khăn có thêm một khoản để chuẩn bị cho các con bước vào năm học mới.

Đà Nẵng từng bước trở lại nhịp sống bình thường