Tạo thuận lợi để thí sinh tham gia xét tuyển đại học

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, học sinh trên cả nước phải nghỉ thời gian dài, ảnh hưởng đến việc học tập, nhất là học sinh lớp 12 chuẩn bị dự thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học. Vì vậy, nhiều trường đại học công bố phương án tuyển sinh đại học chính quy bằng nhiều hình thức khác nhau, tạo thuận lợi cho thí sinh đăng ký xét tuyển.

Cán bộ Trường đại học Phenikaa tư vấn tuyển sinh cho phụ huynh và các thí sinh.
Cán bộ Trường đại học Phenikaa tư vấn tuyển sinh cho phụ huynh và các thí sinh.

Ða dạng phương thức xét tuyển

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT), năm 2020, các trường có thể tuyển sinh nhiều lần trong năm. Ðến thời điểm giữa tháng 5, phần lớn các trường đại học đã công bố phương án tuyển sinh đa dạng để thí sinh nghiên cứu lựa chọn. Theo GS, TS Phạm Thành Huy, Hiệu trưởng Trường đại học Phenikaa, để hạn chế ảnh hưởng dịch Covid-19, tạo thuận lợi cho thí sinh, năm 2020, trường áp dụng ba phương thức xét tuyển gồm: Xét tuyển thẳng 10%, xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 là 50% và xét tuyển theo kết quả học bạ THPT là 40% tổng chỉ tiêu dự kiến. Ðối với thí sinh xét tuyển thẳng, bảo đảm các tiêu chuẩn như: tốt nghiệp THPT, đoạt giải khuyến khích kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh trở lên; học sinh hệ chuyên thuộc các trường THPT chuyên các tỉnh, thành phố có điểm trung bình cộng của tổ hợp môn xét tuyển tính cho năm học kỳ đầu bậc THPT đạt 21 điểm trở lên; học sinh không thuộc hệ chuyên có điểm trung bình chung năm học kỳ đầu tiên bậc THPT đạt 8,0 trở lên... Ðối với phương thức xét tuyển theo học bạ, thí sinh phải có tổng điểm trung bình cộng năm học kỳ của tổ hợp môn xét tuyển đạt từ 19,5 điểm trở lên. Riêng việc xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, điểm xét tuyển là tổng điểm theo tổ hợp ba môn xét tuyển cộng điểm ưu tiên đối tượng và khu vực theo quy định của Bộ GD và ÐT. Ðáng chú ý, Trường đại học Phenikaa đã lập quỹ học bổng và hỗ trợ học phí dành cho sinh viên trúng tuyển đại học chính quy năm 2020 với tổng giá trị 50 tỷ đồng.

Trong khi đó, đại diện Ðại học Quốc gia Hà Nội (ÐHQGHN) cho biết, để giảm áp lực cho thí sinh do phải tham dự nhiều kỳ thi, cho nên phương án tuyển sinh năm 2020 ổn định như năm 2019. Trường không triển khai kỳ thi đánh giá năng lực phục vụ tuyển sinh riêng như dự định ban đầu. ÐHQGHN mở rộng các đối tượng xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy định và thực hiện xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT năm 2020. Ðáng chú ý, trường cũng xét tuyển các thí sinh sử dụng chứng chỉ quốc tế SAT, A-Level, IELTS và các tiêu chí phụ khác. Trong trường hợp dịch Covid-19 kéo dài, cản trở kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, ÐHQGHN sẽ tổ chức xét tuyển dựa theo kết quả học tập bậc THPT kết hợp với hình thức kiểm tra đánh giá từ xa.

Với tổng số 5.800 chỉ tiêu, Trường đại học Kinh tế quốc dân cũng đưa ra ba phương thức xét tuyển khác nhau gồm: Xét tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD và ÐT chiếm khoảng 5%; xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020 chiếm 60% và xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của trường chiếm 35% đến 40% chỉ tiêu. Theo PGS, TS Bùi Ðức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, phương án tuyển sinh của trường cơ bản giữ ổn định như năm 2019 nhưng có sự mở rộng phạm vi và tăng chỉ tiêu với đối tượng xét tuyển theo phương thức kết hợp xét hồ sơ và điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2020 để tạo điều kiện cho thí sinh có nhiều cơ hội hơn trong xét tuyển

Không gây xáo trộn

PGS, TS Nguyễn Thu Thủy, Quyền Vụ trưởng Giáo dục đại học (Bộ GD và ÐT) cho biết: Bộ GD và ÐT hỗ trợ cơ sở dữ liệu thí sinh đăng ký xét tuyển, các trường xét tuyển và lọc ảo đợt 1 đối với các trường sử dụng kết quả điểm thi THPT để làm căn cứ xét tuyển. Trong tuyển sinh, các trường công khai đầy đủ thông tin thông qua đề án tuyển sinh công bố tại trang thông tin điện tử của trường; tự chủ và chịu trách nhiệm giải trình trước xã hội về công tác tuyển sinh. Bộ GD và ÐT tiếp nhận đề án tuyển sinh và hậu kiểm. Mặt khác, tiếp tục quy định tiêu chí xác định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào đối với các ngành đào tạo giáo viên, sức khỏe. Các trường không sử dụng nhiều hơn bốn tổ hợp bài thi, môn thi để xét tuyển cho một ngành. Ngoài ra, các cơ sở đào tạo phải tạo điều kiện hỗ trợ việc điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển bằng phương thức trực tuyến, nếu thí sinh có nhu cầu; công bố công khai danh sách thí sinh trúng tuyển, nhập học lên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD và ÐT để thí sinh kiểm tra và xã hội giám sát.

Theo Bộ trưởng GD và ÐT Phùng Xuân Nhạ, công tác tuyển sinh có liên quan đến nhiều gia đình cho nên cần tạo tâm lý bình an và niềm tin cho xã hội. Về cơ bản tuyển sinh năm 2020 giữ ổn định như năm trước, cái gì tốt thì tiếp tục duy trì, phát huy và điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với điều kiện thực tế và luật định; không gây xáo trộn nhằm đáp ứng nguyện vọng của học sinh, phụ huynh. Việc tuyển sinh bảo đảm vượt qua khó khăn trước mắt để đổi mới, đồng thời bảo đảm thực hiện trách nhiệm xã hội. Ðể tuyển sinh hiệu quả, các trường đại học cần chú trọng hướng dẫn, tổ chức giới thiệu ngành nghề cho thí sinh. Bên cạnh tiềm năng, kết quả, các trường cần nhấn mạnh cơ hội việc làm, bức tranh ngành nghề, để các em có lựa chọn phù hợp ngay từ đầu. Các trường đại học cần kết hợp các doanh nghiệp để tổ chức tư vấn việc làm, tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp, trong đó có dự báo để người học có thông tin đầy đủ về yêu cầu nghề nghiệp, thị trường việc làm… Các cơ sở giáo dục đại học cũng cần mạnh dạn kết nối với công nghệ, xây dựng học liệu số, đưa đào tạo trực tuyến với tỷ lệ nhất định vào một số môn học và thông qua đào tạo trực tuyến để đẩy mạnh chia sẻ học liệu với các trường nước ngoài nhằm nâng cao trình độ, năng lực tư duy, tiếp cận công nghệ hiện đại; nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước...