Từ nhà trường ... Đến xã hội

Sách tham khảo "đội lốt" sách giáo khoa

Vừa đi học về, con gái chị Hoa học lớp 3 liền cầm tờ giấy in sẵn chạy ra ôm mẹ: Mẹ ơi, mẹ ký cho con vào đây nhé!

- Ký gì mà con gái mẹ cần ngay thế?

- Dạ ký vào tờ đăng ký mua sách giáo khoa chuẩn bị lớp 4, hôm nay cô đưa cho ạ. Tổng số 18 cuốn, hết 450 nghìn đồng mẹ ạ!

- Sao nhiều sách vậy con? Ðể mẹ xem nào.

- Ðây mẹ xem đi có bốn mục: Sách giáo khoa bảy cuốn, sách bổ trợ bốn cuốn, tài liệu khác bốn cuốn, sách Tin học một cuốn và sách tiếng Anh hai cuốn nữa mẹ ạ!

- Chỉ sách giáo khoa là bắt buộc thôi con ạ. Các loại sách khác là tham khảo, để mẹ xem cuốn nào cần sẽ mua thêm cho con nhé!

- Không, mẹ phải mua hết cho con cơ, cô bảo mẹ chỉ ký vào tờ đăng ký thôi ạ!

Chị Hoa cầm tờ giấy đăng ký mua sách mà chỉ biết thở dài. Nhiều năm qua, cứ vào dịp cuối năm học là nhà trường lại phối hợp công ty phát hành sách thông báo cho phụ huynh đăng ký mua sách giáo khoa cho năm học tiếp theo. Ðiều đáng nói, trong tờ đăng ký, sách tham khảo được kê kèm theo nhiều gấp hai, gấp ba lần sách giáo khoa theo quy định. Giáo viên cũng không giải thích rõ mà chỉ nhắc học sinh về xin chữ ký bố mẹ một cách chung chung. Ðiều đó khiến nhiều phụ huynh không phân biệt được sách nào là bắt buộc phải có, sách nào là tự chọn. Trong khi đó, học sinh còn nhỏ tuổi cho nên chỉ nhất nhất đòi bố mẹ ký xác nhận theo "cô giáo bảo". Ðiều này, gây nên bức xúc trong phụ huynh học sinh.

Mặc dù Bộ Giáo dục và Ðào tạo đều có văn bản nhắc nhở việc phát hành sách trong nhà trường, tuy nhiên, ở nhiều địa phương, trường học, việc thực hiện phát hành sách giáo khoa, sách tham khảo theo đúng quy định chỉ là "trên giấy". Vì vậy, để chấn chỉnh tình trạng phát hành sách tham khảo "đội lốt" sách giáo khoa, ngành giáo dục cần có những giải pháp cụ thể, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý việc lợi dụng phát hành sách giáo khoa để "ép" học sinh mua sách tham khảo, gây bức xúc trong phụ huynh học sinh.

MẠNH XUÂN