Ra quân phòng, chống vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội

NDO -

NDĐT - Ngày 16-8, tại Trường Đại học Hàng hải Việt Nam (Hải Phòng), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức Lễ ra quân phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội. Tham dự có đại diện 63 Sở GD-ĐT và các trường đại học, cao đẳng sư phạm trên cả nước.

Thứ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu tại lễ ra quân.
Thứ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu tại lễ ra quân.

Công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường lành mạnh, thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước. Tuy nhiên, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội nói chung, trong đó có thanh niên, học sinh sinh viên (HSSV) có diễn biến phức tạp, người phạm tội ngày càng trẻ hóa, hành vi phạm tội tinh vi, khó phát hiện.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết: Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do hạn chế, tác động tiêu cực từ môi trường trong thời kỳ “mở cửa, hội nhập”, mặt trái của kinh tế thị trường đã làm thay đổi những giá trị truyền thống, văn hóa, đạo đức xã hội, xuất hiện những tư tưởng, lối sống thiếu lành mạnh đã ảnh hưởng, tác động không nhỏ đến học sinh, sinh viên. Một số gia đình, cha mẹ ứng xử chưa chuẩn mực; phương pháp giáo dục con không đúng, quá nuông chiều hoặc ngược đãi đã ảnh hưởng, tác động tiêu cực đến quá trình hình thành nhân cách của HSSV, làm cho các em có những suy nghĩ, hành vi tiêu cực, lệch chuẩn dễ vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho HSSV chưa hiệu quả thiết thực. Sự phối hợp giáo dục nhà trường, gia đình, xã hội chưa thường xuyên, chặt chẽ, đồng bộ trong việc quản lý, giáo dục học sinh và xây dựng môi trường giáo dục. Công tác kiểm tra, giám sát, xử lý các hành vi vi phạm chưa thường xuyên, thiếu kịp thời.

Ngành giáo dục với hơn 22 triệu HSSV, đây là các chủ nhân tương lai của đất nước, là nhân tố quan trọng đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước. Để đào tạo thế hệ trẻ trở thành những công dân phát triển toàn diện về sức khỏe, trí tuệ, ý thức, thói quen tuân thủ pháp luật, Bộ GD-ĐT đề nghị các sở GD-ĐT, các nhà trường quán triệt và triển khai nghiêm túc các chủ trương, chính sách, quy định về công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội trong đội ngũ cán bộ, nhà giáo, HSSV; phát huy tính chủ động, sáng tạo của HSSV cán bộ, giáo viên trong việc lồng ghép, tích hợp công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội vào nội dung một số môn học và hoạt động giáo dục của nhà trường bảo đảm phù hợp, hiệu quả.

Ngoài ra, các cơ quan quản lý, cán bộ quản lý các nhà trường rà soát, điều chỉnh, sửa đổi các nội quy, quy định của địa phương, nhà trường phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của nhà trường; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhằm bảo đảm các quy định được thực hiện đầy đủ và hạn chế tối đa lỗ hổng trong quản lý.