Ngày đầu kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020

Phòng, chống dịch từ cổng đến phòng thi

Hôm qua (9-8), là ngày đầu kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, buổi sáng làm bài thi Ngữ văn theo hình thức tự luận, thời gian làm bài 120 phút; buổi chiều thi Toán theo hình thức trắc nghiệm, thời gian làm bài 90 phút.

Đoàn viên, thanh niên tình nguyện ở điểm thi Trường THPT Cư M’gar (Đắk Lắk) phát hàng trăm suất cơm miễn phí cho các thí sinh và người nhà thí sinh. Ảnh: CÔNG LÝ
Đoàn viên, thanh niên tình nguyện ở điểm thi Trường THPT Cư M’gar (Đắk Lắk) phát hàng trăm suất cơm miễn phí cho các thí sinh và người nhà thí sinh. Ảnh: CÔNG LÝ

Chủ động sát khuẩn, đeo khẩu trang
 
 Điểm đáng chú ý của kỳ thi là việc tổ chức thi gắn liền với công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ngày thi đầu ở các hội đồng thi đều đưa ra các giải pháp phòng, chống dịch bệnh như đeo khẩu trang, rửa tay, sát khuẩn. Các đoàn công tác của Ban Chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đã kiểm tra thực tế tại một số địa phương như: Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng, Hà Nam, Thái Bình, Long An, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội. Đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GĐ và ĐT) Nguyễn Hữu Độ, Trưởng Ban Chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 làm trưởng đoàn đã kiểm tra tại Hưng Yên và Hải Phòng. Điểm thi Trường THPT Minh Châu (Yên Mỹ, Hưng Yên) có 243 thí sinh với 11 phòng. Toàn bộ thí sinh được phân luồng ngay từ cổng trường, đo thân nhiệt, khử khuẩn. Cán bộ y tế phát toàn bộ khẩu trang y tế thay cho khẩu trang cũ của thí sinh. Thí sinh được đo thân nhiệt hai lần, khi đến điểm thi và trước khi vào phòng thi. Thí sinh nào có biểu hiện thân nhiệt cao sẽ được đưa sang phòng thi dự phòng để thi riêng. Theo Sở GD và ĐT Hưng Yên, qua kiểm tra, rà soát, đến thời điểm này, địa phương không có thí sinh thuộc diện F0, F1, F2. Ngoài 28 điểm thi trên địa bàn tỉnh, ngành giáo dục chuẩn bị thêm 56 điểm thi dự phòng được phun khử khuẩn. Các điểm thi đều có cán bộ y tế tham gia trực, theo dõi tình hình sức khỏe của cán bộ, giáo viên, thí sinh và có phương án xử lý khi có tình huống về sức khỏe, nhất là các trường hợp nghi mắc Covid-19...
 
 Qua kiểm tra thực tế, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ lưu ý, kỳ thi năm nay diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên thí sinh phải đeo khẩu trang đến trường thi, vì vậy cán bộ coi thi cần đề cao cảnh giác, kịp thời phát hiện những biểu hiện trong gian lận thi cử. Khi gọi thí sinh vào phòng, cán bộ coi thi yêu cầu thí sinh bỏ khẩu trang để kiểm tra nhận diện mặt so với ảnh được dán trên hồ sơ đăng ký. Hiện nay, có nhiều thiết bị công nghệ cao rất tinh vi có thể cài vào một trong các vị trí của khẩu trang để thực hiện hành vi gian lận, cán bộ coi thi cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, nắm chắc quy chế thi; đồng thời nhạy cảm, tinh tế trong việc nắm bắt diễn biến tâm lý, sắc thái, biểu cảm của thí sinh trong quá trình làm bài. Tinh thần là tạo điều kiện thuận lợi cao nhất cho thí sinh nhưng phải bảo đảm an toàn, nghiêm túc.
 
 Cùng ngày, đoàn công tác của Bộ GD và ĐT do Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác tổ chức kỳ thi tại TP Hồ Chí Minh. Theo đoàn công tác, đây là kỳ thi đặc biệt, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng trong buổi thi đầu, thành phố có 100% số thí sinh được dự thi, không có trường hợp F0, F1, F2 là điều rất đáng mừng. Việc trang bị các dụng cụ, trang thiết bị phòng, chống dịch bệnh đầy đủ, chu đáo. Lãnh đạo Bộ GD và ĐT đề nghị Ban Chỉ đạo thi của thành phố tiếp tục nâng cao tinh thần cảnh giác, xử lý kịp thời các tình huống để bảo đảm kỳ thi diễn ra an toàn, thông suốt.
 
 Đáng chú ý, nhiều tỉnh, thành phố đã có các phương án phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, lãnh đạo các địa phương đã quan tâm chỉ đạo, chuẩn bị chu đáo, nhất là các biện pháp phòng, chống dịch như bố trí bộ phận y tế chuyên trách tại điểm thi, khử khuẩn toàn bộ các điểm thi, đo thân nhiệt, cung cấp nước sạch và xà-phòng rửa tay, khẩu trang cho các thí sinh dự thi. Ngày thi đầu, tỉnh Hà Nam có một thí sinh là đối tượng sống trong khu vực cách ly y tế (thôn Đình Tràng, phường Lam Hạ, TP Phủ Lý) liên quan người bệnh số 620, đăng ký dự thi tại điểm thi Trường THPT C Phủ Lý. Sở GD và ĐT Hà Nam phối hợp công an, y tế hỗ trợ cho thí sinh sống trong khu vực cách ly tham dự kỳ thi bằng xe chuyên dụng và cử cán bộ y tế đưa đón thí sinh trong hai ngày thi; hướng dẫn, hỗ trợ các điều kiện bảo đảm phòng, chống dịch cho cán bộ coi thi và thí sinh; chuẩn bị một phòng thi dành riêng cho thí sinh đặc biệt này…
 
 Thực hiện nghiêm quy chế thi
 
 Bên cạnh công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhiều địa phương đã triển khai tích cực hoạt động tiếp sức mùa thi. Các hội đồng thi đều hỗ trợ cho thí sinh, bảo đảm không để thí sinh nào vì hoàn cảnh khó khăn mà không đến dự thi. Các địa phương có các huyện, xã miền núi, hải đảo đã quan tâm sâu sát đến từng thí sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh gia đình khó khăn, huy động các nguồn lực nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh tham gia kỳ thi. Tỉnh Bình Thuận đưa thí sinh từ đảo Phú Quý vào đất liền dự thi; tỉnh Quảng Ninh đưa các thí sinh từ đảo Quan Lạn vào đất liền dự thi. Ngoài ra, các Tỉnh đoàn: Gia Lai, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Nghệ An, Vĩnh Long đã thành lập và triển khai các đội thanh niên tình nguyện là sinh viên các trường đại học ra quân tiếp sức mùa thi, hỗ trợ thí sinh dự thi, hướng dẫn giao thông, tư vấn kiểm tra và phổ biến các quy định trong phòng, chống dịch…
 
 Kết thúc ngày thi đầu, một số địa phương có nhiều thí sinh vắng mặt như: Quảng Nam 264, Đắk Lắk 153, Quảng Bình 145, Quảng Ninh 100, Nam Định 57, Hà Nam 26, Bến Tre vắng 43, Cà Mau 34, An Giang 23… Các thí sinh vắng chủ yếu là thí sinh tự do hoặc bị đau ốm, tai nạn đột xuất. Tại tỉnh An Giang có hai thí sinh tại điểm thi Trường THPT Bình Mỹ (huyện Châu Phú) và điểm thi Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh (huyện Chợ Mới) không thể đến phòng thi do phải nhập viện mổ ruột thừa. Trong buổi thi Toán, trên đường đến điểm thi Trường THPT Phan Chu Trinh, thị xã Sông Cầu (tỉnh Phú Yên), thí sinh Võ Thị Thu Hiếu không may bị tai nạn giao thông, đã được đưa đi cấp cứu và điều trị tại Bệnh viện đa khoa Bình Định (tỉnh Bình Định) và không thể tiếp tục dự thi. Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT tỉnh Phú Yên năm 2020 cho biết, đây là trường hợp có thể được xét đặc cách tốt nghiệp. Tuy nhiên, kết quả xét đặc cách có thể ảnh hưởng việc xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng của thí sinh. Trong kỳ thi năm nay, ở tỉnh Đắk Lắk có 11 thí sinh khuyết tật được miễn thi. Sở GD và ĐT Đắk Lắk cho biết, các thí sinh được miễn thi nhưng chưa được xét đặc cách, Sở sẽ đưa danh sách các em này tới Hội đồng thi của tỉnh nghiên cứu, xem xét, nếu hội đủ các điều kiện theo quy định đặc cách mới được xét đặc cách thi tốt nghiệp THPT.
 
 Về đề thi, kết thúc buổi thi Ngữ văn, nhiều thí sinh, giáo viên cho biết, đề khá hay, có tính thời sự, có độ phân hóa hợp lý. Nhiều thí sinh cho rằng, đề thi vừa sức, phổ điểm từ 6 đến 7 điểm. Đề thi Toán cũng không quá khó, phần lớn đều nằm trong chương trình lớp 12 cho nên các thí sinh có học lực trung bình trở lên đều làm được bài.
 
 Hôm nay (10-8) là ngày thi cuối, buổi sáng, thí sinh làm bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (gồm: Vật lý, Hóa học, Sinh học) và bài thi Khoa học xã hội (gồm: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) theo hình thức trắc nghiệm, thời gian làm bài mỗi môn thi thành phần là 50 phút; buổi chiều thi Ngoại ngữ theo hình thức trắc nghiệm, thời gian làm bài 60 phút.
 
 

 Ngay trong ngày đầu của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, hàng chục nghìn đoàn viên, thanh niên đã hăng hái thành lập các đội hình tình nguyện nhằm hỗ trợ, bảo đảm an toàn cho thí sinh và người nhà thí sinh trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.
 
 Tại Hà Nội, 3.000 tình nguyện viên triển khai Chương trình “Tiếp sức mùa thi” tại 143 điểm thi. Các tình nguyện viên đã phát khẩu trang miễn phí, đo thân nhiệt và hỗ trợ rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn cho thí sinh; nhắc nhở thí sinh, người nhà thí sinh giữ khoảng cách an toàn; phối hợp các lực lượng chức năng giữ gìn an ninh, trật tự, phân luồng giao thông. Trong đợt thi này, Thành đoàn, Hội Sinh viên TP Hà Nội đã huy động các nguồn xã hội hóa, triển khai khoảng hơn 210 nghìn chai nước các loại, 600 bút bi, 600 bút chì, 600 gôm tẩy, 120 thước kẻ, 1.300 mũ, 1.500 quạt cầm tay, gần 6.900 chai dung dịch rửa tay sát khuẩn và hơn 325 nghìn khẩu trang y tế để hỗ trợ thí sinh, người nhà thí sinh và các tình nguyện viên.
 
 Trong khi đó, Tỉnh đoàn Bình Phước phối hợp các đơn vị trực thuộc thành lập 41 đội hình tình nguyện, với gần 600 tình nguyện viên, hỗ trợ tại 26 điểm thi trên toàn tỉnh. Tương tự Tỉnh đoàn Quảng Bình huy động 63 đội hình tình nguyện, với gần 600 tình nguyện viên tham gia chương trình “Tiếp sức mùa thi” năm 2020. Thành đoàn Thanh Hóa thành lập 42 tổ thanh niên tình nguyện hướng dẫn cài đặt ứng dụng Bluezone, tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại nhà hàng, khách sạn, khu dân cư, nơi công cộng.
 
 Tại Bình Định, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Ban Thư ký Hội Sinh viên Việt Nam tỉnh phối hợp triển khai 42 đội hình thanh niên tình nguyện “Tiếp sức mùa thi” năm 2020, với 10 đội hình cấp tỉnh và 32 đội hình cấp huyện. 

Báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 cho biết, cả nước có tổng số 852.859 thí sinh dự thi Ngữ văn (chiếm tỷ lệ 96,35%); 867.184 thí sinh dự bài thi Toán (chiếm tỷ lệ 96,78%); số thí sinh bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 không thể dự thi là 26.308 em tại 23 tỉnh, thành phố (chiếm tỷ lệ 2,92% tổng số thí sinh đăng ký dự thi trên toàn quốc). Kết thúc ngày đầu, cả nước có một thí sinh bị khiển trách, 13 thí sinh bị đình chỉ do mang điện thoại di động vào phòng thi.