Nỗ lực để chất lượng giáo dục và đào tạo Sơn La thực chất và bền vững

Sau hơn hai năm để xảy ra sai phạm gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, ngành giáo dục Sơn La đang từng bước triển khai nhiều chủ trương, giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo (GD và ÐT) một cách thực chất và bền vững.

Học sinh Trường THPT Nội trú tỉnh Sơn La.
Học sinh Trường THPT Nội trú tỉnh Sơn La.

Giám đốc sở GD và ÐT tỉnh Sơn La, PGS, TS Nguyễn Huy Hoàng chia sẻ, sau sự cố thi cử năm 2018, đồng chí được chuyển công tác về đứng đầu ngành giáo dục. Một câu hỏi đặt ra không dễ trả lời là làm sao lấy lại được niềm tin, tìm lại hình ảnh tốt đẹp của ngành giáo dục Sơn La… Vì vậy, hơn hai năm qua, toàn tỉnh, toàn ngành nỗ lực không ngừng để có những thay đổi tích cực. Ðiều dễ nhận thấy là hoạt động giáo dục đi vào nền nếp, tạo được bầu không khí vui tươi, phấn khởi, tự tin ở tất cả các trường học, các cơ sở giáo dục. Sau khi đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp làm việc, giao nhiệm vụ phát triển GD và ÐT cho Ðảng ủy, Ban Giám đốc Sở GD và ÐT tỉnh Sơn La, Sở GD và ÐT đã tổ chức hội nghị chuyên đề bàn về nâng cao chất lượng giáo dục, nhấn mạnh những nội dung cơ bản cần triển khai như: Quyết tâm cao, tập trung, kiên trì thực hiện có hiệu quả các giải pháp, biện pháp cải tiến chất lượng giáo dục một cách thực chất và bền vững, với lộ trình phù hợp điều kiện thực tiễn địa phương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan quản lý giáo dục, trong đó Sở GD và ÐT là đơn vị đi đầu đổi mới công tác quản lý, thích ứng với các tiến bộ khoa học và công nghệ; người đứng đầu cơ quan quản lý, cơ sở giáo dục phải là người chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục, xây dựng đội ngũ giáo viên các cấp đóng vai trò then chốt trong công tác cải tiến, nâng cao chất lượng giáo dục.

Ðáng chú ý, ngành giáo dục Sơn La đã triển khai một loạt các kế hoạch công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng cho giáo viên. Nhất là thực hiện đào tạo giáo viên đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới. Ngoài ra, các hoạt động tổ chức sinh hoạt theo tổ chuyên môn hoặc sinh hoạt chuyên môn theo cụm nhằm chia sẻ kinh nghiệm, phát huy trí tuệ của đội ngũ giáo viên được chú trọng. Thực hiện việc đánh giá giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp, kết quả chuyên môn, khảo sát, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và làm tốt công tác thi đua khen thưởng, khích lệ giáo viên dạy giỏi, tâm huyết, yêu nghề. Xây dựng mối quan hệ bền chặt giữa nhà trường, gia đình và xã hội, giáo viên chủ nhiệm với phụ huynh học sinh. Ngành giáo dục tổ chức nhiều đoàn đi học tập, trao đổi kinh nghiệm quản lý, nâng cao chất lượng như: kinh nghiệm bồi dưỡng đội ngũ, phát triển giáo dục mũi nhọn, xã hội hóa giáo dục, triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới… của nhiều địa phương trên cả nước. Từ những bài học kinh nghiệm được rút ra, qua khảo sát, phân tích phát hiện chất lượng ảo, dấu hiệu bệnh thành tích, tìm thấy độ lệch chất lượng thì ngành sẽ tập trung điều chỉnh, đưa ra các giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng.

Thời gian qua, Sở GD và ÐT Sơn La tham mưu cho UBND tỉnh chỉnh sửa, bổ sung sáu chính sách liên quan đến GD và ÐT. Trong đó, xây dựng và vận hành hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế IMS tích hợp ISO 9001:2015 với ISO 21001:2018 tại Sở GD và ÐT; ban hành kế hoạch triển khai thí điểm và toàn diện giáo dục STEM tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS, THPT giai đoạn 2020 - 2025. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025: 100% các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông đạt kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 1, trong đó có 71% đạt cấp độ 2 trở lên, 18% đạt cấp độ 3 trở lên và 2% đạt cấp độ 4. Phấn đấu toàn tỉnh có 70,1% tổng số trường đạt chuẩn quốc gia.

Chia sẻ trước những chuyển động mới của ngành, cô giáo Ngô Minh The, Hiệu trưởng Trường tiểu học Quyết Thắng (TP Sơn La) cho biết: "Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ đổi mới giáo dục. Việc thực hiện cam kết chất lượng giáo dục giữa các hiệu trưởng với lãnh đạo ngành không phải là áp lực, mà là mục tiêu để phấn đấu. Chúng tôi cảm thấy hạnh phúc vì chinh phục được con số có ý nghĩa, việc làm cụ thể góp phần nâng cao chất lượng giáo dục…".

Những giải pháp, biện pháp cụ thể, toàn diện đang làm chuyển biến nhận thức, đổi mới tư duy về cách làm ở Sơn La. Kết thúc năm 2020, một loạt tin vui đã đến với ngành GD và ÐT Sơn La, đó là chỉ số cải cách hành chính của ngành tăng ba bậc, đứng thứ 11 trong số 19 sở, ngành; chỉ số hài lòng của người dân xếp thứ hai. Năm 2020, tỉnh Sơn La có 15 em đoạt giải thi học sinh giỏi quốc gia, trong đó có hai giải nhì. Mặc dù những đổi mới chưa tạo được bước ngoặt tức thì, nhưng là hướng đi tích cực, mạnh mẽ góp phần vào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, một trong ba đột phá theo tinh thần Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ 15 nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.

Bài, ảnh: ÐỨC TUẤN và QUỐC TUẤN