Hiệu quả mô hình trường điển hình đổi mới ở Cần Thơ

Thời gian qua, tại TP Cần Thơ, một số trường triển khai mô hình trường điển hình đổi mới, bước đầu đã phát huy hiệu quả, góp phần giáo dục học sinh phát triển toàn diện kỹ năng. Năm 2019, ngành giáo dục và đào tạo TP Cần Thơ tiếp tục nhân rộng mô hình, sẽ triển khai đại trà vào những năm tiếp theo.

Giờ trải nghiệm của học sinh Trường THPT Châu Văn Liêm, quận Ninh Kiều.
Giờ trải nghiệm của học sinh Trường THPT Châu Văn Liêm, quận Ninh Kiều.

Cuối tháng 5-2019, trước khi tổng kết năm học, Trường tiểu học Ngô Quyền (quận Ninh Kiều) tổ chức cho học sinh một chuyến trải nghiệm, với tên gọi: "Một ngày làm nông dân". Ðây là hoạt động ngoại khóa của mô hình trường điển hình đổi mới, giúp các em học sinh tiểu học ở thành phố biết đến ruộng, rẫy, hoa màu. Chương trình trải nghiệm bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 17 giờ cùng ngày. Nhà trường liên kết với các cơ sở, nông trại sản xuất hoa màu ở vùng ven TP Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long để đưa học sinh đến trải nghiệm. Em Bùi Nguyên Bảo, học sinh lớp 4.8 cho biết, khi đến nông trại, em được phát những dụng cụ làm vườn để đi thu hoạch mướp và bí đao. Các em được hướng dẫn cách nhận biết quả non, quả đến kỳ thu hoạch, cách thu hoạch và bảo quản. Sau đó, các em mang những sản vật đến địa điểm tập trung, bày bán cho người dân địa phương. "Con đã tự tay thu hoạch và giúp cho bác nông dân bán được nhiều mướp, bí đao. Tuy việc làm vườn hơi mệt, nhưng con rất thích", em Bảo phấn khởi nói.

Cô Trần Thị Thúy Hằng, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Ngô Quyền cho biết, nhà trường đã triển khai thực hiện mô hình trường điển hình đổi mới từ năm 2017. Chương trình áp dụng từ khối lớp 2 đến khối lớp 5, vào thời gian từ 15 giờ đến 16 giờ 30 phút mỗi buổi chiều để học sinh trải nghiệm. Ðể chuẩn bị cho việc áp dụng mô hình, Ban Giám hiệu Trường tiểu học Ngô Quyền đã tiến hành họp toàn trường, cho giáo viên đăng ký theo các kỹ năng năng khiếu của từng người. Từ đó, Ban giám hiệu sẽ tổ chức các giáo viên năng khiếu theo từng nhóm, tổ hoặc có chương trình tập huấn, bồi dưỡng thêm kỹ năng cho giáo viên. Hiện nay, Trường tiểu học Ngô Quyền triển khai hơn 10 nội dung điển hình đổi mới, như: Rèn chữ viết, rèn kỹ năng viết văn, dạy toán nâng cao, học giao tiếp tiếng Anh với giáo viên bản ngữ, mỹ thuật, bàn tay nặn bột, dạy bơi…

Theo cô Trần Thị Thúy Hằng, để chương trình dạy điển hình đổi mới đạt hiệu quả, trước hết, giáo viên phải thay đổi nhận thức, phương pháp giảng dạy phải thật sự thu hút, khơi dậy sự hứng thú trải nghiệm của học sinh. Trước đây, nhà trường triển khai phương pháp dạy điển hình đổi mới từ nguồn kinh phí của Nhà nước, nhưng từ năm 2018 đến nay kinh phí thực hiện xã hội hóa. Ðầu năm học, nhà trường tổ chức đại hội cha mẹ học sinh để thông báo về chương trình điển hình đổi mới và để họ tự nguyện đăng ký cho con học trải nghiệm. Hiệu quả thiết thực từ mô hình này đã tạo được sự đồng thuận từ cha mẹ học sinh.

Tại Trường THPT Châu Văn Liêm (quận Ninh Kiều), với đội ngũ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn, cho nên rất thuận lợi khi triển khai thực hiện mô hình điển hình đổi mới. Cô Lê Di Thanh, Phó Hiệu trưởng cho biết, nhà trường đã xây dựng thời khóa biểu phù hợp để các em học sinh vừa có thể học chương trình phổ thông, vừa có thời gian tham gia trải nghiệm. Thời gian học trải nghiệm của các khối xen kẽ vào các buổi chiều thứ ba, thứ tư, thứ năm và sáng thứ bảy hằng tuần. Mô hình này hướng đến sự trải nghiệm kỹ năng của học sinh, giúp các em gắn kết, biết tổ chức làm việc nhóm.

Theo TS Trần Hồng Thắm, Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo TP Cần Thơ, sau hai năm thực hiện mô hình trường điển hình đổi mới, các cơ sở giáo dục đã chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Mô hình mới triển khai ở 13 trường trên địa bàn, bước đầu đem lại hiệu quả, góp phần giáo dục học sinh phát triển toàn diện, phát huy tốt tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi em.

Qua sơ kết, đánh giá, phần lớn kết quả học lực, hạnh kiểm của học sinh đều đạt và vượt các tiêu chí của trường chuẩn quốc gia, chất lượng dạy học của các trường mầm non, tiểu học, THCS và THPT gần đạt tiêu chí của trường điển hình đổi mới. Nhận thức về trách nhiệm, thái độ làm việc, tính chủ động của đội ngũ giáo viên thay đổi rõ rệt. Phương pháp và hình thức tổ chức các hoạt động dành cho học sinh ngày càng đi vào chiều sâu, tạo được sự hứng thú cho học sinh. Từ đó học sinh có thái độ thân thiện, tích cực trong học tập và các hoạt động phong trào. Năm 2019, TP Cần Thơ tiếp tục nhân rộng mô hình này tại 18 trường, năm 2020 sẽ triển khai tại 22 trường. Sau năm 2020, sẽ triển khai đại trà tại các trường còn lại trên địa bàn.