Hiệu quả mô hình STEM ở một trường vùng cao

Khái niệm “giáo dục STEM” từng rất xa vời với học sinh vùng cao tỉnh Điện Biên nói chung, thầy và trò Trường THCS Noong Hẹt (huyện Điện Biên) nói riêng. Vậy nhưng từ khi dự án “Ngôi nhà chữa cháy thông minh” của học sinh nhà trường được trao giải cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp huyện thì thầy, trò Trường THCS Noong Hẹt đã tự tin hơn để bắt tay thực hiện các dự án mới và tin tưởng, phương pháp giáo dục STEM sẽ được nhân rộng, giúp học sinh phát triển năng lực sáng tạo toàn diện.

Học sinh Hồng Anh và Quỳnh Trang với mô hình “Ngôi nhà chữa cháy thông minh”.
Học sinh Hồng Anh và Quỳnh Trang với mô hình “Ngôi nhà chữa cháy thông minh”.

Là một trong hai tác giả thực hiện dự án “Ngôi nhà chữa cháy thông minh” vừa được trao giải tại cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp huyện, em Bùi Hồng Anh, học sinh lớp 9D1, chia sẻ: Chúng em nhận thấy thời gian qua, trên địa bàn xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn để lại hậu quả nặng nề về kinh tế và tính mạng của người dân. Nhiều vụ hỏa hoạn dù được phát hiện sớm, song công tác chữa cháy lại rất khó khăn cho nên ngăn chặn thiệt hại thường không hiệu quả. Do đó, khi bắt tay thực hiện dự án, chúng em đã nghiên cứu bàn bạc và thống nhất thực hiện: “Ngôi nhà chữa cháy thông minh”.

Mục đích dự án đặt ra là ngôi nhà có các vật dụng chữa cháy, để khi có hỏa hoạn xảy ra thì chữa cháy kịp thời, không để đám cháy lan rộng, việc chữa cháy hoàn toàn được tự động hóa. Tham khảo ý kiến thầy, cô giáo, các em học sinh nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ tận tình. Suốt quá trình thực hiện, các em được cô giáo chủ nhiệm và nhiều thầy, cô giáo hỗ trợ, chỉnh sửa. Cuối cùng, dự án hoàn thành, được trường lựa chọn dự thi khoa học kỹ thuật cấp huyện.

Từ thành công của dự án trên, Ban Giám hiệu Trường THCS Noong Hẹt đã phát động phong trào thi đua hoạt động giáo dục STEM rộng rãi trong toàn trường. Theo đó, nhà trường khuyến khích học sinh các cấp tham gia từ khâu xây dựng ý tưởng đến thuyết minh bảo vệ. Sau đó, giáo viên chủ nhiệm sẽ xem xét, chấm điểm rồi báo cáo để Ban Giám hiệu chấm điểm, lựa chọn dự án hỗ trợ triển khai. Bằng cách đó, trong học kỳ I năm học 2019 - 2020 nhà trường đã nhận được nhiều ý tưởng, nhiều dự án được hỗ trợ triển khai hiệu quả.

Trao đổi về quá trình triển khai hoạt động giáo dục STEM của nhà trường, cô Lương Thị Dung, Hiệu trưởng Trường THCS Noong Hẹt, cho biết: Sau khi được Bộ Giáo dục và Đào tạo tập huấn, nhà trường đã tổ chức triển khai đến toàn thể đội ngũ giáo viên và bước đầu triển khai ở hình thức trải nghiệm sáng tạo. Đầu tiên, Ban Giám hiệu giao cho các thầy, cô bộ môn Khoa học tự nhiên (KHTN), bao gồm Toán, KHTN, Công nghệ, trao đổi với học sinh cùng nghiên cứu một số chủ đề. Sau đó, Ban Giám hiệu thống nhất thí điểm thực hiện dự án “Làm bóng đèn ngủ từ củ, quả” để xem mức độ nhận thức và khả năng sáng tạo của học sinh như thế nào để có hướng triển khai, vận dụng. Không ngờ, dự án thí điểm đã thu hút nhiều học sinh toàn trường hưởng ứng. Theo gợi mở của thầy, cô giáo, các em rất linh hoạt vận dụng kiến thức được học trên lớp để áp dụng vào thực hành sản phẩm. Các em tự thiết kế, sáng tạo và làm ra bóng đèn ngủ bằng những sản phẩm đơn giản, sẵn có ở địa phương như củ khoai tây. Khi dự án “Làm bóng đèn ngủ từ củ, quả” thành công, nhiều học sinh còn sáng tạo thêm chi tiết, hoa văn trang trí cho đèn ngủ tự chế của mình thêm bắt mắt, đạt tính thẩm mỹ cao. Ngoài hoạt động chế tạo đèn ngủ, ở bộ môn Vật lý, học sinh còn thực hiện thành công hệ thống đưa nước lên cao qua chín bình thông nhau.

Đánh giá về hiệu quả chương trình giáo dục STEM tại Trường THCS Noong Hẹt, cô Lương Thị Dung cho rằng, phương pháp giáo dục này không chỉ góp phần định hướng, giáo dục học sinh một cách toàn diện, giúp các em phát triển được năng lực mà còn khắc phục tính nhút nhát trong nhiều học sinh. Cô Dung dẫn chứng: “Năm học 2019 - 2020, toàn Trường THCS Noong Hẹt có 576 học sinh thì học sinh là con em đồng bào dân tộc Thái chiếm khoảng 50%. Trong đó, hơn 100 em là con em gia đình nghèo, cận nghèo nên phần do hoàn cảnh, phần do tập quán, các em thiếu tự tin và kỹ năng giao tiếp. Song từ khi nhà trường triển khai rộng rãi hoạt động giáo dục STEM thì rất nhiều em khắc phục được hạn chế này. Bởi là hoạt động tập thể, sáng tạo tự do nên khi tham gia nhóm các em đều thoải mái tranh luận, thuyết trình ý tưởng”.

Từ những thành công ban đầu khi áp dụng giáo dục STEM, Ban Giám hiệu Trường THCS Noong Hẹt xác định, kỳ II năm học 2019 - 2020 và những năm tiếp theo, nhà trường sẽ mở rộng chủ đề sáng tạo để học sinh toàn trường tham gia. Qua mỗi dự án, hoạt động sáng tạo, nhà trường sẽ phát hiện được năng khiếu, khả năng của từng học sinh nên sẽ có cơ sở phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh lớp 9 giúp các em định hướng con đường học tập, chủ động lựa chọn theo học cao đẳng, đại học hay học nghề. Điều này rất cần thiết với học sinh nhà trường, giúp các em và phụ huynh có định hướng nghề nghiệp rõ rệt .