Hai vụ học sinh bị bắt và đánh ở Đồng Tháp là do bộc phát, có mâu thuẫn từ trước

NDO -

Ngày 25-2, tại UBND huyện Tháp Mười, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu chủ trì buổi làm việc với địa phương, nhà trường, các ngành liên quan để làm rõ thông tin và chỉ đạo xử lý hai vụ học sinh (HS) của Trường THPT Đốc Binh Kiều và THPT Tháp Mười bị hành hung cùng ngày 22-2.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu chỉ đạo xử lý hai vụ học sinh của Trường THPT Đốc Binh Kiều và THPT Tháp Mười bị bắt, đánh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu chỉ đạo xử lý hai vụ học sinh của Trường THPT Đốc Binh Kiều và THPT Tháp Mười bị bắt, đánh.

Đại tá Nguyễn Văn Thương, Trưởng Công an huyện Tháp Mười, cho biết, qua điều tra xác minh ban đầu, nguyên nhân vụ việc từ mâu thuẫn nhất thời giữa các HS cá biệt trong trường với các đối tượng HS đã bỏ học dẫn đến đánh nhau, không có yếu tố băng nhóm phức tạp thanh toán lẫn nhau.

Theo báo cáo tiến độ điều tra ban đầu của Công an huyện Tháp Mười, chiều 22-2, vừa tan học L.V.K., (HS hệ giáo dục thường xuyên Trường THPT Tháp Mười) bị nhóm gồm năm thanh thiếu niên (đã nghỉ học) khống chế chở đến khu vực khóm 4, thị trấn Mỹ An dùng tay, nón bảo hiểm, vật nhọn gây thương tích cho K., rồi bỏ đi.  Nguyên nhân trước đó vài ngày nhóm bạn của K., đã đánh L.H.T., một trong số năm thanh thiếu niên kể trên.

Hay tin K., bị đánh và bị thương, nhóm bạn K., (đã nghỉ học) tìm đến Trường THPT Đốc Binh Kiều uy hiếp, bắt ép hai HS là bạn của L.H.T., lên xe chở đi, mục đích ép T., ra "giải quyết", nhưng T., không ra nên nhóm bạn K., đã đánh hai HS trên.

Ngày 24-2, Công an huyện Tháp Mười đã mời đến làm việc ba học sinh bị hành hung và sáu thanh thiếu niên có liên quan (trong đó có hai người hơn 18 tuổi), tạm giữ ba xe máy, tạm giữ hình sự hai người để điều tra hành vi giữ người trái pháp luật và đang tiếp tục mời các đối tượng còn lại để xử lý theo pháp luật.

Tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Đồng Tháp Huỳnh Thanh Hùng yêu cầu Ban giám hiệu hai trường THPT Đốc Binh Kiều và THPT Tháp Mười ổn định tư tưởng của HS và giáo viên, tiếp tục tổ chức các hoạt động dạy học bình thường.

Đồng thời tổ chức thăm hỏi các HS bị hành hung, động viên các em an tâm điều trị để sớm trở lại trường học. Hai hiệu trưởng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Công an huyện Tháp Mười làm rõ vụ việc.

Được biết hiện tình trạng sức khoẻ ba HS bị bắt và đánh hiện đã ổn định, ngành chức năng đang tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định.

Nói về hai vụ HS của Trường THPT Đốc Binh Kiều và THPT Tháp Mười bị hành hung, Đại tá Trần Văn Đoàn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Tháp cho biết: Đối với việc có phải xử lý hình sự hay không, ngành Công an sẽ tiếp tục phối hợp với ngành chức năng làm rõ. Việc phối hợp giải quyết vụ việc vừa đáp ứng yêu cầu khẩn trương, vừa nghiêm túc nhưng cũng phải thực hiện chặt chẽ, thận trọng theo quy định của pháp luật.

Đại tá Trần Văn Đoàn cũng khẳng định, sự việc xảy ra là do các em thanh thiếu niên bộc phát, mâu thuẫn nhất thời, nên để các em có cơ hội sửa chữa những sai lầm để trở thành người có ích cho xã hội.

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu ghi nhận sự quan tâm và trách nhiệm của chính quyền địa phương, các ngành công an, GDĐT, các cơ quan báo chí đã tích cực nắm, xử lý, tuyên truyền thông tin vụ việc.

Ông Đoàn Tấn Bửu đánh giá dẫn đến sự việc bắt và đánh HS hai Trường THPT Đốc Binh Kiều và THPT Tháp Mười là do các thanh thiếu niên thiếu hiểu biết, bộc phát nhất thời, theo kiểu các thanh thiếu niên muốn “hơn thua” với nhau, dẫn đến hậu quả chấn thương, tai nạn thương tích, tổn thương phần mềm, không có dấu hiệu băng nhóm xã hội đen.

Cho rằng việc bắt giữ các em HS và đánh đập là có hành vi vi phạm luật pháp, ông Bửu đề nghị ngành GDĐT tỉnh chủ động xây dựng quy trình để phối hợp công an tăng cường công tác bảo vệ an toàn trong trường học.

Đề nghị Công an tỉnh hỗ trợ địa phương hoàn thành điều tra vụ việc chặt chẽ, rõ ràng, tiến tới xử lý theo hướng tích cực giáo dục, tạo điều kiện cho các em hồi phục hòa nhập, cơ hội sửa chữa lỗi lầm mà nguyên nhân do các em bộc phát, thiếu hiểu biết.

“Đề nghị đối với HS hệ giáo dục thường xuyên, ngành GDĐT tỉnh cần sự quan tâm, nắm thông tin, để khi có dấu hiệu sai phạm phải can thiệp, hỗ trợ tích cực, để tránh việc các em bộc phát. Sớm triển khai các chương trình hỗ trợ can thiệp tâm lý cho giáo viên, phụ huynh và HS để các em biết được cách ứng xử khi có dấu hiệu bất hòa, mâu thuẫn với nhau, tránh chuyện bộc phát. Ngành GDĐT sớm xây dựng quy trình, đặc biệt là kênh báo gọi, để các em thấy có vấn đề gì bất an cũng biết mà báo gọi. Nên có sự liên kết giữa nhà trường, phụ huynh và công an để tiếp cận sớm giải quyết vụ việc phát sinh”, ông Đoàn Tấn Bửu nhấn mạnh.