Giúp trẻ vùng cao Yên Bái sử dụng thành thạo tiếng Việt

Là tỉnh có hơn 54% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), thời gian qua, Yên Bái có nhiều chủ trương, giải pháp tăng cường Tiếng Việt cho trẻ mầm non. Vì vậy, tỷ lệ ra lớp của trẻ mầm non ngày một tăng cao, đạt 100% đúng độ tuổi.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) Yên Bái, hiện nay, toàn tỉnh tiến hành tăng cường tiếng Việt ở 102 trường, 885 nhóm với hơn 35.500 trẻ DTTS. Vì vậy, 100% số học sinh vào học chương trình lớp một đều được tiếp cận và đã giao tiếp bằng tiếng Việt. Giám đốc Sở GD và ĐT tỉnh Vương Văn Bằng cho biết: Học sinh vùng đồng bào DTTS ở Yên Bái được hưởng lợi nhiều chính sách của Nhà nước, từ việc trang bị đồ chơi ngoài trời, đồ dùng học tập, đồ dùng cá nhân cho trẻ, bàn ghế và đồ dạy cho cô giáo cùng với các tài liệu hướng dẫn tăng cường tiếng Việt. Để giúp trẻ nghe, hiểu, nói được tiếng Việt, ngành giáo dục đã trang bị, đầu tư cho mỗi trường, lớp máy chiếu, máy tính, ti-vi, bộ đầu đĩa và đồ chơi..., giúp cô và trò nhanh chóng tiếp cận những thông tin mới. Trẻ có kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng Tiếng Việt để hoàn thành chương trình giáo dục mầm non, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc tỉnh Yên Bái.

Cô Lê Thị Thu Nhung, Hiệu trưởng Trường mầm non xã Tân Hương, huyện Yên Bình chia sẻ: Nhà trường có 26 giáo viên phụ trách 13 nhóm lớp với gần 400 trẻ học ở ba điểm trường. Do trẻ chủ yếu là con em đồng bào Sán Chay, Dao, Cao Lan, còn yếu tiếng Việt, cho nên các cô giáo thường xuyên lồng ghép, tổ chức các hoạt động có sử dụng ngôn ngữ kết hợp với văn hóa dân tộc, nghe kể chuyện dân gian, đọc thơ, đồng dao, ca dao… tập trung vào việc luyện phát âm ngọng cho trẻ. Vì vậy, trẻ có tiến bộ nhiều trong giao tiếp, giảm tình trạng nói ngọng, nói lắp, đã nói đủ câu, rõ ràng. Trưởng phòng giáo dục huyện Văn Chấn Lê Quang Minh cho biết: Ngoài việc xây dựng mô hình thư viện lưu động, thư viện thân thiện, tổ chức “Ngày hội đọc sách”, hội thi “Giao lưu Tiếng Việt”, tăng cường thời gian luyện nói cho học sinh trong các giờ chính khóa, các trường còn sinh hoạt đội, sao nhi đồng để các em tham gia các hoạt động tập thể, giúp các em DTTS tự tin, mạnh dạn hơn trong giao tiếp. Ngoài ra, phòng GD và ĐT còn biên tập hai cuốn sổ tay từ vựng của đồng bào Dao, Mông dịch ra Tiếng Việt nhằm giúp giáo viên tự học tiếng dân tộc, phục vụ lại việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non vùng đồng bào DTTS.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, các trường mầm non trên địa bàn tỉnh Yên Bái vẫn còn gặp khó khăn. Cụ thể, UBND tỉnh có quyết định chi trả tiền hỗ trợ cho các giáo viên mỗi tháng được hưởng 450 nghìn đồng khi tham gia Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025” nhưng đến nay giáo viên vẫn chưa được nhận. Ngoài ra, giáo viên mầm non phải đi sớm về muộn, buổi trưa phải trông giữ trẻ cho nên không có thời gian nấu ăn trong khi các trường chưa có nhân viên dinh dưỡng. Khó khăn lớn hiện nay là vào mùa mưa, giao thông không thuận lợi, các điểm trường lẻ chỉ có một hoặc vài lớp học, nhiều nơi phải dạy xen ghép độ tuổi (ba và bốn tuổi, bốn và năm tuổi tùy theo sĩ số) cho nên công tác kiểm tra, bồi dưỡng chuyên môn còn hạn chế, trẻ lớp ghép hiểu biết chênh lệch nên khó trong đánh giá chuyên môn. Một số DTTS không có chữ viết, giáo viên học tiếng dân tộc chủ yếu theo truyền khẩu, rất dễ quên, khó khăn trong vận dụng vào tăng cường tiếng Việt cho trẻ. Nhiều gia đình bố mẹ đi làm ăn xa, để con ở nhà cho ông bà chăm sóc, dẫn tới sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình khó khăn, nhất là việc huy động xã hội hóa nhiều nơi bỏ ngỏ cho nhà trường. Vì vậy, để nâng cao hơn nữa hiệu quả dạy tiếng Việt cho trẻ mầm non DTTS, cần có những giải pháp đồng bộ từ ngành giáo dục và các địa phương, nhất là các chính sách khuyến khích trẻ đến trường có điều kiện giao tiếp, học tập tiếng Việt.