Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp

Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp (GDNN), thực hiện các giải pháp đột phá mạnh mẽ gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia... là mục tiêu xuyên suốt những năm qua. Với phương châm xuyên suốt “Đoàn kết - Kỷ cương - Sáng tạo - Hiệu quả” trong chỉ đạo điều hành và thực hiện nhiệm vụ của Tổng cục GDNN (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đã mang lại nhiều kết quả quan trọng...

Sinh viên lớp luyện thi tay nghề cơ điện tử của Trường cao đẳng Cơ điện Hà Nội trong giờ thực hành. Ảnh: ANH TUẤN
Sinh viên lớp luyện thi tay nghề cơ điện tử của Trường cao đẳng Cơ điện Hà Nội trong giờ thực hành. Ảnh: ANH TUẤN

Thực hiện nhiều giải pháp đột phá

Giai đoạn 2015 - 2020, nhận diện và nắm bắt được thời cơ, thuận lợi, lĩnh vực GDNN đã có những nỗ lực, vượt qua khó khăn, tiếp tục đổi mới và có bước phát triển quan trọng góp phần đạt được những kết quả nổi bật.

Theo đó, kết quả tuyển mới hằng năm tăng và vượt kế hoạch đề ra góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đến hết năm 2019 đạt khoảng 62%; trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 24%. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp GDNN có việc làm và mức thu nhập ở mức cao (hơn 80%, một số ngành, nghề đạt mức 100%). Các điều kiện bảo đảm chất lượng GDNN được củng cố và tăng cường, tiếp tục xây dựng và ban hành các chuẩn trong GDNN; đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý được đào tạo, bồi dưỡng để đạt chuẩn... Đáng chú ý, hoàn thành thí điểm đào tạo chương trình chuyển giao từ Ô-xtrây-li-a với 100% số học sinh tốt nghiệp có việc làm và có thu nhập ở mức khá và cao, tiếp tục triển khai thí điểm đào tạo chất lượng cao theo các bộ chương trình chuyển giao từ Đức và chuẩn bị các điều kiện để triển khai nhân rộng trong cả nước. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực GDNN tiếp tục được mở rộng với nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế...

Công tác rà soát, sắp xếp và quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN được triển khai theo đúng lộ trình, phù hợp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương; hoàn thành thí điểm tự chủ tại ba trường cao đẳng, đồng thời đã áp dụng cơ chế tại nhiều cơ sở GDNN có đủ điều kiện. Tiếp tục hoàn thiện quy hoạch ngành, nghề trọng điểm, trường chất lượng cao đáp ứng yêu cầu đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao. Đến cuối năm 2019, cả nước có 1.917 cơ sở GDNN; tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã có trường trung cấp nghề, trường cao đẳng nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng; đã quy hoạch mạng lưới trường nghề chất lượng cao và các nghề trọng điểm quốc gia, khu vực, quốc tế; hình thành và phát triển được một số trường nghề đặc thù để đào tạo cho người khuyết tật, người dân tộc thiểu số và trường đào tạo các ngành năng khiếu (văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao), trường chính trị...

Đồng thời, gắn kết với doanh nghiệp được xác định là một trong ba khâu đột phá để đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN, từ năm 2017 đến 2019 nhiều hoạt động gắn kết với doanh nghiệp đã được triển khai. Cơ chế phối hợp ba bên: Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp đang bắt đầu hình thành và vận hành tốt trong thực tiễn thông qua chương trình phối hợp công tác giữa Tổng cục GDNN với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), với các hiệp hội, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước và ngoài nước. Các địa phương đã quan tâm đến hoạt động gắn kết với doanh nghiệp; các cơ sở GDNN đã chủ động hơn, thuận lợi hơn khi tìm đến doanh nghiệp; các doanh nghiệp đã tích cực hơn trong việc tiếp cận, tìm đến các nhà trường. Các kết quả hoạt động nêu trên bước đầu đã tạo nên sự chuyển biến về chất lượng GDNN, gắn đào tạo với việc làm, với thị trường lao động.

Những kết quả quan trọng này đã góp phần đưa chỉ số chất lượng đào tạo nghề nghiệp tại Việt Nam tăng 13 bậc (xếp thứ 102 trong số 141 quốc gia, vùng lãnh thổ) tại báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI 4.0) năm 2019 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF).

Tiếp tục đổi mới

Năm 2020 là năm có ý nghĩa rất quan trọng để hoàn thành kế hoạch 5 năm và chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới của lĩnh vực GDNN, với mục tiêu tiếp tục đổi mới hướng tới tăng quy mô và nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả đào tạo đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, nhất là những ngành, lĩnh vực trọng điểm, mũi nhọn.

Để thực hiện được các mục tiêu đề ra, Tổng cục GDNN tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách phát triển GDNN đã được ban hành; đồng thời xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật Giáo dục sửa đổi, Bộ luật Lao động sửa đổi, nhất là cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp gắn kết GDNN; quy định danh mục và lộ trình những ngành, nghề bắt buộc phải sử dụng lao động qua GDNN hoặc phải có chứng chỉ kỹ năng nghề mới được tham gia thị trường lao động; xây dựng chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021 - 2030... Tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, hướng nghiệp, phân luồng để tăng quy mô tuyển sinh; chú trọng đào tạo cập nhật bổ sung kiến thức kỹ năng nghề cho người lao động đáp ứng yêu cầu tăng năng suất, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia... Báo cáo đề xuất với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Thủ tướng Chính phủ các chính sách để tôn vinh, lan tỏa những giá trị của nhân lực có kỹ năng nghề tới giới trẻ và xã hội như: Ngày “Kỹ năng lao động Việt Nam”, giải thưởng quốc gia cho người học tiêu biểu, danh hiệu “Đại sứ kỹ năng Việt Nam”...

Đồng thời, làm tốt công tác sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới cơ sở GDNN. Trong năm 2020, Tổng cục xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ đề án quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN giai đoạn 2021 - 2030; tiếp tục sáp nhập hoặc giải thể các cơ sở GDNN hoạt động không hiệu quả; đối với những cơ sở đủ năng lực tự chủ thì tạo điều kiện để phát triển; tập trung nguồn lực đầu tư một số trường chất lượng cao, ngành, nghề trọng điểm; khuyến khích phát triển các cơ sở ngoài công lập; phát triển mạnh mẽ các mô hình đào tạo nghề trong doanh nghiệp; hợp tác với doanh nghiệp để đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN.

Đẩy nhanh chuẩn hóa các điều kiện bảo đảm để không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, nhất là chuẩn hóa, đổi mới phương pháp giảng dạy cho nhà giáo, cán bộ quản lý GDNN, người dạy tại các doanh nghiệp; chuẩn đầu ra; chuẩn về cơ sở vật chất, thiết bị; thí điểm đào tạo liên thông từ trung cấp lên cao đẳng đối với học sinh tốt nghiệp THCS; đẩy mạnh việc thành lập các trung tâm kiểm định và hoạt động kiểm định chất lượng GDNN; đàm phán, công nhận văn bằng, chứng chỉ, kỹ năng nghề giữa Việt Nam và các nước...