Đối mặt áp lực tuyển sinh đầu cấp

Với tốc độ gia tăng dân nhập cư hằng năm quá nhanh, chính quyền và ngành giáo dục và đào tạo (GD và ĐT) TP Hồ Chí Minh luôn đối mặt với nỗi lo giải quyết bài toán tăng thêm chỗ học, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Hoạt động ngoài trời của học sinh Trường mầm non 26, quận 5 (TP Hồ Chí Minh).
Hoạt động ngoài trời của học sinh Trường mầm non 26, quận 5 (TP Hồ Chí Minh).

Mới đây, nhiều phụ huynh ở phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức) phải vất vả xếp hàng trước cổng Trường mầm non Sơn Ca cả nửa ngày để mong con mình có một suất học ở đây. Sở dĩ có cơn sốt xin học này là do trong năm học mới, số trẻ đến tuổi vào lớp mầm ở cả ba khu phố 6, 7, 8, phường Hiệp Bình Chánh tăng nhanh. Thế nhưng Trường mầm non Sơn Ca chỉ có thể nhận 40 cháu vào học. Do “cầu” quá lớn so với “cung”, cho nên nhiều phụ huynh phải chen chân tìm cơ hội, bất chấp thức khuya, dậy sớm. Tình trạng này không mới và từng xảy ra ở nhiều trường mầm non khác thuộc phường này và một số phường khác của quận Thủ Đức cũng như các quận vùng ven như: quận 12, Bình Tân, Tân Phú, Gò Vấp... Để tránh tình trạng “vất vả” của phụ huynh, nhiều phòng GD và ĐT quận đã thay đổi cách làm, không bán hồ sơ đại trà nữa. Thay vào đó, chính sách tuyển sinh dựa theo phân tuyến địa bàn và các trường sẽ niêm yết công khai các điều kiện ưu tiên xét tuyển, tổng số lượng chỉ tiêu, thời gian bán hồ sơ cụ thể ở từng khối lớp và chỉ bán ra số lượng hồ sơ đúng với khả năng tiếp nhận. Tuy nhiên, do chưa nắm rõ các điều kiện, yêu cầu xét tuyển nên nhiều phụ huynh vẫn chầu chực, xếp hàng chờ đợi từ sáng sớm với hy vọng mua được hồ sơ cũng như được xét tuyển vào trường công lập.

Trước bài toán gia tăng cơ học về dân nhập cư ở các quận vùng ven kéo theo nhu cầu quá lớn về chỗ học, nhất là ở hai bậc mầm non và tiểu học, nhiều quận, huyện ở TP Hồ Chí Minh đã đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường lớp. Chỉ tính riêng năm học 2016-2017, dự kiến sẽ có hàng loạt dự án khánh thành, đưa vào sử dụng ngay đầu năm học. Như tại quận Thủ Đức có thêm hai dự án xây mới Trường Mầm non Khu Chế xuất Linh Trung 1 (phường Linh Xuân) và Trường Mầm non Khu Chế xuất Linh Trung 2 (phường Linh Trung). Theo Trưởng phòng GD và ĐT quận Gò Vấp Đặng Thanh Tuấn, quận cũng đã đầu tư xây trường mầm non phường 12 và đến năm 2018 sẽ khởi công xây thêm sáu dự án gồm một trường mầm non, bốn trường tiểu học và một trường THCS. Ngoài ra, địa phương còn chuẩn bị lập hồ sơ đầu tư xây dựng năm dự án trường mầm non theo hình thức xã hội hóa trên địa bàn các phường 5, 7 và 10.

Là điểm nóng về thiếu chỗ học do tốc độ gia tăng dân nhập cư ngày một lớn, quận Bình Tân luôn phải đối mặt với bài toán giải quyết đủ chỗ học cho học sinh đầu cấp, nhất là bậc mầm non, tiểu học. Ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng GD và ĐT quận Bình Tân cho biết: Quận đã triển khai 14 công trình trường học gồm sáu công trình cải tạo, mở rộng cơ sở cũ (ba trường mầm non, một trường tiểu học, hai trường THCS) và tám công trình trường học xây mới. Dự kiến, sẽ có mười công trình kịp hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm học 2016 - 2017, với tổng số phòng học tăng thêm là 128 phòng, giải quyết được 3.630 chỗ học mầm non và 810 chỗ học THCS trên địa bàn.

Theo lãnh đạo một số phòng GD và ĐT các quận vùng ven, dù xây thêm nhiều trường học, tăng thêm nhiều chỗ học mới, cải tạo, tận dụng cơ sở hiện hữu nhưng nhiều trường học ở địa bàn tăng nóng dân nhập cư vẫn quá tải vì nhu cầu nhập học rất lớn. Do trường lớp quá thiếu nên trước mắt, nhiều địa phương chỉ có thể chạy đua lo đủ chỗ học cho hai bậc mầm non, tiểu học là chính và không dám “mơ” đến chỉ tiêu 65% số học sinh được học hai buổi/ngày theo yêu cầu của UBND thành phố. Không chỉ các quận vùng ven, quận mới thành lập đau đầu vì áp lực chỗ học ở bậc mầm non, tiểu học mà các quận nội thành cũng “bở hơi tai” trước nhu cầu đầu cấp tăng cao. Và để tránh tình trạng chạy trường, chạy lớp, nhiều quận đã siết chặt hộ khẩu, phân tuyến rõ ràng, thông báo tuyển sinh minh bạch…

Tại cuộc họp mới đây về tình hình chuẩn bị cơ sở vật chất cho năm học mới, Phó Giám đốc Sở GD và ĐT TP Hồ Chí Minh Lê Hoài Nam đã chỉ đạo các quận, huyện đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường lớp theo yêu cầu. Bởi lẽ, năm học mới cận kề nhưng tiến độ xây dựng nhiều dự án xây trường mầm non thực hiện theo Quyết định 41 của UBND thành phố Hồ Chí Minh (về hỗ trợ huy động vốn, cho vay đầu tư xây dựng trường mầm non công lập trên địa bàn) vẫn như “rùa bò”. Ông Lê Hoài Nam nhấn mạnh: Những tháng cuối năm 2016, Sở sẽ kiểm tra gắt gao tiến độ thực hiện các dự án, công trình nào giải ngân quá chậm sẽ bị xem xét điều chỉnh kế hoạch thực hiện; quận, huyện nào không báo cáo xem như không thực hiện. Riêng đối với các dự án đã phê duyệt đầu tư nhưng chưa khởi công xây dựng, sở yêu cầu ban quản lý đầu tư xây dựng các quận, huyện sớm báo cáo tình hình triển khai thực hiện, tránh gây thất thoát, lãng phí ngân sách.

Với sự quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực giáo dục, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã bố trí vốn đợt 1 năm 2016 cho 107 dự án xây dựng trường học, với tổng vốn đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng và dự kiến đến ngày khai giảng 5-9-2016 sẽ đưa vào sử dụng gần 2.000 phòng học mới. Tuy nhiên tính đến nay, tỷ lệ giải ngân của các quận, huyện mới đạt 23,03%. Ngoài ra, theo kế hoạch xây dựng trung hạn từ nay đến hết năm 2020, TP Hồ Chí Minh sẽ có thêm 300 dự án xây mới trường học, đáp ứng thêm 6.600 phòng học cho người dân.

Tuy nhiên trước nhu cầu cần bổ sung thêm 15 nghìn phòng học, tập trung nhiều nhất ở hai bậc mầm non và tiểu học, TP Hồ Chí Minh còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa kèm những giải pháp căn cơ, quyết liệt hơn.