Đẩy mạnh đào tạo trực tuyến với giáo dục nghề nghiệp

NDO -

NDĐT- Ngày 25-3, tại Hà Nội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức họp về công tác tuyển sinh, đào tạo trực tuyến trong bối cảnh ứng phó với dịch bệnh Covid-19.

Giảng viên của Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội dạy qua Hệ thống đào tạo trực tuyến E-Learning (Ảnh: Báo Dân sinh).
Giảng viên của Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội dạy qua Hệ thống đào tạo trực tuyến E-Learning (Ảnh: Báo Dân sinh).

Ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) cho biết, hiện nay việc tổ chức đào tạo, kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh sinh viên được thực hiện tại quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BLĐTBXH ngày 26-12-2018 của Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành quy định đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp theo hình thức đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn và Thông tư số 09/2017/TT-BLĐTBXH ngày 13-3-2017 của Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội về tổ chức thực hiện chương trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng theo niên chế hoặc phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ; quy chế kiểm tra, thi, xét công nhận tôt nghiệp. Tuy nhiên, để triển khai đào tạo trực tuyến tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), hiện nay cần làm rõ, cũng như thêm một số hướng dẫn và quy định cụ thể.

Trong điều kiện dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) diễn biến phức tạp, các cơ sở GDNN tiếp tục cho học sinh, sinh viên nghỉ học để phòng, chống dịch, các cơ sở GDNN cần đẩy mạnh đào tạo trực tuyến. Do đặc thù của GDNN là đào tạo cầm tay chỉ việc, gắn với thực hành, thực tập nên việc thực hiện đào tạo trực tuyến cần được nghiên cứu cẩn thận, mức độ triển khai đến đâu. Bên cạnh thiết bị máy móc, công nghệ và hạ tầng công nghệ thông tin cần có, đào tạo trực tuyến cần nguồn tài nguyên, học liệu chuẩn cho người học.

Ngoài ra, còn đòi hỏi trình độ tiếp cận, ứng dụng công nghệ thông tin của cán bộ giảng viên cũng như học sinh sinh viên khi tham gia đào tạo trực tuyến.

Nhiều ý kiến cho rằng, trước khi triển khai đào tạo trực tuyến, các cơ sở GDNN phải xây dựng quy chế đào tạo trực tuyến trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và phù hợp với điều kiện thực tế của trường, tương thích với từng đối tượng người học ở các trình độ đào tạo GDNN. Triển khai thực hiện đào tạo trực tuyến như thế nào để đạt chất lượng.

Bên cạnh đó, việc thi kiểm tra đánh giá học sinh - sinh viên qua đào tạo trực tuyến; quy đổi thời gian giảng dạy trực tuyến của giảng viên để tính toán chế độ cho nhà giáo giảng dạy trực tuyến vẫn là những vướng mắc mà các trường cần được hướng dẫn cụ thể.

Về công tác tuyển sinh GDNN, cần đẩy mạnh tuyển sinh trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Các cơ sở GDNN tiếp tục tăng cường hơn nữa và đa dạng hóa công tác truyền thông, hướng nghiệp để thay đổi nhận thức của phụ huynh, học sinh về tầm quan trọng của giáo GDNN, đồng thời giúp phụ huynh, học sinh tiếp cận tốt với các công cụ tuyển sinh GDNN đã được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp triển khai tốt trong thời gian qua như Ứng dụng Chọn nghề, Trang Thông tin tuyển sinh GDNN,…

Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Nguyễn Hồng Minh đề nghị các vụ, đơn vị cần rà soát lại quy định về quản lý đào tạo nói chung và đào tạo từ xa trực tuyến nói riêng. Trước mắt, cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn kịp thời để các trường triển khai thực hiện đào tạo trực tuyến. Các cơ sở GDNN chủ động xây dựng phương án đầu tư, sử dụng phần mềm triển khai đào tạo trực tuyến trên cơ sở văn bản hướng dẫn, bảo đảm thực hiện đạt chất lượng.

Ông Nguyễn Hồng Minh đề nghị các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất Hội nghị tư vấn tuyển sinh GDNN theo hình thức trực tuyến trong thời gian tới.

Trước đó, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng ban hành kế hoạch truyền thông tư vấn tuyển sinh năm 2020.

Mục đích của chương trình là nâng cao nhận thức người dân, xã hội, doanh nghiệp và quảng bá hình ảnh về GDNN; lợi ích của GDNN đối với việc lập nghiệp. Đồng thời, tạo sự chuyển biến trong công tác phân luồng học sinh trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT) vào GDNN. Thúc đẩy công tác tuyển sinh, hướng nghiệp, giải quyết việc làm, lập nghiệp, khởi nghiệp.

Công tác truyền thông tư vấn tuyển sinh GDNN tổ chức bằng nhiều hình thức, bảo đảm nội dung giúp các học sinh, phụ huynh học sinh và mọi người dân thấy được lợi ích của GDNN và có nhiều lựa chọn ngành nghề cho tương lai.

Các nội dung truyền thông tập trung vào đào tạo chất lượng cao; chương trình chất lượng cao; trường chất lượng cao; đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tuyển sinh đào tạo nghề đối với học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, mô hình 9+, cơ hội phát triển nghề nghiệp, liên thông, hướng nghiệp, xu hướng việc làm...

Chương trình cũng cần đa dạng hóa các hình thức truyền thông. Bên cạnh việc đưa thông tin trên các cơ quan báo chí, cần đẩy mạnh truyền thông trực tuyến, trực tiếp bằng các hình thức như tọa đàm tư vấn trực tuyến và mạng xã hội, quảng bá trên phương tiện giao thông công cộng.