Đẩy mạnh bồi dưỡng nghề nghiệp, bảo đảm quyền lợi cho giáo viên ở Bắc Giang

NDO -

NDĐT - Hiện nay, toàn tỉnh Bắc Giang có gần 20 nghìn giáo viên thiếu tiêu chuẩn về bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp. Từ năm 2017 đến nay, tỉnh mới tổ chức bồi dưỡng được 4.200 giáo viên các cấp học theo hạng. Năm 2019, các huyện và thành phố đã đề nghị Sở Nội vụ tổ chức bồi dưỡng cho hơn 5.000 giáo viên, tuy nhiên chỉ có 1.000 giáo viên có trong danh sách được tham gia lớp học bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp năm nay.

Một lớp học đào tạo chức danh nghề nghiệp do Sở Nội vụ Bắc Giang tổ chức.
Một lớp học đào tạo chức danh nghề nghiệp do Sở Nội vụ Bắc Giang tổ chức.

Theo Luật Viên chức năm 2010 quy định việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp (CDNN) đối với viên chức được thực hiện theo nguyên tắc “làm việc ở vị trí việc làm nào thì bổ nhiệm vào CDNN tương ứng với vị trí việc làm đó”, và “người được bổ nhiệm CDNN nào thì phải có đủ tiêu chuẩn của CDNN đó”. Với chức trách, nhiệm vụ của mình, nhiều năm qua, Sở Nội vụ Bắc Giang chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan đã tổ chức thực hiện công tác này bảo đảm đúng kế hoạch và theo quy chuẩn chung của chương trình giảng dạy do Bộ Nội vụ quy định.

Trong lĩnh vực bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cho giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, đây là yêu cầu bắt buộc đối với những giáo viên đủ điều kiện và có nhu cầu thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Việc bồi dưỡng chuẩn CDNN cho đội ngũ giáo viên các cấp sẽ góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên, giúp cho giáo viên đủ tiêu chuẩn nhận được nhiều chế độ đãi ngộ tốt hơn. Chính vì thế, công tác này được đông đảo các Sở, ngành, các huyện, thành phố và giáo viên trong tỉnh đồng tình ủng hộ.

Để bảo đảm quyền lợi cho giáo viên, Sở Nội vụ Bắc Giang đã xây dựng kế hoạch dựa theo lộ trình yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, được Tỉnh ủy, UBND tỉnh thông qua. Căn cứ vào tình hình thực tế về cơ sở vật chất, đồng thời để bảo đảm chất lượng đào tạo, Tỉnh ủy Bắc Giang ban hành Kế hoạch số 61-KH/TU phê duyệt mở 10 lớp học bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cho 1.000 giáo viên năm 2019. Các giáo viên được huyện và thành phố cử đi học đều có đủ điều kiện thăng hạng về thâm niên, vị trí công tác, năng lực chuyên môn... Sở Nội vụ đã thống nhất với Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các huyện, thành phố có sự linh động đối với từng trường hợp cụ thể nhằm bảo đảm quyền lợi tối đa cho giáo viên.

Mức đóng học phí được thực hiện theo Nghị định số 101/2017/NĐ-CP về Đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó, các đối tượng là giáo viên được tính ở diện viên chức, kinh phí đào tạo do viên chức, nguồn tài chính của đơn vị và các nguồn khác bảo đảm. Tuy nhiên, do điều kiện nguồn kinh phí của hầu hết các đơn vị trường học trong tỉnh gặp khó khăn cho nên học viên tự đóng góp 100% học phí; Nhà nước cho hưởng 100% tiền lương và các khoản phụ cấp giảng dạy trong thời gian giáo viên tham gia lớp bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

Qua công tác đánh giá, kiểm định chất lượng bồi dưỡng năm 2018 cho thấy, phần lớn học viên hài lòng và đánh giá cao về chất lượng giảng dạy của giảng viên; 70% học viên có bài viết đạt điểm khá và giỏi, số học viên còn lại đạt yêu cầu. Cùng với việc tổ chức bồi dưỡng chuẩn CDNN, năm 2018 tỉnh cũng đã tổ chức thi thăng hạng II cho gần 2.000 giáo viên các cấp học. Với tinh thần trách nhiệm, sự vào cuộc rốt ráo của các huyện, thành phố, tính thiết thực và những quyền lợi được bảo đảm sau khi hoàn thành khóa học, nhất là thời gian học được bố trí hợp lý vào thời điểm nghỉ hè, nên sau một thời gian ngắn, đã có hàng trăm giáo viên các trường mầm non, tiểu học, THCS tham gia các lớp bồi dưỡng. Trong thời gian tới, Sở Nội vụ sẽ tiếp tục mở thêm lớp để bảo đảm đủ số lượng của các cấp học khác theo kế hoạch.

Đến thăm quan hai lớp bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng II năm 2019, khai giảng ngày 15-6-2019, chúng tôi nhận thấy, không khí học tập tại các buổi giảng lý thuyết rất nghiêm túc, còn các buổi thảo luận khá sôi nổi, có đôi chút ồn ào do có sự phản biện, tương tác giữa giảng viên và học viên. Đa số học viên tỏ ra khá hài lòng với quá trình học tập bởi chương trình học không quá nặng nề, khô cứng mà chủ yếu mang tính định hướng mở rộng để học viên có thể liên hệ đến thực tiễn công tác của mình, từ đó liên hệ với lý thuyết nghiệp vụ chuyên môn chung để rút ra kinh nghiệm và phương pháp làm việc, giảng dạy phù hợp với chính mình cũng như đối tượng học sinh, khối lớp mà mình phụ trách. Sau một số bất cập nhỏ của những buổi học đầu, đa số các học viên đều tham gia học tập tích cực. Một số khác còn đôi chút băn khoăn với giáo trình, lịch học và kinh phí đóng góp cũng đã được ban cán sự lớp trao đổi, nắm bắt tâm tư nguyện vọng để báo cáo Ban tổ chức, làm rõ một số điểm nhằm ổn định tư tưởng cho học viên.

Trao đổi với chúng tôi, TS Lê Anh Phương, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Huế bày tỏ sự trân trọng khi được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Giang quan tâm đề nghị phối hợp tổ chức các lớp học bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp cho giáo viên của tỉnh. Cùng với đội ngũ giảng viên cơ hữu của mình, Đại học Sư phạm Huế còn thỉnh giảng một số nhà khoa học, giảng viên có chức danh và kinh nghiệm giảng dạy của các học viện, nhà trường bạn theo đúng quy định của Chính phủ. Điều đó vừa tạo sự đa dạng về nguồn lực giảng viên cho trường, vừa bảo đảm tỷ lệ giảng viên cơ hữu và giảng viên thỉnh giảng, đồng thời cũng có sự linh hoạt để phù hợp khi liên kết giảng dạy ở các vùng miền khác nhau.

Ông Khuông Văn Thông, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Bắc Giang cho biết, hiện nay Sở tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách hiện hành về hỗ trợ cho cán bộ, công chức đi học và các chính sách có liên quan để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành cơ chế, chính sách mới đáp ứng yêu cầu của công tác đào tạo, bồi dưỡng, phù hợp với tình hình thực tế và khả năng ngân sách của tỉnh. Đây là công tác hết sức quan trọng, có tác động tới công việc và cuộc sống của hàng vạn cán bộ công chức, viên chức trong tỉnh.

Để có thể triển khai thực hiện thắng lợi nhiệm vụ này, không chỉ cần đến nỗ lực của riêng ngành Nội vụ, mà cần có sự chỉ đạo, quan tâm sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự đồng hành, ủng hộ của các ngành chức năng, các địa phương và đặc biệt là nhận thức của mỗi cán bộ công chức, viên chức để xác định động cơ học tập đúng đắn, tinh thần học tập nghiêm túc, tích cực ứng dụng kết quả học tập vào thực tiễn công việc.

Có như vậy, một chủ trương đúng đắn của Chính phủ về bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp nói chung và bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp cho giáo viên nói riêng, mới thật sự lan tỏa giá trị và ý nghĩa nhân văn của nó về việc chuẩn hóa trình độ chuyên môn của cán bộ trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.