Chú trọng phòng ngừa sai phạm

Hiện nay, ngành giáo dục và các địa phương đang nỗ lực chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Bên cạnh công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, thành lập ban chỉ đạo thi, tổ chức ôn tập, bố trí điểm thi…, ngành giáo dục cũng như các địa phương chú trọng công tác lựa chọn nhân sự tham gia các khâu kỳ thi, nhất là công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm rõ việc, rõ nhiệm vụ để phòng ngừa sai phạm.

Học sinh Trường THPT Phúc Lợi (quận Long Biên, TP Hà Nội) làm thủ tục đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học năm 2020.
Học sinh Trường THPT Phúc Lợi (quận Long Biên, TP Hà Nội) làm thủ tục đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học năm 2020.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT), do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tháng 4-2020, Bộ đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ cơ bản thống nhất với phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020. Theo đó, phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay không có nhiều thay đổi so với năm 2019. Bộ GD và ĐT đã ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT và hướng dẫn các địa phương, các sở GD và ĐT, các cơ sở giáo dục tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020; thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Ban Chỉ đạo quốc gia đã phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng thành viên, quy trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân tham gia, một người có thể làm nhiều việc nhưng mỗi việc phải có một người chịu trách nhiệm chính. Bộ GD và ĐT cũng đã hoàn thiện phương án cụ thể để giám sát chặt chẽ các khâu của kỳ thi, nhất là công tác coi thi, chấm thi tại các địa phương. Hệ thống phần mềm quản lý thi, phần mềm chấm thi trắc nghiệm được hoàn thiện cùng với đề thi tham khảo, giúp định hướng dạy học, ôn tập, tạo tâm lý ổn định đối với giáo viên, học sinh và phụ huynh. 

Đáng chú ý, trước thông tin lo ngại về tính trung thực, khách quan khi kỳ thi giao về cho địa phương tổ chức, Bộ GD và ĐT sẽ tăng cường các giải pháp kỹ thuật, nhất là công tác thanh tra, kiểm tra để hạn chế đến mức thấp nhất tiêu cực nảy sinh. Theo Chánh Thanh tra Bộ GD và ĐT Nguyễn Đức Cường, kỳ thi năm nay, giảng viên đại học không tham gia vào công tác coi thi, chấm thi như mọi năm, nhưng được huy động để tham gia các đoàn kiểm tra, thanh tra tất cả các khâu của kỳ thi. Quá trình thanh tra, kiểm tra đặt ra yêu cầu rất cụ thể đối với từng cán bộ, giảng viên đại học được trưng tập làm nhiệm vụ. Nếu trường nào cử cán bộ không bảo đảm tiêu chuẩn thì hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm trước bộ trưởng. Cũng theo Thanh tra Bộ GD và ĐT, có hơn 6.000 giảng viên đại học được huy động thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra kỳ thi. Các giảng viên đại học tham gia công tác thanh tra, kiểm tra là những người am hiểu các khâu của kỳ thi, tạo sự khách quan trong kỳ thi. Bộ GD và ĐT tổ chức 10 đoàn kiểm tra, mỗi đoàn đi từ hai đến ba địa phương. Đáng chú ý, năm nay sẽ có thêm Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh, thành phố tham gia giám sát kỳ thi. Nội dung thanh tra, kiểm tra gồm tám vấn đề: Chuẩn bị tổ chức thi; coi thi; chấm bài tự luận; chấm bài trắc nghiệm; xử lý vi phạm Quy chế thi và cập nhật điểm thi; phúc khảo bài thi tự luận; phúc khảo bài thi trắc nghiệm; xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Điểm mới của kỳ thi năm nay là tăng cường hơn nữa về tính tự chủ của các địa phương. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện về chỉ đạo cũng như tổ chức kỳ thi tại địa phương mình. Vì vậy, các địa phương quan tâm, chỉ đạo thực hiện sát sao việc chuẩn bị cơ sở vật chất, nhất là tăng cường vai trò, trách nhiệm cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi… Tỉnh Nghệ An đã thành lập Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh do Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban cùng chín ban liên quan để phục vụ kỳ thi với các nhiệm vụ cụ thể, chi tiết và bài bản. Sở GD và ĐT Nghệ An đã xây dựng kế hoạch, phương án tổ chức kỳ thi, ban hành các hướng dẫn triển khai cụ thể; chuẩn bị cơ sở vật chất để bảo đảm an toàn; đặc biệt chú trọng công tác in sao, vận chuyển đề thi, coi thi, chấm thi… Theo Giám đốc Sở GD và ĐT Nghệ An Thái Văn Thành, công tác chuẩn bị kỳ thi, coi thi, chấm thi, công nhận kết quả thi và xét tốt nghiệp THPT đều do địa phương đảm nhận, cho nên vai trò, trách nhiệm của Sở GD và ĐT cùng địa phương là rất lớn. Sở đặc biệt quan tâm và coi trọng công tác tổ chức tập huấn, quán triệt kỹ quy chế thi đến đội ngũ cán bộ làm công tác thi. Các cán bộ coi thi còn được phổ biến tài liệu cẩm nang coi thi, trong đó có kinh nghiệm xử lý một số tình huống bất thường. Để đề cao vai trò, trách nhiệm của từng thành viên trong việc bảo đảm kỳ thi thành công, các cán bộ, giáo viên làm nhiệm vụ coi thi, chấm thi đều có bản cam kết với ngành, bảo đảm tính bảo mật, an toàn. Đặc biệt, đối với các khâu quan trọng như: in, sao đề thi, vận chuyển, bảo quản đề thi cũng được ngành giáo dục địa phương tính toán kỹ lưỡng; phối hợp công an để lựa chọn địa điểm in, sao đề thi an toàn, chặt chẽ và bảo mật. Cán bộ in, sao đề thi được lựa chọn đều có phẩm chất, tư cách tốt, có năng lực, kinh nghiệm và sức khỏe để bảo đảm tham gia toàn bộ thời gian in sao đề thi an toàn và bí mật. Để hạn chế sai sót, rủi ro trong khâu chấm thi, các cán bộ của ngành khi được phân công nhiệm vụ cũng được tập huấn, và chấp hành nghiêm các quy trình, quy chế thi. Ngành giáo dục Nghệ An đã xây dựng kế hoạch phối hợp chặt chẽ lực lượng công an, thanh tra bộ, thanh tra tỉnh trong công tác thanh tra, kiểm tra để bảo đảm kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc…