Cần minh bạch, hiệu quả trong quản lý, thẩm định sách giáo khoa

Thời gian qua, vấn đề sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông luôn thu hút sự chú ý quan tâm của dư luận xã hội. Bởi việc quản lý SGK hiện hành chưa chặt chẽ, trong khi công tác biên soạn và thẩm định SGK mới của ngành giáo dục còn nhiều vướng mắc, bất cập.

Phụ huynh và học sinh chọn mua sách giáo khoa tại một cửa hàng ở quận Ba Ðình (Hà Nội). Ảnh: Anh Sơn
Phụ huynh và học sinh chọn mua sách giáo khoa tại một cửa hàng ở quận Ba Ðình (Hà Nội). Ảnh: Anh Sơn

Chậm cắt giảm chi phí

Theo tìm hiểu của chúng tôi, chuẩn bị bước vào năm học 2019-2020, Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) đã triển khai chủ trương điều chỉnh giá bán SGK hiện hành của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGD). Theo Bộ GD và ÐT, qua kiểm tra, giá SGK in trên bìa theo đúng đăng ký với Bộ Tài chính và được giữ ổn định nhiều năm, thấp hơn giá các loại sách khác, trong khi chi phí phát hành tăng theo cơ chế thị trường. Giá SGK cần theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí hợp lý và chống độc quyền, thao túng giá; cân đối hài hòa giữa lợi ích kinh tế của doanh nghiệp, mục đích phục vụ xã hội và người dân. Vì vậy, Bộ GD và ÐT đã đưa ra nhiều yêu cầu về tiết giảm chi phí, nhất là các chi phí không cần thiết để tăng hiệu quả khi điều chỉnh giá SGK. Bộ GD và ÐT chỉ đạo NXBGD thực hiện cấu trúc lại và nâng cao công tác quản trị doanh nghiệp. Trong đó, NXBGD rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, người lao động. Xây dựng và hoàn thiện lại phương án chi trả tiền lương, tiền công của cán bộ quản lý, viên chức và người lao động phù hợp với điều kiện, hiệu quả kinh doanh. Cắt giảm đến mức thấp nhất chi phí đầu tư, chi phí trung gian, chi phí phát hành; hoàn thiện kế hoạch sản xuất 5 năm và kế hoạch sản xuất năm 2019. Ðáng chú ý, để thực hiện cấu trúc lại cần thực hiện kiểm toán độc lập hoạt động của NXBGD liên tiếp trong ba năm, bảo đảm công khai, minh bạch hoạt động kinh doanh và các nguồn thu… Các công việc NXBGD triển khai, báo cáo Bộ GD và ÐT trong tháng 4-2019.

Thực tế bước vào năm học 2019-2020, theo thông báo của NXBGD, giá SGK tăng bình quân từ 1.000 đến 1.800 đồng/cuốn. Năm 2019, dự kiến sản lượng SGK là hơn 108,5 triệu bản (giảm khoảng 5 triệu bản so với năm 2018) nhưng doanh thu đạt 844 tỷ đồng (tăng 110 tỷ đồng so với năm 2018), chiếm khoảng 60% tổng doanh thu. Theo Thứ trưởng GD và ÐT Nguyễn Hữu Ðộ, đến tháng 10-2019, việc cấu trúc lại toàn bộ hệ thống để cắt giảm một số hoạt động, nhất là cắt giảm khâu trung gian; tính đúng, tính đủ, bảo đảm hợp lý, không lãng phí trong xuất bản SGK vẫn chưa được hoàn thiện. Hiện nay, Bộ GD và ÐT đang yêu cầu NXBGD báo cáo việc triển khai cấu trúc lại, tinh gọn đầu mối, cắt giảm các chi phí...

Trong khi việc cắt giảm các chi phí còn kéo dài thì Bộ GD và ÐT lại đồng ý để NXBGD vận dụng và xếp lương theo bảng lương của tổng công ty và tương đương. Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Ðộ, việc xếp lương là cách "vận dụng" các quy định do doanh thu của NXBGD cao và từng được cho phép xếp hạng tổng công ty và tương đương từ trước. Tuy nhiên, theo các quy định tại Nghị định 52/2016/NÐ-CP, NXBGD không đạt hạng tổng công ty và tương đương do không đáp ứng được tiêu chí vốn nhà nước trong doanh nghiệp, mà chỉ đạt tiêu chí công ty loại I. Như vậy, việc chậm hoàn thiện cấu trúc lại, cắt giảm chi phí và việc xếp hạng doanh nghiệp không đúng sẽ dẫn đến tăng chi phí, đi ngược với yêu cầu cắt giảm chi phí đầu tư, chi phí trung gian, chi phí phát hành, cơ cấu tiền lương, tinh giản biên chế... để nâng cao hiệu quả khi điều chỉnh tăng giá SGK.

Vướng mắc trong biên soạn SGK mới

Cùng với việc quản lý SGK hiện hành, thực hiện nghị quyết của Quốc hội và quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD và ÐT được giao tổ chức biên soạn "một bộ SGK" theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, việc biên soạn một bộ SGK gặp khó khăn cho nên Bộ GD và ÐT thực hiện việc biên soạn, xuất bản SGK mới theo phương thức không sử dụng ngân sách nhà nước. Có điều việc biên soạn SGK không sử dụng ngân sách gây nên những băn khoăn trong dư luận xã hội bởi nếu Bộ GD và ÐT không biên soạn một bộ SGK thì sẽ lựa chọn bộ sách của đơn vị, cá nhân nào thay thế? Việc lựa chọn đó có dẫn đến tình trạng độc quyền hoặc bộ SGK được lựa chọn được "ưu ái" đưa vào nhà trường hay không?

Ðáng chú ý, quá trình thẩm định SGK của các tổ chức, cá nhân cũng đang gây nhiều tranh cãi. Theo TS Thái Văn Tài, Vụ trưởng Giáo dục Tiểu học (Bộ GD và ÐT), Hội đồng quốc gia thẩm định SGK (Hội đồng) đã tiếp nhận 49 bản thảo SGK lớp 1 của chín môn học để thẩm định. Trong đó, môn: Tiếng Việt sáu bản thảo; Toán sáu bản thảo; Ðạo đức sáu bản thảo; Tự nhiên - Xã hội năm bản thảo; Giáo dục Thể chất bốn bản thảo; Nghệ thuật (Âm nhạc) năm bản thảo; Nghệ thuật (Mỹ thuật) năm bản thảo; Hoạt động trải nghiệm sáu bản thảo; Tiếng Anh sáu bản thảo. Các hội đồng đã làm việc liên tục trong thời gian hơn ba tháng, qua hai vòng thẩm định với kết quả có 38 bản thảo được đánh giá "đạt" và đề nghị Bộ trưởng GD và ÐT xem xét phê duyệt; 11 bản thảo được đánh giá "không đạt".

Tuy nhiên, quá trình thẩm định đã gây nhiều ý kiến trái chiều. Bởi việc thẩm định SGK dựa vào Thông tư 33/2017/TT-BGDÐT (Thông tư 33) với các tiêu chí còn chung chung, dẫn đến có thể bị "yêu, ghét" theo cảm tính. Mặt khác, chương trình giáo dục phổ thông mới được thiết kế hướng tới phẩm chất, năng lực, sự vận dụng, sáng tạo của học sinh. Vì vậy, nếu Hội đồng thẩm định chỉ chú trọng áp dụng cứng nhắc các tiêu chí chung theo Thông tư 33 sẽ mất đi những vận dụng, sáng tạo trong SGK mới. Thừa nhận vấn đề nêu trên, TS Thái Văn Tài cho biết, Thông tư 33 về thẩm định SGK có 13 tiêu chí nếu áp dụng cứng nhắc thì chưa ổn. Bởi 13 tiêu chí dành cho thẩm định SGK từ lớp 1 đến lớp 12 là một khoảng quá rộng. Vì vậy, tiêu chí chỉ là những điều căn bản nhất để áp dụng cho thẩm định SGK. Ngoài các tiêu chí của Thông tư 33, Bộ GD và ÐT cũng đã mời các chuyên gia phân tích và xây dựng hệ thống thông số cần đạt để đưa vào thẩm định SGK. Tuy nhiên, hệ thống thông số chỉ được sử dụng nội bộ trong thẩm định chứ không công bố rộng rãi.

Một số chuyên gia giáo dục cho rằng, chương trình giáo dục phổ thông mới được quy định chỉ là điều kiện tối thiểu, có tính "pháp lệnh"; còn SGK là công cụ cho nên có tính "mở" và linh hoạt. Việc sử dụng SGK đến mức độ nào do người dạy và học, người chọn sách quyết định. Vì vậy, Thông tư 33 là văn bản pháp quy cho nên chỉ quy định được những điểm chung nhất, nếu áp dụng cứng nhắc vào đánh giá SGK là không hợp lý. Thí dụ, chỉ dựa vào các tiêu chí của Thông tư 33 để đặt vấn đề quá tải hay không là làm khó cho người biên soạn sách, vì có nhiều bộ SGK được dùng cho nhiều đối tượng và nhiều vùng khác nhau sẽ không thể giống nhau như một. Hay như trong thiết kế chương trình giáo dục phổ thông mới có phần "Hoạt động trải nghiệm", nhưng hiện nay nội dung này lại bị coi như một môn học và bắt buộc phải có SGK viết theo tiêu chí chung; như vậy tính chất "trải nghiệm thực tế" của hoạt động này sẽ không còn.

Dư luận xã hội không khỏi băn khoăn về việc lựa chọn thành viên thẩm định. Theo TS Thái Văn Tài, thành viên thẩm định phải am hiểu về khoa học giáo dục, có chuyên môn phù hợp và tham gia vào các hoạt động liên quan đến chương trình, SGK. Tuy nhiên, nếu nhìn tuyệt đối vào một cá nhân hay nhóm cá nhân nào đó thì không thể thẩm định SGK do mỗi người chỉ có một thế mạnh nhất định. Mặt khác, nhiều chuyên gia giáo dục đã tham gia viết SGK mới cho nên không thể đưa vào hội đồng thẩm định. Vì vậy, việc lựa chọn thành viên thẩm định cũng là vấn đề hết sức khó khăn đối với Bộ GD và ÐT.

SGK giáo dục phổ thông liên quan đến mọi học sinh. Vì vậy, vấn đề quản lý SGK cần bảo đảm hiệu quả. Việc triển khai các bộ SGK mới cần chặt chẽ, rõ ràng, khách quan, bảo đảm chất lượng theo đúng định hướng nhằm thực hiện thành công đổi mới căn bản, toàn diện GD và ÐT.