Bám bản dạy học ở liên trường Lũng Pù

NDO -

NDĐT- “Buồn nhất là mỗi lần nghe tin có học sinh bỏ học, ra nước ngoài lao động, hay có em vừa tảo hôn... Làm sao để đưa các em trở lại với trường lớp đó là niềm vui cũng là động lực của mỗi giáo viên chúng tôi nơi biên cương xa xôi này”. Đó là chia sẻ của thầy Nguyễn Thanh Xuân, Hiệu trưởng liên trường Lũng Pù, ở xã Lũng Pù, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.

Học sinh liên trường Lũng Pù đọc sách tại thư viện của nhà trường.
Học sinh liên trường Lũng Pù đọc sách tại thư viện của nhà trường.

Đặt chân tới xã Lũng Pù, huyện Mèo Vạc tỉnh Hà Giang, chúng tôi mới thấm thía hết nỗi khó khăn vất vả của thầy cô giáo đang bám bản nơi đây. Gần năm năm công tác, thầy Nguyễn Thanh Xuân một giáo viên trẻ Hà Nội tình nguyện lên Hà Giang công tác, hiện nay là Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Chuyện không có đất đai để canh tác, bà con phải gieo hạt ngô, hạt thóc vào từng khe đá trên non cao hiểm trở đã đành, nhưng với những người giáo viên chúng tôi, việc vận động các em đi học cũng khó khăn không kém”.

Điều ấn tượng đầu tiên khi đặt chân tới liên trường Lũng Pù đó là các lớp học xen lẫn các em học sinh từ mẫu giáo, tiểu học, đến trung học cơ sở. Thầy Xuân lý giải, gọi là “liên trường” bởi điểm trường Lũng Pù có những ba cấp học: Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở (THCS).

Bám bản dạy học ở liên trường Lũng Pù ảnh 1

Quỹ “Mãi mãi tuổi 20” thuộc UBND Thành phố Hà Nội tặng quà nhà trường.

Tìm hiểu, chúng tôi được biết, Lũng Pù là xã miền núi đặc biệt khó khăn, các thôn bản nằm rải rác cách xa trường. Do đó, việc huy động số học sinh trong độ tuổi đến trường gặp nhiều khó khăn. Nhận thức của một số phụ huynh học sinh hiểu về giáo dục còn nhiều hạn chế, hầu hết chưa quan tâm đến việc học tập của con cái. Một số học sinh đến lớp chưa mang tính chất tự nguyện, vẫn còn học sinh bỏ học giữa chừng. Điều kiện kinh tế của các gia đình rất khó khăn thiếu thốn nên một số học sinh khối 8, 9 thường xuyên bỏ học đi làm thuê để giúp gia đình.

Theo số liệu thống kê của nhà nhà trường, riêng năm học 2018-2019, tổng số học sinh đầu năm học của bậc THCS là 380 học sinh, duy trì cuối năm là 357 học sinh. Duy trì hằng ngày đạt từ 85 đến dưới 90%. Tổng số học sinh bỏ học trong năm học: 23 học sinh, trong đó bỏ học đi làm thuê là 10 em, tảo hôn là sáu em, nghỉ học tự do là bảy em.

Với mục tiêu đưa ánh sáng học đường tới các em, để “không ai bị bỏ lại phía sau”, các thầy cô trường liên trường Lũng Pù đã không quản khó khăn để vận động các em tới trường. Nhiều thầy cô giáo hết giờ lên lớp vẫn xuống tận các bản để vận động các em học sinh trở lại lớp học.

Thầy Xuân cho biết: “Ban giám hiệu nhà trường đã tham mưu với UBND xã Lũng Pù, các tổ phụ trách các thôn và ban đại diện cha mẹ học sinh kịp thời theo dõi, động viên số học sinh bỏ học, có nguy cơ bỏ học trở lại lớp. Ngoài ra, nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khoá, các phong trào văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao nhằm thu hút học sinh tới lớp”

Đặc biệt, nhà trường thực hiện giáo dục kỹ năng sống, đưa văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số vào giảng dạy. Ba đơn vị trường học đã thực hiện việc giáo dục kỹ năng sống và giá trị văn hóa truyền thống lồng ghép qua các môn học như Đạo đức, Giáo dục công dân, Lịch sử, Địa lý, Văn học... Thông qua các hoạt động ngoại khóa như tổ chức các trò chơi dân gian, luyện tập các tiết mục văn hóa, văn nghệ, tổ chức gặp gỡ, mời các nghệ nhân dân gian tham gia truyền dạy cho học sinh. Trường tiểu học đã thành lập được ba câu lạc bộ khèn Mông, một câu lạc bộ đọc sách, một câu lạc bộ các trò chơi dân gian.

Cô giáo Nguyễn Thị Hường, 26 tuổi, giáo viên liên trường Lũng Pù cho biết: “Vừa qua, trường THCS đã tổ chức truyền dạy điệu múa khèn, múa ô, múa sinh tiền của dân tộc H’mông. Đặc biệt, thông qua các giờ ngoại khóa, tổ chức hướng dẫn học sinh làm khèn Mông để có dụng cụ luyện tập và đã dàn dựng được một màn đồng diễn. Việc thực hiện rất có hiệu quả vào các giờ ra chơi giữa giờ với 100% học sinh tham gia, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho học sinh và qua đó gìn giữ được những nét văn hóa đặc sắc của người dân địa phương”.

Thật bất ngờ khi ghé thăm hệ thống thư viện của nhà trường. Mặc dù là địa bàn xa trung tâm, nhưng thầy và trò nhà trường rất quan tâm tới việc đọc sách. Với thuận lợi là một xã nằm trong vùng dự án do tổ chức Plan International tài trợ nên các trường đã được hỗ trợ xây dựng hai thư viện thân thiện rất khang trang với hơn 800 đầu sách phục vụ cho hoạt động đọc của giáo viên và học sinh.

Bên cạnh việc cho học sinh dễ dàng tiếp cận với nguồn sách đã được trang bị, nhà trường cũng chỉ đạo cán bộ thư viện và giáo viên chủ nhiệm các lớp tổ chức các tiết đọc sách cho học sinh với thời lượng là một tiết đọc/một tuần với mỗi lớp học; tổ chức ngày hội đọc sách thường niên hằng năm. Hoạt động này đã giúp học sinh cải thiện khả năng ngôn ngữ và tư duy.

Trao đổi với chúng tôi, ông Sùng Mí Sình, Bí thư Đảng ủy xã Lũng Pù cho biết: “Trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, đặc biệt là những tấm lòng thiện nguyện khắp mọi miền Tổ quốc, phong trào giáo dục trên địa bàn đã có những chuyển biến tích cực. Tỷ lệ huy động trẻ đến trường ngày càng tăng, chất lượng giáo dục đã dần được nâng lên”.

Mặc dù còn nhiều khó khăn như: giáo viên còn thiếu so với biên chế được giao; cơ sở vật chất, trường học còn thiếu thốn, chưa có nhà tạm trú cho giáo viên... nhưng, với quyết tâm và lòng yêu nghề, những thầy cô giáo thuộc liên trường Lũng Pù vẫn ngày đêm bám bản để mang ánh sáng tri thức cho các em học sinh nơi đây.