Bắc Giang nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh

Thực hiện Chỉ thị số 05 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang về đẩy mạnh dạy và học tiếng Anh trong các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020, đến nay Bắc Giang đã đạt nhiều kết quả tích cực. Ở cấp tiểu học, tỉnh triển khai Chương trình tiếng Anh 10 năm cho học sinh các lớp 3, 4, 5 đạt tỷ lệ 95,4%; triển khai Chương trình tiếng Anh làm quen cho học sinh lớp 1 đạt 11% và học sinh lớp 2 đạt 14%.

Giờ học tiếng Anh của học sinh Trường tiểu học Nam Hồng, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang. Ảnh: THU HUỜNG
Giờ học tiếng Anh của học sinh Trường tiểu học Nam Hồng, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang. Ảnh: THU HUỜNG

Ở cấp THCS, THPT, triển khai Chương trình tiếng Anh 10 năm ở khối THCS đạt 60,8% tổng số lớp và khối THPT đạt 16,3% tổng số lớp. Ngoài ra, tỉnh đã triển khai chương trình làm quen tiếng Anh theo hình thức xã hội hóa tại 45 trường mầm non có đủ điều kiện với tổng số 286 lớp và gần 7.600 trẻ từ bốn đến năm tuổi.

Thời gian tới, tỉnh Bắc Giang tiếp tục đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục, nhất là dạy và học tiếng Anh trong các trường phổ thông nhằm nâng cao trình độ, năng lực sử dụng ngoại ngữ của học sinh. Ngành giáo dục và đào tạo tỉnh đã chỉ đạo các trường tiếp tục đổi mới phương pháp dạy và học; phân loại đối tượng học sinh theo năng lực để tổ chức bồi dưỡng; chủ động xây dựng, phân phối chương trình phù hợp đối tượng học sinh, phát huy sự chủ động, tích cực và sáng tạo của các em trong và ngoài giờ học. Ðồng thời, các đơn vị cần quan tâm xây dựng trường học điển hình ngoại ngữ; xây dựng môi trường dạy học tiếng Anh tốt; tổ chức các hoạt động ngoại khóa tiếng Anh cho học sinh phổ thông theo năm học; phối hợp các tổ chức quốc tế tham gia mở rộng hoạt động tình nguyện trong lĩnh vực dạy và học tiếng Anh tại tỉnh... Phấn đấu đến năm học 2024-2025, toàn bộ giáo viên tiếng Anh các cấp đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ.

★ Hiện nay, tỉnh Nghệ An có bảy cơ quan báo chí được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép hoạt động báo chí. Trong đó, ba cơ quan báo chí thuộc diện được giữ nguyên, không phải sắp xếp gồm: Báo Nghệ An, Ðài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Tạp chí Sông Lam; bốn cơ quan báo chí thuộc diện phải sắp xếp, gồm: Báo Công an Nghệ An (cơ quan chủ quản là Công an tỉnh Nghệ An), Báo Lao động Nghệ An (cơ quan chủ quản là Liên đoàn Lao động tỉnh), Tạp chí Văn hóa (cơ quan chủ quản là Sở Văn hóa và Thể thao), Tạp chí Khoa học và Công nghệ (cơ quan chủ quản là Sở Khoa học và Công nghệ).

Theo đề án sắp xếp các cơ quan báo chí của tỉnh Nghệ An đến năm 2025, ba cơ quan báo chí thuộc diện giữ nguyên, không phải sắp xếp sẽ hoạt động theo quy định của Luật Báo chí và các quyết định có liên quan, gắn với việc tiếp nhận nhân sự từ các cơ quan báo chí thuộc diện phải sắp xếp khi có quyết định sáp nhập của cơ quan có thẩm quyền. Các cơ quan này xây dựng lộ trình tự chủ về tài chính theo chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và của tỉnh; nâng cao chất lượng nội dung và hình thức; mở rộng phạm vi phục vụ, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của nhân dân. Bốn cơ quan báo chí thuộc diện phải sắp xếp cũng được xác định rõ mô hình hoạt động trong đề án. Theo đó, Báo Công an Nghệ An trở thành ấn phẩm của Báo Công an nhân dân trong năm 2020. Tạp chí Khoa học và Công nghệ Nghệ An sẽ giải thể, đề nghị thu hồi giấy phép hoạt động báo chí trước ngày 30-6-2020; chuyển thành Ðặc san thuộc Sở Khoa học và Công nghệ, do đơn vị thuộc sở là Trung tâm Khoa học công nghệ và Tin học tiếp tục đảm nhiệm nhiệm vụ xuất bản. Giải thể Báo Lao động Nghệ An, đề nghị thu hồi giấy phép hoạt động báo chí, sáp nhập vào Báo Nghệ An để tiếp tục hoạt động. Giải thể Tạp chí Văn hóa Nghệ An, đề nghị thu hồi giấy phép hoạt động báo chí, sáp nhập vào Tạp chí Sông Lam.