“Ðánh vật” với chương trình, sách giáo khoa lớp 1 mới

Năm học 2020 - 2021, cả nước bắt đầu áp dụng chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông (GDPT) mới đối với học sinh lớp 1. Sau hơn một tháng triển khai, nhiều giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh bức xúc, lo lắng khi chương trình này đòi hỏi học sinh phải tiếp nhận khối lượng kiến thức quá lớn, nhất là môn Tiếng Việt.

Tiết học Tiếng Việt của cô và trò Trường tiểu học Lê Lai, quận Hải Châu (TP Ðà Nẵng).
Tiết học Tiếng Việt của cô và trò Trường tiểu học Lê Lai, quận Hải Châu (TP Ðà Nẵng).

Giáo viên và phụ huynh “kêu trời”

Chị Bùi Thanh Hương, có con đang học lớp 1 ở trường tiểu học trên địa bàn quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết: Cả ngày học trên lớp nhưng khi về nhà, hỏi từ nào con cũng không nhớ, tối nào hai mẹ con cũng phải “đánh vật” với các từ mới.

Nhà trường chọn bộ sách Cùng học để phát triển năng lực của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, mỗi buổi học môn Tiếng Việt, con phải học hai đến ba âm sau đó ghép vần, viết bảng, đọc cả đoạn văn rồi trả lời câu hỏi. Một buổi học quá nhiều từ mới khiến con không thể nhớ nổi, nếu không kèm thì con sẽ khó theo kịp chương trình. Cùng chung tâm trạng, chị Nguyễn Lan Anh có con học lớp 1 ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) nói: Nội dung chương trình mới dạy nhanh khiến những học sinh không đi học đọc, học viết trước khi vào lớp 1 rất khó khăn, thường xuyên bị nhầm lẫn giữa các âm. Chưa kể, ngày nào cô giáo cũng phê con chưa phân biệt được đường kẻ li, viết không đúng khoảng cách, chưa thẳng hàng khiến tôi và con rất áp lực.

Không chỉ cha mẹ học sinh thấy nặng nề, nhiều giáo viên có kinh nghiệm lâu năm dạy lớp 1 cũng đánh giá các bộ SGK Tiếng Việt của chương trình GDPT mới dạy nhanh, khối lượng các âm trong một bài nhiều. Tại Trường tiểu học Lê Lai (quận Hải Châu, Ðà Nẵng), cô giáo Phan Thị Hồng Trang, giáo viên chủ nhiệm lớp 1/2, phân tích: So với chương trình cũ thì môn Tiếng Việt của chương trình GDPT mới hiện nay nặng hơn nhiều, một tiết có thể học đến bốn âm, bốn vần, lại vừa tập viết, vừa phải nhận dạng chữ, viết bảng và đọc. Những bài âm khó, lại dạy ba đến bốn âm, việc phân phối chương trình vẫn chưa phù hợp. Vì thế, giáo viên phải tận dụng hết thời gian nghỉ để kèm thêm cho các học sinh chưa nắm được bài. Cô giáo Nguyễn Thị Việt Hoa, Chủ nhiệm lớp 1/3 Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (quận Liên Chiểu, Ðà Nẵng) cho biết: Hiện một tuần dạy 12 tiết Tiếng Việt, 8 tiết Toán, các em học sinh lớp 1 chỉ mới biết làm quen với việc đi học, chưa thể bắt kịp với số tiết tăng nhiều, yêu cầu nhiều. Nếu về nhà, cha mẹ không kèm thêm thì học sinh rất khó theo kịp bài học. Thầy giáo Nguyễn Văn Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi cho biết: Nhà trường có 11 lớp 1 với 475 học sinh, qua cuộc họp cha mẹ học sinh đầu năm, nhiều người cho rằng nội dung sách Tiếng Việt nặng. Ðể các em học sinh đầu cấp tiếp cận và hiểu bài, thì ngoài trách nhiệm của nhà trường, của giáo viên đứng lớp, nhà trường mong muốn có sự phối hợp, quan tâm của cha mẹ học sinh để cùng tương tác, hỗ trợ con học tập. Bên cạnh đó, chương trình GDPT mới yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) ngay từ lớp 1, trong khi hiện nay, các trang thiết bị máy móc được cấp trong danh mục thiết bị vẫn chưa được đầu tư, lắp ráp…

Cần lắng nghe để thay đổi phù hợp

Vụ trưởng Giáo dục tiểu học (Bộ GD và ÐT) Thái Văn Tài cho rằng: Trước khi ban hành chương trình các môn học, Bộ GD và ÐT đã tổ chức rất nhiều công đoạn với quy trình chặt chẽ, trong đó có thực nghiệm, lấy ý kiến góp ý rộng rãi. Vì vậy, đánh giá mức độ nặng, nhẹ vào thời điểm này là chưa phù hợp và chưa đủ căn cứ. Chương trình được thiết kế với chuẩn đầu ra cho mỗi năm học. Giáo viên có nhiệm vụ phân tích chương trình, SGK và thiết kế kế hoạch dạy môn học của mình để đạt mục tiêu chương trình đề ra. Kế hoạch được xây dựng phải dựa trên nhiều yếu tố, trong đó có điều kiện triển khai, đối tượng học sinh... Thí dụ, môn Tiếng Việt lớp 1 quy định trong một phút học sinh đọc được bao nhiêu từ, viết được bao nhiêu từ. Vì vậy, chương trình Tiếng Việt mới được thiết kế là 420 tiết/năm học, trong khi chương trình cũ là 350 tiết. Tuy nhiên, ở đây chỉ tăng thời lượng, chứ phần kiến thức đã có phần được tinh giản bớt (?) Ðối với lớp 1, chương trình có điều chỉnh dựa trên quan điểm là cố gắng giúp học sinh đọc thông, viết thạo sau khi học xong lớp 1 để từ đó có thể học tốt các môn khác. Trong quá trình triển khai, Bộ GD và ÐT sẽ lắng nghe phản biện về những việc phát sinh trong thực tế và khi có đầy đủ các đánh giá có căn cứ khoa học thì sẽ kịp thời điều chỉnh.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, vấn đề nằm ở chỗ kinh phí cho biên soạn chương trình được tính theo tiết học. Ngoài ra, khi các tác giả biên soạn SGK cũng được trả bản quyền, nhuận bút, thù lao tính theo số tiết học, kéo dài trong nhiều năm tái bản cho nên cần phải xem xét việc có vụ lợi trong việc kéo dài chương trình, đưa quá nhiều kiến thức, tiết học vào để tính kinh phí, gây nên tình trạng quá tải hay không? Ông Lê Tiến Thành, nguyên Vụ trưởng Giáo dục tiểu học (Bộ GD và ÐT), Chủ tịch Hội đồng giáo dục Thực nghiệm Victory (quận Hà Ðông, Hà Nội) cho biết: Trong phân phối chương trình, một bài dạy hai âm cho nên cường độ của học sinh tăng lên rõ rệt. Có một thực tế, người viết sách thì không dạy nhưng giáo viên là người trực tiếp đứng lớp thì mới cảm nhận được những điều này. Vì vậy, trong những tuần đầu, nhà trường hướng dẫn giáo viên dạy giãn ra, để khi học sinh quen tiến độ thì cuối học kỳ I mới tăng tốc. PGS, TS Trần Kiều, Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý - Giáo dục Việt Nam cho rằng: Chương trình và SGK có mối quan hệ chặt chẽ nhưng không đồng nhất với nhau. SGK là tài liệu cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình, từ một vài hiện tượng, ít nhất chưa phải là số đông lên tiếng, mà kết luận là chương trình nặng là hơi vội. Tuy nhiên, các ý kiến phản ánh của giáo viên và cha mẹ học sinh về SGK là thực tế cần được cơ quan quản lý, các tác giả tập hợp, phân loại, xem xét và tìm những biện pháp, cách thức để giải quyết.

Theo các chuyên gia giáo dục, phần lớn ý kiến về việc chương trình nặng đều tập trung ở môn Tiếng Việt. Học sinh chưa thuộc âm đã phải nhớ sang vần để ghép tiếng, ghép từ và đọc câu, nhiều học sinh còn nhầm giữa âm và vần cho nên không thể đọc được cả câu. Ngoài ra, nhiều học sinh chưa biết mặt chữ cái, chưa nhận biết con số tự nhiên, nên rất khó khăn trong việc tìm kiếm bài học, trang sách học. Vì vậy, Bộ GD và ÐT cần lắng nghe những ý kiến đóng góp từ giáo viên và cha mẹ học sinh để từ đó điều chỉnh chương trình cho phù hợp. Ðồng thời rút kinh nghiệm từ chương trình lớp 1 để xây dựng chương trình GDPT mới cho các bậc học khác. Một số ý kiến thẳng thắn cho rằng, việc môn Tiếng Việt đột ngột được tăng thêm 70 tiết/năm dựa vào căn cứ khoa học nào?