Tuyên Quang chú trọng quảng bá, phát triển du lịch

Sau hơn ba năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 16, nhiệm kỳ 2015-2020, tỉnh Tuyên Quang đã đón tổng cộng hơn 4,74 triệu lượt khách du lịch; doanh thu xã hội từ du lịch đạt hơn 4.123 tỷ đồng. Trong đó, năm 2018, tỉnh đón hơn 1,7 triệu lượt khách du lịch.
Du khách tham quan hồ thủy điện Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang). Ảnh: MỸ HÀ
Du khách tham quan hồ thủy điện Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang). Ảnh: MỸ HÀ

Năm 2019, tỉnh phấn đấu đón 1,86 triệu lượt khách du lịch và doanh thu xã hội từ du lịch đạt hơn 1.700 tỷ đồng (Nghị quyết đề ra đến năm 2020, đón 1,7 triệu lượt khách du lịch). Để đạt mục tiêu, tỉnh thực hiện nhiều giải pháp: Hoàn thiện hồ sơ và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Tân Trào đến năm 2030; đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch, thực hiện nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này; tăng cường liên kết vùng để phát triển du lịch; chú trọng bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích lịch sử - văn hóa, di tích lịch sử cách mạng và kháng chiến An toàn khu (ATK); đầu tư xây dựng các làng văn hóa gắn với phát triển du lịch cộng đồng như: Làng văn hóa thôn Giếng Tanh, xã Kim Phú, huyện Yên Sơn; làng văn hóa thôn Khau Tràng, xã Hồng Thái, huyện Na Hang... Tỉnh cũng ký biên bản thỏa thuận và ban hành quy chế hoạt động của cụm hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội và Châu Vân Sơn (Vân Nam - Trung Quốc), tỉnh Xiêng Khoảng (Lào)...

Tỉnh Tuyên Quang hiện có 280 cơ sở lưu trú du lịch, với gần ba nghìn phòng. Trong đó có một khách sạn đạt tiêu chuẩn năm sao, 37 khách sạn đạt tiêu chuẩn một đến hai sao. Tỉnh đang hoàn thiện hồ sơ đề xuất UNESCO công nhận “Hát Then của người Tày - Nùng - Thái ở Việt Nam” là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại; xây dựng hồ sơ Khu di sản thiên nhiên Na Hang (Tuyên Quang) - Ba Bể (Bắc Cạn) trình UNESCO đưa vào danh mục xây dựng hồ sơ di sản thế giới.

* Tỉnh Trà Vinh đang tích cực hỗ trợ hộ nghèo thuộc diện gia đình chính sách trên địa bàn tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản và tăng thu nhập để thoát nghèo, với tổng kinh phí thực hiện dự kiến hơn 1,3 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách T.Ư hơn 450 triệu đồng, ngân sách tỉnh 650 triệu đồng, số còn lại là ngân sách huyện và xã. Toàn tỉnh hiện có 96 hộ nghèo thuộc diện gia đình chính sách. Theo đó, 27 hộ chính sách có mức thu nhập bình quân dưới một triệu đồng/người/tháng được hỗ trợ thêm thu nhập hằng tháng một triệu đồng/hộ; 19 hộ có mức thu nhập bình quân từ 1 đến 1,5 triệu đồng/người/tháng được hỗ trợ 500 nghìn đồng/hộ/tháng. Đối với sáu hộ khó khăn về nhà ở, tỉnh hỗ trợ xây mới với mức 50 triệu đồng/hộ cho những hộ chưa được hỗ trợ nhà tình nghĩa và 25 triệu đồng/hộ đối với các hộ đã được hỗ trợ nhà tình nghĩa nhưng nhà đã xuống cấp. Đồng thời, hỗ trợ 17 hộ sửa chữa nhà ở với mức 25 triệu đồng/hộ. Ngoài ra, tỉnh cũng giúp các hộ xây dựng công trình phụ hợp vệ sinh với mức sáu triệu đồng/hộ và cho vay vốn ưu đãi để đầu tư sản xuất, phát triển chăn nuôi, trồng trọt… Trà Vinh phấn đấu đến cuối năm 2019, không còn hộ nghèo thuộc diện gia đình chính sách, người có công.