Tọa đàm trực tuyến “Quảng bá du lịch: Cần những bước đột phá”

NDO -

NDĐT – Với sự tham gia của các khách mời đại diện Tổng cục Du lịch, Hội đồng tư vấn du lịch quốc gia, Hiệp hội Lữ hành Việt Nam và một số doanh nghiệp du lịch tiêu biểu… Tọa đàm trực tuyến “Quảng bá du lịch: Cần những bước đột phá” đã được bắt đầu diễn ra vào đúng 9 giờ sáng nay, ngày 6-8.

Tọa đàm trực tuyến “Quảng bá du lịch: Cần những bước đột phá”

Hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch đã và đang trở thành một công cụ vô cùng hiệu quả để thu hút, thuyết phục du khách đến điểm du lịch, là yếu tố rất thiết yếu trong việc thúc đẩy phát triển du lịch. Chính vì vậy, quảng bá du lịch đang trở thành vấn đề nóng bỏng trong việc phát triển du lịch hiện nay. Việc đẩy mạnh hoạt động xúc tiến du lịch được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của du lịch Việt Nam.

Tuy nhiên, quảng bá, xúc tiến du lịch đang được coi là khâu yếu của Việt Nam, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành du lịch, cũng như chưa ngang tầm với các nước trong khu vực, do tính chuyên nghiệp chưa cao, kinh phí còn hạn hẹp.

Đây cũng là vấn đề được Chính phủ, cơ quan quản lý, các hiệp hội, địa phương phát triển du lịch, du khách và nhiều bạn đọc quan tâm. Để giải đáp các băn khoăn, thắc mắc của bạn đọc về vấn đề quảng bá du lịch, đồng thời góp một tiếng nói để thúc đẩy quảng bá du lịch Việt Nam, nhằm làm đòn bẩy phát triển du lịch, Báo Nhân Dân tổ chức Chương trình tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Quảng bá du lịch: Cần những bước đột phá”.

Các khách mời tham gia buổi tọa đàm trực tuyến gồm:

Ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch, Tổng cục Du lịch Việt Nam;

Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký Hội đồng tư vấn du lịch quốc gia TAB;

Ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoi Tourist;

Ông Phùng Xuân Khánh, Giám đốc Công ty du lịch Tiên Phong;

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Công ty du lịch Trans Viet.

Xin mời độc giả theo dõi nội dung buổi tọa đàm dưới đây:

Nhà báo Nguyễn Ngọc Thanh, Vụ trưởng, Trưởng Ban Nhân Dân điện tử, có bài phát biểu khai mạc.

Kính thưa đồng chí Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường, Tổng cục Du lịch Việt Nam

Đồng chí Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban Thư ký Hội đồng tư vấn du lịch quốc gia (TAB)

Đồng chí Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoi Tourist

Đồng chí Phùng Xuân Khánh, Giám đốc Công ty Lữ hành Tiên Phong

Đồng chí Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Công ty du lịch TransViet

Kính thưa các quý vị, và đồng nghiệp

Trước hết cho phép tôi được chân thành cảm ơn các quý vị đã có mặt tại buổi giao lưu ngày hôm nay.

Tọa đàm trực tuyến “Quảng bá du lịch: Cần những bước đột phá” ảnh 1

Kính thưa các quý vị,

Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của Chính phủ, du lịch Việt Nam có bước phát triển vượt bậc với tốc độ tăng trưởng cao. Khách quốc tế đến Việt Nam trong sáu tháng đầu năm 2019 đạt xấp xỉ 10 triệu lượt (tăng 7,9% so cùng kỳ năm 2018); tổng thu từ khách du lịch đạt 401.000 tỷ đồng (tăng 8,67% so cùng kỳ năm 2018). Dự kiến năm 2019, ngành du lịch sẽ đón, phục vụ khoảng 17,5 đến 18 triệu lượt khách quốc tế, 85 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch phấn đấu đạt 700.000 tỷ đồng. Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị cũng xác định rõ, du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Ðể du lịch Việt Nam có được mức tăng trưởng khá trong thời gian qua, có phần đóng góp quan trọng của công tác xúc tiến, quảng bá. Tuy nhiên, có thể thấy rõ trong những năm qua, công tác quảng bá chưa đạt được kết quả như mong đợi bởi nhiều lý do, như thiếu kinh phí, chưa có được sự phối hợp tốt với cá ngành, các địa phương, chưa liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau, chưa làm nổi bật được thương hiệu du lịch Việt Nam …

Nhằm tìm ra những giải pháp hữu hiệu góp phần thúc đẩy công tác quảng bá xúc tiến du lịch, để đưa hình ảnh Việt Nam đến với bạn bè thế giới và từ đó phát triển ngành kinh tế du lịch, Ban Nhân Dân điện tử phối hợp Tổng cục Du lịch thực hiện Chương trình tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Quảng bá du lịch: Cần những bước đột phá”.

Chúng tôi mời đến đây đại diện của cơ quan quản lý, của Hiệp hội Du lịch cũng như các doanh nghiệp để chúng ta cùng nhau thảo luận, chia sẻ cũng như góp tiếng nói, những ý kiến thẳng thắn, từ đó đưa ra được những giải pháp khả thi, nâng cao hiệu quả xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam trong tương lai.

Xin trân trọng cảm ơn các vị khách mời và đồng nghiệp.

Chúc buổi tọa đàm thành công tốt đẹp!

Tọa đàm trực tuyến “Quảng bá du lịch: Cần những bước đột phá” ảnh 2

Nhà báo Lại Thúy Hà: Câu hỏi đầu tiên xin được hỏi chung các vị khách mời: Theo các ông, bức tranh toàn cảnh của xúc tiến, quảng bá du lịch tại Việt Nam hiện nay là gì? So sánh với các nước trong khu vực và trên thế giới thì công tác quảng bá xúc tiến của chúng ta có những ưu điểm và hạn chế gì?

Tọa đàm trực tuyến “Quảng bá du lịch: Cần những bước đột phá” ảnh 3

Ông Đinh Ngọc Đức:

Tôi nghĩ, câu chuyện quảng bá xúc tiến du lịch của Việt Nam gói gọn trong hai từ: phấn khởi nhưng rất vất vả. Phấn khởi là vì, trong thời gian gần đây với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, bộ, ngành và sự vận động của các doanh nghiệp, khách du lịch quốc tế và nội địa tăng trưởng tốt, doanh thu cũng như đóng góp vào GDP của ngành du lịch tăng. Tôi nghĩ tất cả đất nước vào cuộc trong công cuộc này, bao gồm cả các lĩnh vực văn hóa, du lịch, con người… trong đó vai trò cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương, các địa phương và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, chúng ta còn vất vả vì hiện tại chúng ta tính chuyên nghiệp chưa cao, kinh nghiệm chưa nhiều, kinh phí còn thấp, con người còn yếu…

Tọa đàm trực tuyến “Quảng bá du lịch: Cần những bước đột phá” ảnh 4

Ông Hoàng Nhân Chính:

Tôi đã theo ngành du lịch hơn 30 năm nay nên cũng biết được những thăng trầm của ngành du lịch trong thời gian qua. Đúng là ngành du lịch khi phát triển cũng có thời gian thuận lợi, có lúc khó khăn. Tuy nhiên, rất may mắn, cho đến nay, các doanh nghiệp luôn luôn đồng hành với cơ quan quản lý nhà nước để phát triển thúc đẩy du lịch và trong đó có công tác quảng bá xúc tiến du lịch.

Thời gian qua, Hội đồng Tư vấn du lịch là cơ quan đưa ra ý kiến tư vấn cho Tổng cục Du lịch cũng như Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch về công tác phát triển du lịch cũng đưa ra một loạt vấn đề giải quyết, cách phát triển quảng bá xúc tiến du lịch. Rất may mắn, tiếng nói giữa các doanh nghiệp đã phù hợp với suy nghĩ và được sự đồng thuận từ phía cơ quan quản lý nhà nước nên chúng tôi đã bắt tay và làm việc được khá nhiều công việc.

Tôi cho rằng, một điểm chung trong thời gian vừa qua còn vất vả và nhiều việc còn chưa hài lòng. Tuy nhiên, chúng tôi nhìn thấy đã có những bước tiến so với những năm trước đây.

Thí dụ như, trước đây, chúng ta đi dự Hội chợ du lịch quốc tế ITB ở Berlin (Đức) hay WTM ở London (Anh), gian hàng Việt Nam gần như chưa nổi bật và chưa có tính chuyên nghiệp, nhưng 2-3 năm gần đây, gian hàng của chúng ta gây ấn tượng tốt. Thực tế, Ban tổ chức hội chợ ITB ở Berlin cũng đã xin gặp làm việc với lãnh đạo Tổng cục Du lịch để bàn việc đưa ra những hình ảnh tốt đẹp hơn trong thời gian tới. Rõ ràng, đây là bước chuyển mình. Tôi cho rằng, nếu chúng ta tiếp tục hướng này thì công tác quảng bá xúc tiến du lịch sẽ có hiệu quả hơn. Tất nhiên, sẽ còn còn nhiều việc còn phải làm nữa.

Tọa đàm trực tuyến “Quảng bá du lịch: Cần những bước đột phá” ảnh 5

Ông Phùng Quang Thắng:

Tôi cho rằng công tác xúc tiến quảng bá điểm đến là tuyến đầu để thu hút khách du lịch đến với địa phương. Trong mỗi thời kỳ, công tác xúc tiến du lịch có sự phát triển thăng trầm khác nhau, quy mô khác nhau, nhưng chúng tôi nghĩ là chúng ta đã có sự phát triển tương đối nhanh trong những năm gần đây.

Đánh giá tổng thể, Công tác xúc tiến quảng bá du lịch của Việt Nam chưa được triển khai thực hiện trong chiến lược dài hạn. Qua nhiều năm phát triển, thì hình ảnh, nhận diện của du lịch Việt Nam chưa được rõ ràng. Thí dụ, khi nói đến Bali thì người ta hình dung ra Indonesia…Việc nói đến du lịch là để khách hình dung ra một hình ảnh cụ thể. Riêng điều này, chúng ta chưa làm rõ ràng được.

Thứ hai, công tác của chúng ta chưa đồng bộ từ chiều dọc từ cơ quan quản lý nhà nước về du lịch với địa phương, chiều ngang là giữa ngành du lịch với các ngành khác để có sức mạnh tổng thể. Cái này chúng ta chưa làm được.

Thứ ba, việc triển khai xúc tiến quảng bá song song giữa sản phẩm du lịch và chương trình xúc tiến quảng của mình để thu hút khách du lịch còn yếu.

Tóm lại, đánh giá bức tranh xúc tiến du lịch Việt Nam, là có những điểm cần lưu tâm nhiều điểm để làm thế nào tăng cường nhiều khách hơn nữa đến Việt Nam.

Tọa đàm trực tuyến “Quảng bá du lịch: Cần những bước đột phá” ảnh 6

Ông Nguyễn Tiến Đạt:

Với công tác xúc tiến quảng bá hình ảnh của Việt Nam ra thế giới, chúng tôi rất thông cảm vì ngân sách của chúng ta còn quá ít, tầm hai triệu USD, so với các bạn trong khu vực có hơn 100 triệu USD. Chúng ta chỉ bằng 1/50 so với các bạn. Như vậy,” cái khó bó cái khôn”. Mà chi tiêu lại phân tán, chưa tập trung. Sắp tới, chúng ta có thể ra đời Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch sẽ được Nhà nước dành cho ngân sách khá lớn, tầm 300 tỷ đồng và huy động các nguồn lực khác. Tôi băn khoăn rằng, có tiền rồi thì chúng ta có thể tiêu tiền hiệu quả không. Cơ quan nhà nước cần có chiến lược tổng thể, bài bản, sẽ phải đóng vai trò nhạc trưởng. Chúng ta cũng cần gắn du lịch với văn hoá.

Cần có sự phân bổ ngân sách phù hợp. Không thể mãi sử dụng các cách làm như cũ, cần sử dụng những kênh quảng cáo hiện đại như Google, Facebook, nhân vật nổi tiếng, cần chuyên biệt hóa cho từng thị trường.

Tôi nhấn mạnh vai trò của nhạc trưởng ở đây là Tổng cục Du lịch, từ đó có thể huy động các đơn vị chung sức.

Tọa đàm trực tuyến “Quảng bá du lịch: Cần những bước đột phá” ảnh 7

MC: Quỹ Hỗ trợ du lịch được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định thành lập, phê duyệt điều lệ tổ chức và hoạt động từ cuối năm 2018, nhưng đến nay, Quỹ vẫn chưa thành lập được bộ máy, chưa đi vào hoạt động. Vậy việc thành lập Quỹ đã triển khai đến đâu? Vướng mắc ở khâu nào? Và liệu bao giờ mới đi vào hoạt động được, thưa ông Đinh Ngọc Đức?

Tọa đàm trực tuyến “Quảng bá du lịch: Cần những bước đột phá” ảnh 8

Ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch, Tổng cục Du lịch Việt Nam:

Cách đây 14 năm, chủ trương hình thành Quỹ phát triển du lịch đã có. Tuy nhiên, với nhiều điều còn vướng mắc và hạn chế về cơ chế, nguồn lực tài chính cũng như con người… nên chúng ta vẫn chưa thành lập được. Được sự quan tâm của Đảng, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ rất quyết liệt, nên đã phê dyệt một đề án rất chi tiết để hình thành một quỹ. Trong đó, quy định rõ ngân sách cho Quỹ khoảng 300 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong số tiền 300 tỷ đồng này, Nhà nước bỏ vốn mồi mỗi năm 300 tỷ đồng. Và sau ba năm, Quỹ sẽ có nguồn tiền khoảng 300 tỷ đồng. Sauk hi thành lập, Quỹ có các nguồn thu khác nhau như: nguồn thu từ visa (10% từ tổng thu visa); 5% nguồn thu từ các điểm đến và đặc biệt là khuyến khích việc xã hội hóa. Chúng ta được cấp 300 tỷ đồng không có nghĩa là chúng ta được tiêu thoải mái, mà chúng ta phải bảo toàn 300 tỷ đồng Nhà nước cấp. Tuy nhiên, đó cũng là tiền đề tốt trong khi chúng ta còn thiếu nguồn lực. Tuy nhiên, Quỹ này cũng là mô hình mà chúng ta chưa thực hiện bao giờ, nên việc thực hiện gặp nhiều khó khăn đặc biệt là về mặt con người, bộ máy và cơ chế. Chủ trương ban hành rồi, chúng tôi được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao cho Tổng cục Du lịch. Và chúng tôi đang rất là tích cực cho việc hình thành bộ máy và con người… để vận hành Quỹ sớm nhất.

Hy vọng, chúng ta sẽ sớm đưa Quỹ đi vào hoạt động để thực hiện công việc xúc tiến, quảng bá cho ngành du lịch. Nhưng điều quan trọng nhất tôi muốn nhắc lại là nguồn lực Quỹ ban đầu cũng chỉ là vốn mồi của Nhà nước, để Quỹ hoạt động bền vững và phát triển thì vai trò người “nhạc trưởng” là cơ quan quản lý nhà nước, ở đây là Tổng cục Du lịch rất quan trọng.

Ngoài ra, huy động nguồn lực xã hội hết sức quan trọng, vận dụng tốt điều này thì nguồn lực sẽ tăng và sử dụng nguồn lực đó một cách hiệu quả, minh bạch thì chắc chắn là Quỹ sẽ phát triển tốt.

Tọa đàm trực tuyến “Quảng bá du lịch: Cần những bước đột phá” ảnh 9

Cầu Vàng tại khu nghỉ dưỡng Bà Nà, Đà Nẵng, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của du khách quốc tế.

Tọa đàm trực tuyến “Quảng bá du lịch: Cần những bước đột phá” ảnh 10

Ông Phùng Xuân Khánh, Giám đốc Công ty du lịch Tiên Phong:

Theo tôi, dù không có Quỹ thì chúng ta vẫn phải làm. Như chúng ta thấy rằng, ba năm trở lại đây, Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, ban, ngành rất quan tâm đến việc quảng bá, xúc tiến du lịch. Chúng ta coi du lịch là một trong những ngành cần phải phát triển và đẩy mạnh hơn nữa trong thời kỳ hiện nay. Bên cạnh đó, thời điểm gần đây, đã xuất hiện rất nhiều doanh nghiệp trước đây làm các lĩnh vực kinh tế khác, giờ họ đang đầu tư sang lĩnh vực du lịch rất lớn. Đó là một trong những lợi thế tốt trong thời gian này.

Tuy nhiên, nếu chúng ta căn cứ đợi vào một nguồn ngân sách của Nhà nước cấp như thế để làm thì không thể thành công được. Thành công của ngày hôm nay, đương nhiên Tổng cục Du lịch đã làm rất tốt. Từ 7,5 triệu khách du lịch, năm 2019 đã tăng gần gấp đôi. Như đồng chí Nguyễn Ngọc Thanh đã nói sơ lược, sáu tháng đầu năm có xấp xỉ 10 triệu khách du lịch. Như vậy, công tác xúc tiến của chúng ta xoay quanh một số vấn đề.

Một là, sản phẩm chúng ta xúc tiến đã được lựa chọn đúng.

Hai là, lựa chọn thị trường xúc tiến tốt. Bởi vì thị trường rất quan trọng, nếu có sản phẩm hay mà xúc tiến vào thị trường không đúng, thì xúc tiến mãi cũng không có khách vào Việt Nam.

Ba là, con người đi xúc tiến cũng rất quan trọng. Nếu làm không tốt ,thì sản phẩm hay đến đâu cũng không thu hút khách.

Cuối cùng, kinh phí cũng là vấn đề quan trọng. Chúng ta có ngân sách dồi dào hơn thì sẽ làm bài bản và quy củ hơn nữa và ngược lại. Nếu có ngân sách 300 tỷ đồng do Chính phủ cấp, đó là nguồn để chúng ta tăng cường thêm khả năng xúc tiến của chúng ta.

Tọa đàm trực tuyến “Quảng bá du lịch: Cần những bước đột phá” ảnh 11

MC: Quảng bá, xúc tiến du lịch sẽ là một trong những nội dung chính của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, các khách mời kỳ vọng sẽ thu được kết quả như thế nào với sự hoạt động của Quỹ này?

Ông Phùng Xuân Khánh, Giám đốc Công ty du lịch Tiên Phong: Theo tôi, dù không có quỹ thì chúng ta vẫn phải làm. Như chúng ta thấy rằng, ba năm trở lại đây, Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, ban, ngành rất quan tâm đến việc quảng bá, xúc tiến du lịch. Chúng ta coi du lịch là một trong những ngành cần phải phát triển và đẩy mạnh hơn nữa trong thời kỳ hiện nay. Bên cạnh đó, thời điểm gần đây, đã xuất hiện rất nhiều doanh nghiệp mà trước đây làm các lĩnh vực kinh tế khác, mà họ đang đầu tư sang mảng du lịch rất lớn. Đó là một trong những lợi thế tốt trong thời gian này.

Tuy nhiên, nếu chúng ta căn cứ, đợi vào một ngân sách mà của Nhà nước cấp như thế để chúng ta làm thì không thể thành công được. Thành công của ngày hôm nay đương nhiên Tổng cục Du lịch đã làm rất tốt. Chỉ sau sáu tháng đầu năm có xấp xỉ 10 triệu khách. Như vậy, công tác xúc tiến của chúng ta xoay quanh một số vấn đề: Một là, sản phẩm chúng ta xúc tiến đã được lựa chọn đúng. Hai là, lựa chọn thị trường xúc tiến tốt, bởi thị trường rất quan trọng.

Nếu có sản phẩm hay mà xúc tiến vào thị trường không đúng, thì xúc tiến mãi cũng không có khách vào Việt Nam. Thứ ba, con người đi xúc tiến cũng rất quan trọng, nếu làm không tốt thì sản phẩm hay đến đâu cũng không thu hút khách. Cuối cùng, kinh phí cũng là vấn đề quan trọng, chúng ta có ngân sách dồi dào hơn thì chúng ta sẽ làm bài bản và quy củ hơn nữa và ngược lại. Nếu có ngân sách 300 tỷ đồng mà Chính phủ cấp thì đó là nguồn để chúng ta tăng cường thêm khả năng xúc tiến của chúng ta.

Tọa đàm trực tuyến “Quảng bá du lịch: Cần những bước đột phá” ảnh 12

Nhà báo Lại Thúy Hà: Được biết, Hội đồng Tư vấn Du lịch quốc gia có thành lập một câu lạc bộ nhằm đóng góp cho công tác quảng bá xúc tiến, với mục tiêu đề ra là đến năm 2020 sẽ đạt được khoảng 70 tỷ đồng cho cho quảng bá, xúc tiến. Vậy câu lạc bộ này hiện nay đã thành lập chưa và tương lai sẽ hoạt động như thế nào?

Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch quốc gia:

Vì sao chúng ta phải tập trung cho công tác xúc tiến quảng bá? Cách đây không lâu, Hội đồng Tư vấn Du lịch quốc gia có làm việc và tư vấn đưa ra cho Thủ tướng Chính phủ là: hiện nay có ba điểm nghẽn cần tháo gỡ để du lịch phát triển. Đầu tiên là visa, đó là điểm đầu tiên thu hút khách quốc tế đến với Việt Nam.

Về công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, có thể thấy kinh phí của chúng ta hạn hẹp quá. Thông thường, các nước khác chi ra cỡ 60 đến 100 triệu USD hằng năm cho công tác xúc tiến quảng bá, trong khi thực tế chúng ta chỉ chi khoảng hai triệu USD/năm. Vậy chúng ta cần một Quỹ hỗ trợ cỡ khoảng bao nhiêu thì đủ?

Nhiều chuyên gia cho thấy, để thu hút được thêm du khách quốc tế thu lợi cỡ khoảng 1.000-5.000 USD mỗi khách, thì phải bỏ ra ít nhất là 1 USD. Vậy để thu hút khoảng 20 triệu khách quốc tế năm 2020, chúng ta phải có tối thiểu 20 triệu USD chỉ tập trung cho công tác quảng bá, xúc tiến.

Một điều quan trọng nữa là cơ quan quản lý cũng phải có thay đổi, không phải tập trung vào số lượng khách du lịch nữa mà phải là chất lượng du khách.

Thứ hai là, Quỹ có bao nhiêu tiền và thực hiện như thế nào. Thông thường, ở các nước khác, họ có bộ máy quản lý để sử dụng Quỹ hỗ trợ sao cho chuyên nghiệp và hiệu quả nhất. Trong khi ở Việt Nam, chúng ta có cơ quan quản lý ở cả cấp trung ương và địa phương cho nên hơi tản mạn. Vì thế cần phải có chiến lược về quảng bá và marketing. Và yếu tố con người cũng là một vấn đề.

Hội đồng Tư vấn Du lịch hiện nay đã thu hút được chín nhà tài trợ, mỗi nhà tài trợ đóng góp năm tỷ đồng, trong thời hạn ba năm. Cho đến nay, chúng tôi có 45 tỷ đồng. Chúng tôi mong muốn thu hút thêm các nhà tài trợ để tăng sự đóng góp cho quỹ này. Chúng ta có những nhà tài trợ lớn như Vin Group, Sun Group, Saigon Tourist, Hanoi Tourist, Vietnam Airlines… Đây là những doanh nghiệp tiên phong, đi đầu để giúp cho ngành du lịch. Chúng ta luôn kêu gọi phải làm việc nọ việc kia, nhưng không có kinh phí thì không thực hiện được.

Để các doanh nghiệp tin tưởng và đóng góp tiền không dễ, chúng tôi phải có ba tôn chỉ: tính minh bạch, tính chuyên nghiệp và tính hiệu quả đều phải rất cao.

Về tính minh bạch, chúng tôi không hoàn toàn thu tiền ngay từ đầu của các nhà tài trợ. Các nhà tài trợ chỉ nộp 1/3 số tiền trong năm đầu tiên. Và nếu thấy không hiệu quả có thể dừng lại, không tiếp tục nộp nữa. Chúng tôi minh bạch toàn bộ chi tiêu, và công bố cho các nhà tài trợ biết, đồng thời có mời kiểm toán vào làm việc.

Về tính chuyên nghiêp, thực tế nếu chưa có chiến lược thì không làm được. Trước khi kêu gọi đóng góp quỹ, chúng tôi cũng có chiến lược marketing, tất cả các nhà tài trợ phải biết trước được kế hoạch của chúng tôi đến năm 2020 làm gì. Chúng tôi có một nhóm chuyên làm công việc này, thậm chí thuê công ty chuyên nghiệp. Và tính hiệu quả cũng vậy.

Chúng tôi mong muốn có sự chung tay để hỗ trợ ngành du lịch. Có rất nhiều bài học, trong quá trình hoạt động thực tế, cần chia sẻ lại. Chúng tôi có mời hai đơn vị quốc tế nhằm tư vấn nên thực hiện thế nào để làm việc cho hiệu quả.

Nhà báo Lại Thúy Hà: Chúng ta có thể trao đổi thêm về chiến lược e-marketing của Việt Nam?

Ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch, Tổng cục Du lịch Việt Nam:

Thứ nhất, chúng ta đã có Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2010-2020 và đang chuẩn bị chiến lược cho thời gian tới.

Thứ hai, chúng tôi đã có chiến lược được phê duyệt chính thức. Về Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam, hiện nay, chúng ta đang định hướng tập trung bốn dòng sản phẩm: du lịch biển, du lịch văn hoá, du lịch sinh thái, du lịch đô thị.

Hiện nay, chính những sản phẩm ấy đã định hình khu vực để phát triển. Chúng tôi cũng hiểu, nguồn lực cho phát triển cũng như xúc tiến quảng bá của chúng ta rất hạn hẹp. Do dó, theo tôi, nên tập trung phát triển một số điểm. Thí dụ ở miền bắc: Hà Nội, Hạ Long, Ninh Bình, Hà Giang; miền trung: Đà Nẵng, Quảng Nam, Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Bình, Khánh Hoà; miền nam: Phú Quốc, TP Hồ Chí Minh. Chúng ta tập trung những điểm đến đó, sau khi những điểm này phát triển thì lan toả ra. Trên cơ sở chiến lược phát triển sản phẩm, chúng tôi đã có chiến lược marketing. Chúng ta hình thành rất rõ ràng các mảng thị trường hướng tới… Ngay cả mỗi khu vực, mỗi thị trường có hướng tới đối tượng khách hàng, chúng ta cũng đã có rồi. Trên cơ sở đó, chúng tôi cũng đã có chiến lược thương hiệu, đặc biệt nhấn mạnh trong giai đoạn này…

Như anh Phùng Quang Thắng nói, thực ra họ đi trước, họ có những điểm nhấn mạnh, nhưng chúng ta không phải không có điểm nhấn. Như Hạ Long hiện nay là thương hiệu rất nổi tiếng ở rất nhiều thị trường. Rồi Hội An, Khánh Hoà cũng nổi tiếng ở một số thị trường, đấy là những điểm nhấn. Chúng ta không có tiền phát triển một lúc ngay tất cả các điểm đến, nhưng rõ ràng có những cụm, có những điểm nhấn và chúng ta có cơ sở để du lịch Việt Nam phát triển thương hiệu và các chiến dịch xúc tiến quảng bá e-marketing là một nhánh trong marketing nói chung.

Nhà báo Lại Thúy Hà: Vậy theo các ông, chúng ta nên làm như thế nào để phối hợp trong công tác quảng bá, xúc tiến tốt hơn?

Ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoi Tourist:

Vấn đề chúng ta tập trung nhiều nhất từ đầu đến giờ là nguồn kinh phí. Tuy nhiên, song song với nó thì cần có mô hình tổ chức công tác xúc tiến. Tiếp theo đó là cách chúng ta làm và cộng với kinh phí. Điều này, chúng ta có tầm chiến lược làm ngắn hạn và dài hạn. Và để triển khai nội dung này, tôi xin chia sẻ kinh nghiệm của các nước như sau. Xúc tiến quảng bá du lịch cho một đất nước, một địa phương là tuyến đầu để thu hút khách du lịch. Các nước rất quan tâm công tác tổ chức xúc tiến này.

Tôi lấy thí dụ, Thái-lan phát triển du lịch rất lâu rồi và thông qua rất nhiều lần cải tiến công tác này. Năm 1979, Thái-lan quyết định thành lập Hội đồng Xúc tiến du lịch, chuyên tâm công tác xúc tiến, quảng bá du lịch đất nước, có hẳn cơ quan làm việc đó và họ có kinh phí hoạt động.

Singapore là đất nước nhỏ bé, tài nguyên cũng không hề nhiều hơn chúng ta. Từ năm 1964, Singapore đã quyết tâm phát triển du lịch và họ thành lập Hội đồng xúc tiến du lịch. Đến bây giờ, đất nước có vài triệu dân, nhưng họ đón 18,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Malaysia phát triển sau một số nước vừa nêu, nhưng đến năm 1952, Malaysia thành lập Hội đồng xúc tiến du lịch của nước này. Lượng khách đến nước này rất đông...

Câu chuyện ở đây thứ nhất là mô hình tổ chức, cần có cơ quan xúc tiến du lịch quốc gia, trên cơ sở đó để tập hợp cơ sở nguồn lực. Thứ hai là cách làm, mọi người hay đặt vấn đề liên quan kinh phí. Nhưng ở đây, trong thực tế, với mỗi hoàn cảnh của đất nước, địa phương, chúng ta phải tìm giải pháp phù hợp hoàn cảnh. Đất nước láng giềng của chúng ta là Campuchia, kinh phí làm xúc tiến du lịch không nhiều. Nhưng qua các hội chợ du lịch quốc tế, có thể thấy gian hàng của Campuchia không lớn, nhỏ thôi, nhưng đường nét và chuyên nghiệp, họ luôn mang theo hình ảnh là đền Angkor để giới thiệu với thế giới. Từ chuyện thu hút đến đền Angkor, khách du lịch đến với khắp đất nước Campuchia.

Có lẽ rằng, vấn đề thu hút nguồn lực, tôi có đề cập đến phương án, một là chiểu theo chiều dọc từ các cơ quan trung ương của nhà nước về du lịch, làm đầu tàu cho các cơ sở, cơ quan quản lý du lịch địa phương, hai là cơ quan quản lý nhà nước phụ trách công tác xúc tiến làm thế nào để phối hợp các ngành khác. Chúng ta hình dung tập trung nguồn lực như thế này, quảng bá cho một điểm du lịch thì công tác phối hợp các cơ quan liên quan thì liên quan đến xúc tiến điểm đến (của một địa phương, đất nước). Song song với nó là các điểm đến du lịch, đó là thu hút nguồn lực theo chiều ngang. Nếu xúc tiến tốt điểm đến thì chúng ta sẽ làm tốt xúc tiến du lịch.

Tọa đàm trực tuyến “Quảng bá du lịch: Cần những bước đột phá” ảnh 13

Nhà báo Lại Thúy Hà: Vậy thưa ông Hoàng Nhân Chính, theo ông thì chúng ta có cần thiết phải thành lập một cơ quan xúc tiến du lịch quốc gia không?

Tọa đàm trực tuyến “Quảng bá du lịch: Cần những bước đột phá” ảnh 14

Ông Hoàng Nhân Chính: Chúng tôi rất tán thành để thành lập một cơ quan quản lý về xúc tiến du lịch quốc gia. Như chúng tôi đã nhiều lần đề cập tại các diễn đàn về du lịch gần đây. Khi các ý kiến được nêu ra dưới góc độ các doanh nghiệp mong muốn, chúng ta đều thấy rằng hiện nay Tổng cục Du lịch đang phải đóng hai vai trò cùng lúc. Và với hai vai trò này thì rất khó để cùng lúc thực hiện hoàn thành tốt cả hai nhiệm vụ là cơ quan quản lý về du lịch, vừa đồng thời là cơ quan xúc tiến du lịch quốc gia.

Khi thực hiện cùng lúc hai nhiệm vụ như vậy thì có vẻ chồng chéo, và bị hạn chế về con người, đồng thời như ý kiến một số diễn giả lúc đầu cũng có nói là vai trò nhạc trưởng chưa được đậm nét.

Làm sao để vai trò nhạc trưởng này phải được thể hiện một cách rõ rệt, thậm chí là tôi còn mong muốn là nếu được thì tại sao chúng ta không thành lập “Bộ Du lịch” như các nước khác, để cơ quan này thực sự có vai trò lớn và tập hợp được sự hỗ trợ của các bộ, ban, ngành khác. Bởi vì du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, phụ thuộc vào rất nhiều cơ quan khác nhau.

Tuy nhiên, đối với cơ quan quảng bá và xúc tiến du lịch thì chúng tôi cũng mong muốn là cách “thành lập” hơi khác một chút so với đề xuất mà hiện nay có một số cơ quan đã đưa ra. Đó là thành lập “Cục xúc tiến du lịch quốc gia”.

Chúng tôi cho rằng, nếu thành lập Cục này thì chúng ta mới chỉ đi được một nửa con đường thôi. Bởi vì, Cục xúc tiến du lịch quốc gia nếu thành lập cũng chỉ là thay mặt cơ quan quản lý nhà nước để quản lý các quỹ của Nhà nước, nhưng có thể vẫn chưa mang được “hơi thở” của các doanh nghiệp.

Vì vậy, nên chăng là chúng ta thành lập một Hội đồng Xúc tiến du lịch quốc gia, với thành phần là cả cơ quan quản lý nhà nước và có cả đại diện của các hiệp hội, các doanh nghiệp tham gia để cùng có ý kiến, thậm chí là cùng đóng góp và quỹ xúc tiến du lịch.

Tọa đàm trực tuyến “Quảng bá du lịch: Cần những bước đột phá” ảnh 15

Trong những năm gần đây, Việt Nam có nhiều khu nghĩ dưỡng đẳng cấp quốc tế đáp ứng nhu cầu của du khách.

MC: Bạn đọc Lê Ngọc Mai, TP Hồ Chí Minh gửi câu hỏi đến chương trình: Tôi có một số bạn bè người nước ngoài, họ thường tranh thủ các kỳ nghỉ trong năm để khám phá nhiều nơi trên thế giới, và châu Á luôn là lựa chọn của họ. Tuy nhiên, một số người còn ngần ngại khi cho rằng, việc xin visa vào Việt Nam không nhanh và dễ như Thái-lan, Philippines, Singapore… Vậy, theo công tác visa của chúng ta đã thực sự tạo thuận lợi cho du khách chưa? Chúng ta còn vướng mắc ở những khâu nào?

Ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch, Tổng cục Du lịch Việt Nam:

Quan điểm của những người làm du lịch là tạo điều kiện thuận lợi cho khách. Mặc dù thủ tục thị thực cũng đã được cải tiến rất nhanh, nhưng miễn thị thực là một chính sách chúng tôi hướng tới để tạo điều kiện cho khách du lịch. Hiện tại, chúng ta đã miễn thị thực cho 24 nước và sẽ được mở rộng.

Bên cạnh việc miễn thị thực, chúng ta còn có dịch vụ e-visa để khách du lịch có thể chủ động xin thị thực nhập cảnh được nhanh chóng.

Chính sách lấy thị thực tại cửa khẩu của chúng ta bản chất khác với chế độ thị thực tại cửa khẩu của các nước khác. Khách phải gửi hồ sơ trước rồi mới được lấy thị thực tại cửa khẩu, còn ở các nước khác khách có thể làm trực tiếp visa tại cửa khẩu. Vấn đề này, chúng tôi cũng đang tiếp tục cùng các Bộ, ngành tháo gỡ, và đây là vấn đề cũng được Chính phủ rất quan tâm.

Nhà báo Lại Thúy Hà: Sắp tới, ngành Du lịch có kế hoạch phối hợp như thế nào với các ngành liên quan để tạo điều kiện cho việc cấp visa thông thoáng hơn. Các vị khách có đề xuất gì với Chính phủ về chính sách visa để tạo thuận lợi cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam? Trước hết để giải quyết điểm nghẽn về visa như thế nào, xin mời ý kiến của ông Hoàng Nhân Chính?

Ông Phùng Xuân Khánh: Các doanh nghiệp du lịch cũng như các công ty kinh doanh lữ hành du lịch vào Việt Nam đã có nhiều đề xuất với Tổng cục Du lịch, cơ quan quản lý du lịch và Chính phủ là việc miễn visa, đương nhiên phải xem xét đến.

Chúng ta thấy rằng, một số nước như Singapore và Thái Lan hay một số nước trong khu vực đã miễn visa cho nhiều nước trên thế giới. Những nước được miễn thị thực vào Việt Nam là những nước mà các doanh nghiệp Việt Nam cũng đi xúc tiến đầu tư, có kết nối du lịch như khối thị trường châu Âu... Hiện chúng ta miễn visa cho 24 nước nhưng thực tế, số các nước phát triển còn rất ít, đặc biệt khối thị trường châu Âu. Trong khi đó, lượng khách từ các nước phát triển đến Việt Nam ngày càng nhiều.

Chúng tôi đề xuất miễn giảm visa cho du khách đến từ các nước này. Nếu chúng ta chưa miễn giảm được thì chúng ta cần phải có thủ tục thông thoáng hơn. Hiện nay cũng có hình thức visa cửa khẩu, nhưng bản chất mới là khách đến cửa khẩu để lấy visa, chứ không phải đến cửa khẩu để làm visa.

Ông Nguyễn Tiến Đạt: Trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế tư nhân tổ chức tháng 5 vừa qua, tôi chứng kiến một “cuộc đấu” giữa ngành Du lịch và Công an xuất nhập cảnh. Ngành Du lịch thì cho rằng, visa là một điểm nghẽn thu hút khách du lịch vào Việt Nam. Bên Xuất nhập cảnh thì rất cương quyết và cho rằng có rất nhiều cách khác để thu hút khách du lịch.

Đối với du lịch thì đề xuất cái này là dễ nhất để thu hút khách du lịch. Bên Xuất nhập cảnh thì cho rằng không nhất thiết miễn visa thì mới thu hút được khách, lại còn mất tiền phí visa.

Theo tôi visa như tiền vé vào chợ, bây giờ chúng ta lại cứ muốn thu tiền vé vào chợ, nhưng lại không để ý thu hút khách vào chợ để bán được nhiều thứ.

Du lịch có tính chất lan toả, khi có khách thì sẽ kéo khách đi mua sắm, sử dụng nhiều dịch vụ. Các nước trong khu vực họ đã đi trước rồi.

Đối thủ của chúng ta là Indonesia thì cách đây khoảng ba, bốn năm thì họ có lượng khách tương tự Việt Nam là 10 triệu khách quốc tế và họ đã coi tháo gỡ visa là một cách chủ đạo để thu hút khách du lịch.

Lập tức trong ba năm họ đã miễn hơn 170 nước và kết quả là du lịch tăng trưởng 60%, 70% /năm.

Nếu vẫn tư duy cũ, là thu tiền vào chợ thì người bán hàng trong chợ, chính là các công ty du lịch và các ngành nghề khác sẽ vắng khách… Chúng ta sẽ không thực hiện được mục tiêu du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn có tính chất lan toả và làm động lực cho các ngành khác, như trong Chỉ thị 08 của Bộ Chính trị về phát triển ngành Du lịch.

Ông Phùng Quang Thắng: Công tác visa càng ngày càng có chiều hướng thuận lợi cho khách, thậm chí chúng ta đã miễn visa du lịch cho công dân 24 nước.

Thứ nhất, bắt nguồn từ động cơ đi du lịch của khách, chúng ta thấy khi khách có điều kiện về thời gian, cũng như kinh phí để có chuyến đi du lịch người ta sẽ chọn vài điểm đến cân nhắc. Người ta sẽ cân nhắc đến nhiều tiêu chí như: có thuận lợi ra vào đất nước đó không, có an toàn không, sản phẩm dịch vụ du lịch ra sao… Tuy nhiên, điểm đầu tiên người ta cân nhắc chính là việc có dễ dàng vào du lịch không. Việc miễn visa cho nhiều nước càng tạo điều kiện cho du lịch phát triển làm lượng khách điểm đến đông hơn.

Với những quốc tịch chưa có điều kiện miễn visa, khách du lịch sẵn sàng làm thủ tục, chi trả chi phí nhưng phải làm thế nào nhanh nhất. Chúng ta đã cải tiến, làm visa điện tử nhưng có nhiều cái khách đang cân nhắc, như việc visa lấy tại cửa khẩu chẳng hạn.

Việc lấy visa tại cửa khẩu của Việt Nam nhìn thì thuận lợi nhưng thực tế, tính chắc chắn của khách ngước ngoài khi đến một điểm đến họ đặt ra rất cao. Khi đến điểm đến, họ đi bằng nhiều hãng hàng không khác nhau thì thông tin đó không rõ ràng, làm không chắc chắn cho khách. Nếu khách bay thẳng đến Việt Nam thì họ có thể lấy visa ở cửa khẩu, nhưng nếu họ phải đi một số nước khác hoặc đi nối chuyến thì người ta sẽ cân nhắc điều đó. Rất nhiều Hãng hàng không khi khách xuất trình visa mới được cho lên máy bay. Đó là một trong những thực tế xảy ra ở nhiều chuyến bay.

Vì thế, để khách được bảo đảm nhất nên để khách lấy visa tại cơ quan đại diện tại nước ngoài. Vì thế, câu chuyện ở đây là làm thế nào cải thiện tốc độ nhanh lên, đồng thời tạo thuận lợi là giải pháp để tăng cường sự quan tâm của khách đến điểm đến Việt Nam.

Thời gian tới, chúng tôi thấy có một số thị trường có thể xem xét miễn visa du lịch cho một số nước như Australia, Canada… vì đây là những thị trường tiềm năng cần ưu tiên, cân nhắc.

Đồng thời, những thông tin từ các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài cũng đã có thông báo rộng rãi lên các web, cơ sở đại diện nhưng cần có hướng dẫn cụ thể, đơn giản, thuận tiện nhất… Thực tế, không phải tất cả các khách xin visa đến Việt Nam ở nơi Việt Nam có cơ quan đại diện, mà họ còn có thể ở các tỉnh, thành phố khác. Vì thế, chúng ta cần xem xét giải quyết những vấn đề này. Khách quốc tế đến Việt Nam có thể còn đi nhiều nước hoặc có nhiều công việc khác nên thời gian làm visa rất quan trọng với một khách du lịch.

MC: Xin được hỏi ông Phùng Xuân Khánh. Ông đánh giá thế nào về việc chọn các thị trường để xúc tiến, đã trúng và đúng chưa. Nếu Tổng cục Du lịch phát động các roadshow ở nước ngoài hoặc tham dự hội chợ quốc tế, ông có sẵn sàng có tham gia không?

Ông Phùng Xuân Khánh, Giám đốc Công ty du lịch Tiên Phong:

Thực tế, tôi cũng đã tham gia đi xúc tiến cùng với Tổng cục ở một số thị trường. Gần đây, số lượng du khách đến Việt Nam có tăng nhanh so với những năm trước. Công tác chọn thị trường để xúc tiến rất quan trọng. Chúng ta cần xúc tiến vào các thị trường có khả năng chi trả tốt, chứ không xúc tiến vào thị trường đông khách, nhưng khả năng chi trả lại không tốt.

Lâu nay, Philippines là thị trường chúng ta bỏ ngỏ. Nhưng gần đây Tổng cục đã quan tâm xúc tiến, và du khách Philippines cũng có khả năng chi trả rất tốt. Hiện tại, Vietnam Airlines mới chỉ có một đường bay tới Philippines nhưng Philippines đã có tới hai đường bay tới Việt Nam và thậm chí họ có đường bay thẳng trước cả chúng ta.

Ngoài ra, Indonesia cũng nổi lên là một thị trường đang phát triển, thực ra đây là thị trường rất tốt và du khách cũng có khả năng chi trả cao. Du khách Indonesia đến Hà Nội, Đà Nẵng rất nhiều và chi tiêu cao. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta chưa có đường bay thẳng đến Jakarta.

Hiện nay, chúng ta cạnh tranh để hút khách vào Việt Nam là cạnh tranh với các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Công (Trung Quốc). Du khách thường lựa chọn những nơi đó trước khi chọn đến Việt Nam.

Tọa đàm trực tuyến “Quảng bá du lịch: Cần những bước đột phá” ảnh 16

MC: Bạn Lê Hương Giang (Tuyên Quang) hỏi: Tôi thấy hiện nay với sự phổ biến rộng rãi của mạng Internet, nhiều du khách thích tìm hiểu và lựa chọn tour qua mạng. Vậy chúng ta đã tận dụng thế mạnh của công nghệ 4.0 để hỗ trợ cho hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch như thế nào?

Ông Nguyễn Tiến Đạt: Theo tôi với sự phát triển của CNTT, hiện nay đang thịnh hành là thuật ngữ Công nghiệp 4.0, nó đang thay đổi hoàn toàn phương thức, tìm kiếm thông tin, lựa chọn dịch vụ của các nhà cung cấp, cũng như phương thức mua sắm. Bây giờ không nhất thiết phải đến cửa hàng mà người ta có thể ngồi tại văn phòng và chỉ cần điện thoại di động là có thể hoàn toàn đặt được tất cả các dịch vụ cho một chuyến đi hoàn chỉnh, như vé máy bay có thể lên các trang web của hãng hàng không hoặc trang web chuyên về vé máy bay, hay dịch vụ đặt phòng, các điểm du lịch, tham quan mua sắm.

Chúng ta cũng cần phải phân tích, tìm hiểu những đặc tính của Công nghiệp 4.0 cho công tác quảng bá xúc tiến du lịch. Cần phải có chuyên gia, bởi vì theo tôi được biết những nhà quản lý đều ở độ tuổi không còn trẻ, trong khi công nghệ đang ngày càng phát triển, chỉ cần một vài tháng đã thay đổi hết. Trong ban xúc tiến du lịch, chúng ta cũng phải có những người trẻ và am hiểu công nghệ, có thể là những người du học nước ngoài về, và ngay cả ở trong công ty của chúng tôi đã phải có những chuyên gia đang còn rất trẻ, thậm chí là những chuyên gia 9x - những người giỏi về các vấn đề này. Lúc đấy thì mới bắt được “trend”. Chương trình xúc tiến quảng bá theo hình thức thương mại điện tử, du lịch trực tuyến cũng cần phải có những chiến lược, như chọn các kênh mạng xã hội phổ biến: Facebook ,Twitter, Instagram hay Wechat… chúng ta cũng phải nắm được tất cả các mạng xã hội đang phát triển hiện nay.

Một số phương thức khác như Youtube, chúng ta cũng quảng bá du lịch Việt Nam trên kênh này, nhiều khi ở Việt Nam chúng ta, kênh này là không chính thống nhưng nó hiệu quả và mạng tính toàn cầu.

Và một phương thức mới đó là kênh Tik Tok, vừa rồi phối hợp thành phố Đà Nẵng để tạo ra chiến lược đó là khuyến khích người dùng, nó sẽ tạo ra các video ngắn khoảng 15 giây ghi lại những khoảnh khắc của du khách tại Đà nẵng. Trong thời gian rất ngắn cũng đã có hàng chục nghìn lượt video đưa lên mạng internet và các bạn trẻ, du khách rất sáng tạo cùng với các hiệu ứng của ứng dụng Tik Tok trên điện thoại di động, nó đã tạo thành một làn sóng quảng bá du lịch tại Đà Nẵng và không mất tiền cho vấn đề này.

Liệu chăng, chúng ta cần có những phương thức phù hợp, thí dụ như: với kinh phí nhỏ sẽ tổ chức những cuộc thi sáng tác video ngắn trên ứng dụng Tik Tok, trên Youtube sau đó đưa lên các mạng xã hội, những người có tác phẩm tốt về quảng bá du lịch Việt Nam sẽ nhận được các phần thưởng có giá trị của ngành du lịch Việt Nam, chính những vấn đề này du khách nước ngoài sẽ tự cảm nhận và chia sẻ du lịch Việt Nam đến hàng triệu người theo dõi.

Ông Hoàng Nhân Chính: Để quay lại với vấn đề e-makerting, tôi xin giải thích một chút về chiến lược marketing mà tôi đề cập khi nãy. Cũng cần nói đúng rằng, lâu nay Tổng cục Du lịch vẫn đang có chiến lược về marketing, tuy nhiên chiến lược này đã phải có những thay đổi trong cách tiếp cận ở thời kỳ công nghiệp 4.0 bùng nổ hiện nay. Chúng tôi mong rằng, nếu như Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch được hình thành và trở thành hiện thực thì việc đầu tiên, nếu tôi là người được tư vấn, sẽ là dùng tiền để làm một nghiên cứu để cập nhật lại và chỉnh sửa những chiến lược về phát triển marketing, cũng như hỗ trợ những nghiên cứu cụ thể để làm sao phù hợp với tình hình hiện nay. Nếu làm được như vậy thì tôi tin là chúng ta sẽ làm tốt.

Quay lại câu chuyện Hội đồng tư vấn du lịch đã gây được một quỹ, từ đó chúng tôi đã ký một thỏa thuận và hỗ trợ cho Tổng cục Du lịch để phát triển e-marketing, một trong những vấn đề mà chúng tôi cũng đang phối hợp và giúp thêm cho Tổng cục Du lịch.

Đầu tiên, chúng tôi muốn khẳng định lại, tất cả những trang web và trang mạng xã hội quảng bá về du lịch đều là do Tổng cục Du lịch quản lý với mục tiêu quảng bá thương hiệu du lịch quốc gia, chứ không phải cho bất kỳ công ty, doanh nghiệp nào của Hội đồng tư vấn du lịch, vì mục tiêu chung cho quốc gia. Các trang web này hiện nay chúng tôi đang tập trung vào thị trường khách nói tiếng Anh nên hiện mới có tiếng Anh. Dự kiến, trong năm nay sẽ có thêm tiếng Nhật và trong năm sau sẽ bản địa hóa thêm cho các ngôn ngữ khác nữa. Tuy nhiên, trước khi làm những việc này, chúng tôi sẽ cần nghiên cứu kỹ, rằng khách du lịch đến Việt Nam thường có nhu cầu gì, thăm thú những gì và ảnh hưởng ra sao từ trang web của chúng tôi đối với quyết định của họ. Từ đó, chúng tôi mới bắt đầu đưa nội dung vào chứ không làm theo kiểu tùy hứng. Hiện nay chúng tôi đã tự tin với thị trường Nhật Bản và trong năm nay sẽ bản địa hóa.

Để viết bài cho phiên bản tiếng Anh thì sẽ có chuyên gia từ Mỹ, Canada,… viết bài; còn sắp tới chúng tôi đã có thỏa thuận với một công ty có chuyên gia người Nhật sẽ biên tập các nội dung tiếng Nhật, để làm sao không còn là tư duy của người Việt mà sẽ truyển tải được tư duy của người nước ngoài trên trang web đó.

Về trang mạng xã hội, hiện nay chúng tôi đang hỗ trợ Tổng cục Du lịch trên Youtube, Instagram, Facebook, Pinterest. Tất nhiên, chúng tôi sẽ nghiên cứu tùy từng thị trường sẽ sử dụng phổ biến mạng xã hội nào là chính, cách làm ra sao (những người có ảnh hưởng viết bài trên đó, hoặc các photographer phải đưa ra được các hình ảnh, video). Hay nên chăng người dùng nên tự xây dựng nội dung, như năm vừa qua chúng tôi đã phát động hai cuộc thi là My Vietnam và Vietnam Nows.

Với My Vietnam, chúng tôi nhận được rất nhiều video của các bạn ở trong nước, cũng như từ các bạn du lịch quốc tế đến Việt Nam, giới thiệu về nhiều địa danh như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Giang,... là những nơi mà họ đã từng đến. Những nội dung này sau đó được đưa lên kênh Youtube của Tổng cục Du lịch. Thứ hai là Vietnam Nows, chúng tôi dự kiến cũng có phần thưởng và tập trung vào khách quốc tế.

Với các trang mạng xã hội, chúng tôi đều tập trung vào một domain chính có tên Vietnam Tourism Board để xúc tiến du lịch quảng bá với khách quốc tế. Ngoài ra chúng tôi cũng xây dựng mục tiêu cụ thể, thí dụ như lượng khách truy cập, là chỉ số rất quan trọng. Chúng tôi đang hướng đến năm 2020 cố gắng đạt lượng khách truy cập vào các trang mạng xã hội phải đạt tương đương như các nước đang phát triển về du lịch ở gần chúng ta như Thái-lan, Malaysia, Singapore.

Lượng khách nếu chỉ truy cập một trang rồi bỏ đi thì chúng tôi sẽ phải hạn chế. Lượng khách quốc tế truy cập vào trang web, trước đây là 70% từ Việt Nam còn 30% là khách quốc tế. Tuy nhiên, hiện nay chúng tôi đang cố gắng đảo ngược lại con số này, nếu làm được điều này thì mới là biến đổi về chất. Tiếp nữa là các khách quốc tế liệu có theo dõi hay đăng ký các trang mạng xã hội của chúng tôi hay không cũng là vấn đề cần quan tâm. Đây là những vấn đề mà chúng tôi đang cố gắng phối hợp cùng Tổng cục Du lịch để triển khai tốt hơn trong tương lai.

MC: Tổng cục Du lịch có những hỗ trợ như thế nào với công nghệ 4.0?

Ông Đinh Ngọc Đức: Chúng ta không thể nào đứng ngoài xu thế công nghệ hay sử dụng điện thoại thông minh. Chúng tôi xin trở lại với ứng dụng Tik tok mà anh Đạt vừa đề cập, chính là chương trình của Tổng cục Du lịch. Chúng tôi đã làm việc với Tik tok ngay từ đầu năm và đang triển khai với họ dự định sẽ lan tỏa du lịch Việt Nam qua mạng xã hội rất mới này.

Hiện chúng tôi đã ký kết xong và đã sản xuất được 15 nghìn video clip chỉ trong một tháng. Trong tháng 8 này, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện ở Ninh Bình, và sau đó sẽ làm về chủ đề ẩm thực Việt Nam. Vào cuối năm nay, chúng tôi sẽ có những tổng kết, đánh giá xem việc phối hợp với Tik Tok liệu có đem lại hiệu quả như mong muốn hay không để cân nhắc việc tiếp tục hợp tác.

Hai năm qua, chúng tôi làm việc cùng TAB để thực hiện chương trình triển khai e-marketing về du lịch, quảng bá điểm đến du lịch Việt Nam. Chúng tôi đã xây dựng trang web mới là vietnam.travel hoàn toàn “lột xác” – trang web chuyên về xúc tiến quảng bá du lịch, giới thiệu điểm đến. Tiếp nữa, chúng tôi đã lập thêm những tài khoản mới trên các mạng xã hội, mời các chuyên gia du lịch với cách làm mới, góc nhìn mới, cũng như các tiếp cận mới; công việc này hiện đang được triển khai rất thuận lợi. Có thể khẳng định thời gian qua việc triển khai e-marketing của Tổng cục Du lịch là rất tốt và hiệu quả.

Nhà báo Lại Thúy Hà: Gần đây, Đại sứ du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc Lý Xương Căn đã phối hợp Tổng cục Du lịch thành lập Văn phòng xúc tiến du lịch tại Hàn Quốc theo hình thức đối tác công - tư. Thưa ông Đinh Ngọc Đức, theo ông, trong hoàn cảnh của chúng ta hiện nay, cần phải đẩy mạnh việc phối hợp mô hình đối tác công - tư như thế nào để chúng ta có thêm các văn phòng xúc tiến du lịch, đặc biệt là khi chúng ta chưa thể thành lập các văn phòng xúc tiến du lịch chính thức tại các quốc gia?

Ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch, Tổng cục Du lịch Việt Nam:

Trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, nhiệm vụ đầu tiên của chúng ta là hướng tới thị trường, thâm nhập thị trường và khai thác thị trường. Đối với ngành dịch vụ, rõ ràng là, việc có văn phòng đại diện tại các thị trường là cực kỳ quan trọng.

Chúng tôi cho rằng, tính chuyên nghiệp trong việc này thể hiện ở việc chúng ta thành lập, vận hành văn phòng hiệu quả.

Tuy nhiên, vì rất nhiều lý do, cho đến bây giờ, chúng ta vẫn chưa có một văn phòng xúc tiến du lịch chính thức nào ở các thị trường. Và điều này mang lại một câu chuyện rất thú vị cho tất cả các đối tác, bạn bè quốc tế, những người làm du lịch ở các nước. Khi chúng tôi nói là chúng ta chưa có văn phòng xúc tiến du lịch chính thức nào, không ai tin cả.

Tôi nghĩ rằng, tất cả những doanh nghiệp, những người làm du lịch ở Việt Nam đều mong muốn có mạng lưới văn phòng xúc tiến du lịch chính thức tại các nước. Như Thái-lan, Malaysia, Singapore… đều có 20 đến 30 văn phòng xúc tiến du lịch tại các nước. Thí dụ như Thái-lan, họ có tới bốn văn phòng tại Nhật Bản, năm văn phòng tại Trung Quốc, đó chính là các “chân rết” của họ để thâm nhập thị trường.

Với trăn trở đó, trong lúc nguồn lực chưa có, cơ chế chưa có, chúng tôi làm nhiều cách. Trong thời gian vừa qua, có nhiều đối tác, nhiều doanh nghiệp tiếp cận chúng tôi và đề nghị là được làm đại diện du lịch Việt Nam tại các nước. Chúng tôi cũng đã xem xét, đã cân nhắc, và để thực sự hiệu quả thì chúng tôi cũng “đi từng bước”.

Từ đó, thời gian qua chúng tôi cũng đã đề xuất với Bộ trưởng Văn hoá, Thể thao và Du lịch và đề cử một số người có tầm ảnh hưởng làm Đại sứ du lịch Việt Nam tại một số thị trường. Trong đó, có ông Lý Xương Căn được chỉ định làm Đại sứ du lịch của Việt Nam tại Hàn Quốc. Sau đó ông Lý Xương Căn đề xuất là được làm đại diện xúc tiến du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc và chúng tôi cũng nhất trí. Sau đó, chúng ta cũng đã ký một thoả thuận hợp tác với ông Lý Xương Căn ghi rõ kế hoạch các hoạt động mà ông Lý Xương Căn sẽ triển khai với vai trò đại diện xúc tiến du lịch của Tổng cục Du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc, với sự giám sát, phối hợp của Tổng cục Du lịch. Theo đó, ông Lý Xương Căn cũng cam kết là thành lập một văn phòng của đại diện xúc tiến du lịch Việt Nam. Kinh phí hoạt động, vận hành của văn phòng này hoàn toàn do ông Lý Xương Căn lo.

Tháng 6 vừa qua, khi Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam sang tổ chức xúc tiến tại Hàn Quốc có đến khai trương văn phòng này.

Đây là một trong những cách làm của chúng ta để hướng tới việc có nhiều văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam tại các nước, các thị trường.

Hiện nay, qua trao đổi, đề xuất, chúng tôi đang cùng với Hội đồng tư vấn du lịch xem xét, báo cáo lãnh đạo để xin phê duyệt chủ trương cho thành lập văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam tại London (Anh) và có khả năng là sau đó tại Australia.

Chúng tôi hy vọng đi từng bước, với khởi đầu là con số “0” tới con số “1”. Và dần dần, công tác xúc tiến, quảng bá của chúng ta thuận lợi hơn, chuyên nghiệp hơn và huy động nguồn lực hơn tốt hơn để khai thác các thị trường.

Nhà báo Lại Thúy Hà: Xin mời ông Phùng Quang Thắng, ông có thể chia sẻ về mô hình văn phòng xúc tiến du lịch tại Nhật Bản, nơi mà ông đã trực tiếp điều hành?

Ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoi Tourist:

Có lẽ rằng, các doanh nghiệp du lịch cũng mong muốn thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam có các đại diện chính thức. Với cách chính thức này chúng ta, sẽ có rất nhiều những hoạt động mang tính chính thống như phối hợp, bởi vì một thị trường nguồn không chỉ có điểm đến ở Việt Nam, mà có thể điểm đến ở nhiều nước. Còn các văn phòng đại diện các nước ở các thị trường nguồn đó có các hoạt động khác nhau, ta có thể một cách chính thức tham gia hoạt động chung tại thị trường đó.

Và đặc biệt, từ việc đó, chúng ta sẽ có nhiều kinh nghiệm hơn để làm thị trường cũng như tăng cường lượng khách từ thị trường nguồn tới Việt Nam. Hiệp hội Du lịch Việt Nam có một văn phòng đại diện tại Nhật Bản, chúng tôi đã vận dụng nhiều hình thức hoạt động khác nhau. Việc phối hợp giữa các doanh nghiệp du lịch tại Việt Nam và các doanh nghiệp ở Nhật Bản rất quan trọng để có được kinh phí cho văn phòng hoạt động cụ thể và thiết thực cho các doanh nghiệp.

Tại thị trường Nhật Bản, đây là thị trường nguồn, một trong top 10 của du lịch Việt Nam. Việc tiếp cận các đại diện các tỉnh ở Nhật Bản giúp cho rất nhiều doanh nghiệp giao lưu hợp tác trong việc gửi và nhận khách. Theo tôi, nếu triển khai một cách chính thống hơn, thì sẽ hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn. Do vậy tôi nghĩ, việc đặt văn phòng đại diện của du lịch Việt Nam tại một số thị trường nguồn rất quan trọng. Bởi ở đây, công tác xúc tiến du lịch cần có sự chuyên nghiệp, hay có thể có các tổ chức khác kiêm, giúp chúng ta làm công tác về du lịch. Nhưng thực sự, đó chỉ là biện pháp tình thế, nếu để làm cho chuyên nghiệp hơn, kỹ hơn và làm một cách bài bản hơn, chúng ta cần có một văn phòng đại diện chính thức.

MC: Ngành Du lịch hiện nay có hỗ trợ gì cho các doanh nghiệp trong việc xây dựng hệ thống thông tin thị trường, chia sẻ dữ liệu xúc tiến du lịch quốc gia, dự báo đánh giá thị trường hàng năm, định hướng phương án xúc tiến không?

Ông Phùng Quang Thắng: Người làm thị trường thì luôn mong muốn có số liệu chi tiết, chính xác, đa chiều để có thể phân tích và đánh giá thị trường. Tuy nhiên, việc thống kê số liệu của du lịch Việt Nam còn nhiều hạn chế, chúng ta chỉ có thế đo lường được một số chỉ số nhất định đánh giá nghiên cứu thị trường.

Tổng cục Du lịch cũng có một bộ phận nghiên cứu thị trường đã hỗ trợ tích cực doanh nghiệp. Số liệu nào Tổng cục Du lịch có, doanh nghiệp cũng có. Tuy nhiên đứng ở góc độ nghiên cứu, thì chúng ta còn cần những số liệu có chiều sâu hơn.

Chúng tôi vẫn phải sử dụng thêm các số liệu của các Tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài để phân tích đánh giá thị trường du lịch. Đây là một điều rất trăn trở của người làm nghề du lịch.

Ông Hoàng Nhân Chính: Sau khi làm nghiên cứu thị trường Mỹ, Anh, Australia, chúng tôi vừa làm tiếp nghiên cứu về thị trường Nhật Bản. Sắp tới chúng tôi đang bắt tay vào nghiên cứu thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, trong năm nay hoàn thành nghiên cứu để gửi cho Tổng cục Du lịch.

Chúng tôi rất chia sẻ là kinh phí eo hẹp, nguồn lực con người hạn chế, hy vọng thời gian tới khi có nguồn quỹ phát triển Du lịch thì Tổng cục Du lịch sẽ mạnh tay hơn trong chi cho các nghiên cứu. Tôi chia sẻ thông tin này để các địa phương, công ty du lịch có thể liên hệ để tham khảo các nghiên cứu này.

MC: Xin được nghe ý kiến từ phía ông Nguyễn Tiến Đạt về vấn đề này?

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Công ty du lịch TransViet:

Về việc quảng bá xúc tiến du lịch cũng như những vấn đề còn tồn tại, bất cập của quảng bá xúc tiến, tôi cho rằng chúng ta nên có bộ chỉ số đánh giá hiệu quả, hay còn gọi là KPI. Ở doanh nghiệp, chúng tôi thực hiện việc này rất chặt chẽ. Thí dụ như, chúng tôi thực hiện một chương trình quảng bá xúc tiến hay marketing, thì luôn có chỉ số đánh giá hiệu quả, thí dụ như số lượng tương tác, số like, comment, chia sẻ… Nếu là marketing online, phải xem số lượng người tiếp cận, tỷ lệ chuyển đổi thành khách là bao nhiêu.

Như lúc nãy anh Hoàng Nhân Chính nói, Tổng cục Du lịch cũng đang có những chiến dịch như vậy, cũng cần phải có những chỉ số, thí dụ như tiếp cận và làm cho khách like trang fanpage rồi, cũng phải có những chiến dịch bám đuổi để sau khi họ về. Nhắc lại là chúng tôi có những điểm đến mới hấp dẫn, tiếp tục giới thiệu về du lịch Việt Nam. Hoặc chương trình roadshow của Tổng cục Du lịch cũng cần phải có những chỉ số như mời được bao nhiêu báo chí, bao nhiêu khách hàng tiềm năng đến buổi hội thảo, và các khách hàng đó có nằm trong top các công ty lớn hay không, tỷ lệ họ quan tâm như thế nào. Kể cả các doanh nghiệp Việt Nam đi cùng cũng có thể đánh giá được mức độ thành công là ký được bao nhiêu hợp đồng, hoặc chỉ số hài lòng.

Rõ ràng, chúng ta cần phải có những chỉ số cụ thể, vì nếu không, dù có nhiều tiền cũng không hiệu quả. Chỉ số càng cụ thể thì càng dễ cho việc đánh giá, đo lường hiệu quả.

Vấn đề thứ hai, nếu chúng ta chưa giải quyết được các vấn đề du khách phàn nàn khi đến Việt Nam như điểm đến còn rác, bẩn, còn hiện tượng chèo kéo lừa đảo, chặt chém… khiến du khách cảm thấy tồi tệ, kể cả chuyến đi dù tốt đến mấy họ vẫn có ấn tượng xấu, du lịch Việt Nam rõ ràng rất mất điểm. Chưa kể, du khách còn có thể chia sẻ trên mạng xã hội, kể cả chúng ta có mất bao nhiêu tiền để quảng bá xúc tiến vẫn không hiệu quả. Tôi được biết, cộng đồng quốc tế có những diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm khi du lịch đến Việt Nam, trong đó họ chia sẻ rất nhiều về hiện tượng mất cắp, móc túi, chặt chém. Chúng ta cũng cần phải nghe những phản hồi như vậy của du khách.

Tại diễn đàn kinh tế tư nhân, trong phần hiến kế cho Chính phủ, tôi có một bài tham luận đề xuất nên thành lập chỉ số KPI ngành du lịch, trong đó có đánh giá hiệu quả năng lực quản lý và phát triển du lịch ở các địa phương, và các chỉ số sẽ do các khách hàng đánh giá, dựa trên nền tảng công nghệ (rất dễ thực hiện), rồi đánh giá của các chuyên gia du lịch, của các công ty có gửi khách đến. Những người đánh giá là những người hoàn toàn độc lập, sẽ giống như form feedback của khách hàng sau khi đi du lịch về. Nếu làm được việc này, chúng ta sẽ chấm điểm được năng lực quản lý của các địa phương, và điều này sẽ là một sức ép cho các địa phương thực hiện tốt, vì ngành du lịch có tính liên kết, và bản thân Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hay Tổng cục Du lịch cũng không thể tự giải quyết được, vì đây là vấn đề quản lý địa phương. Việc xảy ra tình trạng chặt chém ở các địa phương không phải là vấn đề của ngành du lịch, mà là quản lý điểm đến của địa phương. Người thay đổi được, theo tôi là ông Chủ tịch tỉnh, có thể can thiệp được các cơ quan, từ công an, Sở Du lịch, quản lý thị trường, thuế. Địa phương nào quyết tâm thực hiện tốt thì có sự thay đổi hoàn toàn, thí dụ như Sầm Sơn (Thanh Hóa) đã giải quyết được tình trạng chặt chém…

Ở đây có anh Hoàng Nhân Chính ở Hội đồng Tư vấn Du lịch Quốc gia, tôi cũng xin tiếp tục gửi gắm anh Chính ý tưởng này để anh trình lên các cơ quan liên quan hoặc Chính phủ. Cũng có thể phối hợp giữa Hiệp hội Du lịch Việt Nam với Phòng Thương mại, Công nghiệp Việt Nam với sự hỗ trợ của một công ty công nghệ lớn như FPT hay Vietel, rất đơn giản và không mất kinh phí.

Ông Hoàng Nhân Chính, Hội đồng Tư vấn Du lịch Trung ương:

Ý kiến của anh Đạt về bộ chỉ số năng lực cạnh tranh, tôi xin tiết lộ một thông tin, vừa rồi Liên minh châu u đã đồng ý tài trợ cho một dự án giúp Hội đồng Tư vấn Du lịch Quốc gia thực hiện việc này. Thực ra, chúng tôi đã có ý tưởng này từ năm ngoái, đã tìm rất nhiều nhà tài trợ, và Liên hiệp châu Âu đã đồng ý. Họ đã bắt tay vào làm từ tháng 1-2019. Hiện nay, nhóm chuyên gia đã đến làm việc và gặp Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng như Hiệp hội Du lịch Việt Nam, đồng thời có những buổi hội thảo tại Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh.

Dự kiến đến tháng 10 năm nay, khi có Diễn đàn cấp cao về du lịch, chúng tôi sẽ công bố phần đầu, những phát hiện đầu tiên về bộ chỉ số này. Còn cuối năm nay, dự kiến, chúng tôi sẽ thực hiện bộ chỉ số này trên năm địa bàn thí điểm và sẽ đề xuất lên Chính phủ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để có thể thực hiện bộ chỉ số này vào năm sau và thực hiện thường xuyên trong việc đánh giá, xếp hạng du lịch cấp tỉnh. Từ đó, chính họ sẽ phải tự nhìn thấy điểm mạnh và điểm yếu để tự cải thiện. Giống như hiện nay, chúng ta đang được Diễn đàn kinh tế thế giới đánh giá, và chúng ta hiểu được đâu là điểm yếu, đâu là điểm mạnh…

Hiện nay chúng tôi đang thực hiện bộ chỉ số này rồi, và thực hiện cùng Tổng cục Du lịch.

Nhà báo Lại Thúy Hà: Theo các vị khách mời, chúng ta cần có những giải pháp đột phá nào để việc quảng bá, xúc tiến du lịch đạt hiệu quả tốt hơn?

Ông Đinh Ngọc Đức:

Quan điểm của tôi, để làm tốt công tác quảng bá, xúc tiến du lịch là chúng ta phải ngồi với nhau và mỗi người làm tốt vai trò, vị trí của mình.

Cơ quan quản lý Nhà nước có vai trò vị trí không ai thay thế được là định hướng, xác định thị trường, đưa ra chiến lược, sách lược… hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam với các thị trường trọng điểm. Cơ quan quản lý Nhà nước đóng vai trò là đầu tàu kết nối, dẫn dắt hỗ trợ kết nối các địa phương, các điểm đến, các doanh nghiệp làm thế nào đi theo một hướng, quy tụ lại với nhau từ nguồn lực do cơ quan quản lý nhà nước cấp cho Trung ương, địa phương, từ ngân sách có thể có của các doanh nghiệp và từ các bên… Các địa phương phải quản trị tốt công tác xúc tiến quảng bá của mình. Các doanh nghiệp trên cơ sở phối hợp đồng hành cùng cơ quan quản lý nhà nước để khai thác thị trường. Không ai khác doanh nghiệp mới là người bán sản phẩm cụ thể.

Trong quảng bá xúc tiến, không phải nói hay mà là làm hay. Làm hay nghĩa là, người dân du lịch đến đó có nhận được sự cởi mở của dân địa phương hay không, sản phẩm tốt, an toàn hay không và vai trò cơ quan quản lý ở địa phương như thế nào.

Tôi nghĩ nguồn lực chỉ là một phần, quan trọng nhất ngồi với nhau, bàn cơ chế, cách làm thế nào tốt và mỗi thực thể tham gia cuộc chơi sẽ làm tốt phần của mình thì việc xúc tiến, quảng bá sẽ tốt hơn.

Nhà báo Lại Thúy Hà: Các khách mời có hiến kế gì không cho công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, mời ông Phùng Quang Thắng và ông Phùng Xuân Khánh?

Ông Phùng Quang Thắng:

Trước đây công tác xúc tiến điểm đến du lịch thường dành cho các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp chỉ quan tâm xúc tiến sản phẩm du lịch. Nhưng hiện nay, do ảnh hưởng nhiều bởi công nghệ du lịch mới, đặc biệt là ảnh hưởng thói quen tiêu dùng 4.0 và việc phát triển mạnh mẽ của giao thông hàng không làm các điểm đến xích gần nên công tác xúc tiến khác đi. Hiện nay, các doanh nghiệp để bán sản phẩm của mình phải tham gia công tác xúc tiến điểm đến.

Trong vấn đề xúc tiến cho đất nước, thứ nhất xúc tiến điểm đến. Theo tôi nên chọn ra một đại diện điểm đến tập trung, vì phụ thuộc vào hoàn cảnh nguồn lực của chúng ta hiện nay có hạn nên không thể làm nhiều việc cùng lúc. Nên chọn một điểm đến làm điểm đến quốc gia.

Trước nay, đánh giá tiềm năng thì Hạ Long là địa điểm thu hút khách đến Việt Nam và nên tập trung cho nó. Việc khách đến Hạ Long chắc chắn sẽ tìm hiểu, đi bằng nhiều tuyến du lịch khác nhau nên cần tập trung thu hút và đầu tư theo đúng năng lực chúng ta có.

Thứ hai, đứng từ góc độ cụ thể hơn, từ điểm đến du lịch Hạ Long sẽ ra được tuyến du lịch mang tầm quốc tế thu hút nhiều khách như tuyến Hà Nội – Hạ Long. Sản phẩm cụ thể này rất đông khách. Giờ chúng ta có thêm điểm đến nữa tạo thành tam giác phía bắc là tỉnh Ninh Bình. Ba điểm này là sản phẩm cụ thể để chúng ta xúc tiến du lịch cho du lịch Việt Nam và từ đó lan tỏa cho các địa phương khác thích nghi với năng lực.

Phụ thuộc vào giá trị tiềm năng du lịch của mỗi đất nước, chúng ta nên lựa chọn mỗi đại diện. Tôi chọn Hạ Long làm đại diện mang tính giá trị về cảnh quan thiên nhiên là chính nhưng khi đến Việt Nam còn nhiều tiềm năng khác, khi đó người ta rất ngỡ ngàng về văn hóa, đất nước, con người Việt Nam … càng làm cho du lịch Việt Nam hấp dẫn hơn. Chúng ta nên làm tập trung một cái sẽ phù hợp với năng lực Việt Nam hơn.

Ông Phùng Xuân Khánh:

Tôi nghĩ việc chọn biểu tượng để quảng bá du lịch Việt Nam rất đúng. Nhưng để quảng bá xúc tiến đạt hiệu quả cao cần làm bốn nhiệm vụ:

Thứ nhất, phải xác định thị trường quảng bá. Mỗi thị trường phải có sản phẩm đi liền với nó. Thí dụ, thị trường Nhật Bản và thị trường Ấn Độ hoàn toàn khác nhau, nếu chúng ta dùng cùng một sản phẩm quảng bá cho hai thị trường này thì một trong hai thị trường sẽ hỏng. Chúng ta phải xác định thị trường, nhu cầu thị trường là gì để chuẩn bị sản phẩm quảng bá vào thị trường đó.

Thứ hai, phải chuẩn bị những sản phẩm gì làm thế mạnh để quảng bá. Thí dụ, tại thị trường Ấn độ nếu đem phở Việt Nam quảng bá thì không ai quan tâm.

Thứ ba, công cụ sử dụng quảng bá. Nếu chúng ta có bộ công cụ quảng bá không tốt thì làm sẽ rất mất công và kéo dài thời gian.

Thứ tư là khâu phục vụ. Nếu chúng ta xác định thị trường tốt, công cụ tốt nhưng khâu cuối cùng phục vụ không tốt thì chắc chắn không thể đẩy mạnh thị trường du lịch Việt Nam phát triển.

Làm du lịch không phải là mỗi đơn vị lữ hành khách sạn phục vụ mà tất cả các khâu từ lực lượng quản lý xuất nhập cảnh, lữ hành, đơn vị bán hàng… đều phải có thái độ niềm nở để khách thấy hài lòng khi trở về.

Nếu chúng ta chỉ xoay quanh việc chặt chém sẽ có cơ quan chức năng đến phạt thì không ăn thua. Nếu khách đến cửa khẩu mà đã khó khăn trong nhập xuất cảnh thì chắc chắn sẽ không có nụ cười nào khi họ trở về nước họ.

Vì thế, Việt Nam cần phải xoay quanh bốn cái để thực hiện xúc tiến, quảng bá du lịch hiệu quả.

Tọa đàm trực tuyến “Quảng bá du lịch: Cần những bước đột phá” ảnh 17

Nhà báo Nguyễn Ngọc Thanh, Vụ trưởng, Trưởng ban Nhân Dân điện tử:

Trong thời gian hơi hai tiếng đồng hồ với nhiều vấn đề được đặt ra, chúng ta cũng nhận được nhiều câu hỏi từ phía bạn đọc. Với số lượng câu hỏi phong phú, chúng ta đã mổ xẻ rất kỹ các vấn đề cụ thể trong việc quảng bá và xúc tiến du lịch. Từ những vấn đề cụ thể của du lịch hiện nay đã đặt ra nhiều đề xuất liên quan đến chính sách, các vị đại biểu đều đã đề cập đến.

Thí dụ như, ngân sách cho quảng bá còn hạn chế và cần sự quan tâm hơn nữa từ Nhà nước trong việc quảng bá và xúc tiến du lịch, làm sao để tương xứng với tiềm năng, lợi thế mà chúng ta đang có. Đồng thời, cần sự cởi mở về chính sách trong việc cấp thị thực cho khách du lịch cũng là một vấn đề quan trọng. Nếu so với các nước trong khu vực, trong thời gian qua, chúng ta cũng đã có cải thiện vượt bậc. Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra, trong bối cảnh khi mà Đảng ta đã xác định kinh tế du lịch là mũi nhọn, có thể nhận thấy, trên thực tế công tác về cấp thị thực cũng chưa đáp ứng tốt nhu cầu của ngành du lịch.

Về vai trò nhạc trưởng của Tổng cục Du lịch cũng là vấn đề đã được các vị khách mời hết sức quan tâm, đề cập đến trong việc điều hành, quản lý. Rồi vấn đề liên quan đến các loại hình quảng bá như: du lịch trực tuyến trong thời đại công nghệ 4.0, nếu chúng ta không tập trung khai thác tốt những thế mạnh của công nghệ, thì chúng ta sẽ thua cuộc trong cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Tôi hoàn toàn nhất trí với các vị khách mời rằng, để quảng bá xúc tiến du lịch đạt hiệu quả cao, trước hết, cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp về du lịch phải ngồi lại với nhau để cùng tháo gỡ khó khăn cũng như phát triển mạnh hơn nữa thế mạnh, đặc thù du lịch mà chúng ta đang có.

Thay mặt Báo Nhân Dân điện tử, tôi xin cảm ơn các vị khách quý, các đồng nghiệp và độc giả đã quan tâm, chia sẻ hết sức cởi mở, thẳng thắn về đề tài ngày hôm nay. Chúc ngành du lịch của chúng ta có những hướng đi đúng trong quảng bá, xúc tiến thời gian tới, có bước đột phá để ngày một nâng cao cả về số lượng và chất lượng du khách đến Việt Nam.