Tìm giải pháp hỗ trợ du lịch golf trong đại dịch Covid-19

NDO -

Trong đại dịch Covid-19 hiện nay, chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch có nguy cơ bị đứt gãy cao, cần hỗ trợ gấp cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp du lịch golf bởi đây đang là loại hình du lịch có tiềm năng lớn. 

Sân golf Đầm Vạc, tỉnh Vĩnh Phúc (Ảnh: T.LINH)
Sân golf Đầm Vạc, tỉnh Vĩnh Phúc (Ảnh: T.LINH)

Đây là ý kiến của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung tại Hội thảo do Hiệp hội Golf Việt Nam tổ chức ngày 26-8 bàn về những kiến nghị hỗ trợ cho các sân golf bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Lâm cảnh khó khăn chung

Theo thông tin từ Hiệp hội Golf Việt Nam, hiện nay trên toàn quốc có 75 sân golf 18 hố đã đi vào hoạt động, 50 sân đang được xây dựng; 50 sân tập golf đã đi vào hoạt động, 20 sân tập đang xây dựng. Golf được đánh giá là loại hình có khả năng mang lại nguồn thu cao.

Ở Việt Nam, môn golf đang thu hút khoảng 50.000 người Việt Nam và 20.000 người nước ngoài đang sinh sống và làm việc ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, du lịch golf đang trên đà phát triển trong những năm gần đây. Theo số liệu thống kê của Hiệp hội golf Việt Nam, tính trong năm 2018, trong số hơn 15,5 triệu khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chơi golf hay kết hợp mục đích chơi golf chiếm khoảng 0,8%. Thị trường khách du lịch golf chính đến Việt Nam hiện nay là khách Hàn Quốc, tiếp đến là Nhật Bản và một số nước Đông Nam Á.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 xảy ra đã làm gián đoạn hoạt động thể thao này. Trong tháng 3 và tháng 4-2020, các sân golf phải đóng cửa để phòng chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ nhằm ngăn chặn đại dịch Covid-19. Cũng từ tháng 3 đến nay, Việt Nam đang tạm dừng nhập cảnh đối với khách nước ngoài Việt Nam để ngăn ngừa dịch lây lan. Lượng khách sụt giảm mạnh khiến hoạt động của các sân golf gặp rất nhiều khó khăn, bởi đây là loại hình thể thao đòi hỏi kinh phí đầu tư lớn.

Cần chính sách hỗ trợ gấp

Trước tình hình đó, Hiệp hội Golf Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp golf đã đề xuất với các cơ quan hữu quan về việc hoãn, miễn thuế tiêu thụ đặc biệt và tiền thuê đất để tháo gỡ khó khăn cho các sân golf trước mắt và trong dài hạn. Hiệp hội cho rằng việc miễn thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ góp phần quan trọng phát triển bộ môn golf một cách rộng rãi trong xã hội như các môn thể thao khác với mức chi phí hợp lý.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung khẳng định, Việt Nam có tiềm năng rất lớn về du lịch golf. Golf và du lịch cần có sự liên kết chặt chẽ để đưa khách du lịch đến chơi golf ở Việt Nam. Du lịch golf là loại hình có khả năng thu hút đối tượng khách có chi tiêu cao, lưu trú dài ngày, mang lại nguồn thu tốt.

Nhìn nhận rõ tiềm năng lớn này, năm 2018, Bộ VHTTDL đã bổ nhiệm huyền thoại golf thế giới Greg Norman làm Đại sứ Du lịch Việt Nam nhằm thúc đẩy du lịch golf ở Việt Nam. Năm 2019, Hiệp hội Du lịch Golf Việt Nam đã được thành lập trực thuộc Hiệp hội Du lịch Việt Nam.

Thông tin về tình hình du lịch Việt Nam, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung cho biết trong những năm vừa qua ngành Du lịch có sự tăng trưởng đột phá. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng 2,3 lần từ 7,9 triệu lượt (năm 2015) lên 18 triệu lượt (năm 2019), tốc độ tăng trưởng bình quân 22,7% mỗi năm, được xếp vào những nước tăng trưởng cao nhất thế giới. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 33 tỷ USD.

Đang trên đà tăng trưởng rất tích cực, năm 2020 ngành Du lịch bị đòn giáng mạnh bởi dịch Covid-19. Từ tháng 3 đến nay khách quốc tế đến Việt Nam đã không còn. Du lịch nội địa vừa khởi động lại từ tháng 5 đã lại đóng băng do dịch tái bùng phát. Các doanh nghiệp du lịch lâm vào tình trạng rất khó khăn.

Theo báo cáo mới nhất của Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, TP có tới 90% doanh nghiệp kinh doanh lữ hành phải ngừng hoạt động. Nhiều doanh nghiệp buộc phải xin rút giấy phép kinh doanh do không còn khả năng chi trả các chi phí duy trì hoạt động, thuê địa điểm, trả lương nhân viên...

Phó Tổng cục trưởng nhấn mạnh nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch là rất lớn, nhất là khi đa phần các doanh nghiệp du lịch Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, gặp rất nhiều khó khăn. Nhà nước cần có chính sách ưu đãi, hỗ trợ các doanh nghiệp phục vụ khách du lịch trong bối cảnh hiện nay, trong đó có các doanh nghiệp du lịch golf.

Phó Tổng cục trưởng Ngô Hoài Chung bày tỏ nhất trí với đề xuất của Hiệp hội Golf Việt Nam, kiến nghị các cơ quan hữu quan xem xét miễn, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sân golf; giảm tiền thuê đất cho các sân golf trong bối cảnh ảnh hưởng rất lớn của dịch Covid-19; có cơ chế, chính sách phát triển bộ môn golf như các môn thể thao khác.