Tây Ninh xây dựng du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Tận dụng lợi thế điều kiện tự nhiên phong phú, đường biên giới trải dài, có hai cửa khẩu quốc tế là Mộc Bài và Xa Mát; quần thể danh thắng núi Bà Ðen, hồ Dầu Tiếng; Căn cứ Trung ương Cục miền nam…, tỉnh Tây Ninh phấn đấu xây dựng và phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Du khách tham quan Di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền nam ở huyện Tân Biên (Tây Ninh). Ảnh: MINH CHÂU
Du khách tham quan Di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền nam ở huyện Tân Biên (Tây Ninh). Ảnh: MINH CHÂU

Những năm gần đây, lượng khách du lịch đến Tây Ninh tăng đáng kể. Mỗi năm, ngành du lịch của tỉnh đón từ 4 đến 4,5 triệu lượt khách; doanh thu từ du lịch tăng trưởng từ 5 đến 15%.

Trong sáu tháng đầu năm 2019, ngành Du lịch Tây Ninh đã có nhiều chuyển biến tích cực, tăng cả về số lượng du khách và doanh thu từ dịch vụ du lịch. Khách lưu trú đạt gần 1,3 triệu lượt khách, tăng 12,5%; khách lữ hành gần 13 nghìn lượt khách, tăng 2%; khách tham quan tại các khu điểm du lịch đạt hơn 2,2 triệu lượt khách, tăng 1% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu du lịch đạt hơn 545 tỷ đồng, tăng 14,6%.

Tuy nhiên, tính đến hết năm 2018, Tây Ninh có 2.800 lao động trong lĩnh vực du lịch nhưng đội ngũ lao động này qua đào tạo từ trung cấp trở lên chỉ chiếm 35%, còn lại gần 65% là chưa qua đào tạo; sản phẩm du lịch của Tây Ninh còn mang tính mùa vụ; cơ sở lưu trú chưa đáp ứng yêu cầu… Thời gian tới, Tây Ninh tập trung phát triển ngành du lịch, gắn các điểm du lịch tạo thành chuỗi liên kết để thu hút du lịch quanh năm; tạo ra các dịch vụ có sức hút để khách đăng ký lưu trú trên địa bàn, nhằm tạo nguồn thu ổn định từ du lịch.

★ Theo UBND tỉnh Bến Tre, qua hai năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư T.Ư Ðảng về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, Bến Tre đã trồng mới gần 99 ha rừng, nâng diện tích đất có rừng của tỉnh lên 4.368 ha. Ngoài ra, toàn tỉnh còn trồng hơn 2,73 triệu cây phân tán các loại, qua đó giải quyết một phần nhu cầu gỗ củi tại địa phương cũng như góp phần tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường sinh thái. Hiện nay, tỉnh đã xây dựng một vườn ươm cây giống lâm nghiệp (cây ngập mặn) quy mô hai ha ở xã An Thủy, huyện Ba Tri để sản xuất và cung ứng cây giống cho việc trồng rừng tập trung hằng năm của tỉnh.

Ðể góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, tỉnh đã chỉ đạo củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy của hai đơn vị chuyên môn thuộc lĩnh vực lâm nghiệp; tổ chức 24 lớp tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ và phát triển rừng cho 982 người dân sống trong vùng lâm nghiệp; tăng cường tuần tra, kiểm tra để kịp thời ngăn chặn các vụ vi phạm đến rừng và đất rừng. Từ năm 2017 đến nay, ngành chức năng của tỉnh đã phát hiện và xử lý 54 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 231 triệu đồng. Tỉnh rà soát lại đất đai để điều chỉnh, bổ sung quy hoạch lâm nghiệp cho phù hợp với tình hình thực tế; hoàn thiện hồ sơ quản lý rừng trên địa bàn; thường xuyên cập nhật cơ sở dữ liệu về diễn biến rừng và đất lâm nghiệp đến từng xã để phục vụ tốt cho công tác quản lý rừng. Bên cạnh đó, tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 120/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Ðề án bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2015-2020.