Quảng Trị phục hồi du lịch biển, đảo

Du lịch biển, đảo ở tỉnh Quảng Trị đang có xu hướng phục hồi nhanh. Các di tích, điểm du lịch được mở cửa trở lại để đón khách.

Khách du lịch tham quan đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị). Ảnh: QUẢNG HÀ
Khách du lịch tham quan đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị). Ảnh: QUẢNG HÀ

Theo Ban Quản lý bãi tắm Cửa Việt, những ngày qua, có khoảng 5.000 đến 6.000 lượt khách đến với bãi biển này mỗi ngày. Để phục vụ tốt khách du lịch, đơn vị đã tiến hành chỉnh trang bãi biển, đồng thời tăng cường nhân lực để bảo đảm công tác cứu hộ, cứu nạn. Các bãi biển Cửa Tùng, Mỹ Thủy, Vĩnh Thái… cũng tăng đáng kể lượng du khách.

Đảo Cồn Cỏ, từ đầu tháng 5 đến nay đón nhiều đoàn khách ra tham quan, nghỉ dưỡng. Theo UBND huyện đảo Cồn Cỏ, điểm mới trong mùa du lịch năm nay là nhiều hộ dân trên đảo đã đầu tư xây dựng nhà nghỉ, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của du khách về chỗ ở; đồng thời nâng cấp nhà hàng, địa điểm để phục vụ khách tốt hơn. Đảo có diện tích 2,3 km2, nằm cách bãi biển Cửa Việt, thị trấn Cửa Việt khoảng 17 hải lý. Cồn Cỏ hấp dẫn du khách bởi có nhiều bãi tắm hoang sơ được tạo thành từ vụn san hô, sò, điệp và cát trắng. Nằm sâu dưới vùng biển này là những rạn san hô được đánh giá tốt nhất Việt Nam, trong đó có loài san hô đỏ quý hiếm, phân bố với mật độ dày đặc, mầu sắc đẹp. Cồn Cỏ còn được phủ xanh phần lớn diện tích bởi rừng nguyên sinh, chiếm đến 70% tổng diện tích đảo, với thảm thực vật phong phú...

Quảng Trị đã thực hiện nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào du lịch nghỉ dưỡng; nhất là xây dựng các khu nghỉ dưỡng, mở các tua ra đảo Cồn Cỏ để phát huy tiềm năng “tam giác” du lịch biển Cửa Tùng - Cửa Việt - Cồn Cỏ. UBND huyện đảo Cồn Cỏ đã đưa vào sử dụng tàu cao tốc vận chuyển khách du lịch từ Cửa Việt ra đảo Cồn Cỏ, rút ngắn thời gian ra đảo từ 2 giờ xuống còn 45 phút.

* Năm 2020, tỉnh Cà Mau tiếp tục đẩy mạnh liên kết vùng và hỗ trợ quảng bá, kết nối cung - cầu hàng hóa với các tỉnh, thành phố trong lĩnh vực công thương. Trong đó, tỉnh chú trọng về thương hiệu sản phẩm hàng hóa do hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, chế biến để người tiêu dùng, nhà phân phối biết đến, ưu tiên lựa chọn... Tỉnh đã quan tâm hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa có lợi thế sang thị trường nước ngoài thông qua một số kênh phân phối như: Central Group, Aeon, Lotte...; đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp phân phối tham gia tìm hiểu nguồn cung nông sản, nghiên cứu đầu tư, phát triển các cơ sở thu mua, chế biến tại các địa phương trong cả nước. Cơ quan chức năng của tỉnh tiếp tục rà soát điều kiện, quy mô sản xuất, thực lực hoạt động của hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn để có hướng hỗ trợ phù hợp. Ngoài ra, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân còn được hỗ trợ trong lĩnh vực sản xuất cung ứng sản phẩm bảo đảm tiêu chuẩn, yêu cầu, thị hiếu, thủ tục của nhà phân phối, người tiêu dùng.

Hiện, Cà Mau có 19 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh gồm: Bánh phồng tôm, chuối xiêm sấy khô, dưa bồn bồn, cá khô bổi, khô mực, tôm sấy, mật ong, nước mắm..., cùng một số sản phẩm thiết bị, máy móc ứng dụng công nghệ trong sản xuất, nuôi trồng thủy sản. Đây là những sản phẩm nổi trội, đại diện cho nhóm ngành sản xuất công nghiệp chủ yếu, có lợi thế của địa phương.