Nắm bắt xu hướng mới để phát triển ngành du lịch

Thời gian gần đây, ngành du lịch thế giới có sự dịch chuyển nhanh chóng qua từng năm cả về loại hình, sản phẩm lẫn cách thức lựa chọn, tiêu dùng trong du lịch. Những xu hướng mới này đang tác động trực tiếp và mạnh mẽ đến du lịch Việt Nam, đòi hỏi ngành công nghiệp không khói nước nhà phải có những giải pháp phát triển thích ứng, đón đầu cơ hội tăng trưởng du lịch quốc tế.

Du khách trải nghiệm bắt cá bằng nơm tại khu du lịch làng quê Yên Ðức, Quảng Ninh. Ảnh: PHƯƠNG THÚY
Du khách trải nghiệm bắt cá bằng nơm tại khu du lịch làng quê Yên Ðức, Quảng Ninh. Ảnh: PHƯƠNG THÚY

Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), số lượng khách du lịch quốc tế toàn cầu năm 2018 đã vượt mốc 1,4 tỷ lượt, tăng 74 triệu lượt so với năm 2017, tăng trưởng gần 6%. Năm 2019, du lịch toàn cầu sẽ tăng trưởng 3 - 4%, dự kiến đạt 1,8 tỷ lượt vào năm 2030. Ðáng chú ý, Ðông - Nam Á sẽ trở thành khu vực thu hút khách quốc tế lớn thứ tư trên thế giới. Cùng với tốc độ tăng trưởng này, trên thực tế, du lịch toàn cầu đã và đang ghi nhận sự hình thành những xu hướng mới trên cơ sở đề cao tính trải nghiệm.

Tại hội thảo đánh giá "Xu hướng phát triển của du lịch thế giới và tác động đối với du lịch Việt Nam" do Viện Nghiên cứu phát triển du lịch vừa tổ chức; Viện trưởng, TS Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Theo dự báo của UNWTO, thời gian tới; tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí vẫn là mục đích của đa số thị trường khách, song nhiều nhu cầu mới hình thành, nhất là nhu cầu trải nghiệm hướng tới những giá trị mới được thiết lập trên cơ sở giá trị văn hóa truyền thống (tính khác biệt, đặc sắc, nguyên bản), giá trị tự nhiên (tính nguyên sơ, độc đáo), giá trị sáng tạo và công nghệ cao (tính hiện đại, tiện nghi). Theo đó, du lịch trải nghiệm; du lịch chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe sẽ ngày càng phổ biến; vừa là xu hướng, vừa là đòi hỏi tất yếu để bảo đảm phát triển bền vững. UNWTO nhận định, đến năm 2030, khách du lịch đi với mục đích thăm viếng, sức khỏe, tôn giáo sẽ chiếm 31% tổng lượng khách; với mục đích tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí chiếm 54%; với mục đích công việc chiếm 15%.

Bên cạnh đó, cơ cấu chi tiêu của khách du lịch hiện nay đang có sự thay đổi rõ rệt khi ngoài những khoản chi thiết yếu cho ăn uống, ngủ nghỉ, vận chuyển, tỷ trọng chi tiêu dành cho những dịch vụ như mua sắm hàng hóa, giải trí, trải nghiệm… cũng ngày càng tăng. Cùng với đó, sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tác động mạnh mẽ đến phương thức tiếp cận, chia sẻ thông tin du lịch của du khách. Sự bùng nổ của mạng xã hội và các ứng dụng di động cũng tác động tích cực góp phần giúp cho hình thức du lịch tự túc với sự phát triển của dòng khách lẻ tăng mạnh. Song song với đó là sự hình thành các xu hướng du lịch mới như du lịch thông minh, du lịch sáng tạo… Theo UNWTO, nền tảng công nghệ số và dữ liệu sẽ chi phối tăng trưởng du lịch ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương với 80% số chuyến đi được đặt trực tuyến và 87% số người trẻ tuổi đánh giá điện thoại thông minh là công cụ cần thiết cho du lịch…

Sự hình thành những xu hướng du lịch mới nêu trên của thế giới đang đặt ra yêu cầu cấp bách đòi hỏi các nhà quản lý, doanh nghiệp du lịch Việt Nam phải nhanh chóng cập nhật thông tin, đánh giá tác động để đề xuất những định hướng, giải pháp phát triển phù hợp. Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh phần lớn sản phẩm du lịch Việt Nam nghiêng về trải nghiệm truyền thống với các loại hình nghỉ dưỡng, lễ hội, tâm linh… và vẫn còn trùng lắp, chưa thật sự đa dạng, vấn đề quan trọng là cần định hình những sản phẩm du lịch thích ứng xu hướng mới. Theo đề xuất của Phòng nghiên cứu Thị trường, Sản phẩm và Quy hoạch Du lịch (Viện nghiên cứu phát triển du lịch), trước sự thay đổi về khái niệm du lịch theo hướng trải nghiệm, về xu hướng khám phá và khả năng sẵn sàng chi trả cho kỳ nghỉ của du khách, thời gian tới, du lịch Việt Nam cần chú trọng phát triển một số loại hình, sản phẩm du lịch như: Sản phẩm du lịch mạo hiểm, các tua mang tính độc, lạ với những hoạt động như: Trekking, leo núi, nhảy dù, chèo thuyền vượt thác, khám phá hang động… gắn với các tài nguyên du lịch đặc sắc trong nước; dòng sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch xanh; dòng sản phẩm nghỉ dưỡng cao cấp như du lịch golf, du lịch MICE…; dòng sản phẩm mang tính khám phá, trải nghiệm văn hóa riêng có của điểm đến; dòng sản phẩm nghỉ dưỡng chữa bệnh như: tắm suối khoáng nóng, tắm bùn, ăn chay vùng rừng núi Tây Bắc, Ðông Bắc, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh…; và dòng sản phẩm ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0 như: Tua du lịch ảo, du lịch thông minh, du lịch nông nghiệp công nghệ cao…

Theo ThS Nguyễn Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn (Tổng cục Du lịch), những xu hướng du lịch mới đòi hỏi các doanh nghiệp du lịch phải có sự thích ứng trong đầu tư vào nguồn cung. Chẳng hạn, trước thực tế du khách ngày càng quan tâm tới chất lượng trải nghiệm tại điểm đến thay vì hình ảnh điểm đến đơn thuần, các nhà đầu tư cơ sở lưu trú cần có sự tính toán để cân đối quy mô, loại hình lưu trú phù hợp tính chất, loại hình của từng hoạt động trải nghiệm, như dự án bất động sản du lịch sẽ trở thành quần thể gắn với nhiều tiện ích giải trí, thể thao, sự kiện, nghệ thuật, giao lưu văn hóa địa phương… Trước xu hướng khách đi du lịch nhiều lần trong năm và đi ngắn ngày, cùng với đó là sự dao động về dòng khách trong năm theo sự kiện, thời vụ, đòi hỏi các nhà đầu tư cần tính toán kỹ lưỡng về quy mô dự án và tính kết nối theo chuỗi giá trị gắn với tuyến hành trình của khách… Khi du lịch có trách nhiệm đang trở thành hướng đi tất yếu bảo đảm sự phát triển bền vững, các doanh nghiệp du lịch cần kinh doanh theo hướng phát triển du lịch xanh gắn với bảo vệ môi trường. Các nghiên cứu gần đây tại Việt Nam cho thấy, khách du lịch tới nước ta đang có xu hướng chọn các khách sạn, khu du lịch và các dịch vụ, hàng hóa có nhãn sinh thái, thân thiện với môi trường. Phát triển du lịch xanh cũng là giải pháp giúp tăng lượng khách có mức thu nhập cao và ý thức, hành xử văn minh khi tham gia du lịch.

Trong bối cảnh, khi công nghệ thông tin và mạng xã hội ngày càng phổ biến, du lịch Việt Nam cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong phát triển du lịch, từ quản lý tới xúc tiến, quảng bá, kinh doanh du lịch. Ông Phạm Hải Quỳnh, Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam đề xuất: Marketing trực tuyến trong kinh doanh du lịch đang là thị trường nhiều tiềm năng và triển vọng để phát triển nhanh, mạnh các thị trường du khách du lịch. Do đó, các doanh nghiệp du lịch cần sớm có kế hoạch đầu tư phát triển marketing trực tuyến, nhất là những website du lịch có giao diện tốt và hiệu quả trên thiết bị di động với các tiêu chí: Thân thiện, tốc độ nhanh, mức độ thuận tiện cao...