Mở cửa lại Taj Mahal, Ấn Độ bắt buộc du khách đeo khẩu trang

NDO -

Du khách khi tới tham quan đền Taj Mahal, Ấn Độ sẽ phải đeo khẩu trang toàn thời gian, giữ khoảng cách và không được chạm vào bề mặt đá cẩm thạch. Đây là quy định bắt buộc khi kỳ quan đương đại của thế giới này được mở cửa đón khách trở lại vào ngày mai (6-7), sau ba tháng đóng cửa vì đại dịch Covid-19. 

Chỉ 5.000 du khách sẽ được phép tới thăm quan Taj Mahal mỗi ngày. (Ảnh: REUTERS)
Chỉ 5.000 du khách sẽ được phép tới thăm quan Taj Mahal mỗi ngày. (Ảnh: REUTERS)

Chỉ 5.000 du khách sẽ được phép tới tham quan Taj Mahal mỗi ngày và được chia thành hai nhóm.

Trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, “tượng đài tình yêu” từ thế kỷ 17 của Ấn Độ đã có lúc thu hút tới 80.000 khách tham quan trong một ngày. 

Trong thông cáo đưa ra ngày 5-7, Bộ trưởng Du lịch Liên bang Ấn Độ cho biết: “Tất cả các di tích và khu vực được bảo vệ tập trung sẽ áp dụng các quy định như vệ sinh khử trùng, giãn cách xã hội và các quy định về y tế khác”. 

Các nhà chức trách Ấn Độ đang mở lại Taj Mahal và các di tích khác, như Pháo đài Đỏ lịch sử của New Delhi, dù đà lây nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 tại Ấn Độ vẫn gia tăng với tốc độ nhanh nhất trong ba tháng qua. 

Theo báo cáo mới nhất trong ngày 5-7, Bộ Y tế Ấn Độ thông báo nước này đã ghi nhận mức tăng kỷ lục số ca mắc Covid-19 mới trong một ngày với 24.850 ca và hơn 600 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc Covid-19 lên 673.165 ca.

Tuy nhiên, chính phủ Ấn Độ đã dỡ bỏ phần lớn quy định phong tỏa đất nước hơn 1,3 tỷ dân nhằm vực dậy nền kinh tế đang vào đà suy thoái. Mặc dù các chuyến bay quốc tế vẫn bị đình chỉ, du lịch nội địa đã được mở trở lại. Chính phủ Ấn Độ đang hy vọng du khách sẽ bắt đầu quay trở lại một số điểm đến phổ biến.

Nằm ở thành phố Agra, cách thủ đô New Delhi khoảng 230 km với bốn giờ di chuyển bằng ô-tô, Taj Mahal là khu lăng mộ do Hoàng đế Mughal Shah Jahan xây dựng cho người vợ yêu dấu của ông trong 22 năm. Công trình xây dựng vào thế kỷ 17 Taj Mahal được coi là hình mẫu tuyệt vời nhất của Kiến trúc Mogul, một phong cách tổng hợp các yếu tố của các phong cách Kiến trúc Ba Tư, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, và Hồi giáo. 

Taj Mahal đã được UNESCO đã công nhận là di sản thế giới năm 1983 và mô tả là một "kiệt tác được cả thế giới chiêm ngưỡng trong số các di sản thế giới”. Điểm dừng chân không thể bỏ qua khi đến Ấn Độ này cũng thường xuyên lọt vào danh sách là nơi phải đến một lần trong đời của các trang du lịch nổi tiếng thế giới.