Liên kết phát triển du lịch vùng duyên hải miền trung (Tiếp theo và hết) (*)

Bài 2: Tạo sức bật mới

Các chuyên gia kinh tế và du lịch cho rằng, xu hướng mới của khách du lịch là muốn đi thật nhiều nơi, khám phá được nhiều vùng đất. Về khía cạnh kinh doanh, liên kết là giải pháp quan trọng hàng đầu để các địa phương tận dụng lợi thế của nhau và tránh được những cạnh tranh về điểm đến. Tại các diễn đàn du lịch khu vực miền trung - Tây Nguyên gần đây, các địa phương trong vùng đã cùng đánh giá lại tiềm năng, hiện trạng; qua đó, định hướng và đưa ra giải pháp có tính liên vùng.

Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, Quảng Nam. Ảnh: TẤN NGUYÊN
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, Quảng Nam. Ảnh: TẤN NGUYÊN

Gắn kết, hỗ trợ nhau

Theo dánh giá của các tỉnh, thành phố trong khu vực, những năm gần đây, cùng với sự phát triển du lịch của cả nước, du lịch vùng duyên hải miền trung (DHMT) đã có những chuyển biến tích cực. Các địa phương trong vùng đã thu hút nhiều dự án, nhà đầu tư có thương hiệu trong nước và nước ngoài với tổng vốn đầu tư lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng như: Tập đoàn InterContinental, Banyantree-Singapore, Sun Group, Vingroup, FLC,… để phát triển cơ sở vật chất du lịch của vùng, nhất là hệ thống khách sạn, bước đầu đã hình thành một số khu, điểm du lịch, tạo động lực phát triển du lịch cho toàn vùng. Sản phẩm du lịch ngày càng được đa dạng, chất lượng dịch vụ dần được nâng lên. Bước đầu đã hình thành được một số điểm đến du lịch có hình ảnh, thu hút ngày một nhiều khách du lịch trong nước và ngoài nước như: Thừa Thiên Huế, Ðà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Phan Thiết - Mũi Né... Công tác xúc tiến quảng bá được chú trọng với nhiều sự kiện du lịch: Festival Huế, Festival pháo hoa Ðà Nẵng, Ðêm rằm phố cổ Hội An, Festival biển Nha Trang…

Nhiều năm qua, các địa phương ở vùng DHMT đã có sự hợp tác để tạo ra những sản phẩm du lịch thu hút du khách. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Ðặng Ngọc Dũng, Quảng Ngãi đã ký hợp tác với nhiều tỉnh lân cận, đầu tư xây dựng hạ tầng, đẩy mạnh du lịch địa phương. Trong đó, có thể kể đến những dự án hạ tầng mang tính chất quyết định thúc đẩy du lịch như mở rộng, nâng cấp tuyến đường từ sân bay Chu Lai (Quảng Nam) đi Dốc Sỏi (Quảng Ngãi). Ngoài việc thỏa thuận đầu tư xây dựng hạ tầng, Quảng Ngãi và Quảng Nam còn có rất nhiều chương trình hợp tác, hội nghị nhằm quảng bá du lịch. Ðồng chí Ðặng Ngọc Dũng cho biết: "Với lợi thế hai tỉnh liền kề, có bờ biển dài; Quảng Ngãi có đảo Lý Sơn, Quảng Nam có Cù Lao Chàm cùng Tam Hải, hai tỉnh sẽ tiếp tục tập trung khai thác lợi thế này, xây dựng sản phẩm du lịch "Hai địa phương một sản phẩm". Chúng tôi sẽ hỗ trợ lẫn nhau xây dựng hồ sơ và phát triển du lịch tại Công viên địa chất Lý Sơn và Công viên địa chất Núi Thành, Quảng Nam".

Thành phố Ðà Nẵng cũng đang cùng các tỉnh trong khu vực liên kết phát triển sản phẩm du lịch, liên kết quảng bá và xúc tiến du lịch, liên kết đào tạo nguồn nhân lực du lịch bền vững, hợp tác giữa các hiệp hội ngành nghề du lịch các địa phương. Trong định hướng, Ðà Nẵng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho liên kết du lịch giữa các tỉnh, thành phố DHMT và trở thành thành phố kết nối các điểm di sản trong vùng, trung chuyển khách du lịch trên cơ sở khai thác kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch như quốc lộ 1, sân bay Ðà Nẵng, cảng biển Tiên Sa… Tại buổi ký hợp tác phát triển du lịch với tỉnh Thừa Thiên Huế mới đây, Bí thư Thành ủy Ðà Nẵng Trương Quang Nghĩa cho rằng: "Giữa hai địa phương cần đổi mới cách làm. Phải tiếp cận, quảng bá du lịch làm sao để du khách đến Huế là sẽ đến Ðà Nẵng, Hội An và ngược lại. Nếu chúng ta liên kết tốt thì khách du lịch không chỉ của mỗi địa phương mà đều là của chung. Sân bay Phú Bài được đầu tư mở rộng sẽ san sẻ cho sân bay Ðà Nẵng". Theo đồng chí Bí thư Thành ủy Ðà Nẵng, với cách làm nêu trên, không gian liên kết du lịch không còn bó hẹp giữa từng địa phương mà có sức lan tỏa mạnh mẽ.

Ðến nay, ba địa phương Thừa Thiên Huế - Ðà Nẵng - Quảng Nam đã có 12 năm thực hiện hợp tác trong lĩnh vực du lịch theo biên bản ký kết. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Thiên Ðịnh cho biết: "Trong toàn khu vực, hiện chỉ có sự liên kết này được xem là mô hình điểm, được Tổng cục Du lịch đánh giá là hình mẫu cho liên kết phát triển du lịch của cả nước và đã được quảng bá đến nhiều thị trường, đồng thời xây dựng được những sản phẩm du lịch thế mạnh của mỗi địa phương". Hình thức hoạt động là mỗi địa phương luân phiên làm trưởng nhóm liên kết theo từng năm, nhóm trưởng sẽ là địa phương đưa ra kế hoạch và chủ trì các hoạt động dưới sự thống nhất của cả ba địa phương. Chính sự liên kết đã giúp các địa phương có sự liên thông, hỗ trợ, bảo đảm an toàn cho du khách khi đến ba địa phương. Liên kết giúp các địa phương chia sẻ nguồn nhân lực, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động, kinh doanh du lịch… Tuy nhiên, hiện nay sự liên kết giữa các tỉnh, thành phố chỉ ở từng cụm nhỏ và chưa thật sự bền vững.

Tăng cường liên kết, mở rộng

Ðể khai thác hiệu quả những lợi thế và nguồn lực, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tại Diễn đàn phát triển du lịch vùng DHMT gần đây, lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong khu vực đã cam kết không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường du lịch, xây dựng dịch vụ du lịch thông minh. Ðáng chú ý, sẽ đẩy mạnh liên kết trong quy hoạch, kết nối hạ tầng; phát huy giá trị văn hóa di sản, thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến và quảng bá du lịch; chú trọng xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch đặc thù, tạo ra sự gắn kết giữa các địa phương với mục tiêu phát triển du lịch bền vững.

Tại Diễn đàn, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã đề nghị các địa phương trong khu vực cần hoàn thiện cơ chế chính sách về du lịch. Bên cạnh đó, các địa phương cần đẩy mạnh xây dựng kế hoạch, thực hiện các nghị quyết trung ương về chiến lược phát triển du lịch; xây dựng để thực hiện đề án cơ cấu lại ngành; bảo đảm môi trường du lịch, tập trung tạo ra sản phẩm đa dạng, đào tạo nhân lực, nâng cao quảng bá. Trong đó, lưu ý đề cao tính liên kết, phát huy theo từng cụm như: Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế; Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh để làm điển hình nhân rộng, qua đó đẩy mạnh liên kết trong tuyến hành lang kinh tế đông - tây. Các địa phương cũng cần xác định yếu tố đặc thù của mình.

Theo PGS, TS Trần Ðình Thiên, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, tiềm năng du lịch của khu vực miền trung - Tây Nguyên là rất rõ ràng. Ðiều quan trọng là phải phát huy được tiềm năng đó, bởi một thực trạng hiện nay là các địa phương DHMT vẫn "mạnh ai nấy làm", chưa liên kết chặt chẽ vùng, do đó cần nhận thấy được thế mạnh của nhau để hỗ trợ và tránh lặp lại.

PGS, TS Phạm Trung Lương, chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng, vùng DHMT có nhiều lợi thế. Cần cơ cấu, điều chỉnh lại thị trường. Chú trọng sản phẩm cao cấp. Nên cho phép tư nhân đầu tư khai thác các công trình đầu mối giao thông, Trung ương chỉ hỗ trợ các dự án. Áp dụng cơ chế ưu đãi hai tổ hợp du lịch lớn Lăng Cô và Cù Lao Chàm. Cần có chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch quốc tế; chính sách bảo tồn tài nguyên…

"Muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau", Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ đã nói một cách hình ảnh như vậy khi đề cập sự liên kết du lịch vùng DHMT. Ðó cũng là mối quan tâm của các địa phương trong khu vực để cùng nhau đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Giải pháp để tạo sự liên kết, sản phẩm chung của vùng DHMT là thu hút đầu tư du lịch với cơ chế ưu đãi nhất theo quy định hiện hành, bảo đảm đến năm 2025 sẽ hoàn chỉnh ít nhất ba khu du lịch biển, đảo có sức cạnh tranh quốc tế, bao gồm: Chân Mây - Lăng Cô (Thừa Thiên Huế), Cù Lao Chàm (Quảng Nam) và bắc Cam Ranh (Khánh Hòa); xây dựng ba tổ hợp mua sắm, vui chơi giải trí dành cho du khách; đầu tư xây dựng giao thông với các tuyến đường ven biển, cao tốc, sân bay, đường sắt kết nối với Tây Nguyên. Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ cho biết: "Chúng ta không thể thống nhất suy nghĩ của mọi người, nhưng có thể thống nhất mọi người qua một mục tiêu chung, từ đó, tạo bước đột phá, chuyển từ du lịch điểm (từng địa phương) sang vùng. Tăng cường liên kết phát triển sản phẩm du lịch theo hướng chuyên nghiệp hóa và tiếp cận chuỗi giá trị cung ứng dịch vụ du lịch, từ số lượng sang chất lượng, có trọng tâm, trọng điểm; xây dựng hình ảnh điểm đến du lịch vùng DHMT hiện đại, đẳng cấp, chất lượng, thân thiện và an toàn".

Giám đốc Laguna Việt Nam, ông Ga-vin Héc-hôn đã đưa ra một số giải pháp, đó là làm du lịch có trách nhiệm và bảo đảm tính bền vững; chú trọng giải pháp tăng thời gian lưu trú của du khách đến vùng, nắm bắt nhu cầu của khách du lịch, nhất là các du khách quốc tế có xu hướng thích khám phá thiên nhiên nên cần có nhiều hoạt động như đạp xe, leo núi, đi kayak… tạo lý do giữ khách lưu trú; tăng cường tuyên truyền, giới thiệu những thành tựu, nỗ lực của Việt Nam trong thời gian qua, nhất là các chính sách thông thoáng để thu hút nhà đầu tư nước ngoài.

Ði liền với sự nỗ lực của chính mình, các tỉnh, thành phố trong khu vực rất cần sự quan tâm, hỗ trợ về cơ chế, chính sách của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương để thúc đẩy hạ tầng du lịch, sản phẩm du lịch, xúc tiến quảng bá du lịch... Bên cạnh đó, rà soát điều chỉnh quy hoạch phát triển vùng nhằm xác định lại không gian và hệ thống hạ tầng của vùng, nhất là khu du lịch để tránh chồng chéo, khắc phục hiện tượng đầu tư dàn trải kém hiệu quả. Cần định hướng nội dung quy hoạch "xây dựng thành phố biển" để có điều kiện thực hiện đầu tư PPP cho hệ thống tuyến đường ven biển khu vực; thí điểm thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch tại các tỉnh và vùng bằng cách huy động nguồn lực từ doanh nghiệp du lịch.

* Bài 1: Tiềm năng lớn, hiệu quả chưa cao

--------------------------

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 5-11-2019.