Đánh thức tiềm năng du lịch Cà Mau

Nhiều tỉnh “ganh tỵ” với vùng đất cuối cùng cực nam Tổ quốc, bởi nơi đây có tiềm năng vô cùng to lớn về du lịch. Nhưng trong một thời gian dài, tiềm năng ấy chưa tận dụng và khai thác có hiệu quả…

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau phát biểu tại hội nghị nhằm tìm hướng phát triển du lịch Cà Mau.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau phát biểu tại hội nghị nhằm tìm hướng phát triển du lịch Cà Mau.

Ngày 24-11, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân chủ trì hội nghị chuyên đề nhằm tìm hướng mở để “đánh thức” tiềm năng ngành công nghiệp không khói, đưa du lịch trở thành một trong những mũi nhọn của tỉnh Cà Mau.

Từ lâu, cụm từ “Đất Mũi” được xem là “nam châm” kéo du khách tìm về khi đến với vùng đất cuối trời phương nam. Nơi đó không đơn thuần chỉ là trải nghiệm, khám phá… mà còn là về với nguồn cội khi một lần trong đời chạm vào vùng đất thiêng liêng của dân tộc. Đó chính là tình cảm, là tấm lòng tri ân với vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử cách mạng vẻ vang. Cà Mau còn có lợi thế về vị trí địa lý, văn hóa, tâm linh, truyền thống lịch sử, thiên nhiên, ẩm thực... Vậy nhưng, trong một thời gian dài, khách đến Cà Mau chưa “chuyên sâu” mà chỉ “cưỡi ngựa xem hoa”, bởi thực tế địa phương còn nhiều hạn chế về sản phẩm du lịch, các dịch vụ du lịch, các sự kiện để thu hút khách du lịch, đặc biệt là chưa mang tính kết nối giữa các điểm du lịch…

Thu hoạch cá đồng và mật ong ở rừng U Minh hạ tương lai trở thành “ngày hội du lịch” ở Cà Mau. 

Khắc phục những hạn chế nêu trên, chúng ta cần làm gì, làm như thế nào để khách đến Cà Mau vào đúng thời điểm, sự kiện nổi bật nhằm có cái để tiếp cận, khám phá...? Người đứng đầu chính quyền tỉnh Cà Mau nêu vấn đề tại hội nghị và cho biết, tỉnh đã có chủ trương cần phải xúc tiến nhanh việc hình thành chương trình “Cà Mau-điểm đến 2021” nhằm phát đi thông điệp truyền thông, quảng bá rộng rãi để mọi người biết đến, tạo cảm hứng để du khách tìm về Cà Mau khám phá, trải nghiệm.

Làm thế nào để đến Cà Mau, khách thập phương chỉ cần vào app thương mại điện tử đặt món hàng mình cần, thanh toán rồi có dịch vụ chuyển hàng về tận nơi mà không phải “tay xách, nách mang” rườm rà. Chúng ta làm được không? - Chủ tịch tỉnh Cà Mau Lê Quân nói rõ và nhấn mạnh: “Đừng để khách mang tiền đến rồi mang tiền về. Đó mới là làm du lịch”.

Đánh thức tiềm năng du lịch Cà Mau -0
Du lịch xuyên rừng “Vườn quốc gia Mũi Cà Mau".

Tại hội nghị, nhiều ý tưởng được nêu lên về các địa điểm, sự kiện nhằm tạo nên điểm nhấn thu hút du khách, như việc tổ chức Ngày hội: Cua Cà Mau; Lấy mật ong rừng U Minh; Thu hoạch cá đồng; Giải marathon vượt rừng (U Minh Hạ hoặc Mũi Cà Mau), Giải đua võ lãi miệt rừng ngập mặn; Vòng quanh Khu sinh thái Sông Trẹm... Theo gợi ý của người đứng đầu chính quyền tỉnh Cà Mau, các địa phương trong tỉnh cần tiến hành nhanh việc “mỗi huyện, thành phố một sự kiện” nhằm kết nối, tạo thương hiệu, sản phẩm, thúc đẩy phát triển du lịch, cả trước mắt và lâu dài.

Cà Mau hiện có hơn 5.000 lực lượng lao động phục vụ trong ngành du lịch; 10 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành; 83 cơ sở lưu trú du lịch (hơn 2.600 phòng); 19 khu, điểm du lịch, trong đó có 14 điểm du lịch cộng đồng. Ba tuyến du lịch chính của tỉnh Cà Mau gồm: Cà Mau-Vườn Quốc gia U Minh hạ-Hòn Đá Bạc; Cà Mau-Khu du lịch sinh thái Sông Trẹm; Cà Mau-Khu du lịch Mũi Cà Mau. Đến nay, tỉnh này đã ký kết chương trình hợp tác phát triển du lịch với TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long; mở rộng quan hệ hợp tác phát triển du lịch với tỉnh Trat (Thái Lan) và tỉnh Khăm Muộn (Lào)… Góp phần đánh thức tiềm năng ngành công nghiệp không khói, đã qua, Cà Mau còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch bằng nhiều hình thức trên các trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội (facebook, fanpage, zalo); gắn phát triển du lịch nông thôn với chương trình “mỗi xã một sản phẩm”…

Đánh thức tiềm năng du lịch Cà Mau -0

Để nâng cao hơn nữa chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch có sức cạnh tranh, xây dựng thương hiệu du lịch Cà Mau… trước mắt, người đứng đầu chính quyền tỉnh gợi ý cần sớm tổ chức: Giải đua vỏ, cano theo hình thức Game show tại huyện Ngọc Hiển; tổ chức “Không gian văn hóa - nghệ thuật” nhằm xúc tiến quảng bá hình ảnh vùng đất, con người Cà Mau vào các tối thứ 6 và thứ 7 tại TP Cà Mau.

Với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu: Sớm tham mưu trình kế hoạch xây dựng chương trình “Cà Mau-điểm đến 2021” nhằm quảng bá thương hiệu hình ảnh đến người dân, để người dân đến tham quan trải nghiệm Cà Mau thông qua các hoạt động du lịch sinh thái, lịch sử, văn hóa, ẩm thực, tâm linh; lên kế hoạch chương trình kích cầu hấp dẫn, tăng cường công tác tập huấn đội ngũ hướng dẫn viên, cán bộ làm công tác du lịch; rà soát vấn đề giao thông, thực hiện theo phương châm xã hội hóa.

Đánh thức tiềm năng du lịch Cà Mau -0
 “Đất Mũi” - một trong những nơi cội nguồn thiêng liêng của dân tộc cuốn hút khách thập phương.

Sở Công thương có trách nhiệm phối hợp Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp hình thành cửa hàng giới thiệu, bán sản phẩm, chú trọng đến các sản phẩm đặc sản địa phương, OCOP, kết hợp bán hàng trực tuyến, tìm các nhà cung cấp đóng vai trò trung gian phân phối với hình thức thương mại điện tử…

Sau cùng, người đứng chính quyền tỉnh đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy lên kế hoạch tổ chức các hoạt động truyền thông cụ thể gắn với các hoạt động du lịch, tạo nền tảng quảng bá thu hút ngày càng nhiều du khách, cả nội địa và quốc tế.