Các hãng hàng không chuẩn bị mở lại đường bay quốc tế ra sao?

NDO -

Thời điểm này, các Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA), Vietjet Air (VJA) hay Bamboo Airways (BBA) đã chuẩn bị khá kỹ lưỡng cho việc mở lại đường bay quốc tế, nhưng cũng mong muốn quy trình kiểm dịch và các thủ tục thuận tiện cho khách nhập cảnh.

Các hãng hàng không chuẩn bị mở lại đường bay quốc tế ra sao?

Trông ngóng “giờ G”

Theo đề xuất của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), hai mốc thời gian mở lại đường bay quốc tế được Bộ đưa ra là vào ngày 15-9 (bay kết nối Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) và ngày 22-9, nối lại đường bay với Đài Loan (Trung Quốc), Lào, Campuchia. 

Đối tượng vận chuyển là nhà ngoại giao công vụ, công dân Việt Nam ở các nước trên có nhu cầu về nước, người Việt đi lao động ở quốc gia này, người nước ngoài chuyên gia trình độ cao sang Việt Nam.

Về việc mở đường bay quốc tế thường lệ, đại diện VJA cho rằng, đã đến lúc Chính phủ cần cho phép mở lại đường bay thường lệ giữa Việt Nam với những nước đã kiểm soát tốt dịch. Mở cửa đi đôi với quản lý chặt chẽ các rủi ro liên quan bệnh dịch.

“Giao thông là mạch máu của nền kinh tế. Việt Nam đã ở giai đoạn hội nhập quốc tế nên hàng không càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, là sự sống còn đối với nền kinh tế của mỗi quốc gia. Do đó, mở lại đường bay quốc tế là mở cửa cho sự phát triển, mở cửa cho hoạt động đầu tư,” đại diện VJA bày tỏ quan điểm.

Nhấn mạnh công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong quá trình khai thác đường bay quốc tế phải bảo đảm tiêu chí hàng đầu là an toàn sức khỏe của hành khách, tổ bay và cộng đồng, VJA khẳng định sẽ tiếp tục tuân thủ chặt chẽ quy định phòng, chống dịch của Chính phủ Việt Nam, Chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế như Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) và Tổ chức Y tế Thế giới (WTO).

Đặc biệt, phi hành đoàn và hành khách bay quốc tế sẽ được đo thân nhiệt trước khi lên máy bay và đeo khẩu trang trong suốt hành trình bay, riêng tổ bay sẽ được trang bị thêm bộ đồ bảo hộ y tế toàn thân. Máy bay sau khi hạ cánh tại Việt Nam cũng phun khử trùng tàu bay và cách ly tổ bay để tăng cường hiệu quả phòng, chống dịch.

Động thái mới nhất là sáng 11-9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19, nghe các bộ, ngành liên quan báo cáo giải pháp cho việc từng bước mở lại đường bay quốc tế sau khi dịch Covid-19 ở Việt Nam cơ bản được kiểm soát.

Thủ tướng khẳng định, Việt Nam đã chỉ đạo bài bản, nhịp nhàng, chủ động đẩy mạnh biện pháp để thực hiện mục tiêu kép. Đến nay, nhịp độ sản xuất kinh doanh bắt đầu sôi động hơn.

Đối với những chuyến bay từ nước ngoài, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu triển khai “từng bước, thận trọng nhưng không quá khắt khe”. 

Khi trạng thái bình thường mới được thiết lập, Thủ tướng lưu ý tiếp tục đề cao cảnh giác, đặc biệt là ngành y tế, các bệnh viện. Đồng ý việc trong tháng 9 sẽ mở một số đường bay thương mại, Thủ tướng nhắc nhở việc quan tâm đặc biệt biện pháp như cách ly, xét nghiệm. Mục tiêu làm sao vừa thuận lợi, vừa chắc chắn, không để tình trạng người nước ngoài vào Việt Nam gây ra ổ dịch mới.

Ngành y tế luôn đề cao trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân trong quá trình này, đồng thời đề xuất biện pháp kịp thời hơn trong điều kiện thực hiện mục tiêu kép.

Theo đại diện VNA cho biết, kể từ khi tạm dừng khai thác thường lệ các đường bay quốc tế vào cuối tháng 3 đến nay, hãng luôn theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch bệnh và bám sát thị trường để có phương án khai thác trở lại mạng bay quốc tế một cách phù hợp, bảo đảm ưu tiên cao nhất phòng, chống dịch bệnh và đáp ứng nhu cầu di chuyển của hành khách.

Với mỗi thị trường, VNA đều có tổ nhân lực chuyên trách theo dõi và xây dựng kế hoạch khai thác để sẵn sàng lên lịch bay, mở bán vé và phục vụ hành khách ngay khi có sự đồng ý của các cơ quan chức năng.

Theo đánh giá của đại diện lãnh đạo VNA, việc chuẩn bị khai thác trở lại các đường bay quốc tế không quá khó khăn do hãng vẫn duy trì hoạt động thường xuyên trên mạng bay quốc tế qua các chuyến bay đưa công dân hồi hương, vận chuyển hàng hóa và chở hành khách một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài.

Đơn cử, từ tháng 4 đến 8 vừa qua, VNA đã thực hiện hơn 80 chuyến bay hồi hương, đưa hơn 24.600 công dân Việt Nam tại gần 30 quốc gia trở về nước. Gần 2.000 chuyến bay chở hàng hóa, thiết bị y tế, khẩu trang, đồ bảo hộ, kit xét nghiệm và nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất đã được thực hiện thành công đến nhiều quốc gia, góp phần bảo đảm giao thương và hỗ trợ công tác phòng, chống dịch trên phạm vi toàn cầu.

Nhằm phục vụ nhu cầu của hành khách từ Việt Nam ra nước ngoài để tiếp tục lao động, học tập và sinh sống, được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền, từ tháng 6 vừa qua, VNA đã khai thác trở lại các đường bay một chiều từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đến Seoul (Hàn Quốc) với tần suất hai đến bốn chuyến/tuần và đến Frankfurt (Đức) với tần suất một chuyến/tuần. Dự kiến từ ngày 18-9, hãng sẽ khai thác trở lại đường bay một chiều từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đến Tokyo (Nhật Bản).

Cần có bộ quy trình phối hợp tổng thể

Để hỗ trợ các hãng hàng không trong việc mở lại đường bay quốc tế, VNA mong muốn Chính phủ có một đơn vị đầu mối chủ trì với các bộ, ban, ngành liên quan nhằm thống nhất được bộ quy trình phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hàng không và hành khách bởi đây là vấn đề mang tính hệ trọng của đất nước khi vừa phải mở cửa nền kinh tế, vừa phải bảo đảm phòng, chống dịch.

Các hãng hàng không chuẩn bị mở lại đường bay quốc tế ra sao? -0
 

Trong đó, hãng kiến nghị quy định của các bộ, ngành cần đơn giản, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện, bao phủ hết các lĩnh vực để các cơ quan chức năng, hãng hàng không và hành khách có thể hiểu và thực hiện nhất quán.

“Đặc biệt, quy trình kiểm dịch phải bảo đảm khách nhập cảnh không mang mầm bệnh vào cộng đồng nhưng thủ tục cũng phải nhanh chóng, đơn giản, thuận tiện để tránh trường hợp khách có nhu cầu nhưng ngại bay do thủ tục rườm rà, phức tạp, mất thời gian, tiền bạc”, đại diện VNA cho hay.

Ngoài trách nhiệm của hãng hàng không là bảo đảm an toàn trong mọi khâu dịch vụ từ mặt đất đến trên máy bay, VNA cũng kiến nghị các cảng vụ xây dựng và duy trì môi trường an toàn ở sân bay để hành khách yên tâm đi lại bằng các quy định như giữ khoảng cách tối thiểu, thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe để hạn chế nguy cơ lây nhiễm...

Liên quan đến việc bảo đảm an toàn khi mở lại sáu đường bay thương mại quốc tế, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, về nguyên tắc là mở đường bay tới các nước đã kiểm soát dịch khá tốt và tương đồng với Việt Nam, xuất phát từ yêu cầu của thị trường quốc tế, yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của các nước, tinh thần là vẫn phải bảo đảm “mục tiêu kép” mà Thủ tướng đã đề ra. Do vậy, việc mở đường bay phải thận trọng, mở dần từng bước và đúc kết kinh nghiệm để triển khai.

Thông tin thêm, Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường cho hay, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ thống nhất mở lại đường bay quốc tế từ 15-9 và đã bàn kỹ các phương án để bảo đảm an toàn cho người dân.

“Các biện pháp cách ly đã được tính toán kỹ, chúng tôi tin tưởng sau khi mở đường bay, chúng ta vừa bảo đảm an toàn cho người dân về vấn đề cách ly, vừa phát triển, tránh đứt gãy nền kinh tế”, Thứ trưởng Trương Quốc Cường khẳng định.

Hiện nay, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 bàn kỹ phương án nhằm bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch khi Việt Nam mở lại một số đường bay quốc tế vào ngày 15-9, trong đó đặt ra yêu cầu xem xét tổng thể các loại hình xét nghiệm và thảo luận về phương án kiến nghị thực hiện xét nghiệm ngay tại sân bay như một số nước.