Cà-phê Việt một lần nữa được vinh danh trên CNN

NDO -

NDĐT- Mới đây, trong một bài viết đăng trên CNN với tựa đề "Why the world is waking up to Vietnamese coffee" (Tạm dịch: Vì sao thế giới thức tỉnh với cà-phê Việt", cà-phê Việt Nam đã được giới thiệu như một thức uống phổ biến với nhiều cách pha chế khác nhau.

Cà-phê Việt một lần nữa được vinh danh trên CNN

Việt Nam là nước đứng thứ hai thế giới về sản xuất cà-phê, chỉ sau Brazil. Vì vậy, nó đã trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống của người Việt. Tại các đô thị lớn sầm uất như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh - dù không trồng được cà-phê, nhưng lại có nhiều món ngon và độc đáo từ cà-phê, với điểm chung là những quán “cóc” vỉa hè, xe đẩy cà-phê... khá thú vị trong mắt du khách.

Trên đường phố châu Âu hoặc Mỹ, chúng ta rất dễ bắt gặp những cửa tiệm sang trọng ngập đầy ánh sáng và mùi bánh thơm phức lẫn với hương cà-phê. Nhưng ở Việt Nam, thói quen uống cà-phê lại trở nên bình dân, giá thành lại rẻ.

Với người Việt, cà-phê không chỉ là thứ mang lại năng lượng trong cuộc sống, mà còn là một phong cách sống đặc trưng. Cà-phê giúp chúng ta kết nối các mối quan hệ từ gia đình đến công việc, bạn bè. Người Việt rất thích tụ tập, tán gẫu ở quán cà-phê, vào bất kể thời điểm nào trong ngày. Người già đọc báo, người trẻ lướt điện thoại, làm việc với máy tính xách tay, hoặc nói chuyện huyên náo và bên cạnh thường là cốc cà-phê. Những thương hiệu cà-phê nổi tiếng ở thành thị luôn kín khách vào dịp cuối tuần, đó còn là điểm hẹn lý tưởng cho các gia đình.

Trong bài viết này, tác giả cũng nhắc đến bốn loại thức uống được làm từ cà-phê, có hương vị thơm ngon đặc biệt và phổ biến tại Việt Nam, đó là cà-phê muối, cà-phê trứng, cà-phê cốt dừa và sữa chua cà-phê. Cà-phê trứng của Việt Nam nổi tiếng đến mức lọt vào danh sách những món cà-phê độc đáo của thế giới. Nó được làm từ cà-phê đen với hỗn hợp lòng đỏ trứng gà, đường sữa đánh bông. Nhấp một ngụm nhỏ, vị đắng của cà-phê sẽ xen lẫn với các tầng vị ngọt, béo của lòng đỏ trứng.

Cà-phê trứng - một đặc sản của Thủ đô với phần bọt xốp trên cà-phê Việt Nam đậm đặc. Món này có hai phiên bản: nóng và lạnh. Khi uống lạnh, cà-phê được pha chế trong một cốc thủy tinh, ăn bằng thìa và có vị như kem - giống món tráng miệng hơn là đồ uống. Khi uống nóng, cà-phê được cho vào một bát nước sôi để giữ nhiệt. Cà-phê đặc từ đáy cốc thấm lên lớp trứng phía trên, tạo vị ngọt đậm đà nhưng không quá gắt.

Ở các nước phương Tây, hay Nhật Bản, Hàn Quốc... bạn vẫn có thể tìm thấy đồ ăn Việt Nam dù ít và đắt đỏ, song cà-phê trứng lại là món vô cùng hiếm trên bản đồ văn hóa ẩm thực thế giới.

Đối với nhiều vị khách lần đầu đặt chân đến Việt Nam, ly cà-phê trứng giá chỉ 30.000 đồng ở một quán nhỏ, mộc mạc, nằm trong con ngõ nhỏ trên phố Hà Nội lại là thứ khiến họ bất ngờ, ấn tượng và sẵn sàng dành tặng mỹ từ "tuyệt vời" sau khi nếm thử.

Cà-phê cốt dừa nằm giữa ranh giới của đồ uống và tráng miệng, bởi nó vừa có espresso, sữa đặc và cốt dừa. Vị ngọt béo của dừa không làm mất đi sự đậm đà của cà-phê. Vị thơm lừng của cà-phê, béo ngậy của cốt dừa hòa quện khó quên. Cà-phê cốt dừa không đậm vị như cà-phê sữa, đắng như cà-phê đen hay nhiều sữa như bạc xỉu, mà được biến tấu khéo léo dành riêng cho những người thích sự nhẹ nhàng, khiến nhiều khách nước ngoài vô cùng thích thú.

Cà-phê muối dù mới chỉ ra đời cách đây sáu đến bảy năm, nhưng đã trở thành đặc sản trong lòng nhiều người Huế. Một cốc cà-phê muối được phục vụ rất đơn giản, chỉ với một chút sữa lên men với muối, một phin cà-phê nhôm truyền thống, một chút đá dành cho những ngày nắng gắt của xứ miền trung.

Sữa chua cà-phê không còn lạ lẫm với nhiều thực khách "sành" cà-phê. Nhiều người thích mùi hương cà-phê nhưng ngần ngại bởi vị đắng thì món thức uống chua chua, ngọt dịu, thanh mát với vị đắng của cà-phê hòa lẫn vào nhau chắc chắn sẽ là món "tủ" cho bạn, giúp bạn tỉnh táo, "đánh bay" cơn buồn ngủ mà không cảm thấy quá khó chịu với vị đăng đắng. Bên cạnh đó, sữa chua cũng có lợi cho sức khỏe, giúp làn da trở nên đẹp hơn.