Vâng, thì sao?

Hai cuối tuần liền tôi phải ra đường để xem các bạn Pháp biểu tình chống bạo lực cảnh sát và phân biệt chủng tộc. Gọi là xem cho nhẹ từ chứ thực chất tôi muốn hiểu các bạn ấy chống vì nghĩ Pháp có phân biệt chủng tộc hay vì muốn ủng hộ Mỹ. Cũng như mọi cuộc biểu tình, lúc đầu là ôn hòa, sau là hò hét, sau nữa là khiêu khích cảnh sát và đập phá cái gì đó. Pháp hiền hơn Mỹ, hoặc người Pháp cũng điệu đà nên trò đập phá dù năm ngoái có diễn ra, nhưng không ồ ạt và đáng buồn như những gì đang thấy ở Mỹ. Năm nay chỉ thấy đập sọt rác, ném ô-tô, chưa thấy (lạy trời) điều gì quá bạo lực!

Biểu tình chống bạo lực cảnh sát và phân biệt chủng tộc tại Paris (Pháp), ngày 2-6-2020. Ảnh: REUTERS
Biểu tình chống bạo lực cảnh sát và phân biệt chủng tộc tại Paris (Pháp), ngày 2-6-2020. Ảnh: REUTERS

Pháp cũng không có người da đen nào bị ghè cổ đến chết, chỉ là một thanh niên trong quá trình bị cảnh sát rượt đuổi do có liên đới tới một vụ tống tiền, đã bị sốc tim (có bệnh tiền sử) và chết sau đó khi đã bị còng tay về đồn. Gia đình cậu kiện cảnh sát đã không hỗ trợ cậu kịp thời dẫn đến tử vong. Kiện đi kiện lại, suốt từ năm 2016 mà vẫn chưa ngã ngũ. Và lần này, cậu là lý do để người Pháp xuống đường, gộp luôn với chuyện bên Mỹ, thế là thành chống bạo lực cảnh sát và phân biệt chủng tộc.

Sống ở Pháp cũng kha khá năm, tôi vẫn chưa thật sự trả lời được câu hỏi phân biệt chủng tộc đang diễn ra ở Pháp như thế nào. Tôi chưa thấy có luật nào của Pháp mà người da đen sống hợp pháp ở đây không được hưởng. Tôi cũng chưa thấy con tôi và bạn bè chúng chia bè kết phái kỳ thị bạn bè da đen nào cùng lớp. Khu phố tôi ở có tòa nhà cao đẹp nhất phố, hằng ngày thấy gia đình cả chục người da đen ra vào, đứng lố nhố gọi nhau í ới, hỏi ra thì họ được chính phủ hỗ trợ cho thuê nhà giá rẻ ở đây. Mà cái căn nhà giá rẻ ấy, lại do một người giàu mua, rồi giao cho Tòa thị chính trong vòng 15 năm để thuê lại cho người nghèo. Tóm lại, tôi vẫn chưa tìm ra hết mọi trạng thái của cái gọi là kỳ thị, là nguyên nhân của sự xuống đường.

Nhưng chắc chắn nó có, mà chỉ những người trong cuộc mới cảm nhận sâu xa hết được.

Rồi tôi thấy trên mạng xã hội nhiều người cùng ồ ạt lên án cái gọi là kỳ thị chủng tộc, giống như chúng ta chưa bao giờ nhìn thấy sự kỳ thị, hoặc chưa hề kỳ thị ai.

Điều này khiến tôi nhớ khi còn bé, lúc khai vào sơ yếu lý lịch, nhiều lần tôi mếu máo và dứt khoát đề quê quán: Hà Nội. Đúng quá rồi còn gì, tôi đẻ ở Viện C, mẹ tôi đẻ ở Hà Nội, bố tôi đẻ ở Hà Nội, cụ tôi, ông tôi đẻ ở Hà Nội, ông bà bốn bên của tôi đều làm việc ở Hà Nội, chả có lý do gì tôi lại thành “con nhà quê” nếu đề nguyên quán Ninh Bình như bố đề nghị. Bố tôi thì khác, dù sinh ở Hà Nội bố tôi vẫn đề nguyên quán Ninh Bình là quê ông nội tôi. Bố tôi tha thiết với quê nội lắm dù thời gian về quê cũng chẳng được bao lần. Suốt thời thơ ấu, mỗi đầu năm học khai sơ yếu lý lịch là một lần tôi đấu tranh, thường là hạ bút, nguyên quán Hà Nội. Cũng bình thường, dù người Hà Nội ở những năm 80 thế kỷ trước đa số là người nhập cư sau năm 1954, ấy vậy mà khai tỉnh khác, là y như rằng thể nào cũng có lúc bị cười cười khi hỏi quê đâu?

Sau này khi lớn, tôi lại tiếp tục thắc mắc sao lại phải đề dân tộc gì trong tờ khai lý lịch? Kinh khác gì Tày, khác gì Dao hay H’Mông? Hàng xóm nhà tôi có ông Cư Hòa Vần, học trò bố tôi có cô Linh Bích Thu, học trên khóa tôi có chị Lô Thủy, Ma Bích Việt, trong nhiều câu chuyện khi nhắc đến họ, thường hay nghe “dân tộc mà khôn lắm, ngố khối ý”.

Vậy là thật ra sự kỳ thị tưởng không tồn tại, mà tồn tại đến mức người ta quen với nó quá, đến mức không đặt câu hỏi về nó nữa. Từ trạng thái không thích có tính chất cá nhân, đến phân biệt một cách công khai trên hệ thống hành chính. Nhưng sự phân biệt đó được lý giải theo nhiều cách khác, để giảm nhẹ và biện hộ, đến mức không ai bận tâm và khi thấy ở đâu đó có phân biệt chủng tộc, thì bèn rất bất bình.

Năm tôi 18 tuổi, đi làm chứng minh nhân dân, lần đầu tiên tôi đặt bút viết nguyên quán: Ninh Bình. Tôi lâng lâng mất cả tuần, thế là từ nay tôi từ con gái Hà Nội bước vào đội ngũ Gái quê. Tôi thấy như mình mất đi một giá trị, không thể nói là đã không có cảm xúc tiếc nuối.

Một cách có ý thức, chúng ta luôn nói và phản đối phân biệt chủng tộc vì chúng ta nghĩ điều ấy xấu, nó đi ngược lại sự tiến bộ của loài người nhưng trong đời sống, đôi khi chúng ta lại rất cổ súy - một cách vô thức.

Tôi có bạn là họa sĩ Đinh Thị Thắm Poong, rất nhiều lần tôi được nghe giới thiệu “Họa sĩ Thắm Poong là người Tày nên trong màu sắc của cô có sự hồn nhiên...”. Ơ hay, đã ai hỏi về chủng tộc của cô ấy đâu? Sao không là lớn lên ở Tây Bắc nên thiên nhiên và văn hóa vùng cao đã...

June Hạnh, Alice Phạm, Alain de Lê, tôi thấy nhiều bạn sinh viên khi đi ra nước ngoài bèn vội vàng tìm cho mình một cái tên để người bản xứ dễ đọc. Thậm chí nhiều bạn ở trong nước cũng có trào lưu này. Cái lạ là điều này chỉ xảy ra đối với người Á đến với Âu, mà không ở hướng ngược lại. Trong khi người Việt có thể đọc Awasaki, Julie, Charles, Christof... thì lại rất lo lắng người nước ngoài không phát âm nổi tên mình. Thế là vô thức, ta dung túng cho sự phân biệt bằng chính việc xóa đi sự khác biệt về nguồn gốc, sắc tộc của mình.

Phân biệt chủng tộc, kỳ thị sắc tộc, tôn giáo, chính trị... là một phạm trù khá rộng mà các biểu hiện của nó rất đa dạng. Phân biệt giữa người da trắng và da đen là thứ dễ nhìn thấy nhất, như đêm và ngày nên người ta có thể lên tiếng một cách ồn ào và coi đó như thái độ của người nhân văn, tiến bộ. Nhưng với nhiều dạng phân biệt khác thì người ta lại lý giải như một sở thích, thói quen mà về bản chất đều là sự phân biệt, không khác.

Chống sự kỳ thị và phân biệt chủng tộc cũng phức tạp và đa dạng trong hành xử không khác gì chính sự phân biệt và kỳ thị. Chẳng phải vì thế mà từ hàng thế kỷ nay, nhân loại vẫn đi từ cuộc đấu tranh chống kỳ thị này sang cuộc chống kỳ thị khác.

Để đạt sự tiến bộ là cả một quá trình trải nghiệm và thay đổi nhận thức của mỗi cá nhân, trong những câu chuyện đời sống rất gần, đôi khi bắt đầu chỉ đơn giản từ việc khai nguyên quán, giữ lại cái tên.

Nguyễn Mỹ Linh nguyên quán Ninh Bình, vâng thì sao nào?

Vâng, thì sao? ảnh 1

Biểu tình tại thành phố Nantes (Pháp) ngày 8-6-2020, chống bạo lực cảnh sát dẫn đến cái chết của George Floyd ở Mỹ. Ảnh: REUTERS